'Nguyệt thực toàn phần, siêu trăng, trăng xanh' cùng xuất hiện đêm nay: Chuyên gia thiên văn tiết lộ bất ngờ

Thời sựThứ Tư, 31/01/2018 18:29:00 +07:00

Những người yêu thích thiên văn học lại có cơ hội chiêm ngưỡng sự xuất hiện của 3 hiện tượng thiên nhiên đó là: nguyệt thực toàn phần, siêu trăng và trăng xanh cùng trong đêm nay.

Trong cùng đêm nay (31/1), một hiện tượng cực hiếm, 150 năm mới có một lần, đó là siêu trăng, nguyệt thực toàn phần và trăng xanh sẽ diễn ra.

Trả lời PV VTC News, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn - Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng đáng trông đợi, đáng quan sát nhất năm 2018.

- Nhiều người đang chờ đợi hiện tượng nguyệt thực toàn phần hay còn gọi là "trăng máu" diễn ra trong đêm nay. Theo ông, hiện tượng này có gì đặc biệt?

Trong khi diễn ra nguyệt thực, Mặt Trăng sẽ có màu đỏ do ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời chiếu qua Trái Đất. Đây là lý do tại sao nguyệt thực toàn phần còn bị nhiều người dân gọi là "trăng máu".

Nguyệt thực gồm ba pha cơ bản bao gồm nửa tối, một phần và toàn phần. Nhiều nguyệt thực chỉ nửa tối, khi mặt trăng không đi vào vùng bóng tối của trái đất mà chỉ đi vào cùng nửa tối nên vẫn nhận được khá nhiều ánh sáng Mặt Trời.

Do đó, nó chỉ chuyển thành màu đỏ rất nhạt, đôi khi khó nhận ra. Một số trường hợp khác, Mặt Trăng có một phần đi vào vùng bóng tối và phần đó tối lại, có màu đỏ thẫm trong khi phần còn lại vẫn ở trạng thái nửa tối. Đó là, nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực toàn phần là đặc biệt nhất. Mặt trăng sau khi đi vào vùng nửa tối sẽ bắt đầu đi vào cùng bóng tối để bước vào một phần, vùng một phần này lớn dẫn tới khi mặt trăng đi hoàn toàn vào vùng bóng tối của trái đất và bắt đầu pha toàn phần - toàn bộ mặt trăng có màu đỏ thẫm.

Pha toàn phần có thể kéo dài từ ít phút tới hơn 1 giờ, sau đó Mặt Trăng bắt đầu đi ra khỏi vùng bóng tối, trở lại pha một phần, sau đó tiến sang pha nửa tối và cuối cùng kết thúc hiện tượng khi Mặt Trăng đi ra hẳn khỏi vùng nửa tối.

25192664228_2994838a66_o

Nguyệt thực toàn phần, siêu trăng, trăng xanh cùng xuất hiện đêm nay. Ảnh minh họa 

- Thưa ông, ngoài hiện tượng nguyệt thực toàn phần, đêm nay còn diễn ra siêu trăng và trăng xanh. Ông có thể chia sẻ thêm về 2 hiện tượng này?

Tối nay, khi diễn ra hiện tượng nguyệt thực cũng là thời điểm trăng tròn trùng với thời điểm nó đi qua điểm cận địa (điểm gần trái đất nhất trên quỹ đạo).

Việc này khiến chúng ta thấy Mặt Trăng lớn hơn thông thường một chút (đường kính lớn hơn khoảng 7% so với kích thức trăng tròn trung bình) nên được gọi là siêu trăng.

Tất nhiên, con số 7% đó là khá nhỏ và thường khó nhận ra. Nhưng khi sự kiện này trùng với nguyệt thực toàn phần sẽ khiến nguyệt thực trở nên hấp dẫn đối với người quan sát.

Một sự trùng hợp nữa là trăng tròn vào tối 31/1 cũng là lần trăng tròn thứ hai trong cùng tháng 1. Gọi là trăng xanh nhưng Mặt Trăng không hề có sự biến đổi về màu sắc hay hình dạng. Nhiều người nghĩ trăng xanh là ánh sáng sẽ chuyển màu xanh là hoàn toàn sai.

dang vu tuan son 3

 

Với tôi, đây là là hiện tượng đáng quan sát nhất năm 2018.

Ông Đặng Vũ T. Sơn

- Việc 3 hiện tượng trăng xanh, siêu  trăng và nguyệt thực toàn phần diễn ra cùng lúc có phải là hiếm gặp? Và hiện tượng này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Hiếm ở đây là con số chứ không phải là chưa từng xảy ra. Đối với những người yêu thiên văn học, tôi cho rằng nó vẫn là hiện tượng đáng trông đợi. Với tôi, đây là là hiện tượng đáng quan sát nhất năm 2018.

- Ông có thể tư vấn cho những người yêu thiên văn về thời gian và địa điểm đắc địa để quan sát được 3 hiện tượng thiên văn kỳ thú này?

Để quan sát được nguyệt thực toàn phần tối nay, bạn nên bắt đầu theo dõi từ rất sớm. Khoảng 17h51, bắt đầu pha nửa tối; 18h48 bắt đầu pha một phần; 19h51 bắt đầu pha toàn phần; 20h29 nguyệt thực cực đại (mặt Trăng đi sâu nhất vào bóng tối của Trái Đất); 21h07, kết thúc pha toàn phần; 22h11, kết thúc pha một phần; 23h08, kết thúc pha nửa tối.

Mặt Trăng bắt đầu mọc vào khoảng 17h30 ở hướng Đông và lên cao dần trong suốt thời gian diễn ra nguyệt thực.

Do đó, hướng Đông (hơi chếch một chút sang Đông Bắc) sẽ là hướng quan sát hiện tượng này. Thời gian kéo dài tổng cộng hơn 5 giờ, trong đó pha nửa tối không thực sự đáng chú ý nên bạn có thể quan sát nếu có thời gian hoặc bỏ qua để tập trung vào các pha một phần và toàn phần.

Khác với nhật thực, nguyệt thực hoàn toàn không có bất cứ đe dọa nào đối với mắt của bạn, nên chỉ cần bằng mắt thường, chúng ta có thể quan sát được đầy đủ hiện tượng này.

Nếu như có một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hoặc máy ảnh, máy quay phim có độ phóng đại quang học tương đối cao, bạn có thể quan sát được hiện tượng này.

Việt Nam nằm trong khu vực quan sát được trọn vẹn nguyệt thực. Một vài khu vực nhỏ gần biên giới phía Tây của miền Nam tuy không nằm trong dải này nhưng thực tế chỉ mất một phần của pha nửa tối nhưng vẫn theo dõi được trọn vẹn hai pha quan trọng là một phần và toàn phần.

Hãy chọn nơi quan sát có góc nhìn rộng về hướng Đông để theo dõi được hiện tượng này một cách hoàn chỉnh. Một điểm rất quan trọng ảnh hưởng tới việc quan sát là thời tiết. Nếu trời có mưa hoặc nhiều mây, mặt trăng sẽ bị che khuất, khi ấy chúng ta khó có thể quan sát được.

Hiện tại, theo dự báo của Accuweather, thời tiết tối nay ở Việt Nam sẽ có một số vùng trời tương đối trong và nhiều vùng có mây. Hy vọng thời tiết sẽ ủng hộ chúng ta.

Xin cảm ơn ông!

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn