Nguyên Thứ trưởng GD-ĐT: Hình thức thi hiện nay phù hợp với giáo dục Việt Nam

Giáo dụcThứ Ba, 31/07/2018 07:56:00 +07:00

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng hình thức thi hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, nhất là khi ngành giáo dục đang thực hiện chính sách tự chủ đại học.

Liên quan đến những sai phạm xảy ra tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La trong kì thi THPT Quốc gia 2018, một số ý kiến cho rằng nên xem xét lại kì thi này.

Hình thức thi phù hợp

Trả lời PV VTC News, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng không nên thay đổi hình thức thi này. Ông Nhĩ cho rằng đây là hình thức thi phù hợp và cần phải bàn về việc chống mọi sự tiêu cực có thể xảy ra.

1_58567

 Đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định dù có một số sai phạm nhưng không bỏ kì thi "2 trong 1".

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến: “Tôi lấy ví dụ, một nhà máy sản xuất ra hàng hóa, cuối cùng phải có khâu OTK để đánh giá xem sản phẩm nào đạt, sản phẩm nào không đạt. Tương tự trong ngành giáo dục đào tạo, sau 12 năm học, học sinh phải trải qua kỳ thi để xem em nào đạt, em nào không đạt.

Hiện nay, hầu hết học sinh trên thế giới khi học hết bậc THPT cũng đều phải trải qua kì thi để kiểm tra, đánh giá. Cho nên, vấn đề ở đây là cách thi thế nào để chống mọi sự tiêu cực chứ không phải là đặt vấn đề thi hay không thi, duy trì hay bỏ hình thức 2 trong 1".

Vị chuyên gia này cho rằng những năm qua chúng ta vẫn tổ chức thi, nhưng bây giờ mới nói là thi theo hình thức 2 trong 1.

"Nói là 2 trong 1 cũng chưa hoàn toàn đúng đâu, chính xác hơn, đó là thi THPT Quốc gia sao cho thật tốt để làm cơ sở cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh”, Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.

tran-xuan-nhi 3

 

Hình thức thi hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, nhất là khi ngành GD-ĐT đang thực hiện chính sách tự chủ đại học.

PGS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, hình thức thi hiện nay là phù hợp với tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam, nhất là khi ngành GD-ĐT đang thực hiện chính sách tự chủ đại học.

“Bây giờ, các trường đại học tự chủ rồi thì người ta căn cứ vào kết quả kì thi THPT để tuyển sinh, đó là phù hợp. Các trường THPT tại địa phương là nơi đào tạo học sinh suốt 12 năm. Vậy thì sau 12 năm đó, chính họ sẽ phải tổ chức thi để đánh giá xem chất lượng học sinh mình đào tạo ra thế nào. Vấn đề ở đây không phải là nên thi hay không nên thi, vấn đề là cách thi, cách giám sát kì thi đó nên thế nào mới là điều đáng bàn”, ông Nhĩ nói.

Trước ý kiến so sánh nhiều nước không tổ chức kì thi THPT mà đánh giá trực tiếp kết quả học tập trong học bạ rồi xét tuyển, ông Nhĩ cho rằng: “Giáo viên ở một số nước phát triển được cung cấp đầy đủ về vật chất, mức lương họ cao nên họ toàn tâm toàn ý cho giáo dục. Chính vì vậy, người ta có thể tin tưởng để giao cho giáo viên đánh giá trình độ của học sinh căn cứ trên học bạ và quá trình học tập.

Tuy nhiên, nhiều nước khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sau khi học sinh học xong THPT, họ đều có tổ chức thi và chấm thi như chúng ta đang làm hiện nay.

Thực tế, chúng ta chưa thể hoàn toàn yên tâm giao toàn bộ sự đánh giá quá trình học tập của học sinh cho một mình giáo viên được. Đây chỉ được xem là một kênh, kênh còn lại vẫn phải thông qua thi cử”.

Đánh giá về kỳ thi THPT Quốc gia, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng những năm gần đây việc tổ chức thi thay đổi liên tục, nhiều hình thức khác nhau. Thầy Dũng nhận định hình thức nào cũng có mặt trái cần khắc phục, tuy nhiên thành công lớn nhất của kỳ thi là đã vì quyền lợi của thí sinh.

“Ngày xưa các trường đại học tổ chức thi thì các em phải về tập trung các cụm, ra các thành phố lớn. Cha mẹ phải đi theo gây tốn kém rất nhiều, chưa kể các áp lực về kẹt xe ở những thành phố tổ chức thi.

Cho nên việc tổ chức thi ở trường phổ thông mà các em theo học là phương pháp tối ưu, tiết kiệm được chi phí cho gia đình, đỡ tốn công sức cho các em và tạo ra sự công bằng”, thầy Dũng cho biết.

Thầy Dũng lý giải, trước đây khi tổ chức thi theo cụm, những thí sinh ở thành phố có thể đi thi tại chỗ, trong khi đó những thí sinh ở nông thôn phải lặn lội đường xa để đi thi. Việc này khiến các thí sinh ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất lợi hơn.

XEM THÊM BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ TẠI ĐÂY

Xử lý nghiêm sai phạm

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, những vụ việc sai phạm trong kì thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại một số tỉnh như Hà Giang, Sơn La... vừa qua là điều đáng tiếc, song đây cũng là cơ sở để Bộ GD-ĐT rà soát, đánh giá lại toàn bộ các khâu trong quy trình của kì thi THPT Quốc gia.

Từ đó, Bộ GD-ĐT có thể tìm ra những điểm còn hạn chế để bổ sung, sửa chữa và hoàn thiện.

“Hiện nay, có địa phương làm tốt và có địa phương làm không tốt trong kỳ thi THPT. Những nơi thực hiện chưa tốt, để xảy ra sai sót như vậy, chúng ta phải tăng cường giám sát.

Tại sao ở Hà Giang lại có chuyện tiêu cực xảy ra, yếu ở khâu nào, tất cả những cái đó cần phải làm rõ. Theo tôi được biết, có người đưa chìa khóa cho một anh ở Sở GD-ĐT tỉnh này và anh này đã vào mở cửa để sửa kết quả bài thi và điểm thi. Cái này chính là sơ hở ở khâu sau khi thi.

Sau khi thi xong, tất cả bài thi phải đưa vào phòng máy, có niêm phong, thậm chí lắp camera để giám sát. Ai muốn mở phòng này phải có hai ống khóa và phải có mặt chủ tịch hội đồng thi hoặc thư ký hội đồng thi. Khâu này nếu làm chắc chắn mới có thể đảm bảo được bí mật tuyệt đối được”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến.

Cũng có cùng quan điểm này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM) cho rằng những tiêu cực vừa mới xảy ra, lỗi chính nằm ở địa phương. Mặc dù nói có sự phối hợp của các trường đại học để làm cho kỳ thi nghiêm túc hơn, nhưng thực chất ở địa phương chủ trì nên có thể làm tất cả.

DO-VAN-DUNG 5

 PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. 

Theo thầy Dũng, một số địa phương có luôn trường đại học địa phương, cán bộ giảng dạy, cán bộ viên chức coi thi là người địa phương, chính lý do đó đã không tránh được những tiêu cực, đặc biệt là ở khâu chấm thi.

“Nhiều sơ hở lâu nay mình nhìn thấy rất rõ, tôi lấy ví dụ như lỗ hổng chết người của bài thi trắc nghiệm là không có phách và tô bằng chì nên người ta có thể lợi dụng để tẩy xóa, chỉnh sửa theo đáp án. Bài tự luận nếu để giấy trắng người ta hoàn toàn có thể rút ra và viết thêm vào”, thầy Dũng nhấn mạnh.

Riêng với những sai phạm trong kì thi THPT Quốc gia 2018 xảy ra tại một số tỉnh, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đề nghị cơ quan chức năng cần phải xử lý thật nghiêm.

“Tôi đi sang Trung Đông dự hội nghị, có nước bên đó quy định những ai ăn cắp thì sẽ bị xử bằng hình thức chặt tay, thế là người ta sợ, không dám vi phạm nữa. Ở ta không xử bằng hình thức này nhưng theo tôi phải xử lý thật nghiêm khắc để từ nay về sau không ai dám vi phạm nữa, hoặc có ý định vi phạm thì sẽ thấy đó để làm gương mà từ bỏ ý định”, ông Nhĩ nói.

Ngoài ra, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, đối với những trường hợp cán bộ có liên đới đến những hành vi sai phạm trong kì thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua, dù chưa đến mức bị khởi tố, xong cũng phải có những hình thức kỷ luật tương ứng.

“Kể cả quan chức cao cấp sai phạm hoặc có liên quan đến vụ việc trên thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn đối với những người nào vi phạm rđã bị bắt rồi thì phải xử lý nghiêm minh”, ông Nhĩ nói.

Phòng hơn chữa

Bên cạnh đó, ngoài việc phòng ngừa, thầy Dũng cũng đề xuất với những bài thi trắc nghiệm nên dùng các biện pháp công nghệ để tránh gian lận. Cụ thể, sau khi thí sinh làm xong bài, giám khảo sẽ sử dụng tờ giấy bóng, trong suốt, có một mặt keo dán lên, coi như một hình thức niêm phong kết quả thi.

“Như vậy nếu gỡ ra để sửa thì rách tờ giấy ngay, phương án đó đảm bảo an toàn, khỏi làm phách. Đối với các bài tự luận phần trắng mình gạch chéo đi, như thế là không thể viết thêm nữa. Đó là phương án tốt nhất cho các kỳ thi hiện nay”, thầy Dũng nói.

Đồng quan điểm với thầy Dũng, Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM, TS. Trần Đình Lý cho rằng, những tiêu cực đã xảy ra tại nhiều tỉnh thành, trong đó tiêu biểu ở Hà Giang, Sơn La là cá biệt, không đại diện cho toàn bộ kỳ thi.

“Tiêu cực ở Hà Giang, Sơn La là do có bàn tay con người chủ động can thiệp, về lâu dài nó sẽ gây nguy hiểm cho việc tổ chức toàn bộ hệ thống coi và chấm thi”, thầy Lý nhận xét.

Theo thầy Lý, các kỳ thi cần tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra vì đó là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên, việc thanh tra này phải độc lập, mục đích là đưa ra các hoạt động phòng ngừa.

tran-dinh-ly 7

  TS. Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Đại học Nông lâm TP.HCM.

“Phòng ngừa là để người ta không làm được chứ không phải họ làm được mà họ không làm. Mình phải làm sao để ban hành quy chế, kết hợp giữa các ban ngành thật chặt chẽ.

Công tác đề phòng cần chuẩn bị mọi tình huống, mọi khâu, nhất là những khâu nhạy cảm như chấm điểm, nhập điểm cần phải có sự giám sát qua lại giữa các trường đại học, giữa các cơ quan cấp Bộ. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với người lợi dụng và lạm dụng làm điều xấu, ảnh hưởng hệ thống, xúc phạm đến những người thầy tử tế của ngành giáo dục.

Khâu phòng ngừa muốn tốt thì quy chế phải tốt, quy trình phải chặt chẽ, con người phải có đạo đức nghề nghiệp. Những cái đó tạo thành hệ thống chặt chẽ, lúc đó mới có kết quả trung thực được, nếu có trục trặc một trong các công đoạn sẽ ảnh hưởng đến cả hệ thống”, thầy Lý chia sẻ.

Để trường đại học chịu trách nhiệm chấm thi

Để đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, PGS Đỗ Văn Dũng cho rằng nên giao quyền coi thi và chấm thi về cho các trường đại học để không còn hiện tượng "địa phương chủ nghĩa".

“Người coi thi từ các trường đại học ở địa phương khác đến, không có dây mơ rễ má, không có tư tưởng nâng điểm cho cao hơn các địa phương khác. Việc này cũng để hạn chế dính tới con em quan chức ở địa phương, để cán bộ coi và chấm thi không chịu bất kỳ áp lực nào.

Những sự vụ tiêu cực vừa rồi có thể ít nhiều cũng chịu áp lực từ phía chính quyền địa phương. Tác động không có thì không xảy ra tiêu cực được. Tôi đề nghị giao việc này cho các trường đại học dưới hình thức bốc thăm ngẫu nhiên”, thầy Dũng chia sẻ.

Trong khi đó, dưới con mắt của nhà tuyển sinh, thầy Trần Đình Lý cũng đề xuất chuyển bài thi về cho các trường đại học tự chấm. Trường đại học sử dụng kết quả của thí sinh đó sẽ phải chịu trách nhiệm chính về khâu chấm điểm để ra được kết quả cuối cùng trung thực.

“Bộ đã có đề án rồi, lộ trình đến năm 2020 sẽ thay đổi toàn diện. Khâu chấm thi phải điều chỉnh lại về nguyên tắc là đơn vị nào, ai sử dụng kết quả thì chịu trách nhiệm về điểm. Ngay cả khi trường đại học chấm thì cũng phải tăng cường khâu giám sát, đề phòng trường hợp gian lận theo nguyên tắc phòng hơn chữa, làm sao để bất kỳ cá nhân hay một nhóm nào cũng không thể can thiệp vào, không thể vi phạm”, thầy Lý nói.

Video: Vụ nâng điểm thi ở Hà Giang: Trưởng và Phó phòng khảo thí đổ lỗi cho nhau

Lưu Thủy - Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn