Nhà báo Nguyễn Lưu: Lãnh đạo VFF nói 10 nhưng làm chẳng được bao nhiêu

Thể thaoThứ Sáu, 12/01/2018 08:21:00 +07:00

Nhà báo Nguyễn Lưu cho rằng đến lúc phải có một sự “xuống tay” thực sự từ cấp lãnh đạo cao hơn để làm lại bóng đá với thái độ kiên quyết, vì tương lai lâu dài.

Tại sao Việt Nam có 90 triệu dân, yêu bóng đá cuồng nhiệt, lại chẳng đến sân xem V-League. Đó là vấn đề được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra trong Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. 

VTC News trao đổi với nhà báo Nguyễn Lưu xung quanh vấn đề này.

PV: Tại sao nền bóng đá Việt Nam suốt bao năm qua vẫn mãi quẩn quanh tìm đường phát triển, thưa ông?

Nguyen Luu

 Nhà báo Nguyễn Lưu.

Nhà báo Nguyễn Lưu: Bóng đá Việt Nam những năm qua làm được nhiều điều đáng ghi nhận, cái này, tôi không nói thêm nữa. Nhưng những thứ làm được, theo tôi còn hãn hữu so với kỳ vọng và mong muốn của người dân lẫn chính phủ.

Việc lấy ý kiến đóng góp vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam diễn ra ngay trước thềm Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2018-2022 làm cho vấn đề nhân sự của Đại hội thêm nóng.

Ở những nước phát triển, vai trò bộ máy lãnh đạo Liên đoàn bóng đá không quá quan trọng. Nhưng ở Việt Nam thì khác. Với cá nhân tôi, bộ máy lãnh đạo VFF là mấu chốt của sự thay đổi bóng đá nước nhà. Điều này có nghĩa, bóng đá Việt Nam phát triển hay giậm chân tại chỗ, hay tụt hậu phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu VFF.

Những nhiệm kỳ gần đây đều đi qua với 1 kịch bản: Khi lên thì hô hào, quyết tâm rất mạnh mẽ nhưng khép lại chẳng có gì thay đổi. Các nhà lãnh đạo VFF nói 10 nhưng làm chẳng được bao nhiêu.

vff 3

Đại hội thường niên BCH VFF khóa VII năm 2017. 

Báo chí thời gian qua bắt đầu nóng. Có thông tin vô tư khách quan, có thông tin lại chứa những động cơ chính trị, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, có người đội lốt “chấn hưng” để dọn đường thăng tiến…  khiến dư luận càng hoang mang, nghi ngờ về sự mất đoàn kết trong nội bộ VFF trước đại hội.

Chưa hết, chuyện chọn nhân sự là người nhà nước hay doanh nghiệp, là người có chuyên môn về bóng đá hay không cần chuyên môn về bóng đá… cũng nóng theo.

Nói thật, người dân rất chán nản, cá nhân tôi cũng chán nản, thất vọng. Nhưng vì yêu bóng đá nên không thờ ơ.

Xin được nhắc lại, với tôi, thượng tầng VFF có vai trò quyết định tới sự phát triển bóng đá Việt Nam. Thượng tầng VFF sắp có sự thay đổi về nhân sự song điều chúng tôi mong đợi nhất là sự thay đổi về tư duy lãnh đạo, đường hướng lãnh đạo, hành động lãnh đạo.

Lâu nay, chúng ta đang nhầm lẫn trong việc chọn người với mặc định có chuyên môn bóng đá thì có thể quản lý được bóng đá.

Không! Chúng ta cần một bộ óc biết quản trị, có quan hệ ngoại giao tốt với các tổ chức bóng đá quốc tế, có tiếng nói, có tầm ảnh hưởng xã hội. Tiếng nói và tầm ảnh hưởng ở đây có thể là quyền lực. Tôi không muốn dùng từ “tài phiệt” nhưng người này có những tố chất mạnh mẽ, quyết đoán và đặc biệt, đủ khả năng, quyết tâm vượt qua những ràng buộc để tạo ra những thay đổi mạnh mẽ.

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói trong Hội nghị sơ kết : “Bóng đá Việt Nam nếu ví như cơ thể, thì các giải chuyên nghiệp và đội tuyển là bộ mặt. Những nhứng thứ lộ ra trên mặt mình thấy nó không tốt rồi thì dứt khoát trong tối đa mình phải chấn chỉnh.

Chúng ta phải có lộ trình và khi có lộ trình phải lưu ý mấy điểm. Đầu tiên phải theo chuẩn mực chung thế giới. Khi theo chuẩn mực thế giới rồi thì phải xem lại mình, soi lại mình xem những gì là ngược, hay những thứ không đúng thì mình phải kiên quyết với thái độ vì lâu dài, thậm chí ngay trước mắt nếu phải làm những gì đó có thể làm bóng đá bị chững lại cũng không sao cả”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh”.

Ông nghĩ sao về quan điểm này?

PTT VU DUC DAM

 Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị sơ kết.

Tôi rất mừng trước quan điểm vừa nêu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Tôi cho rằng, đến lúc phải có một sự “xuống tay” thực sự từ cấp lãnh đạo cao hơn để làm lại bóng đá với thái độ kiên quyết, vì tương lai lâu dài.

Chúng ta không chỉ có sự thay đổi mạnh mẽ về bộ máy lãnh đạo, cách lãnh đạo mà còn cả ở các quy chế, điều luật. Cần phải soi lại rất kỹ lưỡng các văn bản pháp quy của bóng đá Việt Nam hiện tại, xem chỗ nào sai, chỗ nào thiếu, chỗ nào không hợp lý, chỗ nào đi ngược với xu thế chung của thế giới phải sửa, phải thay đổi, phải nắn chỉnh để không còn những kẽ hở cho người ta lạm dụng, lách luật.

Tôi ví dụ, bóng đá không thể có chuyện một ông chủ 4 đến 5 đội bóng thi đấu ở một giải vô địch được. Cái này sai rõ ràng nhưng chúng ta cứ để tồn tại là sao?

Rồi sơ đồ phát triển hình tháp của thể thao Liên Xô cũ từ lâu chúng ta áp dụng nhưng làm ngược mà không chịu thay đổi. Trong sơ đồ này, chân đế thể thao phong trào phải rộng mới có nhiều lựa chọn để càng lên cao càng chắt lọc, cho ra những VĐV tinh túy, tốt nhất. Nhưng ở ta không chỉ với bóng đá mà nhiều môn khác, các đội chuyên nghiệp nhiều hơn đội phong trào… Điều này phải làm lại.

Chính phủ Việt Nam đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Bóng đá Việt Nam cũng phải nằm trong guồng quay này, phải quyết tâm đổi mới để có thể phát triển.

- Một thống kê chỉ ra rằng, trong 4 năm qua chỉ có hơn 4 triệu người đi xem V-League, chiếm khoảng 5% dân số Việt Nam. Ông có thấy giật mình với con số này không?

Ha Noi Sai Gon V League (13) 12

V-League ngày càng vắng khán giả.

Phải nói là xót xa! Ngày xưa chúng tôi cởi áo, bán cả đồng hồ để mua vé đi xem bóng đá. Tất nhiên, ngày nay, người dân có nhiều lựa chọn hơn, việc họ không còn thường xuyên tới sân xem bóng đá là điều dễ hiểu. Nhưng cũng phải xem lại ngay cách chúng ta đưa bóng đá đến với người dân như thế nào.

Người dân không thể vào sân xem một trận đấu mà hai đội bóng của một ông chủ “diễn trò”, người dân không thể xem một giải đấu có những trận đấu “đi đêm”, người dân không muốn xem một trận đấu có những pha vào bóng bạo lực, có những ông trọng tài yếu về chuyên môn, có vấn đề tư tưởng….

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra 3 tiêu chí làm bóng đá là THẬT, là ĐẸP là CHÍNH XÁC. Chừng nào chưa có 3 điều này thì không những con số hơn 1 triệu người đi xem V-League mỗi mùa không tăng mà còn giảm đi.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Thành
Bình luận
vtcnews.vn