Nhà biến thành hầm sau nâng đường: Lãnh đạo hoang mang, dân kêu cứu

Thời sựThứ Sáu, 10/06/2016 07:28:00 +07:00

Sau khi khảo sát tuyến đường chống ngập, Chủ tịch TP.HCM phải thốt lên: 'Giải pháp chống ngập của chúng ta là nửa vời. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án'.

Dự án nâng đường chống ngập ở đoạn đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) có chiều dài 3,5 km, rộng 48 m. Dự án đã ảnh hưởng đến 466 căn nhà; một bệnh viện; 64 doanh nghiệp; 27 trụ sở cơ quan hành chính sự nghiệp; 44 tuyến đường, hẻm kết nối với đường này và các khu dân cư dự án nhà ở tiếp giáp.

a43

 Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các ban ngành xuống hiện trường kiểm tra dự án cải tạo hệ thống thoát nước nâng mặt đường Kinh Dương Vương - Ảnh VNE

Nỗi lo mùa lũ đến

Dự án đi vào hoạt động cũng là lúc người dân tại đây rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Nhiều ngôi nhà bỗng nhiên biến thành hầm khi mặt đường được nâng lên từ 0,4 đến 1,2 m.

Trước tình cảnh đó, nhiều hộ dân đã phải đập nhà, phá nhiều công trình phụ nhằm nâng nhà lên cao. Một số hộ xây rào chắn cao hơn cả mét để ngăn bụi bẩn, phế liệu nước lũ vào nên mỗi khi đi ra khỏi nhà phải chui rúc hoặc phải bắc thăng. Nhiều hộ khác do chưa có kinh phí vẫn ngóng chờ chính quyền có những giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân.

Tuy nhiều giải pháp được đưa ra nhưng nỗi lo về mùa lũ sắp đến khiến nhiều người dân như đứng trên đống lửa.

“Đây là lần thứ 3 đoạn đường này được nâng lên và cũng là chừng ấy lần tôi phải nâng nhà. Đường nâng quá cao trong khi việc nâng nhà không phải đơn giản. Chúng tôi phải tháo dỡ, đập phá nhiều công trình phụ để nâng nhà khi mỗi lần sửa chữa kinh phí lên tới vài trăm triệu đồng.

nha2

 Người dân nâng nhà chống lũ

"Tuy đã sửa nhà nhưng chúng tôi vẫn nơm nớp lo sợ mùa lũ về, nước sẽ tuồn vào nhà làm hư hại tài sản trong gia đình”, chị Phượng, ngụ số nhà 430 Kinh Dương Vương cho biết.

Giải pháp chống ngập nửa vời

Trước những thông tin mà báo chí phản, ngày 8/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cùng các ban ngành xuống hiện trường kiểm tra dự án cải tạo hệ thống thoát nước nâng mặt đường Kinh Dương Vương.

Sau khi khảo sát tuyến đường này, chứng kiến hàng loạt ngôi nhà bỗng biến thành hầm, ông Phong thốt lên: "Giải pháp chống ngập nửa vời, các đơn vị khi làm không triển khai đồng bộ các giải pháp. Tôi có cảm tưởng chủ đầu tư chỉ làm cho được dự án".

Ông Phong cũng cho rằng, người dân không biết việc nâng đường cao như thế nào mà họ chỉ biết nâng đường để không còn ngập nên đồng ý. Bây giờ khi quây tường trước nhà thì người dân mới biết. Hơn thế, các đơn vị lựa chọn thời điểm triển khai công trình khi mùa mưa đến đã ảnh hưởng đến người dân rất nhiều.

nhà1

 Nhiều gia đình phải bắc thang, chui ra nhà sau khi nâng nhà

Cũng trong ngày 8/6 Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng yêu cầu giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường giải thích rõ chuyện đường cao hơn nhà  đang gây bức xúc cho người dân.

Ông Cường giải trình: “Phương án chống ngập dựa trên cơ sở tính mức triểu cường cao nhất (do mưa kết hợp triều cường) là 1,68m. Vì vậy, phải chấp nhận mép đường là 1,7m. Trong khi đó cốt cao độ của đường Kinh Dương Vương chỉ từ 1m trở xuống, rất thấp, nên dẫn tới chuyện đường cao hơn nhà và phải xây những bức tường chắn trước nhà dân”.

Hạ thấp đường, hỗ trợ người dân

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, các đơn vị phải rút kinh nghiệm khi không công khai dự án rõ ràng. Dù đã lấy ý kiến người dân từ năm 2012 nhưng khi thực hiện công trình chủ đầu tư đã không khảo sát lại.

a14

 Giải pháp được đưa ra sẽ hạ đường xuống và hỗ trợ người dân sửa nhà

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, dự án đã triển khai rồi nên phải làm đến cùng nhưng các đơn vị cần phải tìm giải pháp đồng bộ để giảm cao độ vỉa hè; phối hợp với việc bố trí mương hở, van ngăn triều, hệ thống bơm nước để giải quyết ngập cho cả khu vực.

"Các ngành phải tính toán mức hỗ trợ như thế nào và cách thức giải thích khi hỗ trợ cho người dân, chứ không phải chỉ mỗi việc cầm tiền đến đưa cho người ta là được", ông Phong chỉ đạo.

Giám đốc Trung tâm điều hành chương trình chống ngập TP.HCM Nguyễn Ngọc Công cho biết sẽ thực hiện theo chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP. Dự án này sẽ tạm dừng để tìm ra phương án giảm cao độ tuyến đường và các giải pháp đồng bộ, giảm thiệt hại cho người dân.

a42

Nhiều người dân sẽ được hỗ trợ để nâng nhà 

Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng, giải pháp hiện nay là sẽ tập trung làm vỉa hè trước để đảm bảo sự đi lại thuận tiện cho dân. Các nhà dân đang xây cũng sẽ được đề nghị kịp thời hạ cốt xuống, đường đang làm cũng sẽ có những bậc thang kết nối lên nhà dân, hoặc làm đường gom, mỗi đoạn 5-7 hộ sẽ có đường đi xuống.

Video: Đường phố hải Phòng chìm trong biển nước sau trận mưa lớn

Quang Hải
Bình luận
vtcnews.vn