Nguyên Vụ trưởng Vụ Đại học góp ý phương án thi THPT quốc gia 2017

Giáo dụcThứ Bảy, 01/10/2016 17:48:00 +07:00

GS Lâm Quang Thiệp, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đã chia sẻ quan điểm về phương án thi THPT quốc gia 2017 mới được chính thức công bố.

Chiều ngày 28/9, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2017 sẽ có 5 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học Xã hội (tổ hợp Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân). Thí sinh sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm, trừ môn Ngữ văn.

thi-thpt-quoc-gia--30

 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức công bố phương án thi THPT quốc gia 2017

Bình luận về phương án này, GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, ngoài các môn khác thi trắc nghiệm thì Ngữ văn cũng có thể thi trắc nghiệm, bởi tự luận bao giờ chất lượng cũng thấp hơn.

“Trắc nghiệm với tự luận thì không thể nói cái nào tốt hơn, mỗi hình thức có một ưu thế nhất định. Nhưng nếu để áp dụng với một kỳ thi có quy mô lớn thì trắc nghiệm có ưu thế áp đảo.

Vì chất lượng thi trắc nghiệm phụ thuộc vào đề thi, còn chất lượng thi tự luận phụ thuộc vào năng lực người chấm. Trong khi đó đề thi có thể làm chất lượng được bằng cách huy động người soạn thảo trong một thời gian lâu, để có ngân hàng tốt; còn năng lực người chấm có khi chấm hàng triệu bài trong nửa tháng thì không thể huy động được người chấm có năng lực” GS. Thiệp cho hay.

GS. Lâm Quang Thiệp cũng cho biết thêm, khi chấm đối với tự luận mà đông người chấm sẽ dựa vào barem điểm rất chi tiết, có khi người chấm chỉ cần đếm ý để cho điểm, không đọc chi tiết xem học sinh viết như thế nào? Như vậy vô tình đã biến đề tự luận có thể là rất hay thành một đề trắc nghiệm tồi.

Nhưng ngược lại, với hình thức thi trắc nghiệm như phương án của Bộ thì đề thi đã được thiết kế ngay từ đầu để có được nội dung từng ý, từng ý lại xen lẫn nội dung cần diễn đạt để đo từng năng lực của học sinh.

Video: GS Lâm Quang Thiệp lý giải cần phải thi trắc nghiệm môn Toán năm 2017

Trước đó, với ý kiến kiến nghị của Hội Toán học Việt Nam, GS. Lâm Quang Thiệp cũng muốn nhắc lại rằng, Hội Toán học Việt Nam có thể chưa hiểu được mục tiêu của kỳ thi.

Theo đó, mục tiêu của kỳ thi THPT Quốc gia 2017 không phải để chọn ra người tài, mà mục tiêu chỉ là sàng lọc sơ bộ (số người có thể học được đại học và chưa học được).

GS. TSKH Lâm Quang Thiệp minh chứng thêm đối với các kỳ thi ở nước ngoài chủ yếu được thiết kế dưới dạng trắc nghiệm, như kỳ thi SAT của Mỹ đối với môn toán cũng là thi trắc nghiệm và tất cả các trường đại học của Mỹ đều sử dụng kết quả đó để tuyển sinh.

“Tôi ủng hộ phương án này. Phương án này chính là phương án mà Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã đề nghị trước đó.

Hiệp hội cũng đề nghị môn Ngữ văn trắc nghiệm, trong đó dành ra 1 câu tự luận khoảng 30 phút, hạn chế số từ để đo năng lực khác của học sinh như kiến thức văn học, kiến thức ngôn ngữ, tiếng việt…, đối với môn Toán cũng vậy”, GS Thiệp nêu quan điểm.

Với những ưu thế của việc thi trắc nghiệm, GS Lâm Quang Thiệp nhấn mạnh vào tính chính xác của việc chấm thi và mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo huy động trí tuệ của nhiều chuyên gia để có thể làm tốt công tác đề thi.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn