Nhà giáo được ba triều Lê, Tây Sơn, Nguyễn cùng trọng dụng

Giáo dụcThứ Ba, 20/11/2018 05:29:00 +07:00

Trong lịch sử Việt Nam, không nhiều danh sĩ được cả ba triều đại Lê trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn trọng dụng như Hoàng giáp Bùi Dương Lịch.

Dạy học ở cả ba triều đại

Ông là nhà giáo nổi tiếng thời kỳ cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, khi từng dạy học cho hoàng tử nhà Lê, tham gia soạn sách dưới quyền La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thời Tây Sơn, rồi sau đó được nhà Nguyễn cử làm Đốc học Nghệ An, và triệu vào kinh đô Phú Xuân giữ chức Phó Đốc học Quốc Tử Giám.

Bùi Dương Lịch sinh năm 1757, quê ở xã Yên Đồng, tổng Việt Yên, huyện La Sơn, phủ Đức Thọ, tỉnh Nghệ An (nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh), một vùng đất học nổi tiếng của vùng Nghệ An xưa. Cha ông là Bùi Quốc Toại, đỗ Hương cống, từng làm tri phủ tại phủ Thiệu Thiên, Thanh Hóa.

Năm 1774, Bùi Dương Lịch đỗ Hương cống lúc mới 17 tuổi, được vào Quốc Tử Giám ở Thăng Long học, nổi tiếng là người hay chữ. Năm 1780, đáng ra ông bước vào nghề dạy học khi được bổ làm Huấn đạo phủ Lý Nhân ở Sơn Nam (tỉnh Hà Nam ngày nay), nhưng chưa kịp nhận chức thì cha mất, ông phải về quê chịu tang.

Từ năm 1786, Bùi Dương Lịch được tiến cử làm việc trong triều đình vua Lê Chiêu Thống và làm nhiệm vụ dạy Điền quận công Lê Duy Lựu (em ruột vua), rồi từng được cất nhắc làm Tùy hành quân vụ, trực tiếp quản lĩnh đội quân Hậu Thắng. Năm 1787, ông dự kỳ thi Đình, đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, tức Hoàng giáp.

Năm 1789, vua Quang Trung tiến quân ra Bắc, vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, Bùi Dương Lịch định tìm đường đi theo nhưng không được. Vua Quang Trung nhiều lần cho gọi Bùi Dương Lịch vào Phú Xuân tham gia triều chính, nhưng ông tìm cách từ chối.

buiduonglich

Nhà thờ Bùi Dương Lịch, ở huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - di tích lịch sử cấp quốc gia.

Đến năm 1791, khi vua Quang Trung tiếp tục mời ông ra giúp việc biên soạn và dịch thuật ở Viện Sùng chính ở Nam Đàn, Nghệ An dưới sự chỉ đạo của người đồng hương là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thì ông nhận lời. Theo sách "La Sơn phu tử" của học giả Hoàng Xuân Hãn, trong một tờ chiếu của vua Quang Trung gửi La Sơn phu tử có dành lời khen ngợi ông và ban tiền thưởng.

Tuy nhiên năm 1792, vua Quang Trung mất, Viện Sùng chính ngừng hoạt động, ông về quê dạy học. Sau khi nhà Tây Sơn mất, vua Gia Long lên ngôi, Bùi Dương Lịch lại được triệu ra giữ chức Đốc học Nghệ An (1805), rồi làm Phó Đốc học Quốc Tử Giám ở Huế (1812), nhưng chỉ được một năm thì xin cáo về (1813), tiếp tục sống với nghề dạy học tư và soạn sách cho đến khi mất (Mậu Tý, 1828), lúc ông 71 tuổi.

Do hoàn cảnh bắt buộc ông phải làm quan dưới ba triều đại khác nhau, nên trong thời Nguyễn, có người từng làm bài tán mỉa mai ông:

Lê triều cử tiến sĩ
Tây ngụy sĩ hàn lâm.
Bản triều vi đốc học
Tứ hải cộng tri âm”

(Nghĩa là: Triều Lê đỗ tiến sĩ, thời "ngụy" Tây Sơn làm quan hàn lâm, đến triều ta (nhà Nguyễn) làm đốc học, bốn biển đều biết tiếng ông).

Đây là bài mai mỉa sâu cay về Bùi Dương Lịch. Đáp lại, ông viết những câu tự thán:

Kỷ độ giang hà thành biến cải,
Phong ba bất một thử kiên kinh.
                         (Phu phụ thạch)

(Ý nói, cho dù sông nước có đổi thay nhưng tấm lòng kiên trinh kiên định ấy không bao giờ bị nhơ bẩn, một lòng luôn hướng về chủ cũ).

Tác giả sách uy tín

Dù thời thế thay đổi, Bùi Dương Lịch vẫn để lại những trước tác giá trị và xứng đáng là một nhà sử học, địa lý học uy tín. Bên cạnh bộ địa phương chí "Nghệ An ký", ông còn là tác giả bộ sử "Lê quý dật sử" ghi lại các sự kiện lịch sử cuối triều Lê và trong thời Tây Sơn (năm 1758-1793), "Nghệ An chí", đứng chủ biên bộ "Nghệ An phong thổ ký" cùng các tác phẩm thơ văn như "Bùi gia huấn hài", "Ốc lậu thoại", "Yên Hội thôn chí".

Là người sống trong giai đoạn đầy biến động của lịch sử, trực tiếp tham gia trong chính quyền của ba triều đại khác nhau, Bùi Dương Lịch là một nhân chứng sống của lịch sử. Chính ông trực tiếp ghi lại những diễn biến lịch sử đương thời để hậu thế được biết.

Bộ sách "Nghệ An ký" được biên soạn công phu gồm 3 phần lớn, trong đó phần Thiên chí - nói về thiên văn và khí tượng vùng đất Nghệ Tĩnh (gồm cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh hiện nay) và Việt Nam nói chung, Địa chí - nói về địa lý hình thể của đất Nghệ Tĩnh, Nhân chí - nói về đặc điểm tính cách và các nhân vật nổi bật của đất Nghệ Tĩnh.

Trong "Nghệ An ký", ở phân Nhân chí, có một bản tự truyện của Bùi Dương Lịch, ghi đầy đủ về cuộc đời tác giả với dụng ý trình bày những ghi chép về thời sự quốc gia mà tác giả có liên quan hoặc tai nghe mắt thấy.

Sách cung cấp cho hậu thế nhiều tư liệu quý hiếm, như lịch sử phong trào Tây Sơn, ghi chép hoạt động của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh, câu chuyện vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, trong đó ông ghi rằng "sợ người chép sử sau này không khảo vào đâu được, nên nhân đây xin thuật rõ".

Bùi Dương Lịch cũng tả lại chi tiết diễn biến cụ thể ở thành Thăng Long trước khi quân Tây Sơn tiến công ra lần đầu, tháng 5 (âm lịch) năm 1786: "Ngày 25, chúa (Trịnh Khải) ra cung Tây Long duyệt binh có bày các đồ hỏa khí. Chính thần là Trương Đăng Quỹ và Lý Trần Quán đều xin về quê quán tập hợp lực lượng cần vương. Ngày ấy quan quân, sĩ thứ, nam phụ lão ấu bồng vế dắt díu nhau đi ra ngoài thành mấy ngày liền không dứt. Thành bèn bỏ không".

Tuy phần kể truyện cá nhân của Bùi Dương Lịch dừng lại ở năm 1789, nhưng các ghi chép của ông trong "Nghệ An ký", bên cạnh bộ "Lê quý kỷ sự" là những nguồn tư liệu quan trọng để đời sau đối chiếu, xác định các dấu mốc và sự kiện lịch sử của đất nước trong giai đoạn từ cuối đời Lê Hiển Tông, qua thời Tây Sơn cho đến những năm đầu triều Nguyễn.

Tiên Long
Bình luận
vtcnews.vn