Nguyên Tổng giám đốc PVC: 'Vì khó khăn nên dù không đủ năng lực nhưng PVC vẫn nhận dự án'

Pháp luậtThứ Hai, 08/01/2018 15:55:00 +07:00

Ông Vũ Đức Thuận - Nguyên Tổng giám đốc PVC thừa nhận không đủ năng lực thực hiện dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 song lúc đó tình hình tài chính của PVC khó khăn nên vẫn cứ nhận.

Video: Phiên tòa xử ông Đinh La Thăng có gì đặc biệt?

Khoảng 13h30, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999) và Tham ô tài sản (điều 278 Bộ luật Hình sự 1999) xảy ra tại Tổng công ty PVC tiếp tục làm việc sau giờ nghỉ trưa.

Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên.

vu-duc-thuan 3

 Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên.

Theo cơ quan tố tụng, cuối năm 2007, ông Thăng đưa Trịnh Xuân Thanh từ Tổng công ty Sông Hồng về làm Tổng giám đốc, sau thành Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC, để thực hiện mục tiêu xây dựng Tổng công ty này trở thành đơn vị xây lắp chuyên ngành dầu khí hàng đầu Việt Nam.

Gần 2 năm sau, ông Thăng tiếp tục đưa Vũ Đức Thuận từ Tổng công ty Sông Đà về làm Phó tổng giám đốc, sau là Ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVC.

Vũ Đức Thuận là người ký hợp đồng EPC số 33 trái quy định để PVC để được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và 1.132 tỷ đồng trái quy định và tham gia việc quyết định sử dụng hơn 1.115 tỷ trong số tiền tạm ứng này sai mục đích không đưa vào dự án gây thiệt hại hơn 119 tỷ đồng.

Vũ Đức Thuận cùng với Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo Nguyễn Anh Minh và Lương Văn Hòa lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân.

Thuận được ăn chia 800 triệu đồng và chịu trách nhiệm cùng Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

26647860_972226939598042_2119792443_n

 Bị cáo Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng giám đốc PVC được gọi thẩm vấn đầu tiên.

Tại phiên tòa chiều nay, ông Thuận khai Hợp đồng EPC số 33 chưa đầy đủ vì chưa có hồ sơ đề xuất, chưa được duyệt phương án.

Tòa chất vấn: "Vậy vì sao lại ký?".

Bị cáo trả lời: "Ký để tạo công ăn việc làm cho người lao động và Chủ tịch HĐQT cũng đã đồng ý. Ngoài ra còn ký để có tiền trả nợ ngân hàng và các mục đích khác".

Ông Thuận còn thừa nhận PVC không đủ năng lực cũng như kinh nghiệm để thực hiện dự án lớn như Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 song lúc đó tình hình tài chính của PVC khó khăn nên vẫn cứ nhận.

Thẩm phán Trương Việt Toàn liên tục đặt các câu hỏi với ông Thuận. Ông Thuận khai sau ngày khởi công dự án đã giao cho Phó tổng giám đốc ký công văn đề nghị chủ đầu tư là PVPower tạm ứng. Nhưng do PVPower chưa xin được tạm ứng vốn điều lệ nên chuyển đổi hợp đồng, chuyển chủ đầu tư về cho PVN. Hợp đồng 4194 được ký lại dựa trên hợp đồng 33 nhưng cũng vẫn chưa đủ điều kiện.

“Chưa đủ điều kiện nhưng cứ ký để có tiền đã đúng không?”, thẩm phán hỏi và bị cáo Thuận nói đúng.

Theo lời khai của bị cáo Thuận, khi có tiền tạm ứng về, PVC rất khó khăn về tài chính nên lấy luôn tiền tạm ứng để trả gốc, lãi nợ ngân hàng...

"Bị cáo nghĩ sao về việc sử dụng tiền sai mục đích?", thẩm phán tiếp tục hỏi.

Ông Thuận vẫn giải thích do áp lực trả nợ tiền vay ngân hàng, khó khăn về tài chính ở thời điểm đó và "mọi việc đều chịu sự chỉ đạo trực tiếp từ Trịnh Xuân Thanh" - nguyên Tổng giám đốc PVC khai.

Chủ tọa chất vấn bị cáo Thuận: "Đến nay bị cáo nhận thức gì về hành vi của mình?".

Ông Thuận đáp: "Sau khi làm việc với các cơ quan tố tụng, bị cáo nhận thức rõ hành vi của mình là sai".

Sau ông Thuận, tòa thẩm vấn bị cáo Nguyễn Ngọc Quý (cựu phó chủ tịch HĐQT PVC). Tuy nhiên, ông Quý phủ nhận mọi cáo buộc, nói "không biết, không được hỏi ý kiến" về những việc làm trái quy định tại PVC. 

Khi thẩm phán Toàn hỏi "có cần tòa công bố lại lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra không?", ông Quý vẫn khẳng định "không biết".

Thẩm phán ngay sau đó đọc lời khai của ông Quý tại cơ quan điều tra và ông Quý đã thay đổi câu trả lời trước đó, thừa nhận "có ký duyệt chi tiền cho phương án tái cấu trúc".

Với nhiều câu hỏi của tòa, ông Quý đều phủ nhận có liên quan trách nhiệm hoặc nói "không nhớ". 

Khi ông Quý nói không biết PVC lấy tiền ở đâu để đầu tư cho công ty con, thẩm phán truy vấn: "Thực tế, nếu có một khoản tiền khổng lồ như vậy thì có thể nào không biết nguồn tiền ở đâu mà vẫn chi tiêu không?”.

Sau đó, ông Quý không trả lời. 

Video: Ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bình tĩnh trả lời thẩm vấn trước tòa

 Sáng nay, ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh mặc áo khoác xanh cùng 20 đồng phạm có mặt đầy đủ tại phiên tòa.

Phòng xét xử của TAND TP Hà Nội trong phiên tòa này được sắp xếp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, bỏ vành móng ngựa và thay bằng bục khai báo. Các bị cáo đều nhất trí các luật sư có tên trước đó bào chữa cho mình.

Trước khi VKS công bố cáo trạng xét xử 22 cựu lãnh đạo, cán bộ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), luật sư Nguyễn Văn Chiến (một trong sáu luật sư bảo vệ bị cáo Nguyễn Quốc Khánh - cựu Phó tổng giám đốc PVN) nêu quan điểm cho rằng đây là vụ án lớn, phức tạp có nhiều lời khai đối lập.

Vì vậy, ông Chiến đề nghị tòa cách ly các bị cáo và nhân chứng có lời khai đối lập khi xét hỏi.

"Vụ án có quá trình điều tra truy xét rất nhanh, còn một số tài liệu, chứng cứ liên quan đến bị cáo và thân chủ luật sư chưa sao chụp, nghiên cứu, đề nghị cho phép luật sư và bị cáo được quyền tiếp xúc trong thời gian HĐXX làm việc", luật sư Nguyễn Chiến nói.

26755096_972136769607059_2131833623_n 3

Luật sư Nguyễn Chiến, người bào chữa cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Trong khi đó, Luật sư Đinh Anh Tuấn - luật sư bào chữa cho bị cáo Phùng Định Thực đề nghị tòa hướng dẫn cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa và đề nghị triệu tập thêm nhân chứng.

"Theo khoản 1, điều 279, Bộ Luật Hình sự 2015 thì tôi phải cung cấp những tài liệu chứng cứ mới thu thập được cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án. Tuy nhiên, đây là vụ án có tiến độ xét xử quá nhanh, nên tôi đã thu thập được nhưng chưa kịp giao nộp cho chủ tọa phiên tòa.

Vì vậy tại phiên tòa hôm nay, chúng tôi đề nghị HĐXX hướng dẫn cho chúng tôi cách giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa vì Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 chưa có quy định về việc giao nộp chứng cứ ngay tại phiên tòa.

Thứ hai, tôi đề nghị HĐXX cho gặp thêm 1 người làm chứng đến tham dự phiên tòa để giúp chúng tôi làm rõ những chứng cứ vừa thu thập được có giá trị gỡ tội cho bị cáo Phùng Đình Thực. Đó là ông Hồ Công Kỳ - nguyên Chánh văn phòng PVN".

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn