Nhà mạng cung cấp OTT: Bài toán khó

Kinh tếThứ Tư, 26/03/2014 07:40:00 +07:00

(VTC News) – Việc các nhà mạng làm thế nào cân bằng với dịch vụ truyền thống nếu nhẩy vào kinh doanh dịch vụ OTT vẫn là câu hỏi lớn.

(VTC News) – Trong khi Viettel công bố sẽ mua một công ty OTT, việc MobiFone và VinaPhone tham gia thị trường này bằng cách nào vẫn là ẩn số thì việc các nhà mạng làm thế nào cân bằng với dịch vụ truyền thống nếu nhẩy vào kinh doanh dịch vụ OTT vẫn là câu hỏi lớn.


Sau khi thông tin MobiFone gửi công văn lên Bộ Thông tin và Truyền thông về dự kiến cung cấp dịch vụ OTT, đại diện của nhà mạng này nói với giới truyền thông, OTT là một xu hướng mới nên công ty này cần chuẩn bị trước các điều kiện cần thiết và việc đề xuất với cơ quan quản lý là một trong số đó.

Tuy nhiên, lãnh đạo của MobiFone cho biết, nhà mạng này chưa thể tiết lộ các kế hoạch chi tiết và từ chối trả lời sẽ mua OTT hay tự phát triển một ứng dụng riêng.
VinaPhone cũng đang dự kiến cung cấp OTT
VinaPhone cũng đang dự kiến cung cấp OTT 

Về việc dự kiến cung cấp dịch vụ OTT, MobiFone có hợp tác với những ứng dụng khác trên thị trường hay không, ông này nói: “Đó là 2 quá trình song song và không ảnh hưởng tới nhau. Hợp tác với các OTT đang có trên thị trường cũng giúp chúng tôi tăng thêm doanh thu”.

Trong khi đó, đại diện VinaPhone cũng tiết lộ về kế hoạch sẽ cung cấp dịch vụ OTT với 2 lựa chọn: Mua một ứng dụng trên thị trường hoặc tự phát triển. Nguồn tin từ nhà mạng này cho biết, việc mua một OTT là nhắm tới cộng đồng lớn của những ứng dụng này và những nhu cầu mới của người dùng đang tăng trưởng mạnh trên đó.

Tuy nhiên, VinaPhone sẽ có khó khả năng mua các OTT lớn như Viber, Kakao Talk, hay Line… bởi “chúng có giá tới hàng tỷ USD và thủ tục mua cũng rất phức tạp”.

“Chúng tôi có thể sẽ lựa chọn một OTT nhỏ trên thị trường và tiến hành đàm phán.Trong trường hợp khác, VinaPhone tự phát triển một ứng dụng riêng và cung cấp dịch vụ cho khách hàng của mình”, ông này tiết lộ.
Trước đó, Viettel tuyên bố OTT là một xu hướng mới và dự kiến mua một công ty sở hữu ứng dụng này.

Tân Tổng giám đốc Viettel – ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc mua một công ty OTT là cách nhanh nhất để học hỏi cách thức sáng tạo mới, góp phần đẩy nhanh sự đổi mới của Viettel.

Thậm chí, người đứng đầu Viettel còn tiết lộ, nếu mua được công ty OTT thì đơn vị này sẽ được đứng riêng biệt và cạnh tranh với chính Viettel Telecom – con gà đang đẻ trứng vàng của tập đoàn này tại Việt Nam.

Bên cạnh dự kiến mua công ty OTT, Viettel cũng nghiên cứu, phát triển một ứng dụng tương tự nhưng không đưa ra thị trường. Đại diện của tập đoàn này khẳng định: “OTT là một xu hướng công nghệ mới góp phần tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành viễn thông và không thể cản được”.

Bài toán khó của nhà mạng?

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực giá trị gia tăng trên Internet, việc mạng di động cung cấp OTT để cạnh tranh với các công ty chuyên làm các ứng dụng này là chưa từng có tiền lệ. Thêm vào đó, nhà mạng sẽ khó có nguồn lực phù hợp để phát triển và vận hành các OTT có chất lượng đủ tốt. Đây là chưa kể đến việc họ vẫn còn loay hoay với bài toán làm mạnh OTT trong nội bộ thì sẽ tính sao với dịch vụ truyền thống là thoại và SMS của chính mình – nơi đang là “nồi cơm” chính..

Trong khi đó, với việc Zalo đã vượt mốc 10 triệu người dùng (tăng 10 lần sau 1 năm – kể từ khi đạt 1 triệu vào tháng 3/2013), Viber cũng đạt mốc tương tự và Line cũng đạt khoảng 5 triệu, khả năng cạnh tranh của đối thủ mới trên thị trường khá thấp.

Trên thực tế, dù đã đạt được hơn 2 triệu người dùng và có kinh nghiệm phát triển toàn cầu với gần 200 triệu người dùng, Kakao Talk đã âm thầm rời Việt Nam khi biết cuộc chơi OTT đã an bài.

Thực tế, dù có dự kiến sẽ cung cấp OTT nhưng việc MobiFone, VinaPhone sẽ cung cấp như thế nào vẫn chưa được xác định bởi sản phẩm mà họ tự phát triển hoặc hợp tác với những công ty nhỏ chắc chắn sẽ không thể tốt như Zalo, Line, hay Kakao Talk. Còn việc mua một ứng dụng OTT đủ sức cạnh tranh thì sẽ không đủ tiền bởi nó có giá hàng tỷ USD.

Đây là chưa kể đến việc có OTT tốt rồi, kế hoạch quảng bá của họ sẽ ra sao cũng là một câu hỏi lớn.

“Sẽ phải quảng cáo thế nào khi phải chi cả triệu USD để quảng bá cho SMS và gọi miễn phí, trong khi đó ở dịch vụ khác lại quảng cáo, không cần dùng khuyến mại đó đâu, tôi cho miễn phí SMS và gọi điện mãi mãi à? Đó thực sự là một bài toán đau đầu”, một cựu lãnh đạo của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông nhận xét.


Hoài Thư


Bình luận
vtcnews.vn