Nhà báo Nguyễn Lưu: Năng lực sếp VFF ngày càng đi xuống

Thể thaoThứ Ba, 21/05/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Tôi theo dõi mấy mươi năm qua đã cảm thấy, (tôi nói là cảm thấy) năng lực của “sếp” ở VFF ngày càng có chiều hướng đi xuống.

(VTC News) –  “Tôi sẽ ủng hộ người NHÀ NƯỚC có đủ năng lực sắm cho bóng đá nước ta những chiếc cần câu!”


Đó là một trong những quan điểm của Nhà báo Nguyễn Lưu về việc lựa chọn người đứng đầu VFF.

Gặp ông trong một cuộc trò chuyện nhanh, bằng cá tính và con mắt tinh đời của một cây bút gạo cội, Nhà báo Nguyễn Lưu đã đưa ra những chính kiến đầy
thú vị trên một hệ quy chiếu đa chiều về chiếc "ghế nóng" ở VFF - một tổ chức nghề nghiệp thuộc hạng "hot" nhất ở Việt Nam.

-Ông chắc không lạ gì vụ lùm xùm quanh 19 lá phiếu tín nhiệm ở VFF mấy hôm nay?


Nha bao Nguyen Luu
Nhà báo Nguyễn Lưu
Tất nhiên rồi! Và nếu anh hỏi tôi về quan điểm của mình thì…

Ngắn gọn thế này: Lộn xộn!

À không, tiếng Pháp có một từ mô tả chuẩn hơn, đó là “South Elemantair”, dịch tận gốc nghĩa là phía dưới sơ cấp, hạ đẳng.

Những chuyện ở dạng “South Elemantair” của VFF không phải bây giờ mới có hay bây giờ người ta mới biết và tôi thì không muốn nhắc lại, hay nói thêm nhiều.

- Ồ, tạm dừng chuyện VFF, xin thưa Nhà báo, chữ tiếng Pháp mà ông vừa nêu tôi thấy có từ “South”  trong tiếng Anh có nghĩa là phía Nam?

Trong từ điển tiếng Pháp của Đào Duy Anh, từ cán (gốc) của nó phải là “Southeast” cơ đấy! Mà từ này trong tiếng Anh chỉ phía Đông Nam.

Tại sao bảo “Southeast” là từ cán (gốc) vì đúng là nó chỉ phía Đông Nam. Về phương hướng thì rõ ràng nó ở phía dưới. Thế nên “South Elemantair” có thể hiểu là dưới của sự sơ cấp, hạ đẳng!

- Trở lại với VFF, bây giờ chuyển sang hậu kỳ của những lá phiếu tín nhiệm. Cá nhân ông muốn người nào ngồi vào ghế Chủ tịch VFF?

 

Nếu bây giờ chúng ta lại ra rả rằng, người ngồi vào ghế Chủ tịch VFF là người phải có tài, có tâm, có tầm, có tín hay n thứ bắt đầu bằng chữ “t” đi nữa thì nghe chán lắm rồi!

Nguyễn Lưu
 
Nếu bây giờ chúng ta lại ra rả rằng, người ngồi vào ghế Chủ tịch VFF là người phải có tài, có tâm, có tầm, có tín hay n thứ bắt đầu bằng chữ “t” đi nữa thì nghe chán lắm rồi!

Tôi theo dõi mấy mươi năm qua đã cảm thấy, (tôi nói là cảm thấy) năng lực của “sếp” ở VFF ngày càng có chiều hướng đi xuống. Bây giờ phải là ai có thực lực thì nên làm.

Mấy ý vừa nêu trên chỉ là chuyện bên lề một chút cho quan điểm của tôi thêm sinh động. Còn đi vào cụ thể hơn câu hỏi của bạn, tôi xin không đặt rõ chủ thể. Tôi cứ gọi một bên là người DOANH NGHIỆP tham gia ứng cử chức Chủ tịch VFF và một bên là người NHÀ NƯỚC tham gia ứng cử.

Đến đây, tôi đặt lại câu hỏi của bạn là: Người của DOANH NGHIỆP hay người của NHÀ NƯỚC nên làm Chủ tịch VFF ở thời điểm này?

Nhìn rộng ra thế giới, không thiếu những vị Chủ tịch của một Liên đoàn bóng đá là những người giàu có, là những doanh nhân thành đạt. Đấy là một xu thế hợp thời. Và đúng ra, chuẩn ra phải là người của DOANH NGHIỆP làm. Nhưng nhìn lại Việt Nam thì bóng đá của ta nói thẳng là chưa chuyên nghiệp. Bởi vậy, người NHÀ NƯỚC làm Chủ tịch VFF thời điểm này mới hợp lý.

Có nhiều yếu tố để đánh giá sự chuyên nghiệp. Tôi chỉ đưa ra một yếu tố là ví dụ. Đó là việc hàng loạt các ông bầu cuối mùa bóng trước, tháo chạy khỏi bóng đá. Điều ấy chứng minh tính rủi ro không chối cãi được. Đặt bóng đá vào DOANH NGHIỆP thời điểm này đồng nghĩa với việc nền bóng đá của ta mang tính rủi ro quá cao!

Le Hung Dung va Nguyen Trong Hy
Người về, người lên? (Ảnh: Quang Minh)

- Ông có cầu toàn hay lo xa quá không, bởi một khóa ở VFF kéo dài tới 7 năm cơ mà?

Bóng đá ở ta phần lớn gắn liền với Địa ốc, với Ngân hàng. Nó từng là “miếng mồi” để cho các ông chủ Địa ốc, Ngân hàng có đam mê với trái bóng thỏa sức tung hoành, đánh bóng. Đi cùng đó là hàng loạt lợi ích hữu hình lẫn vô hình đã được bóng đá “lại quả” cho các DOANH NGHIỆP, các ông bầu được sinh ra, tiếng tăm được nhiều người biết đến (vì dân ta rất mê bóng đá), thị phần được mở rộng…

Nhưng rồi Địa ốc, Ngân hàng chao đảo, bóng đá ta lập tức chao đảo theo.

Có thể chừng mực nào đó tôi cầu toàn, nhưng tôi không lo xa. Tôi thích nhìn bóng đá trên hệ quy chiếu của Địa ốc, Ngân hàng. Tôi cũng thích quan điểm của tiến sĩ Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) khi tiến sĩ cho rằng, gói tín dụng 30.000 tỷ cứu trợ Địa ốc là bất cập, bởi đó chỉ là con cá chứ không hẳn đã là cái cần câu. Hãy cứ để Địa ốc vận hành theo quỹ đạo sằng phẳng, cứ để nó rơi tự do, nó sẽ về với giá trị thực của nó.

Bóng đá Việt Nam cũng vậy, nó cũng từng và vẫn còn đang ở trên trời như Địa ốc một thời. Và cứ để nó rơi tự do xuống mặt đất, thậm chí để nó trở về bóng đá phong trào như quan điểm tôi nhiều lần đã nêu, có khi lại tốt.

Tôi không hề hạ thấp vai trò của DOANH NGHIỆP. Nhưng những gì mà DOANH NGHIỆP đã làm cho bóng đá Việt Nam ở nhiều góc độ cũng vẫn chỉ là câu chuyện cho một con cá chứ không phải cho cái cần câu.

Vậy nên để an toàn, tôi thiên về người NHÀ NƯỚC và sẽ ủng hộ nếu người NHÀ NƯỚC thực sự đủ năng lực sắm cho bóng đá nước ta những chiếc cần câu!

- Xin cảm ơn ông!


Hà Thành(Thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn