Nhà chọc trời - điềm báo của suy vong

Thế giớiThứ Tư, 11/01/2012 04:01:00 +07:00

(VTC News) - Tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới là Equitable Life tại New York được hoàn thành năm 1873, cùng thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế.

(VTC News) - Theo các nhà quan sát kinh tế, có một mối liên hệ không hề tốt đẹp giữa việc xây dựng các tòa nhà chọc trời và sự sụp đổ tài chính ngay sau đó.

Những ví dụ đơn giản nhất là tòa nhà Empire State tại New York được xây dựng khi đang xảy ra cuộc đại khủng hoàng, còn tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay Burj Khalifa đã hoàn thành ngay trước khi kinh tế Dubai bị phá sản.

Hiện nay quốc gia có nhiều tòa nhà chọc trời nhất là Trung Quốc, một nước châu Á khác là Ấn Độ cũng đang sở hữu 14 tòa nhà chọc trời.

Theo chuyên gia phân tích kinh tế của Ngân hàng Barclays Capital: "Các tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay chỉ thể hiện sự bùng nổ cuộc chạy đua xây dựng các tòa nhà chọc trời, đó là biểu hiện cho việc phân bổ vốn không phù hợp và những điều chỉnh kinh tế sắp tới."

Tòa nhà Shard, London sẽ trở thành tòa nhà chọc trời cao nhất Tây Âu khi hoàn thành. 

Các chuyên gia của ngân hàng cho biết tòa nhà chọc trời đầu tiên của thế giới là Equitable Life tại New York được hoàn thành vào năm 1873, cùng lúc đó là thời điểm xảy ra suy thoái kinh tế và đến năm 1912 nó đã bị phá hủy. 

Một ví dụ khác là tòa nhà Willis Tower tại Chicago hoàn thành năm 1974 là lúc xảy ra 1 cú chấn động về dầu mỏ và thất bại trong việc bình ổn giá vàng bằng USD. Về phần châu Á thì tháp Petronas của Malaysia hoàn thành năm 1997 cũng là lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á.

Những phát hiện này có lẽ sẽ liên quan đến nước Anh khi mà tòa tháp Shard cao nhất Tây Âu đang được tiến hành xây dựng ở Anh, dự kiến tháp sẽ có chiều cao  310m khi hoàn thành.

Tuy nhiên theo ngân hàng Barclays thì các nhà đầu tư nên hướng mối quan tâm của mình về phía Trung Quốc. Đây là đất nước đang chiếm 53% số lượng nhà chọc trời trên thế giới. Sự bùng nổ cho vay sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã đẩy giá cả ở nền kinh tế thứ 2 thế giới bị tăng vọt.

Theo một báo cáo riêng, JPMorgan Chase cho biết thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ bị giảm giá khoảng 20% trong vòng 12-18 tháng tới.

Căn hộ 27 tầng của tỷ phú người Ấn Độ cần đến 600 nhân viên để suy trì hoạt động. 

Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ cũng là quốc gia đang sở hữu một căn hộ cá nhân cao nhất thế giới, đó là nhà ở của tỷ phú Mukesh Ambani với 27 tầng. Một báo cáo cho biết tòa nhà này cần 600 nhân viên quản lý để nó có thể hoạt động bình thường.

Theo ngân hàng Barclays thì hiện nay Ấn Độ mới chỉ có 2 tòa nhà chọc trời cao trên 240m trên tổng số 276 của toàn thế giới; tuy nhiên trong năm nay dự kiến sẽ có thêm 14 tòa nhà chọc trời nữa sẽ được hoàn thành tại đây. Tất cả những tài liệu liên quan đến các tòa nhà chọc trời đều được ngân hàng Barclays xuất bản đều đặn mỗi năm từ 1999 đến nay.

Tùng Đinh


Bình luận
vtcnews.vn