Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Sinh viên thành đạt nhất trường Plekhanov

Giáo dụcThứ Tư, 13/06/2018 12:04:00 +07:00

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được mọi người gọi một cách thân thương là “sinh viên thành đạt nhất” của Trường Đại học kinh tế quốc dân Plekhanov.

Những năm 60-70 của thế kỷ trước, trong nhiều thế hệ sinh viên và cán bộ Việt Nam được cử sang học tập tại các trường đại học của Liên Xô, rồi sau đó tốt nghiệp và trở về phục vụ Tổ quốc, nổi bật nhất là sinh viên Phan Văn Khải.

Câu chuyện về người được mệnh danh là “sinh viên thành đạt nhất” của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Matxcơva mang tên Plekhanov được nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng ghi nhớ chi tiết.

Cũng là cựu sinh viên nơi nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải theo học từ năm 1960 đến năm 1965, dù học muộn hơn 8 năm nhưng những câu chuyện về người anh đồng môn Phan Văn Khải luôn tràn ngập trong ký ức của ông Thắng.

ChuThang_02

Từ trái sang: Nguyên Tổng bí thư BCH TƯ Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười, Thủ tướng Phan Văn Khải, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng (ngoài cùng bên phải) trong một buổi làm việc. (Ảnh do ông Trần Hữu Thắng cung cấp)

Theo lời kể của ông Thắng, ông Phan Văn Khải lúc đó là cán bộ đi học, tuổi lớn hơn so với các sinh viên. Bắt đầu vào học tại Trường Plekhanov khi đã 27 tuổi, ông Phan Văn Khải phải cố gắng học tập rất nhiều để vừa nâng cao trình độ tiếng Nga, vừa tiếp thu kiến thức chuyên ngành. Ông Phan Văn Khải sau đó đã tốt nghiệp Trường kinh tế Plekhanov với kết quả học tập xuất sắc.

Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga hoặc dịp đầu xuân, các cựu sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam của trường Plekhanov tổ chức gặp mặt truyền thống để ôn lại kỷ niệm những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi còn đương chức, do công việc bận rộn nên một vài lần Thủ tướng Phan Văn Khải không tham dự được. Tuy nhiên, mỗi lần có mặt, ông đều được mọi người gọi với cái tên thân thương “người sinh viên thành đạt nhất” của Trường Đại học kinh tế quốc dân Plekhanov.

Ông Thắng kể lại: “Sở dĩ chúng tôi gọi như vậy là vì các sinh viên của Trường sau khi tốt nghiệp về nước, mỗi người công tác tại các cơ quan khác nhau, nhưng người giữ chức vụ cao trong bộ máy lãnh đạo đất nước thì chỉ có ông Phan Văn Khải.

Ngoài ra, qua tìm hiểu của chúng tôi, thời đó theo học tại Trường kinh tế quốc dân Plekhanov không chỉ có sinh viên Việt Nam, mà còn có sinh viên ở một số nước XHCN khác. Tuy nhiên, duy nhất ông Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng Chính phủ của một quốc gia”.

ChuThang_03 3

Thủ tướng Phan Văn Khải cùng các cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân Plekhanov gặp mặt đầu xuân Đinh Hợi 2007. (Ảnh do ông Trần Hữu Thắng cung cấp)

Ấn tượng lớn nhất của ông Trần Hữu Thắng là những cống hiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vào công cuộc đổi mới đất nước Việt Nam. Công cuộc đổi mới của đất nước từ năm 1986 đến nay đã đạt được rất nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có sự đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Trong giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng từ năm 1997 đến năm 2006, đất nước ta có tốc độ phát triển kinh tế cao với bình quân GDP là 7%/năm, đời sống của nhân dân được cải thiện, doanh nghiệp nhà nước hoạt động rất hiệu quả.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã chỉ đạo xây dựng Luật doanh nghiệp và được Quốc hội thông qua năm 1999, mở đường cho việc phát triển kinh tế ở đất nước, đặc biệt là các doanh nghiệp. Thành tựu của ông Phan Văn Khải cũng là niềm tự hào đối với những cựu sinh viên, nghiên cứu sinh trường Plekhanov.

Ông Trần Hữu Thắng cho biết khi còn đương chức ông có nhiều thời gian được làm việc và tiếp xúc trực tiếp với Thủ tướng Phan Văn Khải. Đó là những lần thực hiện các công việc có liên quan đến tổ chức bộ máy về đội ngũ cán bộ, về xây dựng chính quyền địa phương hoặc các cuộc làm việc với các bộ, ngành có liên quan với tư cách là lãnh đạo Bộ Nội vụ.

Ông Thắng tâm đắc nhất với phong cách làm việc của Thủ tướng Phan Văn Khải: “Ông có phong cách làm việc luôn lắng nghe ý kiến của mọi người. Phong cách làm việc rất khoa học, xem xét và cân nhắc các vấn đề của ông đã cho tôi thấy rằng, một người đã từng tốt nghiệp Trường kinh tế rồi thành một chuyên gia kinh tế, nên ông làm việc khoa học, chuyên nghiệp, nhìn nhận các vấn đề một cách khách quan, mang tính chiến lược cho kinh tế đất nước”.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, ông học tập được ở nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhân cách của người cán bộ công chức nhà nước, tận tình với công việc, không vụ lợi, lo cho dân cho nước. Vì vậy ông luôn ý thức rằng, một người cán bộ thì phải toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, làm hết sức mình để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. 

Video: Hàng trăm người dự lễ truy điệu cố Thủ tướng Phan Văn Khải

Quốc Khánh
Bình luận
vtcnews.vn