Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Hữu Nghị: ‘Tôi thích đi chợ và say sưa với công việc đó’

Sức khỏeThứ Hai, 20/11/2017 12:39:00 +07:00

Gần 40 năm là bác sĩ dinh dưỡng, PGS.TS Trần Đình Toán vẫn luôn yêu thích việc đi chợ, với ông, đó là một phần trong công việc của mình và tạo cho ông niềm hứng khởi mỗi ngày.

Cậu bé hạt tiêu chỉ nặng 34,5 cân khi vào bước chân vào Đại học Y Hà Nội ngày nào đã trở thành bác sĩ dinh dưỡng, người tư vấn và thiết lập các bữa ăn bệnh lý cho người bệnh.

Trong cuộc trò chuyện, ông bảo ngày trước may mắn có người bảo lãnh, tuy còi cọc nhưng không có bệnh tật gì thì mới được trường chấp nhận cho theo học chứ không thì bây giờ không biết trở thành ai.

tit-chinh-0952 10

 

PGS.TS Trần Đình Toán thẳng thắn nhìn nhận vấn đề bữa ăn dinh dưỡng cho bệnh nhân và ngậm ngùi khi nghĩ về nghề bác sĩ dinh dưỡng của mình. Trong 37 năm công tác trong ngành dinh dưỡng, ông đảm đương vị trí trưởng khoa ở các đơn vị 36 năm 6 tháng, có những điều ông chưa thực sự hài lòng nhưng với ông, đó mới là cuộc sống. 

Ba năm sau khi nghỉ hưu, ông vẫn cần mẫn làm công việc mình yêu thích, liên quan tới vấn đề dinh dưỡng. Khối lượng công việc của ông không giảm đi là mấy, nhiều khi ngang bằng hoặc hơn khi chưa nghỉ. 

Chặng đường làm bác sĩ dinh dưỡng của PGS.TS Trần Đình Toán vẫn đang được viết tiếp bằng sự nhiệt huyết và niềm vui ông kiếm tìm được trong công việc ít người biết tới này. 

- Nhiều người nghĩ bác sĩ là người khám chữa bệnh chứ ít ai biết có những bác sĩ chăm lo cho bệnh nhân từng bữa ăn. Đã bao giờ ông có cảm giác nghề của mình chưa được mọi người xem trọng như các ngành khác?

Mỗi bệnh viện đều có khoa mũi nhọn. Tôi tự nhận khoa dinh dưỡng trước đây tôi công tác chỉ là mũi tù của bệnh viện.

Bệnh nhân uống thuốc hằng ngày và ăn ít nhất 3 bữa. Có khi bệnh nhân nào bệnh nặng thì 3 tiếng dùng thuốc 1 lần, việc ăn uống cũng phải tương ứng.

Tần suất ăn của bệnh nhân cũng như dùng thuốc, có khi nhiều hơn, không chỉ ăn theo cách thông thường mà bệnh nhân còn ăn qua đường tĩnh mạch, ăn qua ống thông…

Bệnh nhân chỉ biết tới những người trực tiếp chữa trị cho họ chứ không biết tới những người bác sĩ dinh dưỡng cần mẫn làm việc mỗi ngày để giúp họ có những bữa ăn bệnh lý.

- Điều đó được thể hiện rõ nhất khi nào, thưa ông?

Vào các ngày Lễ, Tết, ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, không khí tại các khoa đều náo nhiệt, bệnh nhân tới chúc mừng, tặng hoa, cảm ơn bác sĩ, riêng khoa Dinh dưỡng lại không được như thế.

Tôi buồn chứ, buồn cho mình và buồn cho cả nhân viên của mình. Bệnh nhân không coi mình là những người bác sĩ giúp họ, vì họ.

Thậm chí, họ còn hiểu theo nghĩa đã trả tiền ăn rồi thì chúng tôi phải sòng phẳng. Cả năm, cả tháng nhân viên của tôi làm việc quần quật, vất vả, đúng tính chất lao động chân tay mà không được bệnh nhân ghi nhận và nhớ đến.

- Với cương vị là trưởng khoa, ông đã làm gì để bù đắp cho nhân viên của mình trong những dịp đó?

Nhân viên tại khoa dinh dưỡng thời điểm cao nhất có 32 người, trong đó có 5 nam giới thì chúng tôi bàn bạc, chia nhau công việc để động viên tinh thần chị em vào ngày 20/10 và 8/3.

Nhưng nhiều năm chỉ có một mình tôi thôi. Tôi vẫn đi mua hoa tặng chúc mừng chị em. Tôi gọi ai nhiều tuổi nhất lên nhận hoa chứ không theo cấp bậc vị trí nào.

Tôi để lẵng hoa ở nơi ra vào khoa, để ai nhìn vào cũng biết chị em khoa này cũng được quan tâm như các khoa khác, một phần giúp chị em không còn tủi thân. Rồi tôi cũng tổ chức ăn uống đơn giản, coi như là sự động viên, khích lệ tinh thần họ.

 

- Khi ông làm những điều đó cho chị em khoa mình, các khoa khác đã phản ứng như thế nào?

Tôi làm điều đó cho chị em trong khoa một cách vui vẻ, tự nguyện chứ không phải sự ép buộc. Nhân viên của tôi vui là tôi cũng vui.

Nhiều người bảo tôi nặng gánh vì có mỗi mình trong những ngày lễ đó nhưng tôi nghĩ chẳng vấn đề gì, có một mình mình thì thích tặng quà gì là mình quyết chứ không cần tranh luận với ai. Những năm gần đây, chị em được nhận quà từ bệnh viện.

- Ông có nghĩ mình là người ưa hình thức? 

Mấy chục năm công tác tại khoa Dinh dưỡng, năm nào tôi cũng tự tay đi mua đào, quất, có năm cả đào cả quất để khoa có không khí Tết. Tôi nghĩ những bó hoa, cây cối trang trí cho khoa là một cách để tôi khích lệ tinh thần làm việc cho toàn thể nhân viên và khi bệnh nhân nhìn vào, họ cũng có cảm giác chúng tôi được bình đẳng như những khoa khác.

- Không được bệnh nhân ghi nhận nhưng khoa ông vẫn miệt mài lao động. Bản thân ông và nhân viên của mình lấy động lực ở đâu để làm việc?

Giá như khi các bệnh nhân đến chúc mừng bệnh viện, bác sĩ vào những ngày lễ, Tết, họ chia sẻ với khoa tôi thì tốt biết mấy. Nhưng thôi không sao cả. Các nguyên tắc ăn theo bệnh lý vẫn phải được đặt lên hàng đầu, đảm bảo cho từng bệnh nhân.

Ít người biết tới khoa Dinh dưỡng, bệnh viên Hữu Nghị là nơi nghiên cứu, tư vấn dinh dưỡng hợp lý cho các bệnh nhân, chịu trách nhiệm về việc tuân thủ chế độ dinh dưỡng theo từng bệnh của mỗi người. Để việc điều trị nhanh chóng có hiệu quả thì bệnh nhân cần tuân thủ các bữa ăn dinh dưỡng.

- Không nhiều bệnh viện có khoa Dinh dưỡng riêng biệt như bệnh viện Hữu Nghị, những ngày mới về khoa và tiếp nhận vị trí trưởng khoa, việc đầu tiên ông làm là gì? 

Trong 1,5 tháng đầu tiên về khoa, tôi đi mọi ngóc ngách tìm hiểu về quy trình hoạt động và cách thức làm việc của khoa. Sau đó, tôi bắt đầu thực hiện những cái tôi vạch ra để cải cách khoa.

Đầu tiên, tôi yêu cầu mỗi người nộp 3 cân gạo để làm bếp ăn chung cho toàn bộ nhân viên trong khoa. Tất cả phản đối gay gắt, họ xôn xao tự dưng ông này về bắt nộp gạo.

Trong buổi họp, tôi hỏi, các cô nhìn mà xem, bữa ăn trưa của khoa trông có giống một dàn nhạc không? Người cầm muôi dài, người muôi ngắn, người bát to bát nhỏ, muôi múc canh của bệnh nhân, lúc ăn là cho cơm trộn với thức ăn, trông có giống đang kéo violon không?

Khi tôi vào thì tất cả chạy dạt, mỗi người ngồi một chỗ, không có trật tự nào. Ăn vậy người ta gọi là ăn vụng, không thể chấp nhận được.

Tôi sẽ tổ chức bữa ăn đàng hoàng, đương nhiên tất cả cùng có lợi. Tôi sẽ nghĩ cách để mọi người không phải nộp gạo nữa nhưng trước mắt hãy góp gạo, ai không chịu thì không ăn, cũng không thể ăn vụng từ sáng tới tối mà no bụng được.

Tôi cương quyết và mọi người cũng nghe theo. Tôi muốn xây dựng tổ chức tốt trước. Muốn có những bữa ăn ngon phục vụ người bệnh tốt thì trước tiên phải có một tổ chức tốt.

 

- Sau bao lâu thì nhân viên của ông không phải góp gạo nữa?

Tôi báo cáo giám đốc bệnh viện về việc sắp xếp bữa ăn cho nhân viên của mình và nhận được sự đồng ý. Canh và thức ăn tự làm ra hoặc ‘xin’, dùng thừa của bệnh nhân.

Về sau, cứ thực phẩm gì có thể tự sản xuất được, tôi và nhân viên làm hết, từ bánh phở, bánh mỳ, bánh cuốn, làm đậu phụ, gói giò xào, bánh trưng, bánh quy, bánh nướng bánh dẻo… Từ đó, có thêm thu nhập cho mọi người.

Năm 2004, tròn 20 năm làm trưởng khoa dinh dưỡng, tôi tự hào đứng lên phát biểu trước mọi người trong khoa, từ khi tôi về đây, tháng nào chị em cũng có tiền chia nhau, dù ít dù nhiều.

- Có phải những năm làm trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện 203, thuộc Quân khu 3 đã cho ông sự quyết liệt như vậy?

Đúng vậy. Nhưng có những việc mình phải thay đổi chứ không bảo thủ. Tôi đưa lệnh, nhân viên thực hiện rồi phản hồi, tôi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của họ, nếu họ thấy chưa hợp lý thì tôi điều chỉnh để hài hoà.

Mỗi tháng khoa tôi họp bệnh nhân đại diện cho 13 khoa một lần. Nếu họ phản hồi đồ ăn chưa ngon thì tôi có phương án điều chỉnh kịp thời.

- Theo ông, việc bỏ đi bữa ăn bao cấp đã đem lại những những điều thuận lợi và khó khăn như thế nào cho khoa dinh dưỡng của ông lúc đó?

Những năm nhà nước còn bao cấp, bệnh nhân được chi trả 100% toàn bộ bữa ăn. Mỗi ngày 3 bữa, bệnh nhân ở đây dùng đồ ăn chúng tôi làm. Khi đó, chúng tôi chủ động về mặt số lượng suất ăn mỗi ngày.

Tuy nhiên, từ năm 1994 đến nay, nhà nước không bao cấp tiền ăn cho bệnh nhân nữa, ai ăn thì tự túc trả tiền. Do đó, nhiều người đã lựa chọn phương án nấu ăn ở nhà rồi mang đến viện. Nó vừa có ưu điểm lại vừa có điểm hạn chế.

Ưu điểm là bệnh nhân được ăn những món mình thích, hợp khẩu vị nhưng hạn chế là họ không tuân thủ được các bữa ăn theo bệnh lý nên hiệu quả điều trị cũng bị ảnh hưởng nhiều.

- Ông đã làm gì để giảm thiểu những hạn chế của việc cắt bao cấp bữa ăn gây ra?

Khoa tôi như một doanh nghiệp. Nhiều người bảo khoa tôi như một ốc đảo, bảo tôi sướng, có quyền tự quyết hết. Tôi bảo, ừ sướng nhưng có những ngày 2 giờ đêm chưa ngủ thì các anh có biết đến không?

Những khi đó, tôi trằn trọc nghĩ cách duy trì hoạt động của khoa. Quả thật, có những lúc bế tắc về phương án tồn tại, không biết làm thế nào để xoay xở.

Nhưng tôi là người lạc quan, luôn nghĩ mọi thứ trong tầm tay vì tôi có nghị lực và quyết tâm. Ngay cả lúc này ngồi đây nhưng có những việc tôi xử lý 1 năm chưa xong. Tôi cứ đọc như niệm thần trú ‘Đường trơn đi chóng, cháo nóng húp xung quanh’, ‘Công nợ trả dần’, ‘Dục tốc bất đạt’.

- Ông đã giải quyết như thế nào?

Trong suốt 20 năm, khoa tôi không có thêm người, những người trong biên chế hoặc là về hưu hoặc bị điều động đi nơi khác. Tôi là đứng lên người đấu tranh để khoa dinh dưỡng này không bị giải tán.

Một số người bị điều đi làm hộ lý ở các khoa khác nhưng họ không đi, ở lại đồng hành với tôi, kiên nhẫn bảo vệ khoa. Họ nói ‘Tôi làm nghề nấu ăn, tôi không đi đâu cả’.

Vào khoảng năm 1994, tôi chuyển đổi thành ‘Cửa hàng tự chọn, bán thức ăn, thực phẩm ăn kiêng cho các đối tượng bệnh nhân’ thay vì làm thực đơn cho cả tuần như trước đây.

Tôi thấy việc làm bữa ăn tự chọn hiệu quả hơn thực đơn. Nhu cầu mỗi người bệnh khác nhau, người bệnh có quyền lựa chọn ăn những món ăn nào và suất ăn đó giá bao nhiêu.

 

- Dù chuyển đổi thành bếp ăn tự chọn nhưng phương án này vẫn có những hạn chế, như đồ ăn còn thừa vì không chủ động được số lượng thức ăn. Những lúc đó, ông và nhân viên của mình đã làm gì?

Đúng là làm bếp ăn tự chọn thì có hôm thiếu, hôm thừa. Những hôm bếp ăn còn thừa đồ, tôi thương nhân viên lắm.

Đồ ăn thừa, có cái đổ đi, có cái chia nhau mang về và có cái giữ lại được đến hôm sau thì để lại. Bữa sáng giữ đến chiều thì đơn giản nhưng để đến hôm sau thì không dùng được. 

Nhiều khi, nhân viên còn mang tới để thủ trưởng mang về. Mang về cũng buồn mà không mang về còn buồn hơn. Tôi hiểu, hôm đó ế hàng.

Cuối tháng, các nhóm tự hạch toán lỗ lãi, tôi không là người trực tiếp làm việc đó. Được nhiều ăn nhiều, ít ăn ít, hôm lãi bù hôm lỗ.

- Nhưng chắc hẳn nhiều bệnh nhân yêu cầu các bữa ăn đặc biệt? Khoa ông có phục vụ không?

Bất kể bệnh nhân nào có nhu cầu thì chúng tôi đều phục vụ. Đầu tiên chỉ có 1-2 người yêu cầu, chúng tôi cũng làm. Nhưng về sau thì mọi người biết tới và có nhiều yêu cầu hơn.

- Khoa ông đã làm thế nào để nhiều bệnh nhân và người nhà biết tới hình thức phục vụ này?

Chúng tôi vừa truyền miệng vừa in và phát tờ rơi cho bệnh nhân hoặc đặt ở các buồng bệnh. Ví dụ, món súp yến lúc đầu chỉ có 1-2 người yêu cầu thôi, chúng tôi in tờ rơi: ‘Ở khoa dinh dưỡng phục vụ món súp yến giá 150.000 đồng’, nhiều người biết tới để đặt hàng hơn.

- Tiếp xúc với nhiều bệnh nhân trong gần 40 năm công tác, ông thấy sự nhìn nhận của bệnh nhân về bác sĩ dinh dưỡng đã thay đổi như thế nào?

Con mắt của bệnh nhân về vấn đề dinh dưỡng đã có những sự thay đổi đáng kể. Họ quan tâm hơn tới bữa ăn hằng ngày hơn thay vì như trước đây, họ chỉ nói có gì ăn đâu mà dinh dưỡng.

Họ cứ nghĩ giàu thì mới quan tâm tới chất lượng bữa ăn nhưng họ không hiểu càng đói càng nghèo thì càng cần dinh dưỡng có lợi nhất. Ăn thế nào để có lợi cho sức khoẻ, đồng tiền bỏ ra có lợi nhất cho sức khoẻ?

Tôi đã từng ra bài tập cho sinh viên, chỉ có 10.000 đồng nhưng các bạn phải tính toán làm thế nào để có bữa cơm giá trị dinh dưỡng cao nhất. Calo bao nhiêu? Chất đạm bao nhiêu? Chất xơ bao nhiêu? Chất béo bao nhiêu… làm thế nào để có lợi nhất.

- Đối tượng phục vụ bữa ăn của khoa Dinh dưỡng là những ai và khoa ông có chia theo từng cấp bậc, vị trí không?

Chúng tôi ở đây phục vụ suất ăn cho từ Phó thủ tướng, Bộ trưởng, các cấp lãnh đạo của các tỉnh… nếu họ có nhu cầu.

Chúng tôi không có sự phân biệt gì cả, vì đã vào đây thì ai cũng như ai, đều là bệnh nhân và nhiệm vụ của chúng tôi là đem tới cho họ những bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng theo bệnh lý.

- Đã có trường hợp nào khoa ông làm bữa ăn bệnh lý nhưng bệnh nhân không tuân theo chưa? Khi đó, ông đã làm thế nào?

Trong trường hợp bệnh nhân đòi ăn những đồ ăn không có lợi thì chúng tôi tư vấn để họ thực hiện nghiêm chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ việc điều trị bệnh tình được tốt nhất. Nhưng nếu họ không nghe thì cũng đành chịu.

- Hiện nay, nhiều bệnh viện cho tư nhân vào đấu thầu, kinh doanh bán đồ ăn. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Xã hội đang chuyển mình theo hướng từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Mọi người bị cuốn vào vòng xoáy thay đổi về xã hội, kinh tế, mối quan hệ các tầng lớp xã hội với nhau.

Bệnh nhân ăn suất ăn do khoa dinh dưỡng thực hiện thì sẽ đảm bảo hơn. Khi bệnh viện cho đấu thầu nhà ăn thì đương nhiên suất ăn của bệnh nhân vẫn với giá tiền đó nhưng đồ ăn sẽ ít đi, ảnh hưởng tới lợi ích của người bệnh.

- Ông đánh giá như thế nào về mức độ cần thiết của bếp ăn bệnh viện trong việc phối hợp điều trị bệnh tình cho người bệnh và vị trí của bác sĩ dinh dưỡng hiện nay?

Về lý thuyết thì cần yêu cầu những người nằm viện ăn bữa ăn chuẩn bị từ khoa dinh dưỡng. Nhưng nhìn nhận thực tế, đội ngũ dinh dưỡng còn mỏng, trình độ cũng chưa tốt nên cũng chưa khả thi.

Bệnh nhân xuống bếp ăn phải bỏ tiền ra 100% thì người ta có quyền lựa chọn bữa ăn.

Người ta có quyền ra ngoài để có bữa ăn rẻ hơn, có quyền mang đồ ăn từ nhà đi để sạch hơn và hợp khẩu vị hơn.

Tôi nghĩ, bếp ăn ở bất kể bệnh viện nào, nếu không đủ sức phục vụ thì người ta tự đi thôi.

Hệ thống bác sĩ dinh dưỡng hiện nay vừa thiếu vừa yếu. Thiếu về nhân lực, yếu về các trang thiết bị, trình độ chuyên môn. Nhiều người chán nản, phải bỏ cuộc, buông xuôi.

 

- Trong 37 năm công tác trong ngành dinh dưỡng, những gì ông làm được khiến ông tự hào nhất và những điều nuối tiếc là gì?

Tính đến nay chỉ có các đơn vị quân đội và công an là còn giữ được bếp ăn, dân sự có duy nhất trụ trì khoa dinh dưỡng không bị sập tiệm, chuyển đổi cơ chế vững vàng.

Đến khi về hưu, tôi tổng kết lại, tôi chưa từng thất bại khi làm bất kể điều gì. Tôi làm việc theo kiểu ‘Liệu cơm gắp mắm’, tuỳ theo sức của mình mà đề ra mục tiêu chứ tôi không tham vọng. Tôi đặt ra mục tiêu rồi cứ từ từ từng chút một để hoàn thành nó.

Một trong những điều khiến tôi tự hào khi nghỉ hưu chính là làm được cho nhân viên mình vui.

- Ông nghĩ, ‘khối tài sản’ lớn nhất ông có được sau khi nghỉ hưu là gì?

37 năm công tác trong ngành dinh dưỡng thì 33 năm 6 tháng tôi làm trưởng khoa mà cuối cùng rất nghèo. Tôi không tơ hào một đồng. Tôi mà tham ô thì tôi giàu to rồi chứ không nghèo như bây giờ và tôi cũng không còn là tôi bây giờ. Đây là một vị trí tốt để tôi móc ngoặc nhưng tôi đã không làm thế.

- Những năm bao cấp, thu nhập từ tiệm ăn tại khoa dinh dưỡng bấp bênh. Ông đã làm thế nào để trang trải cuộc sống?

Từ năm 1988 đến năm 2000, chiều thứ 7 đến chiều chủ nhật nào tôi cũng đi xe về quê khám bệnh cho người dân ở đây. Tuy cách trung tâm Hà Nội có 30 cây số thôi nhưng lúc đó đường xá đi lại khó khăn, thấy mọi người đi lại vất vả.

Rồi tôi lắp điện thoại bàn để bệnh nhân liên lạc khi cần. Bây giờ có điện thoại di động thì tiện hơn nhiều. Nửa đêm gà gáy bệnh nhân cũng gọi điện.

- Nhiều người vin vào việc người nhà làm bác sĩ ở viện, họ nhờ vả. Ông có thấy phiền không khi không ít lần những người ở quê nhờ vả mình như vậy, kể cả là vào giờ nghỉ?

Tôi chưa bao giờ khó chịu về điều đó, ngược lại, tôi thấy vui. Tôi không bao giờ tắt điện thoại. Có khi thấy cuộc gọi nhỡ của ai, tôi nghĩ nhỡ bệnh nhân gọi mà người ta hết tiền, thế là tôi gọi lại cho họ.

Tôi nhớ, có đêm mùa đông, tôi đứng ở cổng Bệnh viện Bạch Mai chờ người ở quê bị tai nạn tới để phân luồng xem nên đi viện nào thì tốt nhất. Lúc đó, tôi từ chối, không nhận giúp thì họ cũng chẳng bắt ép gì được mình.

Nhưng sau đó, họ sẽ nhìn tôi với ánh mắt ác cảm. Còn khi đã giúp họ thì tôi nhận được sự yêu quý hơn. Tôi luôn coi tình cảm con người là trên hết, lúc họ cần họ gọi, tôi không lỡ từ chối.

Tôi đưa họ vào viện chẳng được gì ngoài tình cảm. Thi thoảng cuối tuần về quê, người ta gửi cho cân lạc, hộp bánh… mình cũng thấy vui.

- Yếu tố tình cảm có phải là lý do lớn nhất khiến ông nửa đêm nửa hôm giá rét vẫn nhiệt tình với họ? Hay đó còn là y đức trong nghề y nữa?

Tình làng nghĩa xóm xếp sau ý thức nghề nghiệp. Những khi nhận được cuộc gọi của bất kì bệnh nhận nào, không cứ gì người nhà, tôi đều nhiệt tình giúp đỡ, không kể thời gian. Chính đạo đức nghề nghiệp đã thôi thúc tôi làm điều đó. Tính mạng của bệnh nhân vẫn là quan trọng nhất.

 - Khối lượng công việc của ông sau khi nghỉ hưu so với trước đó như thế nào?

Trước đây, vừa làm ở khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu Nghị tôi vừa đi giảng bài, viết báo… Sau khi nghỉ hưu, tôi làm Viện trưởng Viện dinh dưỡng Lâm sàng và khối lượng công việc cũng không giảm đi chút nào. Tôi vẫn viết sách, viết báo, phản biện kín luận văn của học viên… Tuy nghỉ hưu nhưng tôi chưa nghỉ hẳn.

- Ông nói tư vấn trong dinh dưỡng là một yếu tố quan trọng. Có phải vì vậy mà sau khi nghỉ hưu, ông vẫn đều đặn xuất hiện trên các báo, tư vấn cho độc giả về dinh dưỡng?

Tư vấn dinh dưỡng là vấn đề không thể thiếu, rất quan trọng. Từ trước tới nay, tôi vẫn hay xuất hiện trên báo với nhiều bút danh, mỗi bút danh lại phụ trách mỗi mục và nội dung khác nhau.

Tôi có 5 bút danh. Với bút danh bác sĩ Trần Đình Toán, tôi trả lời vấn đề liên quan tới bệnh tình, trả lời tính chất liên quan tới dinh dưỡng dùng PGS.TS Trần Đình Toán, các vấn đề phụ nữ tôi dùng bác sĩ Mai Hoa, các vấn đề liên quan tới con trai lấy bút danh Hoàng Tùng.

- Ông chia sẻ ông chính là người đảm đương công việc đi chợ ở khoa Dinh dưỡng. Trong gia đình ông, ai là người chịu trách nhiệm nội trợ?

Tôi làm về dinh dưỡng nên cũng là người ăn ngon. Tôi thích đi chợ và say sưa với công việc đó. Trước đây, tôi là người chịu trách nhiệm đi chợ còn vợ tôi sẽ nấu.

‘Anh thích ăn gì anh mua, em nấu’, vợ hay nói với tôi vậy. Vợ chiều theo sở thích ăn uống của tôi. Bộ đội có câu ‘ăn ngon đâu phải nhiều tiền, cũng tiêu chuẩn ấy cộng thêm nhiều tình’. Tôi nghĩ đi chợ và chế biến món ăn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Ba năm nay, vợ tôi ở với nhà thằng lớn để trông cháu, tôi vẫn đều đặn nấu cơm hằng ngày. Chỉ là, vợ ở đó thiệt thòi, tôi ở một mình cũng thiệt thòi.

- Trong công việc, ông là người nguyên tắc. Vậy còn khi về nhà, ông là người chồng như thế nào?

Vợ chồng chung sống với nhau, có những cái vợ than phiền nhưng cũng phải chịu thôi. Mọi việc trong gia đình do tôi điều hành và quyết định hết. Có lúc nhà không có tiền, vợ phải đi vay để tiêu.

Tiền của tôi làm ra, tôi không đưa cho vợ, vợ không được quản tiền của tôi. Nhưng vợ biết thừa tôi tiết kiệm tiền để dùng cho những việc gì.

Tôi mua đất xây nhà, người bán còn thắc mắc sao tôi không đưa vợ đi cùng, chẳng may vợ không đồng ý thì sao. Tôi bảo tôi quyết hết, vợ tôi không được tham gia.

Đi mua đất 1 mình, tôi về đưa giấy tờ cho vợ thì bà ý mới ngớ ra. Tôi bảo sang năm xây nhà, vợ về quê nói ‘Mọi người gàn anh ý không anh ý ốm thì chết’. Vợ không khuyên được thì vận động bên nội bên ngoại gàn. Nhưng chẳng ai ngăn được tôi.

 

- Còn với vai trò người cha thì sao, thưa ông?

Thời gian trước, cả tôi và vợ đều bận rộn. Bây giờ nhìn lại, tôi ân hận vì mình có ít thời gian dành cho con cái quá. Các con của tôi gần như không được đi du lịch trong suốt nhiều năm.

Khi các con học cấp 2, cấp 3, trường tổ chức cho đi thì đi cùng. Có những chỗ các con đi rồi mà bố mẹ chưa tới vì còn phải lăn lộn học hành, phấn đấu, kiếm tiền…

Hai thằng nhà tôi hồi bé thích đọc truyện tranh, bố mẹ không mua cho 1 tập nào nhưng vẫn thuộc hết nội dung các tập truyện. Khi học lớp 4, thằng thứ 2 viết lời, rủ bạn vẽ để sản xuất truyện tranh bán.

- Ông có nghĩ hai cậu con trai của mình đã phải chịu thiệt thòi không?

Tôi nghĩ đó là một sự thiệt thòi. Ngày xưa, vợ chồng tôi không có gì cho con. Nên bây giờ thằng lớn mua rất nhiều đồ chơi cho con, có lẽ nó trải qua tuổi thơ thiếu thốn, hiểu cảm giác nên giờ nó mới làm như vậy.

Bây giờ nhìn lại, có những thứ phải chấp nhận hy sinh, đánh đổi thì mới có tương lai tốt hơn.

- Những chấp nhận hy sinh đó đã đánh đổi được tương lai tốt hơn như thế nào?

Ngay từ đầu tôi đã phấn đấu mục tiêu của mình phải cùng bước đều nhau chứ không có cái nào hơn cái nào. Tôi có hai cậu con trai thành đạt, có căn nhà nhỏ xinh trong ngõ, có niềm vui trong công việc… Cuộc sống không hoàn toàn viên mãn nhưng tôi hài lòng với những gì mình đang có.

- Cả đại gia đình có 11 người làm trong ngành y tế, trong đó có cả vợ ông và hai con trai, có khi nào trong các cuộc gặp gỡ, mọi người chỉ toàn nói về công việc không?

 Ít khi chúng tôi nói về chuyên môn khi gặp nhau. Nếu gặp nhau mà cứ nói các vấn đề chuyên môn, các câu chuyện trong ngành thì đau đầu lắm. 

 

Video: Bác sĩ tuyên bố ghép đầu người thành công bị chỉ trích dữ dội

(Nguồn: giadinhmoi.vn)
Bình luận
vtcnews.vn