Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Nhật ký "Bữa cơm có thịt”

Giáo dụcThứ Năm, 13/10/2011 01:38:00 +07:00

(VTC News)- Thêm ít gạo, gia vị, mỡ muối, ít thịt mua được từ tiền mọi người đã và sẽ gửi đến ủng hộ, cái mà chúng có được là nếp sống gia đình, không tạm bợ.

Trong thời gian các ủng hộ còn thông qua tài khoản cá nhân, mục này sẽ được cập nhật thường xuyên và coi như báo cáo của tôi với những người đã gửi tiền vào tài khoản này… Bởi như tôi đã viết: tôi chịu trách nhiệm cá nhân về việc tất cả tiền ủng hộ, từng đồng, sẽ đến với các khu học sinh dân tộc bán trú dân nuôi.


Được sự cho phép của nhà báo Trần Đăng Tuấn, VTC News  xin đăng tải Nhật ký "Bữa cơm có thịt" trên blog của ông.

11/10/2011

Hôm nay nhóm bạn bè thuộc dự án ”Cơm có thịt” lên đến Lao Chải, xã xa nhất của Mù Căng Chải. Mọi người ở lại lâu trong Trường Tiểu học Lao Chải, nơi có 60 lít nhít cứ tự nấu lấy cơm mà ăn. Đã bàn bạc kỹ với các thầy cô, chủ tịch xã cũng đến.

Kế hoạch sơ bộ là: Cần làm một cái bếp nhỏ, mua ít nồi, xoong, bát đĩa, thìa, đũa... cho bọn nhóc. Rồi các thầy cô giáo sẽ luân phiên nấu cơm cho chúng nó ăn. Sẽ gửi tiền mua thịt lên cho chúng nó. Mình đang liên hệ để các doanh nghiệp đang thực hiện chương trình tặng bò cho vùng xa đưa các điểm trường này vào danh sách.

Có lẽ một bếp chung như thế phải chăng sẽ đem lại nhiều hơn là bữa ăn. Cái bếp chung đem lại những giờ nhộn nhịp, đầm ấm. Đặc biệt  mùa đông sắp đến, thay vì khắp nơi chỗ nào cũng bếp, mỗi đứa cứ loay hoay nấu cơm rồi ngồi lê ăn trong rét mướt, bát nào cũng giống nhau, toàn ớt, muối, vài miếng bầu bí... thì chúng sẽ quây quần bên nhau. Thêm ít gạo, gia vị, mỡ muối, ít thịt mua được từ tiền mọi người đã và sẽ gửi đến ủng hộ, cái mà chúng có được là nếp sống gia đình, không tạm bợ.

Đi đến đây từ các làng bản xa, sống bằng những thứ bố mẹ tiếp tế cho, riêng lẻ từng đứa một tự lo cho cái ăn hàng ngày, chúng nó - 60 đứa trẻ con - sẽ cảm thấy niềm vui từ những bữa ăn chung, từ một ngôi nhà chung. Chúng cảm thấy không chỉ bố mẹ,mà còn có nhiều người khác chăm lo cho chúng, dẫu chỉ là một chút. Cái cảm giác lớn lên có hơi ấm của cộng đồng là một điều không nhỏ chút nào..

Ngày mai, nhóm sẽ vào Nậm Khắt, chính nơi chị H. -một bác sỹ ở Hà Nội, đã đến mấy hôm trước và gửi về những bức ảnh hôm qua mình đã đưa lên. Ghé vào để xác định chính xác các thông số, để bàn với các thày cô ở Tiểu học Nậm Khắt về những chuyện cụ thể. Chắc là cũng phải có một cái bếp… Để hai anh em nọ - chính hai đứa được bố đem gạo và rau lên tiếp tế - cùng với bạn bè ăn những bữa cơm nhiều tiếng cười, những bữa cơm có thịt, dẫu không nhiều thịt, dẫu chưa phải là thịt ngon….

Đây là vài bức ảnh mới gửi về từ Lao Chải. Mình nói với Tiến Trọc: Ông chụp sao cho nhìn chúng nó thấy yêu, thấy vui... Tiến Trọc gọi về: Gửi rồi đấy, có cái ảnh nhìn thằng bé rất... tiềm năng đấy! Nhìn nó mình tủi thân lắm!

Mình nhận ra ngay cái ảnh cu cậu đó. Nó mà lớn lên thì….. Đang cạn tiềm năng như Tiến Trọc, nhìn nó, tủi thân là phải quá rồi!

Khu bán trú dân nuôi Tiểu học Lao Chải sáng 11/10/2011:

 
 
 
 

10/10/2011

1- Tối qua gọi lên Suối Giàng, được biết sáng nay (10/10) lãnh đạo xã Suối Giàng và Hiệu trưởng sẽ xuống huyện làm thủ tục lập Quỹ khuyến học (việc này mình đề nghị nên làm để tiếp nhận ủng hộ thuận tiện hơn, đúng quy định của Nhà nước.

Và cũng để việc chuyển tiền ủng hộ từ tài khoản cá nhân của mình, cũng như của Quỹ sau này, dễ kiểm chứng hơn. Đây là mô hình chung cho mọi điểm trường nhận tiền ủng hộ mua thịt cho các em. Quỹ này ở các điểm trường sẽ nhận tiền ủng hộ, sẽ đứng ra tổ chức việc mua thịt cho học sinh vào mỗi bữa ăn).

Đến chiều nay Bí thư Đảng ủy xã gọi điện xuống báo Quỹ lập xong rồi, tài khoản có rồi. Tối nhận được tin nhắn của thầy hiệu trưởng Hà Văn Thành, hẹn mai, khi mạng Internet được phục hồi, sẽ mail cho mình danh sách Ban Khuyến học và số tài khoản.

 Học sinh Suối Giàng: rau cho bữa ăn. ( Ảnh thầy Thành-Hiệu trưởng THCS Suối Giàng-gửi về)


Mấy hôm vừa qua, có nhiều đoàn lên Suối Giàng, khi là một nhóm sinh viên đi du lịch, nhưng sắp xếp ghé qua trường tặng quà cho các em học sinh, khi là một công ty lên ủng hộ…

Dự định là thế này: Sẽ trích chuyển vào tài khoản của Suối Giàng tiền mua thịt khoảng 150 triệu.Cộng với số tiền Suối Giàng đã và chắc sẽ nhận được từ các nhà hảo tâm, sẽ tạm đủ để mua thịt cho các em trong năm học này. Cũng sẽ tìm nhà tài trợ để các em nuôi bò,lợn..Sau đó sẽ tính tiếp,vì cũng còn nhiều nơi khác nữa.

2- Mấy hôm trước, một chị làm việc ở Hà Nội, đã tham gia sớm vào dự án “Cơm có thịt..”, gọi cho mình từ Mù Căng Chải, nói “Anh ơi, ở đây các em còn chỉ ăn cơm với muối trộn ớt”.

Hôm nay, trở về từ nơi ấy, chị gửi mail và ảnh:

Em gửi anh 1 số tư liệu trong chuyến đi Mù Căng Chải hôm qua.

Rất nhiều ảnh chụp các cháu cấp 1 +2 xã Nậm Có và Nậm Khắt em đang chọn lọc và chuyển sang USB ạ.

Em đã gặp 2 thầy hiệu trưởng và tìm hiểu thông tin cùng với việc vào tận khu ở + bếp của các em để chụp ảnh. Các xã đều có Ban Khuyến học chia thành các chi hội và bản thân các thầy giáo trên là ủy viên của những ban đó. Về mặt pháp lý thì không có vấn đề gì đâu ạ. (hôm thứ 7, khi thực tế tại địa bàn xã Nậm Có, anh có nhắc em tìm hiểu về khía cạnh này).

Các thầy cô đều là giáo viên trẻ, người trên vùng cao đi học và được phân công cắm bản và trụ tại trường (có người đã công tác được 10 năm ở địa bàn khó khăn), rất ít giáo viên người miền xuôi.

Thiếu:

 - Nhà ở cho các cháu vì rất nhiều cháu phải đi ở nhờ ngoài lều trông lúa
- Giường, chiếu chăn màn
- Quần áo
- Thuốc sơ cứu
- Đạm cho bữa ăn
- Nhu yếu phẩm (xà phòng, dầu gội...)

 
 

 Người bố lên tiếp tế cho hai đứa con ở nơi bán trú: Vài kg gạo và một ít rau, quả. Có thể đó là lương thực, thực phẩm cho hai đứa trong một tuần

 
 
 
Sẽ liên lạc với các thầy cô trên đó, tìm hiểu thêm. Nhưng căn cứ vào mô tả và ảnh thì chắc đây là nơi chúng ta nên đến sau Suối Giàng.

3- Có một độc giả mách: “Tôi từng sinh sống ở huyện Văn Chấn, Yên Bái và hay lên Suối Giàng, thì Suối Giàng vẫn chưa phải là nơi khổ của trẻ em vùng cao. Vì đây vẫn là điểm du lịch của tỉnh Yên Bái, vẫn có đường ô tô tới được trung tâm xã, nên so với các nơi khác thì dù những cảnh đó là rất thực tế, song vẫn thấm vào đâu với một số nơi khác. Nếu đoàn đã có dịp lên tới đó, đã có tấm lòng lên với trẻ em vùng cao thì các bạn hãy cố gắng tới bản người Mông ở Làng Lao, Tăng Khờ, Khe Chất thuộc xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn”.
 
Cát Thịnh ở quãng Ba Khe, trên đường đi Nghĩa lộ và Suối Giàng, thực ra không xa Hà Nội. Tìm hiểu ra thì nhớ lại rằng, Cát Thịnh chính là nơi 6 năm trước đây đã diễn ra thảm họa lũ quét khiến nhiều người thiệt mạng:

Nơi đây, còn có cơ “lũ quét’ khác, dữ dội hơn. Các em cần đi học, để tránh được cơn lũ quét khủng khiếp này!

Đúng là nơi đây, những cái tên như Làng Tao, Tăng khờ... có lẽ đa số trong chúng ta đã nghe, nhưng ít ai đã đến.

Cát Thịnh được sự quan tâm không ít. Trường học được xây dựng đẹp, khang trang (như trường PTTH Cát Thịnh). Trung thu vừa qua, với một nỗ lực đáng trân trọng, các sinh viên Hà Nội đã lên tổ chức Trung thu cho các cháu học sinh Tiểu học.

Và đây là một bài viết của báo Tiền Phong ,có nhiều chi tiết thật cụ thể, sinh động về các em học sinh bán trú dân nuôi ở Cát Thịnh:

Bữa cơm nội trú

Là một trường của huyện miền núi trung du của tỉnh Yên Bái, trường THCS Cát Linh có hơn nửa học sinh người dân tộc: Tày, Thái, Dao và H’mông. Cô Hà Thị Bích Phương cho biết nhà trường có 80 học sinh nội trú theo hình thức bán trú dân nuôi. Các em là người trên địa bàn xã nhưng đi bộ từ nhà đến trường phải hết nửa ngày. Chủ yếu là em người dân tộc H’mông.

Nhà trường có 4 phòng nội trú, trong đó ba phòng nam, một phòng nữ. Mỗi phòng rộng 24m2 mà có đến 9 em ở. Thậm chí, vào mùa đông, căn phòng nhỏ ấy có đến 20 em ở. Vừa rồi, trường mới sửa sang lại khu nhà tắm vệ sinh; làm đường ống dẫn nước sạch cho các em ở nội trú. Nhưng điều kiện ăn ở của các em nội trú vẫn còn nhiều khó khăn.

 Hai trong số 4 phòng dành cho học sinh nội trú


 

Một chút lóe sáng trong căn phong nhỏ ấy vào buổi chiều là hình ảnh 3-4 chiếc nồi cơm điện đang nhả khói chuẩn bị cơm chiều nhanh chóng tắt ngấm! Bên trong những chiếc nồi hiện đại, sạch sẽ ấy là những nồi cơm độn ngô. Hạt ngô dính lấm tấm hạt cơm trắng.

Cạnh hai phòng nội trú nam là một gian bếp được xây cất để lấy chỗ các em nấu nướng. Khói củi và thứ ánh sáng lờ mờ từ cái bóng đèn điện như làm hằn sâu thêm sự khó khăn thiếu thốn trong từng bữa ăn của những học sinh nội trú. Tất cả gần như đều có mỗi món canh lõm bõm nước với ít rau hoặc măng.

Hỏi thức ăn mặn, Sùng A Khai (lớp 8, có nhà cách trường hơn chục cây số) – một học sinh nội trú của trường ngập ngừng chia sẻ: “Hầu như bạn nào cơm cũng độn ngô. Bữa cơm không gì, chỉ rau; nước trắng pha với bột canh thôi”.
 

 Các em học sinh nội trú trường THCS Cát Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái) nấu bữa cơm chiều


A Khai cũng cho biết, ở đây bạn nào cũng độ một tuần thì về nhà mang xuống trường. Không có những thức ăn mặn, chủ yếu là rau với bí. Không ít em phải đi một quãng đường rất xa để có đồ tiếp tế. Sùng A Chua (lớp 7, người H’mông) còi chỉ bằng cậu bé học 4-5 và dễ nhớ với cái đầu trọc lóc tầm 3 – 4 tuần lại cuốc bộ gần 4 chục cây số để lấy đồ xuống trường.

Thiếu thốn, nhiều em hết gạo, các thầy cô giáo lại giúp. Nhìn bữa cơm của em bình thường ít có người nào ăn được. Lỏng chỏng ít cơm với ít súp bột canh, tươm hơn có cá khô…

Đạm bạc là thế, nhưng cũng chẳng phải đã có cho đầy đủ. Cô Bích Phương cho biết, “Bây giờ đến mùa giáp hạt, không có cơm ăn, nhiều cháu vác sách lên lớp bảo cô giáo em không đi học nữa đâu. Thực sự muốn rơi nước mắt. Các cô lại vận động đóng góp ít tiền, ít tiền giúp các em theo hết năm học. Nhưng cũng chẳng thể cho hết và kéo dài mãi được”.

Mai Xuân Tùng

 Chắc mọi người sẽ nghĩ giống mình : Đây có thể là một địa chỉ chúng ta sẽ đến.

3- Bây giờ là nửa đêm rồi. Chỉ vài tiếng nữa nhà văn Phạm Ngọc Tiến và một số thành viên ban chuẩn bị thành lập quỹ “Cơm có thịt” lên xe rời Hà Nội khi đêm chưa tan, lên Lao Chải, cũng thuộc Mù Căng Chải, để gặp và tìm hiểu điểm bán trú trên đó.

Khi họ về, chúng ta sẽ biết được thêm thông tin về nơi cần giúp đỡ.

Nhiều bạn bè gửi thư về giúp đỡ chúng ta trong việc xác định nơi các em cần chúng ta gắp thịt. Ví dụ thư này:

Cháu tên là Dương, cháu làm ở phòng mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Lào Cai. Cháu đọc được trang Blog của chú, trên Lào Cai có nhiều trường vùng cao cũng nghèo khổ như vậy chú ạ. Nhất là bậc học mầm non, cũng tổ chức ăn bán trú tại trường nhưng các cháu mang cơm nắm, có cháu gia đình khá thì thêm vài con cá khô, còn lại thì vài cọng rau rớn, hoặc muối trắng, …Khi nào chú mở rộng trường khác thì chú quan tâm tới Lào Cai chú nhé. Cháu sẽ gửi ảnh để chú xem, lúc nào chú rỗi, cháu mời chú lên Lào Cai chú nhé.
Cháucảmơnchú!

BùiThịThùyDương
Chuyênviên-PhòngGDMN, Sở GD&ĐT Lào Cai
Hợp khối 4, Đường 30/4, Phường Bắc Lệnh, TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai

Ngoài Yên Bái, còn Hà Giang, Lào Cai... Có một thông tin vui : Các tỉnh khác đã triển khai chương trình trợ cấp cho học sinh bán trú. Các chương trình mang tính quốc gia đã và đang được triển khai. Dĩ nhiên, chưa thể ngay một lúc mà các em đều có thịt ăn mỗi bữa. Vì vậy vẫn rất cần chúng ta  góp phần nhỏ bé…..

 VÀO THỜI ĐIỂM: 17h ngày 12/10/2011    SỐ TIỀN ỦNG HỘ LÀ: 506,230,848 VNĐ

TÊN TÀI KHOẢN : Trần Đăng Tuấn

SỐ TÀI KHOẢN 0011004025430   VIETCOMBANK

Chi nhánh: Sở giao dịch ngân hàng Ngoại thương Việt Nam
 


Trích Blog Trần Đăng Tuấn

 

Bình luận
vtcnews.vn