Nhà nước liên minh Nga – Belarus: Đường vẫn còn dài

Tư liệuThứ Sáu, 19/11/2021 08:30:00 +07:00
(VTC News) -

Lãnh đạo Nga - Belarus ký sắc lệnh hợp nhất nhà nước liên minh, một trong những nỗ lực nhằm hiện thực hóa thỏa thuận giữa hai nước từ năm 1999.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ngày 4/11 đã đồng chủ trì cuộc họp Hội đồng Nhà nước tối cao của Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, được tổ chức trực tuyến.

Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã ký sắc lệnh phê chuẩn chương trình của Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, đồng thời thông qua "Học thuyết quân sự của Nhà nước Liên minh”.

Nhà nước liên minh Nga – Belarus: Đường vẫn còn dài - 1

Tổng thống Belarus và Tổng thống Nga tham dự họp báo. (Ảnh: Reuters)

“Nhà nước Liên minh” là gì, bắt đầu từ đâu?

Hiệp ước thành lập Nhà nước Liên minh giữa Nga và Belarus được ký vào ngày 8/12/1999, nhưng các chi tiết mãi không được hoàn thiện trong nhiều năm sau. Thỏa thuận lúc bấy giờ kêu gọi hai bên hợp tác trong đối ngoại, quốc phòng, các chính sách xã hội và kinh tế, với mục tiêu thiết lập một nghị viện chung và một đồng tiền chung trong tương lai.

Theo các nhà phân tích, ý tưởng thành lập nhà nước liên minh diễn ra trong bối cảnh Nga nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trong không gian hậu Xô viết, bên cạnh mong muốn tái tạo liên minh các quốc gia độc lập từng là một phần của Liên Xô.

Sau khủng hoảng Ukranie năm 2014, sự tập trung của Nga đã chuyển sang dần hiệp ước liên minh với Belarus. Tuy nhiên, trong khi Moskva thúc đẩy các cuộc đối thoại về việc thành lập một liên minh nhà nước duy nhất, Minsk lại có những lo ngại riêng trong mối quan hệ với phương Tây khiến việc thực hiện hiệp ước một cách đầy đủ gặp nhiều trở ngại.

Nhà nước liên minh Nga – Belarus: Đường vẫn còn dài - 2

So sánh Belarus và Nga, số liệu theo ORF, năm 2020. 

Về mặt địa lý, Belarus là một điểm trung chuyển quan trọng giữa Nga và châu Âu, nằm trên đường ống dẫn dầu lớn nhất thế giới Druzhba nối từ Nga sang Tây Âu. Moskva cũng cung cấp khoảng 33 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu thông qua đường ống Yamal-châu Âu, đi qua Belarus.

Mối quan hệ năng lượng này đặt ra bài toán doanh thu lớn cho cả Nga và Belarus. Và Minsk không có nhiều lựa chọn để thương lượng.

Dù Belarus nhập khẩu thêm dầu thô từ các nguồn khác để đa dạng hóa nguồn cung cấp, phương án này tốn kém hơn rất nhiều. Nhập dầu trợ giá từ Nga vẫn là lựa chọn khó từ chối. Tuy nhiên gần đây, Nga không còn sẵn sàng tiếp tục trợ giá dầu cho Belarus vô thời hạn khi không tìm thấy lợi ích chính trị và chiến lược đáng kể.

Trong suốt hai thập kỷ, nhiều khác biệt vẫn còn tồn tại giữa hai nước. Cuối năm 2018, các nhóm công tác đặc biệt của hai bên đã vạch ra 31 lộ trình tầm nhìn nhà nước liên minh, trong đó, 21 điểm được chọn ra và thống nhất vào tháng 11/2019. Những lộ trình này chủ yếu giải quyết các vấn đề về thị trường dầu khí chung, thị trường vận tải, sản xuất, nông nghiệp, v.v...

Sắc lệnh mới phê chuẩn gồm những gì?

"Tài liệu này bao gồm 28 chương trình của Liên minh, được thiết kế để thúc đẩy một chiến lược kinh tế vĩ mô phối hợp, đưa ra các nguyên tắc thống nhất về thuế cực kỳ quan trọng, thực hiện một chính sách chung trong lĩnh vực tín dụng, tài chính và ngân hàng, trong công nghiệp và nông nghiệp, hài hòa các quy định cho thị trường dầu, năng lượng, khí đốt, điện và dịch vụ vận tải", ông Putin nói trong cuộc họp.

Ông nói thêm: “Bằng cách thực hiện các chương trình tích hợp này, Nga và Belarus có thể tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng và thống nhất".

Ông Lukashenko gọi đây là "một bước quan trọng khác trên con đường xây dựng liên minh".

Bên cạnh đó, lãnh đạo hai nước cũng thông qua Học thuyết quân sự chung, tăng cường phối hợp chính sách quốc phòng. Hai bên xác định lãnh thổ Nhà nước Liên minh bao gồm toàn bộ lãnh thổ được quy định theo luật của các quốc gia thành viên, qua đó khẳng định Crimea là bộ phận của Nga.

Nhà nước liên minh Nga – Belarus: Đường vẫn còn dài - 3

(Ảnh minh họa)

Đường vẫn còn dài

Dù đã được thảo luận trong một thời gian không nhỏ, có nhiều ý kiến cho rằng chương trình nhà nước liên minh mới được phê chuẩn của Nga-Belarus mang nhiều ý nghĩa thỏa hiệp và chưa cố gắng thúc đẩy những thay đổi bước ngoặt.

Trong suốt quá trình các cuộc đàm phán về chương trình hòa nhập của hai nước diễn ra, đã luôn có những tranh cãi về việc Belarus có thể trở nên phụ thuộc quá mức vào người hàng xóm lớn, hoặc Nga có thể không giành được lợi ích tương xứng với những gì bỏ ra. Những mâu thuẫn chính lộ diện trong những năm gần đây, đối với Moskva là vấn đề về thuế và quy định hải quan, còn Minsk là các điều khoản hợp tác năng lượng và khả năng tiếp cận thị trường Nga.

Chương trình Nhà nước Liên minh mới được phê chuẩn đề cập đến tất cả những vấn đề này, cho thấy hai bên sẵn sàng nhượng bộ và hợp tác. Song thời gian để cụ thể và hiện thực hóa những thỏa thuận này có thể kéo dài, với khoảng trên 400 đạo luật, quy định liên quan cần triển khai trong thời gian tới, theo Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin.

Điều này cho thấy có thể những ưu tiên thực sự của Nga và Belarus đã thay đổi, hoặc ít nhất thay đổi trong thời điểm hiện tại. Với căng thẳng giữa Belarus với phương Tây, việc hợp tác với Nga bên cạnh nỗ lực duy trì tình hình ổn định trong nước sẽ có lợi hơn cho Minsk.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, việc hai bên kí kết các văn kiện ở cấp độ cao nhất khẳng định Moskva vẫn đang tìm kiếm một sự hội nhập sâu và riêng biệt hơn với Minsk, ngoài tư cách thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu. Bên cạnh đó, Nga sẽ khó từ bỏ mong muốn phát triển mối quan hệ lên trên mức đồng minh chính trị và quân sự, nếu xem xét tầm quan trọng địa chính trị mà điện Kremlin nhìn nhận nước láng giềng.

Phương Anh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp