Nhà báo cần trang bị “vũ khí” với tình huống nóng

Thời sựThứ Tư, 04/08/2010 12:02:00 +07:00

(VTC News) - Làm thế nào để hoạt động tác nghiệp của nhà báo bớt đi những hiểm nguy, làm thế nào để máu nhà báo không còn đổ vì bị kẻ xấu hành hung?

(VTC News) - Làm thế nào để hoạt động tác nghiệp của nhà báo bớt đi những hiểm nguy, làm thế nào để máu nhà báo không còn đổ vì bị kẻ xấu hành hung? Đó là chủ đề chính trong buổi hội thảo Tác nghiệp của nhà báo trong “tình huống nóng” diễn ra tại trụ sở Hội Nhà báo Việt Nam chiều ngày 03/8.

Ngày 26/4/2010, báo điện tử Công luận tổ chức Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” và đã nêu lên một vấn đề rất quan trọng và bức thiết. Đó là, trong quá trình tác nghiệp nhà báo thường phải đối mặt với nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng thực tế lại đang thiếu những qui định pháp lý để bảo vệ danh dự, tính mạng và tài sản của nhà báo, cũng như là bảo vệ quyền được thu thập thông tin như Luật Báo chí đã quy định.

Các nhà báo trong Hội thảo Tác nghiệp của nhà báo trong những "tình huống nóng".

Trong khi chờ các cơ quan liên quan đưa ra được một chính sách hữu hiệu để bảo vệ nhà báo tác nghiệp như những gì Hội thảo ngày 26/4 đề xuất thì những vụ hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp vẫn liên tiếp xảy ra. Theo thống kê, ba tháng qua đã xảy ra thêm ít nhất 8 vụ việc cản trở, đe dọa, xúc phạm, hành hung nhà báo.

Để tự bảo vệ mình khi tác nghiệp trong những tình huống nóng, các nhà báo kỳ cựu với nhiều lần “nằm gai nếm mật” tại nhiều “điểm nóng” đã chia sẻ với các đồng nghiệp những kinh nghiệm “xương máu” trong quá trình tác nghiệp của mình.

Nhà báo cần phải dự cảm với sự nguy hiểm

Nhà báo Đinh Anh Tuấn báo Tiền phong chia sẻ, trong quá trình tác nghiệp những nhà báo có kinh nghiệm thường không chủ quan, mà có sự chuẩn bị chu đáo trước khi đi vào vùng nóng, điểm nóng. Họ nhận thức được, dự cảm được tình huống nóng có thể xảy ra với mình, từ đó mới có những chuẩn bị thích hợp.

Nhà báo Đinh Anh Tuấn: "Nhà báo cần dự cảm được những tình huống nóng xảy ra với mình để có sự chuẩn bị".

Khi đó, nhà báo cần phải thông báo trước với Ban biên tập để họ có được những sự hỗ trợ cần thiết, như được bố trí phương tiện, bố trí phóng viên trong tòa soạn đi cùng, hoặc ít nhất họ cũng nhận được những lời khuyên bổ ích từ những nhà báo đàn anh trong tòa soạn.

“Vấn đề kín đáo, bí mật là cách rất tốt để tự bảo vệ mình. Nhiều trường hợp cần phải “ẩn náu” mình là ai. Nên vào vai những người trong cuộc để tìm hiểu vấn đề. Mọi tác phong, cử chỉ, ngôn ngữ biểu cảm… hãy biến mình ở một vị thế là một người không phải là nhà báo.” Nhà báo Anh Tuấn nhấn mạnh kinh nghiệm cá nhân của mình.

Gây dựng cơ sở với người dân địa phương, để khi cần, có sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả cần phải được đặc biệt chú ý khi phải tác nghiệp trong “tình huống nóng”.

Nhà báo Phan Lợi: "Cần phải xây dựng một kế hoạch chu đáo để tác chiến".

Đối với nhà báo Phan Lợi, Trưởng VPĐD Hà Nội của Báo pháp luật TP HCM cho rằng, khi  dự cảm được sự nguy hiểm nhà báo cần phải xây dựng kế hoạch chu đáo để “tác chiến”, đó là một kế hoạch chỉn chu, có sự chỉ đạo sát sao từ người phụ trách, phải có một ê kíp phối hợp tức thì khi cần thiết và phải nhanh chóng ra văn bản đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ phối hợp để bảo vệ chính mình.

Cần phải đối mặt


Với kinh nghiệm của một nhà báo trên 10 năm tham gia tại những điểm nóng trong cả nước, nhà báo Phạm Kiên, Ban thời sự ĐTH VN chia sẻ: “Điểm nóng của tin tức luôn luôn là những bụi gai mà không phải cái gai nào cũng nhìn thấy sờ thấy được. Vì vậy nhà báo cần phải luôn chuẩn bị tâm thế để đối mặt với những nguy hiểm bất thình lình ập đến. Phải luôn chuẩn bị để xuất hiện trong tư thế phù hợp và tâm thế vững vàng”.

Anh cho biết thêm, sự hiểu biết về các đối tượng liên quan sẽ giúp nhà báo, phóng viên có tư thế phù hợp và mục đích đúng đắn sẽ giúp anh ta có một tâm thế vững vàng để ứng phó với mọi tình huống. Cần phải xác định rõ lợi ích của mỗi bên để tác động trực tiếp tới đối tượng bằng nghiệp vụ và đặc biệt không thể để cho tình cảm cá nhân chi phối quá trình điều tra.

Nhà báo Phạm Kiên: "Phải luôn chuẩn bị để xuất hiện trong tư thế phù hợp và tâm thế vững vàng".

Theo nhà báo Phạm Kiên, để bảo vệ mình cũng cần phải biết thỏa hiệp và cam kết để có được những thông tin hữu ích nhất cho mục đích công việc cuối cùng của mình. Và cũng cần phải chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất để có thể “giải cứu” cho mình khỏi những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.

Ngoài việc chuẩn bị tư thế và tâm thế khi đối mặt với những “tình huống nóng”, nhà báo Phan Lợi nhấn mạnh cũng cần thiết phải chuẩn bị các phương tiện nghiệp vụ hoàn hảo để có thể thu thập được thông tin tốt nhất. Nên sử dụng những loại phương tiện “tất cả trong một” để tiến hành điều tra và phải luôn luôn có phương tiện dự trữ để có thể tác nghiệp liên tục. Khi đối mặt cần phải biết “tùy cơ ứng biến” với mọi tình huống.

Dương Lãng Hoàng

Bình luận
vtcnews.vn