Nhà băng cũ, ông chủ mới: Từ người mê gạch đến chủ tịch KienlongBank

Kinh tếThứ Năm, 28/07/2016 08:35:00 +07:00

Nhìn bên ngoài, KienlongBank trong hơn 3 năm dưới sự điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng, đang có nhiều khởi sắc, nhưng...

Trước khi trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị KienlongBank, ông Võ Quốc Thắng bắt đầu nghiệp kinh doanh bằng việc biến cơ sở đóng gạch nhỏ bé thành “đế chế Đồng Tâm” danh tiếng, nhảy qua làm bóng đá, mua cổ phiếu Kinh Đô và không chịu đứng ngoài thị trường địa ốc.

Trên thực tế, những phẩm chất nổi bật của một nhà quản trị tài năng Võ Quốc Thắng được gắn chặt với thương hiệu gạch Đồng Tâm Long An.

T1

Chủ tịch Hội đồng quản trị KienlongBank - ông Võ Quốc Thắng. 

Ông chủ ngân hàng mê… gạch

Trong một buổi chiều cuối tháng 4/2013, sau rất nhiều đồn đoán, thông tin ông Võ Quốc Thắng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị KienlongBank được phía ngân hàng xác nhận. Ngồi ghế nóng KienlongBank, ông Thắng đón nhận di sản đang trên đà xuôi dốc từ người tiền nhiệm Trần Phát Minh.

Ngày cuối trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Trần Phát Minh đọc báo cáo kinh doanh cho biết, năm 2012 tổng tài sản của KienlongBank đạt 18.573 tỷ đồng, vốn huy động đạt 10.641 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 9.683 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 461 tỷ đồng, nợ xấu cũng khá cao, tới 2,93%/ tổng dư nợ.

Cổ đông hy vọng, ông Võ Quốc Thắng với tài năng kinh doanh thiên bẩm và khả năng nhạy cảm với thị trường, sẽ giúp KienlongBank vượt qua “đỉnh 2011” – năm kinh doanh tốt nhất, và trở thành một trong những ngân hàng lớn có ảnh hưởng tới thị trường tài chính.

Có bằng cử nhân quản trị kinh doanh cao cấp đại học Quebec Montreal, là một đại gia có tiếng hiện tại, song người đàn ông sinh năm 1967 lại có tuổi thơ sớm lăn lộn với cuộc mưu sinh. Theo chính lời kể của Võ Quốc Thắng, khi tròn 2 tuổi, cha ông là Võ Thành Lân đã khai sinh thương hiệu gạch Đồng Tâm. Tuy nhiên, thương hiệu này chỉ nổi tiếng cả nước dưới bàn tay nhào nặn khéo léo của Võ Quốc Thắng.

Khi được hỏi về quyết định đầu tư vào ngân hàng, dù trước đó khẳng định vật liệu xây dựng là đam mê duy nhất, ông Võ Quốc Thắng cho biết ngay từ 2006 đã tính chuyện lập ngân hàng, nhưng do trục trặc giấy phép nên không thực hiện được.

Năm 2013, khi có cổ đông KienlongBank bán cổ phần, nhận thấy đây là ngân hàng hoạt động khá ổn định nên quyết định đầu tư. Thứ nữa, theo ông Võ Quốc Thắng là doanh nhân nên hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp đang nằm ở đâu nên không khó để nhìn ra một ngân hàng cần làm gì để đáp ứng được các nhu cầu đó.

Nói thì vậy, nhưng thực tế kinh doanh những năm qua cho thấy, việc kinh doanh ngân hàng trong bối cảnh hiện tại chứa đựng nhiều rủi ro hơn là thuận lợi.

3 năm sóng gió

Năm đầu tiên trên cương vị Chủ tịch của ông Võ Quốc Thắng, Hội đồng quản trị KienlongBank đặt đặt kế hoạch tăng tổng tài sản lên 19.135 tỷ đồng, vốn huy động đạt 15.216 tỷ đồng. Đồng thời ngân hàng đề ra kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12%, đưa tổng dư nợ lên 10.846 tỷ đồng, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Về lợi nhuận, KienlongBank đặt mục tiêu trước thuế là 493 tỷ đồng, tăng 5,42% so với năm 2012. Hội đồng quản trị cũng cho biết sẽ cố gắng duy trì tỷ lệ chia cổ tức ở mức 9 - 10% như năm trước đó.

T3

Kết quả hoạt động kinh doanh 2015 của  KienlongBank.

Kết quả, hết 2013, tổng tài sản KienlongBank đạt 21.372 tỷ đồng (vượt 11,7 % kế hoạch, tăng 15% so với năm 2012), vốn huy động đạt 17.510 tỷ đồng (tăng 18,7% so với năm 2012), dư nợ cho vay đạt 12.129 tỷ đồng (tăng 25,3% so với năm 2012), huy động vốn đạt 17.510 tỷ đồng (tăng 18,7% so với năm 2012), lợi nhuận trước thuế đạt 393,4 tỷ đồng, nợ xấu chiếm 2,47% tổng dư nợ, cổ tức thống nhất chia mức 9%.

Một kết quả khiến lãnh đạo ngân hàng hài lòng, cổ đông vui vẻ.

Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài mãi, 2014 có thể coi là một cơn “ác mộng” với KienlongBank.

Theo báo cáo tài chính được KienlongBank công bố, lợi nhuận ngân hàng sa sút nghiêm trọng khi chỉ đạt chưa đầy 56% mục tiêu (234 tỷ đồng). Mặc dù các chỉ số khác không giảm, thậm chí có tăng, song việc suy thoái lợi nhuận dần dần theo năm đã cho thấy hiệu quả kinh doanh của KienlongBank đang có vấn đề. Nếu như ở đỉnh 2011, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 525 tỷ đồng, thì năm 2012 giảm còn 468 tỷ đồng, năm 2013 còn 393 tỷ đồng và đến 2014 teo lại còn 234 tỷ đồng, trung bình, từ 2011 đến 2014, lợi nhuận trước thuế của KienlongBank đã giảm tới 18,5% mỗi năm.

Không chỉ suy giảm lợi nhuận, tính đến hết 2014, trong tổng số 13.526 tỷ đồng dư nợ của ngân hàng thì có tổng cộng 264 tỷ đồng được phân vào nợ nhóm 3 đến nhóm 5 (nợ xấu). Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 32 tỷ đồng, nợ nghi ngờ là 29 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn là 203 tỷ đồng. Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu của KienlongBank tại thời điểm cuối niên 2014 là 1,95%.

Video: Ngân hàng LienVietPostBank ưu tiên tuyển dụng người họ Dương gây ồn ào dư luận

Chính những chỉ số kinh doanh không đẹp đã dẫn đến thay đổi về nhân sự. Cuối 2014, ông Võ Văn Châu, một người cũ của Ngân hàng TMCP Phương Đông được bổ nhiệm thay ông Phạm Khắc Khoan trên cương vị quyền Tổng giám đốc KienlongBank. Sự ra đi CEO Phạm Khắc Khoan, người đã gắn bó với KienlongBank từ 2008 cho thấy ngân hàng đang bối rối.

Bước sang 2015, tình hình kinh doanh vẫn trên đà lao dốc khi cả năm nhà băng này chỉ thu về số lãi trước thuế 216 tỷ đồng. So với năm 2014, lợi nhuận của KienlongBank năm qua thấp hơn 34 tỷ đồng, tương đương giảm 13,6%. Còn so với kế hoạch ban đầu đặt ra là 388 tỷ đồng cho năm 2015 thì ngân hàng mới hoàn thành được 56%.

Năm nay, KienlongBank dự kiến sẽ đưa tổng tài sản tăng thêm 15%, vốn huy động thị trường 1 tăng 25%, dư nợ cho vay tăng 20%, lợi nhuận dự kiến trên 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết thúc 3 tháng đầu năm, KienlongBank chỉ ghi nhận 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 31% so với cùng kỳ. Không chỉ chưa đạt chỉ tiêu lợi nhuận, nợ xấu cũng tăng nhẹ lên 1,15% so với mức 1,12% tại thời điểm cuối năm trước.

Kinh doanh không thuận chưa phải là điều đáng để quên của KienlongBank. Cái tên mà “người KienlongBank” không muốn nhớ nhất có lẽ là “bầu Kiên”. Liên quan đến “ông trùm” này, tài liệu từ cơ quan điều tra cho thấy KienlongBank đã nhận tiền của vay của Ngân hàng ACB qua liên ngân hàng để chuyển cho Công ty ACBS dưới hình thức mua trái phiếu do công ty này phát hành. Việc làm này đã gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB nhiều tỷ đồng.

Dọn đường

Cũng trong 2014, báo cáo quản trị bán niên KienlongBank cho thấy Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng không hề sở hữu cổ phần tại ngân hàng này. Thay vào đó, con trai ông Thắng là Võ Quốc Lợi lại nắm giữ 4,68% cổ phần.

T2

 Kế hoạch kinh doanh 2016 của KienlongBank.

Đứng tên cổ phần, song Võ Quốc Lợi không giữ chức vụ quan trọng nào tại KienlongBank.

Nói về điều này, Chủ tịch Võ Quốc Thắng cho biết Võ Quốc Lợi đã tốt nghiệp ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ nhưng vẫn cần học hỏi thêm.

Thời điểm hiện tại, KienlongBank đang chuẩn bị những khâu cuối cùng cho việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Chủ tịch Hội đồng quản trị Võ Quốc Thắng cho biết, việc niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán sẽ nâng cao tính minh bạch hoạt động của ngân hàng, tạo thuận lợi trong việc giao dịch của cổ đông. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến thị trường thời gian qua chưa thuận lợi, cổ phiếu ngành ngân hàng chưa được quan tâm nhiều từ các nhà đầu tư, nên niêm yết sẽ không có lợi nhiều cho cổ đông.

Từ cơ sở “đóng” gạch nhỏ bé, Võ Quốc Thắng xây dựng “đế chế Đồng Tâm” danh tiếng, mua cổ phiếu Kinh Đô và lấn sân sang thị trường tài chính. Cuộc đại phẫu ngân hàng trong thời gian qua đã đưa đến những tên tuổi mới, những ông chủ “tay ngang”.

H. Hưng
Bình luận
vtcnews.vn