Nhà báo Trần Đăng Tuấn: Ba nhà đầu tư BOT còn cãi nhau thì kiểm soát làm sao?

Thời sựThứ Bảy, 11/06/2016 07:40:00 +07:00

3 nhà đầu tư dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ tranh cãi nhau về khoản thu 1,2 tỷ hay 2, 5 tỷ hay là 3 tỷ/ngày… dẫn đến nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí dự án BOT không minh bạch.

Cụ thể, dự án xây dựng nâng cấp tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ được thực hiện bởi liên danh gồm 3 nhà đầu tư: Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát (sở hữu 65%); Tổng Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 1 - Cienco1 (18%); Công ty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành (17%) và được chia làm 2 giai đoạn.

Vừa qua, khi giai đoạn 2 của dự án mới khởi động, các cổ đông đã tranh cãi về tính minh bạch trong việc thu phí giai đoạn 1.

Đại diện Cienco1 cho rằng, công tác thu phí này có nhiều điểm chưa hợp lý. Ông Đinh Ngọc Đàn – Phó Tổng Giám đốc Cienco1 cho biết: “Tuyến đường có mật độ phương tiện cao, nhưng doanh thu hàng tháng trung bình 35 tỷ đồng (khoảng 1,2 tỷ/ngày). Trong đó, tháng 2/2016 là dịp tết, phương tiện đông hơn nhưng phí thu được lại thấp hơn tháng bình thường”.

Bên cạnh đó, số liệu thu phí công bố chỉ là tổng thu hàng tháng, không bóc tách về chủng loại xe, cộng với việc phát vé giấy tính phí nên dễ dẫn đến thất thoát phí.

Không tìm được tiếng nói chung trong việc minh bạch nguồn thu. Cienco1 đã thành lập Tổ kiểm tra thu phí tại dự án để giám sát độc lập lưu lượng, chủng loại xe trên tuyến nhưng bị nhà thầu cản trở, thậm chí mời công an can thiệp.

1_91824

Bất đồng trong việc báo cáo doanh thu hàng tháng tại trạm phí Pháp Vân - Cầu Giẽ, nhà đầu tư Cienco1 đã tự lắp camera theo dõi số lượng phương tiện lưu thông qua đây. 

Nói về vấn đề này, Nhà báo – Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn nêu băn khoăn: Bản thân 3 nhà đầu tư dự án Pháp Vân- Cầu Giẽ còn tranh cãi nhau thu 1,2 tỷ hay 2, 5 tỷ hay là 3 tỷ/ngày, thì cơ quan quản lý bên ngoài, không có các phương pháp kiểm tra, kiểm soát sắc bén, bí mật, kỹ thuật tốt, làm sao xác định được điều ấy, với lưu lượng xe như thế? Vậy bài toán kiểm soát doanh thu có đảm bảo tính công bằng giữa các nhà đầu tư, đảm bảo minh bạch tài chính?

Ông Tuấn lấy ví dụ: "Trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng mỗi ngày trạm thu phí thu về 4 tỷ đồng. Bằng mắt thường có thể thấy tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ mật độ phương tiện lưu thông lớn hơn nhưng doanh thu 1 ngày lại thấp hơn. Tôi không nói là con số ở đây khai là không đúng, nhưng băn khoăn về sự kiểm tra, kiểm soát này về con số thu hằng ngày của tuyến Pháp Vân – Cầu Giẽ".

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hiện nay việc quản lý các dự án BOT có nhiều ý kiến cho rằng không minh bạch, nhà đầu tư có thể tăng suất đầu tư để người dân phải chịu một phí rất cao, kéo dài nhiều năm.

Theo ông Trường, cách hiểu như vậy là hiểu sai. Nhà đầu tư chỉ thực hiện dự án thôi còn quản lý từ khâu lập dự án đầu tư để dự toán đầu tư, tổ chức khâu thi công, rồi vấn đề chi phí, hoàn vốn đều có sự quản lý của Nhà nước hết sức chặt chẽ.

Riêng thu phí có 4 cơ quan kiểm soát: thứ nhất là bản thân Nhà đầu tư, thứ hai là Bộ GTVT – là người thuê anh làm dự án BOT đó thì tôi kiểm soát anh để tôi chống thất thoát trong dự án, cơ quan thứ ba chính là các cơ quan thuế, thứ tư chính là các ngân hàng thương mại.

Trong 4 cơ quan kiểm soát này, có cơ quan nghiêng về chỗ này, cơ quan nghiêng về chỗ kia, nhưng tựu chung lại con số phải giống nhau.

hong-truong-300511116-489a2

Ông Trường khẳng định việc thu phí tại trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ minh bạch - Ảnh: Đại biểu Nhân dân 

Hiện nay Bộ GTVT đang đưa ra hai lộ trình, lộ trình thứ nhất là thu phí một dừng, lộ trình thứ hai là thu phí bán tự động và tiến tới là tự động hoàn toàn.

Hiện nay, thu bán tự động cũng là thu bằng điện tử, tất cả barie muốn được nâng lên thì phải có một thẻ điện tử đưa vào máy quét và lúc đó camera đồng thời thu lại hình ảnh đó và máy tính thu vào khoản tiền xe đó phải trả, như vậy các barie mới nâng lên. Tất cả đều được đưa vào phần mềm trong quản lý rất chặt chẽ.

Vé thì chỉ có tác dụng phục vụ cho về thanh toán, đặc biệt đối với các cơ quan Nhà nước. Còn đối với người quản lý không cần vé mà vé điện tử làm chuyện đó. Nên trong một ngày bao nhiêu xe đi qua trạm thu phí, thu được bao nhiêu tiền thì cuối ngày cơ quan quản lý cũng nắm được và cơ quan quản lý đó phải báo với Tổng cục Đường bộ.

Như vậy Tổng cục đường bộ cũng biết được cơ quan đó thu được bao nhiêu tiền. Cho nên vé chỉ có tác dụng thanh toán với người dùng còn đối với cơ quan quản lý không có ý nghĩa.

Video: Né trạm thu phí, xe tải rầm rầm đổ bộ vào làng

Ông Trường khẳng định: “Về vấn đề thất thoát trong thu phí có thể có trước đây thôi còn hiện giờ là hoàn toàn không có.”

Để đảm bảo tính minh bạch trong vấn đề thu phí, ông Trường cho biết thêm rằng từ năm 2020 trở đi tất cả các trạm thu phí chính do Bộ quản lý sẽ thu phí tự động 100%.

Về lùm xùm xung quanh việc thu phí tại trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ. Ông Trường cho hay, việc tự ý đưa camera ra kiểm tra như Cienco 1 là không được, không đáp ứng được quy định và tiêu chuẩn của cơ quan quản lý nhà nước.

Bộ GTVT cũng đã nhờ các cơ quan quản lý Nhà nước khác để kiểm soát tình trạng đó.

“Chúng tôi cũng đã giải thích với nhà đầu tư, việc kiểm soát tại trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ hoàn toàn đáp ứng được độ chính xác và độ minh bạch rồi, anh không cần lập thêm một hệ thống camera nào khác, bởi lập mà không có người kiểm định thì cũng không chính xác và không đúng thẩm quyền hiện nay. Mà anh phải dùng một cơ quan pháp luật khác, một cơ quan tư vấn giúp anh thì mới đúng, chứ tự làm không được. Chúng tôi đã giải thích với nhà đầu tư và tại trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ và đã giải quyết xong những khúc mắc của nhà đầu tư” – ông Trường nói. 

Đức Thuận (ghi)
Bình luận
vtcnews.vn