Nhà báo, NSƯT Phạm Đông: Không hào hoa không là tôi

Tổng hợpThứ Sáu, 04/03/2011 04:05:00 +07:00

Da dẻ căng hồng, quần áo phẳng phiu, nước hoa thơm lừng, dây chuyền vàng lấp lánh nơi cổ áo, thật khó để tin Phạm Đông đã bước qua 65 mùa xuân xanh.

Da dẻ căng hồng, quần áo phẳng phiu, nước hoa thơm lừng, dây chuyền vàng lấp lánh nơi cổ áo, thật khó để tin Phạm Đông đã bước qua 65 mùa xuân xanh. Lịch sự, phong độ- đó là những ấn tượng mà bất cứ ai cũng có trong lần đầu tiếp xúc với ông. Thật không quá khi người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến "Mr Hào hoa", và càng không phải ngẫu nhiên khi ông được mời làm MC cho hai chương trình đinh "Cuộc sống 24h" của kênh VTC14 và "Phong cách đàn ông" trên HDVip.

Từ "Các đồng chí ạ!"...

Có lẽ, trong giới quân đội, không ai không biết đến cái tên Phạm Đông. Hơn 30 năm gắn bó với chương trình phát thanh "Chuyện kể ở đại đội" dành cho các chiến sĩ trẻ, Phạm Đông đã diễn xuất hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện sinh động, có hồn và gây cho người nghe cảm giác thích thú. Một câu chuyện có nhiều nhân vật nhưng Phạm đông cứ thế, độc chiếm diễn xuất tất cả các vai, bền bỉ, say sưa trong mấy chục năm qua. Sóng phát thanh nhờ thế mà có phần ăn khách hơn. Và cũng chương trình đó tạo nên thương hiệu cho Phạm Đông. Ông luôn mở đầu chương trình bằng câu "Các đồng chí ạ!" và trở nên quen thuộc đến nỗi từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đến đồng chí chủ nhiệm Tổng cục Chính trị hay những người lính khi nhắc đến Phạm Đông là nhớ ngay đến cái ông hay: "Các đồng chí ạ!". Đến nay, dù công việc bận rộn nhưng Phạm Đông vẫn say mê công việc của mình, "đến hẹn lại lên" trong "Chuyện kể từ đại đội".

 

Sở hữu chất giọng sáng, chuẩn, có âm sắc riêng biệt khó trộn lẫn với các giọng kịch khác. Nghe đọc trên đài, cùng một lúc thể hiện mấy loại giọng: một cô gái tuổi 18- 20 ngọt ngào, tiếng của một anh lính trẻ, rồi tiếng của ông già 70 tuổi và tiếng của một sĩ quan chỉ huy "hét ra lửa", không ai là không bật cười vì thích thú. Bên cạnh giọng nam, anh còn diễn xuất được nhiều giọng nữ với sự tài hoa đặc biệt: có thể là giọng một nữ chiến sĩ hồn nhiên, lại có thể là giọng một con phe ngoa ngoắt… giọng nào cũng sinh động và đáng nhớ.

Nếu như thời gian ở Đài Tiếng nói, tên tuổi Phạm Đông gắn bó với "Chuyện kể ở đại đội", "Câu chuyện cảnh giác" thì khi sang Đài Truyền hình Hà Nội, Phạm Đông lại lao vào làm báo và viết kịch bản phim. Suốt hơn 35 năm trời, ông làm phóng viên thể thao tường thuật bóng đá, làm ban Văn xã, phóng viên văn nghệ, phóng viên chiến tranh… Chắc chẳng ai như Phạm Đông, mỗi lần được cất nhắc lên làm quản lý, ông lại nằng nặc xin xuống để làm nghề. Nhưng rồi ông vẫn "phải" giữ chức Trưởng ban Văn nghệ của Đài Truyền hình Hà Nội trước khi về nghỉ hưu.

Trong vở kịch truyền hình "Ảo tưởng sụp đổ", khán giả rất ấn tượng với diễn viên đóng vai tên Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu. Bộ mặt điển trai nhưng lì lợm đầy vẻ gian hùng khiến không ít người đã thốt lên "Giống Thiệu lắm!" và họ bắt đầu để ý đến anh chàng diễn viên họ Phạm đã thể hiện rất thành công tính cách cơ bản của một kẻ thủ đoạn, tàn nhẫn và hèn nhát như Thiệu.

Trong nghiệp diễn của mình, Phạm Đông không bao giờ suy tính lớn nhỏ, chính phụ. Từ vai Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn đến anh cảnh sát khu vực, từ chủ tịch huyện đến người lính mới nhập ngũ… anh đều nhiệt tình và hết mình tròn vai. Tuy nhiên, dường như Phạm Đông rất có duyên với vai chiến sĩ công an. Quen thuộc đến mức có lần các bà bán hàng rong trên vỉa hè Phố Huế phải chạy tán loạn vì tưởng anh là… công an thật!. Sở dĩ Phạm Đông nhập vai người lính rất ngọt vì trước khi trở thành nghệ sĩ, anh đã thực sự là chiến sĩ. Anh từng tham gia chiến đấu ở chiến tường Trị Thiên và đặt chân lên rất nhiều vùng đất của tổ quốc.

Không chỉ thể hiện mình trên cương vị diễn viên, ông đồng thời là tác giả kịch bản và đạo diễn của nhiều bộ phim truyền hình ở những thể loại khác nhau: Những điều còn mất, Bụi mọt, Tầng cao thành phố... Tìm kiếm, hình thành rồi lại phá bỏ để tìm cái mới. Tự phủ định để vươn về phía trước, để tìm ra phương pháp thể hiện hấp dẫn và có sức thuyết phục hơn. Với cách làm và cách nghĩ như vậy, nhiều năm qua, dù ở cương vị nào, lĩnh vực nào, Phạm Đông cũng lao động hết mình, khám phá và sáng tạo. Ẩn dấu dưới dáng vẻ thư thái của Phạm Đông là sức làm việc bền bỉ, cần mẫn. Cởi mở, chân tình khi giao tiếp nhưng lại cặn kẽ, chi tiết, cẩn thận trong công việc. Thậm chí năm 1989, khi làm cho Công ty Nghe nhìn Hà Nội, ông còn liều lĩnh thế chấp nhà để sản xuất bộ phim "Cao nguyên không yên tĩnh", trong đó ông kiêm luôn biên kịch và diễn viên.

… Đến "Phong cách đàn ông"

"Đấy, thứ 2 vừa rồi mình mới hiện hình trong chương trình Cuộc sống 24h. Sắp tới lại hiện hình trong Phong cách đàn ông nữa". Vâng, ông gọi công việc MC của mình là "hiện hình"!

Cầm cuốn sổ hưu, cứ tưởng Phạm Đông sẽ đủng đỉnh lui về an thú tuổi già. Nhưng người ta lại được phen ngạc nhiên khi thấy ông vẫn "tả xung hữu đột" hết lặn lội tham gia công tác đào tạo MC cho các Đài địa phương, đến mày mò viết kịch bản, đạo diễn các chương trình truyền hình. Và như cá lớn về với đại dương, Phạm Đông gia nhập Đài THKTS VTC là điều dễ hiểu. Càng làm, càng hăng, ở ông người ta vẫn thấy sự say nghề như tuổi đôi mươi.

 

Về VTC, ông được giao cho chương trình truyền hình trực tiếp Nhà báo và những người bạn, vừa làm chủ nhiệm vừa là tác giả kịch bản, thỉnh thoảng kiêm luôn công việc… "hiện hình". Đồng thời, Phạm Đông cũng nằm trong Hội đồng Nghiệm thu của Đài, chủ yếu duyệt các chương trình phim truyện, phim tài liệu. Ngoài ra, hiện nay, ông cũng được giao trọng trách duyệt trực tiếp trên sóng 2 bản tin của kênh VTC14 là Cuộc sống 24h và Giao thông an toàn.

Riêng Cuộc sống 24h, NSƯT Phạm Đông được lãnh đạo kênh tin tưởng mời làm cố vấn đồng thời là MC mỗi tuần một lần cho mục Câu chuyện buổi sáng.

Đây là chuyên mục chính của bản tin, đòi hỏi có bình, có luận, có phê về những vấn đề đặt ra trong cuộc sống hiện nay. Để theo được công việc này, Phạm Đông khá vất vả. Chương trình lên sóng trực tiếp lúc 6h sáng, nhà lại ở xa, cách Đài gần 30 km nên sáng nào Phạm Đông cũng phải dậy từ 4h rồi lái xe đến cơ quan là 5h, tiếp tục trao đổi với biên tập, MC đến 6h mới lên hình. Để công việc suôn sẻ, ngay từ chiều hôm trước, ông đã nhận kịch bản và dành cả buổi tối nghiên cứu đồng thời tham khảo thêm tư liệu, chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho sáng hôm sau. "Mình không phải là người thợ, không phải là cái máy để đến là xông vào ngay được. Công việc nào cũng đòi hỏi phải lao động nghiêm túc và cần sự đầu tư"- ông chia sẻ.

Không chỉ về nội dung, Phạm Đông cũng chăm chút cho phần hình thức khi lên hình. Ông luôn trao đổi để có sự thống nhất với MC đồng dẫn với mình về lựa chọn trang phục, sao cho tông- xuỵt- tông. Để chắc ăn, hôm nào ông cũng cẩn thận mang theo 2-3 chiếc áo.

Thể hiện phong cách của riêng mình, trong quá trình bình, Phạm Đông luôn lồng vào những chi tiết nho nhỏ, những mẩu chuyện giản dị mà cuộc đời ông đã thu nhặt, chiêm nghiệm được, giúp cho vấn đề sinh động và hấp dẫn hơn. Có một nguyên tắc mà ông luôn ghi nhớ, đó là không bao giờ áp đặt hay phủ nhận các vấn đề. Ông đặt mình vào vị trí người xem truyền hình để nói và bình. Một vấn đề có thể nhiều người nhìn nhận khác nhau và cái gì chắc chắn thì ông mới nói, không bao giờ nói những điều chính mình vẫn còn hoài nghi.

Sau một tiếng lên hình trực tiếp, Phạm Đông lại tiếp tục ngồi duyệt 15 phút bản tin Giao thông an toàn và thu duyệt các chương trình khác. Đánh giá về đội ngũ phóng viên kênh VTC14, "ông cố vấn" gật gù: "Chính các bạn ấy đã truyền sức trẻ cho tôi. Tác phong làm việc chuyên nghiệp, tư duy khá, khiêm tốn, học hỏi. Rất ít người nhưng làm được rất nhiều việc. Có mấy người thôi mà mỗi ngày làm ra chương trình trực tiếp 1 tiếng thì phải nói là tôi bái phục. Sự cố gắng của các bạn rất cao. Thế nên đôi khi phê thì vẫn phê nhưng trong bụng lại thấy thương. Hôm nào để mức Khá thôi, mình cũng áy náy vì thật sự các bạn vất vả quá. Chính sự khâm phục khiến tôi yêu mến và muốn giúp đỡ, gắn bó hơn".

Mới đây, HDVip cho ra mắt chương trình Phong cách đàn ông, và không quá ngạc nhiên khi NSƯT Phạm Đông lại tiếp tục được mời làm cố vấn kiêm luôn dẫn chương trình. Có vẻ Phạm Đông rất hứng thú với công việc mới này. Vừa nói chuyện với tôi, ông vừa lật dở tập kịch bản mới nhận được: "Đấy, họ quý mình nên mời, mà mình thì hay nể, nhưng mà cũng chỉ dám nhận một tuần một buổi thôi".

Riêng tôi thì nghĩ, ngoài cái sự quý mến nhau, phải chăng chính nhờ phong cách rất đàn ông, hiện đại của Phạm Đông đã tạo nên sức hút cho riêng mình, đến nỗi Phó GĐ Đài còn phải thốt lên: "Chương trình này mời bác Phạm Đông là chuẩn rồi". Nói thì ông chỉ cười "Phong cách gì đâu, có chăng thì cũng là phong cách của thế kỉ 20 rồi. Thôi thì mình cứ là mình thôi". Đấy là ông cứ khiêm tốn thế, chứ riêng cái "phong cách thế kỉ 20" của ông cũng đã ít người theo kịp rồi. Chả thế mà cái hồi ở đài Hà Nội, Phạm Đông vẫn được tiếng là hơi đỏm dáng, chải chuốt, đi ra khỏi nhà là nước hoa thơm lừng, quần áo là lượt tươm tất. Đến nỗi, nhiều cô phóng viên kháo nhau "Đi vào thang máy, ngửi mùi là biết sếp Đông đã đến chưa".

Cầu kỳ về hình thức nhưng Phạm Đông lại không phải là tín đồ của hàng hiệu. Quần áo, với ông không cần phải sang trọng, đắt tiền mà chỉ cần lịch sự, nghiêm túc. Với ông, khi xuất hiện trước công chúng, tôn trọng mình cũng là tôn trọng người khác, qua cách ăn mặc người ta có thể đánh giá được văn hóa, trình độ, phong cách và tư cách. "Có những ông khoe với mình là mua cái áo này 100 USD, mình nói ngay là 100 USD tôi mua được 5 chiếc, một tuần ông mặc một cái đó còn tôi có tới 5 cái để thay đổi"- Phạm Đông vừa kể vừa cười đắc chí. Ấy thế mà cũng nhờ biết cách ăn mặc, lúc nào cũng sạch sẽ, phong độ nên người ta vẫn cứ tưởng Phạm Đông là chuyên gia xài "hàng xịn".

Đi làm là sơ mi bẻ cổ, phẳng phiu, chỉnh tề. Nhưng khi đi chơi với các bạn trẻ, lại thấy một Phạm Đông quần bò, áo phông rất "thanh niên". Thành ra, người ta cứ cười mà bảo "gọi anh thì sợ hỗn mà gọi chú thì hơi thiệt". Đi hát karaoke, Phạm Đông vẫn "cháy" hết mình. Rượu có thể uống cả chai, thuốc đã từng đều đều ngày 2 bao ba số. Đã vui là vui tưng bừng, vui tới cùng. Thậm chí có khi, uống rượu xong, sẵn sàng gửi xe đi taxi về. Ông quan niệm cái gì cũng phải biết nhưng không nghiện một thứ, sống phải hòa nhập, khi hội ngộ với các ông bạn già thì phải theo đúng phong cách của một ông già đích thực nhưng khi đi với giới trẻ thì cũng không để bị đánh bật ra ngoài. Chính nhờ khả năng "biến hóa" linh hoạt ấy mà bao năm nay, bạn bè đồng nghiệp khi cộng tác với ông luôn có cảm giác bị đẩy về phía trước, bị "vắt kiệt" mình để khám phá và bộc lộ năng lực của chính bản thân mình…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn