Nguyễn Thị Ánh Ngọc: “Ngọn nến cong” luôn cháy sáng

Tổng hợpThứ Ba, 14/05/2013 11:51:00 +07:00

Như một vầng trăng khuyết mang vẻ đẹp dịu dàng, tân Hoa hậu người khuyết tật...

Như một vầng trăng khuyết mang vẻ đẹp dịu dàng, như một ngọn nến cong vẫn rạng rỡ tỏa sáng cho đời, Nguyễn Thị Ánh Ngọc – tân Hoa hậu người khuyết tật mang trong mình vẻ đẹp và bản lĩnh ấy. Ðằng sau vẻ nền nã trên sân khấu là sự hoạt bát, năng động của cô sinh viên năm thứ 3 khoa Tâm lý học – Ðại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Gặp Ngọc sau khi đăng quang với những câu chuyện đời thường mới thấy niềm tin, lòng ham sống và sự chững chạc của cô.

 “Ngọn nến hai lần cong”

Tìm đến căn phòng trọ nhỏ nhắn của Ngọc, thu hút ánh nhìn đầu tiên của tôi là dáng điệu nhỏ nhắn, thoăn thoắt ngồi gõ máy tính cho bài tập nhóm trên lớp vào buổi chiều. Ngọc hết sức thân thiện, hòa đồng và rất “sinh viên” khi tâm sự với tôi về những điều “trên trời dưới biển”. Bắt nhịp thật nhanh, nhà tâm lý tương lai trải lòng mình với những tâm sự nơi trường học, trường đời,… Nụ cười luôn thường trực trên môi cô!

Ai sinh ra trên đời cũng đều muốn những điều tốt đẹp nhất đến với mình và những người thân. Nhiều người mong muốn được sinh ra trong những gia đình giàu có, được chiều chuộng, nhưng một số khác lại chỉ ước mơ sinh ra được bình thường, đó đã là hạnh phúc. Mới thấy hạnh phúc, khổ đau cũng thật vô cùng!

 

Số phận đã không ưu ái với Nguyễn Thị Ánh Ngọc khi em sinh ra đã bị vẹo cột sống bẩm sinh. Từ nhỏ, Ngọc đã phải mặc “áo giáp” để nẹp cột sống cho thẳng. Ba tháng, em lại thay “áo giáp” một lần. Nó khiến Ngọc mang hình thể gù gù. Dù vậy, em vẫn có thể tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao,… như những người bình thường khác. “Cuộc đời vẫn đẹp sao” trong đôi mắt em.

Ai đó mang vẻ bề ngoài như Ngọc có thể tự ti, xấu hổ nhưng em thì khác. Em vẫn tự tin, ngạo nghễ sống và sống tốt. Suốt 8 năm liền ở phổ thông giữ cương vị lớp trưởng, Ngọc luôn thể hiện tốt vai trò của mình và đặc biệt, không có bạn nào lên tiếng trêu trọc, miệt thị về hình thể của em. Ngược lại, các bạn hết sức cảm phục một cô bạn đầy ý chí và nghị lực như thế. Cũng bởi em luôn nỗ lực trong học tập, cố gắng học giỏi nhất lớp.

Cuộc đời có những khúc rẽ chẳng như mong muốn của chúng ta. Nó lại một lần nữa đưa đẩy bất hạnh đến cho Ngọc và gia đình, khiến em trở thành “ngọn nến hai lần cong” (lời của Ngọc khi trả lời câu hỏi chung cho các thí sinh của Ban giám khảo: “Ngọn nến cũng có ngọn nến cong và ngọn nến thẳng, bạn suy nghĩ và giải thích như thế nào về nội dung câu hỏi này?”). Khi học lớp 8, tại Bệnh viện Nhi Trung Ương, một chuyên gia Pháp đã khám và cho biết 8 trường hợp trong đó có em cần phẫu thuật cột sống. Hi vọng lóe lên với Ngọc và gia đình trước cơ hội em có thể trở về với cuộc sống của một người bình thường. Nhưng niềm hi vọng mới bừng lên ấy đã bị dập tắt bởi em là trường hợp hi hữu trong số 2000 trường hợp trên thế giới phẫu thuật thất bại. Kết quả, em bị liệt toàn bộ nửa người dưới.

Vậy là, bố mẹ Ngọc phải đối diện với một sự thật đau đớn là con gái mình không còn khả năng đi lại. Trong khoảnh khắc ngắn ngủi khi tỉnh lại sau cuộc phẫu thuật không thành công ấy, Ngọc biết rằng mình phải làm điều gì đó để bố mẹ an lòng, không phải là thái độ bi quan, tiêu cực. Lời nói xuất phát tự đáy lòng, như là bản năng, em thốt lên: “Con không sao, con vẫn ổn”. Niềm tin và nghị lực ấy không phải cô gái 13 tuổi nào cũng có được.

 Cháy sáng hết mình

Không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa khác nhưng Ngọc luôn đối diện với cuộc sống bằng một tinh thần lạc quan. Ở cô gái 21 tuổi ấy, niềm tin vào khả năng trỗi dậy và vươn lên của bản thân chưa bao giờ dừng lại. Bởi em luôn sống với quan điểm “tự xây dựng điều kì diệu cho mình”. Chẳng trông chờ vào một sự màu nhiệm hão huyền, chẳng ỷ lại vào một sự giúp đỡ nào khác, Ngọc vẫn vươn lên như những mầm hoa đá. Nhọc nhằn và mãnh liệt!

 

Ngọc sớm định hình cho việc học và sẽ làm nghề gì cho mình trong tương lai. Em tâm sự: “Ngay từ hồi lớp 10 em đã xác định thi ngành Tâm lý và nhắm vào trường Nhân văn”. Khi được hỏi tại sao lại chọn ngành Tâm lý, câu trả lời hết sức ngắn gọn được đưa ra như là “bản quyền” của em đó là “Chữa lành vết thương tâm hồn cho người khác cũng chính là chữa lành vết thương cho chính mình”. Thật đáng cảm phục và ngưỡng mộ khát vọng của một cô gái như thế. Lý tưởng đẹp đẽ ấy cũng đã trở thành hành trang quý giá cho em bước vào đời vốn đầy rẫy những vấp váp, khó khăn.

Là một học sinh chuyên Toán nhưng Ngọc lại chọn thi ngành Tâm lý khối D. Trong thời điểm đó, khi mà các bạn em đổ xô đi thi các ngành kinh tế thì việc Ngọc giữ vững lập trường của mình trước bố mẹ không phải là điều dễ dàng. Em đã cố gắng thuyết phục bố mẹ và tự học những môn thi đại học. Sự cố gắng ấy rồi cũng được đền đáp, em vào trường Nhân văn với số điểm trên 20.

Việc lựa chọn ngành học, thi đỗ đã là điều khó khăn thì việc Ngọc thuyết phục bố mẹ cho lên Hà Nội học lại càng khó khăn. Lên thủ đô học, với một sinh viên bình thường còn bao điều bỡ ngỡ, huống chi Ngọc là một sinh viên khuyết tật. Những việc mà em cần làm ngay lúc đó là tìm người giúp đỡ, tìm nhà trọ, thuyết phục bố mẹ,… Nghĩ lại thời điểm đó, Ngọc cảm giác mọi thứ như một mớ hỗn độn.

Nhưng rồi cuộc sống cũng trở về với guồng quay của nó. Mọi việc được thu xếp ổn thỏa, Ngọc yên tâm học hành, bố mẹ em cũng bớt lo lắng hơn khi để lại em một mình ở Hà Nội. Bởi thay cho những người thân, bên cạnh Ngọc giờ là một bạn trong Trung tâm sống độc lập, có nhiệm vụ giúp đỡ em trong sinh hoạt cũng như trong học tập. Ðó là người trợ giúp cá nhân của em, ở cùng em suốt thời gian từ khi em mới lên học đến nay.

Ðối diện với cuộc sống xa gia đình, Ngọc vẫn luôn thể hiện khả năng tự lập, sự cứng cáp của mình. Làm được điều ấy, có một nguồn động lực vô cùng to lớn là những người thân của em, đặc biệt là mẹ. Những dòng tâm sự hết sức xúc động của Ngọc trong bài hùng biện gây ấn tượng với ban giám khảo và những ai có mặt trong khán phòng khách sạn Melia ngày 14-4:

“Có một người luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc và dõi theo tôi. Một người vẫn mãi dành cho tôi những điều tốt đẹp nhất.

Một người mà cho dù mọi người nhìn tôi với ánh mắt như thế nào thì ánh mắt của người ấy dành cho tôi không bao giờ thay đổi – dịu dàng, trìu mến và tràn ngập tình yêu thương.

Và cho đến bây giờ, khi tôi đã vững vàng hơn trong cuộc đời, đã rời xa vòng tay của cha mẹ để bước vào giảng đường đại học thì mẹ vẫn dõi theo từng bước đường của tôi để tôi yên tâm rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào tôi vẫn sẽ có mẹ ở bên.

Mẹ - người đã đánh cược cả sinh mạng để mang tôi đến với thế giới này.

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,

Ði hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”

Không phụ lòng của những người thân, thầy cô và bạn bè, trên giảng đường Ðại học, Ngọc luôn đạt thành tích khá, giỏi. Các bạn cùng lớp với em luôn giành cho cô nàng một sự quan tâm, mến mộ và cả sự cảm phục, giúp đỡ. Nói em là một tấm gương cho nhiều người khác soi vào cũng là điều xứng đáng. 

Sau khi đăng quang, Ngọc tập thích nghi với cuộc sống bận rộn hơn và có cường độ cao hơn. Bởi vinh quang thường đi liền với trách nhiệm. Em thường xuyên tham gia các hoạt động của người khuyết tật như: Tổ chức Khát vọng trăng quyết, Hội người khuyết tật hay Hội thanh niên khuyết tật,… Ở một vị trí mới, Ngọc luôn cố gắng thể hiện tốt vai trò của mình trong việc đại diện cho vẻ đẹp của những người khuyết tật Việt Nam. Hi vọng Ngọc sẽ là một nền tảng mẫu mực cho những thế hệ Quán quân “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” tiếp theo.

Bất cứ cuộc thi nào cũng có những ý kiến trái chiều. Một số người có thể cho rằng Ngọc không xứng đáng với danh hiệu Hoa hậu này. Tuy nhiên, em không quan tâm nhiều đến những điều đó. Với em, việc thể hiện bằng hành động tốt hơn nhiều việc thanh minh bằng lời nói. Ngọc vẫn sẽ sống và cháy sáng hết mình như thế dù có là ngọn nến cong.

Minh Minh


Bình luận
vtcnews.vn