Nhà khoa học Việt và ý tưởng thành phố… trên không!

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 12/12/2010 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Ô Minh đã vẽ ra một thành phố mà ông gọi là “Thành phố thiên niên kỷ”. Theo ông, đây sẽ là thành phố cuối cùng của loài người vì nó quá hoàn hảo.

(VTC News) - Ô Minh đã vẽ ra một thành phố mà ông gọi là “Thành phố thiên niên kỷ”. Theo ông, đây sẽ là thành phố cuối cùng của loài người vì nó quá hoàn hảo.

Tại Hội chợ công nghệ và thiết bị thủ đô 2010, nhà khoa học già Lê Quý Minh giới thiệu 2 “công trình khoa học” mang tên “Vòi tưới cây chuyên dụng tự nhiên” và “Chương trình chinh phục sa mạc Sahara – Atacama – Ninh Thuận, Bình Thuận – Việt Nam”. Đó là hai giải pháp mà theo ông Minh nó mang tầm cỡ thế giới, hiệu quả hơn các giải pháp mà các nhà khoa học hàng đầu thế giới đưa ra!

Vòi tưới cây tự nhiên!

Trong giải pháp mang tên “Vòi tưới cây chuyên dụng tự nhiên”, điều đáng chú ý là không cần bộ lọc, bộ nén, mà vẫn sử dụng phương pháp tưới cổ truyền.

Ông Minh cho biết: “Với giải pháp của tôi, toàn dân có thể dùng nước sạch để tưới cây. Nông dân không phải gánh nước, mà một người có thể phục vụ diện tích vài chục ngàn mét vuông. Vệ sinh gia súc cũng không cần dùng máy bơm hỗ trợ lực đẩy nước mà dùng sức ép của nước bể từ trên cao”.

Mô hình giải pháp “Vòi tưới cây chuyên dụng tự nhiên” bằng hình vẽ. 
Giải pháp “Vòi tưới cây chuyên dụng tự nhiên” đang hoạt động. 

Giải pháp công nghệ của ông có thể áp dụng ở tất cả các trang trại, vùng đồi chè, hồ tiêu, cà phê… Cánh đồng xã, thôn do doanh nghiệp, tổ dịch vụ hoặc do huyện, xã tổ chức xây dựng tháp nước, ống dẫn nước, đồng hồ… để bán nước tưới cho các hộ nông dân tưới cây giống như cấp nước sinh hoạt ở trong thành phố.

Như vậy, các hộ nông dân nghèo cũng được hưởng lợi ích của công nghệ mới, có nước sạch để tưới rau, cây ăn quả để bán cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Ưu điểm của công nghệ này là thiết bị đơn giản, dễ áp dụng, rất rẻ tiền mà công nghệ cao…

Xử lý sa mạc

Ngày 12/8/2009, tình cờ ông Minh đọc trên báo An ninh thế giới bài “Bức tường khổng lồ chặn cát sa mạc”. Theo đó, tại hội nghị uy tín quốc tế mang tên Ted Globar của trường Đại học Oxford, các nhà khoa học đã có sáng kiến xây dựng tại sa mạc Sahara một bức tường khổng lồ dài 6.000km để ngăn cản dòng cát dịch chuyển từ phía Nam của châu Phi…

Ông Lê Quý Minh bên mô hình chống sa mạc di chuyển mà ông cho rằng đó là công nghệ đặc biệt nhất thế giới. 

Ông Minh cho rằng, sáng kiến xây dựng tại sa mạc Sahara một bức tường khổng lồ dài 6.000km để ngăn cát là tối kiến, phản khoa học. Nếu tiến hành xây dựng, sẽ rất tốn kém mà hiệu quả của việc xây dựng chẳng được là bao, thậm chí, cách làm đó còn phạm sai lầm rất lớn là phá hoại môi trường sinh thái sa mạc Sahara.

Ông Minh đã viết ra “công trình khoa học” mang tên “Chương trình chinh phục sa mạc Sahara – Atacama – Ninh Thuận, Bình Thuận – Việt Nam”. Theo đó, công trình này sẽ vô hiệu hóa hiện tượng chuyển dịch của những đồi cát.

“Cách làm của họ mang tính đối đầu, cách làm của tôi là thân thiện, vô hiệu hóa bão cát, sử dụng bão cát gây mưa. Cụ thể, phát minh, sáng chế của tôi là xây dựng dốc – đập – kè để đón và đẩy gió lên cao, lên rất cao, sẽ có mưa. Không có bão gió bay ngang, tất nhiên cát sẽ đứng yên chờ nước” – ông Minh mô tả.

Theo ông Minh, phía sau hệ thống dốc – đập – kè, con người có thể thăm dò và khai thác các loại khoáng sản, xây dựng thành phố, trồng cây… Nước Mỹ và Nga có thuận lơi nhất để tham gia vì có phương tiện vận tải trên không hiện đại, có thể đưa sắt thép, ximăng, nước đến những nơi xa xôi của sa mạc để xây dựng hệ thống dốc – đập – kè để đón gió, bão.

Ông Minh mong muốn Liên Hợp quốc và các chính phủ trên hành tinh ủng hộ và thẩm định ngay phát minh của ông để đưa vào áp dụng càng sớm càng tốt.

Ông Minh khẳng định: “Tôi có kỳ vọng mang công nghệ đặc biệt, mới nhất thế giới này đi đầu tư ở nước ngoài và mong muốn của tôi là người đầu tiên ở Việt Nam nhận được giải Nobel cùng 1 triệu đô-la Mỹ và thu về hàng ngàn héc-ta sa mạc cho Việt Nam”.

Thành phố thiên niên kỷ

Ô Minh đã vẽ ra một thành phố mà ông gọi là “Thành phố thiên niên kỷ”. Theo ông, đây sẽ là thành phố cuối cùng của loài người vì nó quá hoàn hảo.

Việc xây dựng những ngôi nhà trong thành phố không cần… đất. Theo đó, những ngôi nhà sẽ cao 11 tầng, tầng một là hệ thống đường nhựa. Ban công tầng 2 cũng là đường. Mỗi căn phòng rộng 60m2, hình thức giống nhau. Khi đó, người dân có thể trao đổi nhà để đi làm gần, tránh ách tắc giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại…

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả thành phố thiên niên kỷ. 

Nhà nước quy hoạch khu nhà ở cho cán bộ công nhân viên chức ở gần cơ quan, xí nghiệp để giảm mật độ phương tiện giao thông đi lại.

Các đường trong “Thành phố thiên niên kỷ”chạy thẳng, ngang, dọc, và vòng tròn, nhưng cùng hướng vào một tâm như mạng nhện. Giữa các phố là vườn môi trường, đồng thời là nơi sinh hoạt ngoài trời của người dân thành phố như thể dục thể thao, nghỉ mát, giải trí hoặc siêu thị mua sắm…

Tương tự như nhà sàn, toàn thành phố cao hơn mặt đất khoảng 7m. Từ tầng 2 đến tầng 11 là các phòng làm việc, sinh hoạt của mọi người, có trụ sở chính quyền, trường học, công ty, khách sạn…

Tầng 2 có 2 đường bê tông ở ban công dành riêng cho xe taxi phục vụ mọi người đi lại dễ dàng hơn. Nếu ai thích đi phương tiện khác thì “tụt” xuống tầng 1. Sàn nhà tầng một là đường nhựa, ưu tiên cho ôtô điện, xe buýt, xe ôm, xích lô…không dùng tàu điện ngầm.

Mô hình "Thành phố thiên niên kỷ" bằng hình vẽ. 
 
 
Ông Minh đã đưa ý tưởng “Thành phố thiên niên kỷ” áp dụng vào thủ đô Hà Nội và nước Việt Nam. Ông đã vẽ mô hình thành phố trên không bắt đầu từ ven sông Hồng, trải dọc dài đất nước. Cứ theo như mô hình ông đưa ra, thì thành phố này sẽ đảm bảo được nơi ở cho người nghèo, không sợ lũ lụt, không sợ ô nhiễm, không bao giờ tắc đường…

Nghe ông Minh mô tả “Thành phố thiên niên kỷ” mà ông vẽ ra, tôi quả thực thấy ù tai, chóng mặt. Có vẻ nó giống với những thành phố trong phim viễn tưởng của Mỹ. Cứ cho đó là ý tưởng độc đáo, đi trước thời đại, nhưng thực hiện được là cả một vấn đề.

Chưa biết những ý tưởng của ông Minh sẽ đem lại lợi ích gì cho quốc gia, dân tộc, nhưng phải công nhận rằng, niềm đam mê nghiên cứu khoa học và sự sáng tạo của ông là rất đáng trân trọng.

Văn Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn