Nhà báo: Nghề nguy hiểm và những bài báo... nguy hiểm

Thời sựThứ Hai, 21/06/2010 07:08:00 +07:00

(VTC News) – Nghề báo - nghề nguy hiểm - ai cũng đã biết. Nhưng những bài báo có thể gây nguy hiểm cho cá nhân, xã hội, thì không phải độc giả nào cũng hiểu.

(VTC News) - Nghề  báo - nghề nguy hiểm - ai cũng đã biết. Nhưng những bài báo có thể gây nguy hiểm cho cá nhân, xã hội, thì không phải độc giả nào cũng biết. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, VTC News đã gặp những đại biểu Quốc hội rất am hiểu "nghề nguy hiểm" để cùng họ nhìn thẳng vào những cái được và chưa được của nhà báo.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, VTC News có cuộc trao đổi với 2 ĐBQH Nguyễn Lân Dũng và ĐBQH Nguyễn Đình Xuân xoay quanh nghề báo, người làm báo trước những nguy hiểm, cám dỗ…

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng: "Nghiệp vụ nhà báo cũng như người trinh thám"

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng cho rằng, hành hung nhà báo là tội phạm hình sự vì thế phải nghiêm trị để ngăn chặn hành vi này. “Chúng ta có Luật pháp, chúng ta phải xử lý nghiêm, phải xử lý cả những người không xử lý nghiêm, bởi những người không xử lý nghiêm tức là vi phạm pháp luật”, ĐB Nguyễn Lân Dũng nói.

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng (Ảnh: Kiều Minh) 
Theo ĐB Nguyễn Lân Dũng, nhà báo tác nghiệp phải có nghệ thuật, ông kể: “Tôi nghe nhà báo Trần Đình Bá kể chuyện anh viết nhiều bài căng thẳng và bị theo dõi, có lần anh ấy vỗ vai người theo dõi mình nói "cậu về học thêm nghiệp vụ đi, cậu theo dõi tớ mà cả phố biết cậu theo dõi". Qua đó để thấy, nhà báo phải dũng cảm nhưng cũng phải khéo léo. Nghiệp vụ nhà báo cũng như người trinh thám ấy, phải chính xác, kín đáo. Thường khi người ta tức giận là vì “anh” (nhà báo) đưa tin sai. Anh đưa đúng, người ta không có lý do gì tức giận anh như thế. Nhà báo không nói, luật pháp cũng sẽ lên tiếng nhưng nói sai người ta sẽ tức giận vô cùng”.

ĐB Nguyễn Lân Dũng dẫn chứng: “Báo KHĐS suýt đuổi một cán bộ đưa cái tin mà tôi… không nói câu nào: Chủ tịch Hội sinh học nói là khi chọn rau thì rau nào mà đẹp đừng mua. Tôi đâu nói bậy thế! Tôi gọi Tổng biên tập thì thấy bảo, cô ấy nói trên mạng có câu hay quá nên "gắn" cho thầy Dũng để... có trọng lượng!

“Tôi đã mấy lần đề nghị đính chính, vì nhà báo họ nói sai, khi tôi nói có những chất có chỉ số rất độc như lân hữu cơ và clo hữu cơ (là những chất gây ung thư) mà nhà báo lại viết là tôi nói đạm vô cơ và lân vô cơ gây ung thư thì có chết người không? Viết thế là không đúng tý nào vì đạm vô cơ và lân vô cơ là phân bón - rất cần. Nói thế người ta đâu dám bón đạm, bón lân nữa. Nguy hiểm quá”!

ĐB Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Tôi cũng hay viết báo nhưng tôi cũng luôn luôn học tập và tìm ng
ười nào đó làm mẫu để phấn đấu, tôi thường hướng về anh Phan Quang (từng nắm giữ những chức vụ quan trọng như: Phó chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam... - PV) - một nhà báo kỳ cựu, già như thế chịu khó đi chịu khó viết, mà anh viết bài nào cũng hay. Tôi suy nghĩ tại sao anh viết hay? Thứ nhất là anh có bộ nhớ tốt - không dùng máy ghi âm; thứ 2 anh có ngoại ngữ tốt - nên anh đọc được nhiều cả trong nước và nước ngoài; thứ 3 anh có tri thức tốt, nhân chuyện này anh nghĩ ra chuyện khác. Vì thế nên bài báo của anh mang lại cho mình nhiều cái mới. Tôi quan niệm muốn viết bài báo hay phải có 2 yếu tố: ai đọc cũng hiểu được và ai đọc cũng thấy mới”.

Về vấn đề nhà báo tác nghiệp an toàn và hiệu quả, ĐB Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh: “Cần phải rèn luyện, đ
ừng đưa tin sai, điều tra phải kín đáo như nhà trinh sát. Còn những người bị cám dỗ, nhà báo làm ngơ mọi chuyện để ăn tiền, để “nén bạc đâm toạc tờ giấy” thì không đáng gọi là nhà báo”.

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân: Nghề báo là nghề nguy hiểm và cũng… gây nguy hiểm cho người khác

ĐBQH Nguyễn Đình Xuân (Ảnh: DC) 
- Thưa ông, ngoài công việc chuyên môn của mình được biết ông cũng tham gia viết báo, với vai trò một đại biểu Quốc hội (ĐBQH), ông tiếp xúc rất nhiều với báo chí, ông có thể chia sẻ những suy nghĩ của mình về báo chí?

Trước hết, tôi xem báo chí là cầu nối giữa ĐBQH với cử tri. Qua đó, tôi có nhiều thông tin bổ ích, rất tốt cho công việc là một ĐBQH của tôi cũng như là lãnh đạo Vườn Quốc gia (ĐBQH Nguyễn Đình Xuân hiện là Giám đốc VQG Lò Gò – Xa Mát).

Tôi cũng muốn gửi thông điệp tới cử tri qua báo chí nên tôi rất cởi mở với báo chí. Cùng với đó, tôi cũng viết các bài báo nhằm gửi thông điệp tới bạn đọc. Cái cảm giác chờ đợi bài viết của mình đến với người đọc khiến tôi rất  hồi hộp và thích.

- Thời gian gần đây có những nhiều sự vụ nhà báo bị hành hung khi đang tác nghiệp, ông suy nghĩ gì về hành động này? Theo ông, nghề báo có phải là một nghề nguy hiểm như nhiều người nói?

Bản thân tôi cũng chưa gặp nguy hiểm khi viết báo nhưng tôi đọc nhiều thông tin về hành hung nhà báo. Nhiều người hỏi tôi nghề báo có là nghề nguy hiểm không, tôi nghĩ là có – nghề báo là nghề nguy hiểm và cũng… có thể gây nguy hiểm cho người khác nữa.

- Ông có thể nói rõ hơn?

Ví như tham nhũng mà báo chí phanh phui thì rõ là gây nguy hiểm cho người ta (người xấu), sẽ dẫn đến việc người ta có xu hướng trả thù nhằm bưng bít thông tin. Nhưng cũng có nhà báo viết sai sự thật, một vài sự cố nhỏ mà thổi phồng lên gây bất lợi cho người khác, như việc làm lớn chuyện về sữa melamine hay chuyện ăn bưởi năm roi gây ung thư… Những việc như vậy là thái quá, nhà báo có thể không gặp nguy hiểm nhưng lại gây nguy hiểm cho người khác.

- Hành hung có là mối nguy hiểm duy nhất rình rập nhà báo khi đang tác nghiệp không, theo ông?

Tôi thấy hoạt động của nghề báo đa dạng phong phú. Việc nhà báo đi nhiều, cọ xát với nhiều đối tượng trong xã hội cũng dễ nguy hiểm cho bản thân. Không chỉ là đe dọa, hành hung mà đối tượng còn “vô hiệu hóa” nhà báo bằng nhiều các khác như dụ dỗ, mua chuộc bằng tiền bạc vật chất... – đây cũng là những mối nguy hiểm đối với người làm báo.

Tuy nhiên, tôi thấy sự nguy hiểm của nhà báo như một bữa cơm có hạt sạn. Ta có thể loại bỏ sạn nhưng không thể bỏ ăn cơm.

- Theo ý kiến cá nhân ông thì làm thế nào để nhà báo tác nghiệp được an toàn và hiệu quả?

Việcđầu tiên nhà báo phải tự biết bảo vệ mình. Trước một sự việc cần phản ánh thì sự mạo hiểm là cần thiết nhưng cần hơn cả là sự thận trọng. Cùng với đó, xã hội phải tôn trọng, pháp luật phải bảo vệ người làm báo.

Tuyên truyền Luật Báo chí cũng là việc hết sức cần thiết nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những vụ hành hung nhà báo thì mới có tính răn đe.

- Nhưng thực tế, một số vụ hành hung nhà báo bị xử lý nhưng dư luận không thấy thỏa đáng?

Nhà báo rất được dư luận quan tâm, ủng hộ nên cần phải xứ lý nghiêm nhng người hành hung nhà báo cho đúng người đúng tội.

- Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trao đổi với VTC News!

Kiều Minh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn