Nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng: Quân đội không còn là ‘khu vực nhạy cảm’ trong xử lý vi phạm

Thời sựChủ Nhật, 01/07/2018 11:48:00 +07:00

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét, qua kết luận của UBKTTƯ cho thấy xử lý vi phạm là công khai minh bạch và quân đội không còn là “khu vực nhạy cảm” nữa.

Liên quan đến hàng loạt cán bộ cấp cao bị xem xét thi hành kỷ luật trong kỳ họp thứ 27 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) vừa qua, chiều 30/6, trả lời PV VTC News, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy công cuộc chống tham nhũng của Đảng ngày càng “quyết liệt và công khai” hơn.

Đặc biệt, việc xử lý một số tướng lĩnh trong quân đội cho thấy, xử lý vi phạm là công khai minh bạch và quân đội không còn là “khu vực nhạy cảm” nữa.

tuongquandoi

Hai tướng quân đội là Phương Minh Hòa và Nguyễn Văn Thanh vừa bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật tại kỳ họp thứ 27 của UBKTTƯ vừa qua.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhận xét: “Trước đây là có quan điểm “khu vực nhạy cảm” như là công an, quân đội nhưng quan điểm của Đảng bây giờ là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có “khu vực nhạy cảm”.

Điều này cũng cho thấy, chúng ta đã khắc phục những hạn chế. Trước đây, nhiều vụ được gói lại “xử lý nội bộ”, còn bây giờ tất cả vừa phải thi hành kỷ luật Đảng, vừa tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật.

Việc Ủy ban Kiểm tra Trung ương có kết luật về một số vấn đề liên quan đến sai phạm của một số tập thể, cá nhân, trong đó có một số người trong lực lượng vũ trang cũng bị xem xét thi hành kỷ luật cũng thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, Nhà nước.

Tôi tin là sẽ nhận được sự đồng tình ủng hộ của cán bộ đảng viên và nhân dân. Đây cũng là bước tiến quan trọng trong cuộc đấu tranh nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, đẩy lùi sự suy thoái trong Đảng và xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, thông báo kết luận của UBKTTƯ lần này thể hiện sự nhất quán về nội dung xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết TƯ lần thứ 4 Khóa 12 đã nêu.

“Thông báo kết luận của UBKTTƯ lần này thể hiện sự nhất quán về nội dung xây dựng và chỉnh đốn Đảng mà Nghị quyết TƯ 4 của Khóa 12 đã nêu. Nghị quyết này nhấn mạnh, điểm xiết chặt kỷ luật của Đảng và tăng cường hiệu lực của pháp luật. Mọi vấn đề trong đời sống xã hội, trong lãnh đạo quản lý là phải thượng tôn pháp luật. Phải đề cao xử lý kỷ luật không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có khu vực nhạy cảm...

Thêm vào đó phải khắc phục hạn chế trước đây của ta là “nhẹ trên, nặng dưới”, nghĩa là nếu cán bộ cấp cao mà vi phạm thì sẽ được xem xét chiếu cố do những cống hiến này khác, thường thì xử lý nhẹ, trong khi cùng lỗi vi phạm ấy thì cán bộ cấp dưới lại bị xử lý nặng...

nguyentrongphuc

nguyentrongphuc

Trước đây là có quan điểm “khu vực nhạy cảm” như là công an, quân đội là “nhạy cảm” lắm, nhưng quan điểm của Đảng bây giờ là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có “khu vực nhạy cảm”.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Nên nghị quyết TƯ 4 đã lưu ý điểm này, không được “nhẹ trên, nặng dưới”, nghĩa là mọi cán bộ đảng viên, công chức nhà nước, ở trong điều kiện hiện nay của ta đều phải bình đẳng trước pháp luật. Theo tôi kết luận này tuân thủ quan điểm nhất quán”, ông Phúc bày tỏ.

Vị nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho rằng, kết luận của UBKTTƯ tại kỳ họp thứ 27 đã thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, là kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực liên quan đến các sai phạm, suy thoái trong Đảng, nhất là tham nhũng. Đây là dấu hiệu rất tích cực.

Về quy trình xử lý các cá nhân vi phạm, ông Phúc cho biết: “Trước khi có kết luận này, cách đây ít lâu, UBKTTƯ cũng đã có thông báo về vấn đề này và đã được đưa ra để tiếp tục xem xét.

Khi đi vào xử lý thì phải tuân thủ theo đúng quy trình. Vì ở ta, Đảng lãnh đạo toàn diện nên bao giờ các chức vụ cao cấp cũng đều do những cán bộ đảng viên nắm giữ, nên trước hết phải xử lý kỷ luật về mặt Đảng trước.

UBKTTƯ đã đề ra các hình thức kỷ luật như bị khai trừ, cảnh cáo, khiển trách và thấp nhất đó là phê bình. Ở bước này thì chưa xem xét kỷ luật chức vụ nhà nước đâu mà mới chỉ xem xét kỷ luật các chức vụ trong Đảng như là chi ủy, bí thư hay ủy viên Trung ương.

Hình thức cao nhất của kỷ luật là cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Sau khi đã xem xét xử lý kỷ luật về Đảng rồi mới chuyển sang bước hai là kỷ luật về phương diện nhà nước.

Lúc này thì xem xét vi phạm của đương sự ấy thế nào, ai đến mức phải truy cứu, khởi tố hình sự vụ án thì Nhà nước sẽ xử lý tiếp theo. Xử lý bằng cách khởi tố, điều tra, có kết luận của Viện Kiểm sát Nhân dân, rồi sau đó đưa ra Tòa án Nhân dân thế nào thì quy trình này phải làm rất nghiêm chỉnh”.

Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng, trong các vụ việc vừa qua, điều đáng lo ngại đối với Đảng hiện nay không chỉ là vấn đề “sai phạm về kinh tế” mà nguy hiểm hơn đó là những biểu hiện của “suy thoái đạo đức, phai nhạt lý tưởng, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và tự chuyển hóa, tự diễn biến”.

“Những vụ việc này không chỉ liên quan đến duy thoái về đạo đức đâu, mà là còn suy thoái về tư tưởng chính trị nữa, đây mới là điều phải hết sức lưu ý. Phai nhạt lý tưởng, thiếu tin tưởng vào đường lối của Đảng, dẫn đến tự diễn biến, tự chuyển hóa... theo tôi đó là những cái phải kết hợp chặt chẽ để xử lý nghiêm”, ông Phúc nhận xét.

Kết luận của UBKTTƯ là cơ sở cho các bước xử lý tiếp theo về pháp luật

Trước đó, trả lời PV VTC News liên quan đến công bố kết luận về thương vụ Mobifone mua AVG của UBKTTƯ, nguyên Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng (UBKTTƯ) Vũ Quốc Hùng nhận xét, việc UBKTTƯ đưa ra kết luận là “nền tảng” để cơ quan chức năng tiến hành các bước xử lý tiếp theo về mặt nhà nước và pháp luật.

Ông Vũ Quốc Hùng nhận xét: “Khi chúng tôi làm thì không công khai những chuyện này lên báo chí ngay nhưng cũng có những kết luận tương tự với những thang độ khác nhau như là “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng”. Có nghĩa là UBKTTƯ có chủ ý khi đánh giá việc này. Tôi cho rằng vụ việc khi được kết luận “nghiêm trọng” và “rất nghiêm trọng” có nghĩa là việc này gây tổn thất và tác hại trầm trọng với tính chất sai phạm rất lớn. Kết luận như vậy là để mở ra hướng xử lý”.

“Đầu tiên, về phương diện Đảng, cần xét xem là vi phạm ở thang độ nào để xử lý kỷ luật Đảng. Thứ hai là xử lý hành chính. Thứ ba là xử lý về mặt pháp luật. Tôi nghĩ kết luận này của UBKTTƯ là nền tảng cho việc xem xét các bước xử lý tiếp theo”, ông Hùng nói.

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn