Nguyễn Thành Phong: Ăn – Ngủ - Vẽ và tưởng tượng

Tổng hợpThứ Hai, 23/08/2010 03:49:00 +07:00

Thích thú nhìn bức vẽ, tôi hiểu hắn có thừa khả năng để theo đuổi con đường trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp...

Roạt roạt… rọet roẹt… Tôi ngồi im. Còn hắn thì sinh động, thỉnh thoảng đưa bút lên ngang mặt, dứ dứ, nheo nheo mắt về phía tôi. Rồi lại cắm cúi vẽ. Chưa đầy 5 phút, Cái mặt tôi dần hiện lên trên trang giấy dưới bàn tay thoăn thoắt của Thành Phong. Thích thú nhìn bức vẽ, tôi hiểu hắn có thừa khả năng để theo đuổi con đường trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng ngòi bút của chàng trai 8X này lại dành cho một niềm đam mê khác đầy mạo hiểm nhưng cũng rất thú vị: nghề hoạ sĩ vẽ truyện tranh.

 

Mạo hiểm dấn thân…

Trong khi ở Nhật Bản, hoạ sĩ truyện tranh là một nghề phổ biến, được xã hội tôn vinh thì ở Việt Nam, dân mỹ thuật ra trường không mấy ai ôm ấp hy vọng đi theo con đường này. Làm hoạ sĩ, nhà thiết kế... thậm chí thất nghiệp đi vẽ panô quảng cáo, nhưng trở thành hoạ sĩ truyện tranh thì... phải xem lại. Nói như thế để hiểu rằng, con đường mà Thành Phong đang đi hôm nay không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng.

Bố hắn là nhà điêu khắc còn mẹ là giảng viên dạy vẽ, nên từ nhỏ, khi những đứa trẻ khác vẫn còn nghịch ti mẹ thì hắn bắt đầu ngo ngoe cầm bút vẽ. Bốn tuổi, tranh của hắn được giải tranh thiếu nhi của thành phố. Lên lớp 5, hắn bắt đầu đọc truyện và tập vẽ theo truyện tranh. Phong thường kể lại những câu chuyện của mình qua tranh và nhiều nhật ký bằng tranh của hắn đã được các nhà xuất bản chào gọi. Vào Đại học, cậu học trò tò te chính thức giới thiệu truyện tranh của mình với độc giả qua các tạp chí chuyên về lĩnh vực này.

Đó là cuối năm 2004, Phong cùng người bạn Nguyễn Khánh Dương gửi tác phẩm đầu tay đến tạp chí Thần đồng Đất Việt Fanclub của Phan Thị (lúc ấy đang lừng lẫy với bộ Thần đồng đất Việt). Nét vẽ dung dị, gần gũi nhưng đầy lôi cuốn và dí dỏm của Thành Phong đã nhanh chóng chinh phục được độc giả tuổi teen. “Được người đọc mong ngóng ngày ngày là động lực lớn nhất giúp chúng tôi trau chuốt cho tác phẩm của mình.”- hắn chia sẻ.

Biết Phong ham mê vẽ truyện tranh, bố mẹ phản đối kịch liệt. Phụ huynh muốn hắn theo đuổi con đường họa sĩ chuyên nghiệp, bởi theo họ, cái kiểu vẽ “mắt to gần nửa khuôn mặt, chân dài ngoằng, tóc nhiều gai”… ấy sớm muộn gì cũng sẽ làm hỏng cách nhìn của hội họa chính thống. Chỉ đến lúc thấy được phần nào thành quả của Phong và nhìn hắn say sưa vẽ quên ăn quên ngủ, bố mẹ mới đành chậc lưỡi để yên.

Tác phẩm Bicof Story của hắn được chọn đăng trong tuyển tập truyện tranh của các họa sĩ trẻ Đông Nam Á. Ngoài ra, một số tác phẩm của hắn cũng nằm trong dự án làm sách giáo khoa cho Pháp... Tại triển lãm Espai Cromatic - Tây Ban Nha, Festival truyện tranh quốc tế Buchoen, Phong tham dự với tư cách một nghệ sĩ triển vọng của Việt Nam. Sau mỗi lần “mang chuông đi đánh xứ người” như vậy, hắn lại ngộ ra được nhiều điều và càng tin hơn vào lựa chọn của mình cũng như cho tương lai truyện tranh Việt.

 

 

… Mang linh hồn Việt vào truyện tranh

“Dù không có năng khiếu bẩm sinh của một hoạ sĩ, cơ hội của bạn vẫn còn nếu bạn có một trí tưởng tượng phong phú, có khả năng sáng tác kịch bản lôi cuốn cộng với đam mê và... liều mạng theo đuổi nó”. Đây cũng là cách mà hắn cùng người đồng sự Nguyễn Khánh Dương đang thực hiện: hắn vẽ còn Dương lên kịch bản.

“Truyện tranh không phải sự phác họa chân thực 100% nhưng nó cần những tạo hình phù hợp nội dung.” - Phong bày tỏ quan điểm. Thích và đam mê bóng rổ nên hắn mới vẽ được Orange thành công như thế, hay để sáng tác được Long thần tướng và Sang Tàu đòi nợ thì Phong cũng đã phải tìm hiểu lịch sử rất nhiều... Bốn anh tài là một trong những tác phẩm gần đây nhất của hắn, mới ra mắt trong dịp 1/6.

Kịch bản truyện hấp dẫn với yếu tố hài hước nhẹ nhàng, phong cách vẽ ngay từ khi mới trình làng đã gây nhiều ngạc nhiên với sự mộc mạc nhưng tinh tế, những tác phẩm của Phong đã được đăng tải trên Thần đồng đất Việt. Truyện của hắn đã có sức lôi cuốn mạnh mẽ, đặc biệt với đối tượng teen - vốn không mấy mặn mà với truyện tranh trong nước. Thành công lớn nhất của nhóm Phong - Dương là đã thoát ra khỏi ảnh hưởng của manga (truyện tranh Nhật Bản)- một nỗ lực mà các nhóm vẽ trẻ ở Việt Nam hiện nay vẫn đang vất vả cố gắng.

Đánh giá về bộ truyện Orange, Tiến sĩ Shine Toshihiko (Viện Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Á-Phi, Trường Đại học Ngoại ngữ Tokyo) nhận xét trong buổi tọa đàm tại Đại sứ quán Nhật Bản: "...Tính giải trí và tính nghệ thuật của tác phẩm đều ở trình độ cao. Hai tác giả thể hiện một cách chính xác những đặc điểm nhân chủng của người Việt. Đường phố hiện đại của Hà Nội hiện lên trong tranh của hai tác giả thật hiện thực và sinh động. Trước tác phẩm này, chắc chắn người Nhật cũng không ngại bỏ tiền mua ngay..."

Nét vẽ của Phong được khen ngợi là đúng chuẩn “phong cách dân tộc”. Đặc biệt đã khắc phục được khuyết điểm của các họa sĩ đi trước, tạo hình nhân vật, góc độ, bối cảnh được đầu tư cao nên được độc giả yêu thích. “Chúng tôi chỉ mong muốn khắc họa cuộc sống Việt Nam, tâm tư Việt Nam đến với bạn đọc qua nét vẽ với tất cả sự trẻ trung, tươi mới của nó. Còn có thể trở thành một hoạ sĩ chuyên nghiệp hay không thì xin để thời gian và những nỗ lực tự trả lời”- hắn khiêm tốn chia sẻ.

Phong cho biết, một hoạ sĩ truyện tranh chuyên nghiệp cần phải biết rất nhiều thứ: một nền tảng hội hoạ căn bản (kỹ thuật vẽ người, vẽ background, phối cảnh...), khả năng sáng tác kịch bản, xử lý tranh qua vi tính và thiết kế bố cục hình ảnh... Cũng gần giống như tạo nên một bộ phim: có khâu đạo diễn, kịch bản, thiết kế, bối cảnh... Người vẽ truyện tranh đôi khi phải chấp nhận vẽ đi vẽ lại thứ mình rất chán, thậm chí chán ngấy rồi vẫn phải vẽ, vì độc giả còn muốn đọc. Hắn hóm hỉnh bảo: “ốm, mệt, xì trét, bí đề tài không phải là lí do để chậm nộp bản thảo. Lí do duy nhất để không vẽ được nữa là tác giả… đã chết”. Đôi khi họa sĩ vẽ truyện tranh cũng phải biết chấp nhận tiền tác quyền của mình không bằng tiền tác quyền của "thằng cha họa sĩ hàng xóm". Nói thế thôi chứ hắn cũng thừa nhận nếu làm việc nghiêm túc thì vẫn có thể sống tốt với nghề vẽ truyện tranh.

Sở trường của Phong là vẽ người, chân dung, ký họa. Đặc biệt, hắn không thích vẽ cái gì quá hoàn mỹ. Hắn khoái những người trông phải “không bình thường một tí”, có nét đặc biệt, có cá tính riêng. Góc vẽ của Phong cũng rất lạ. Kể cả manga Nhật vẫn thường nhìn nhân vật ở góc thẳng, còn trong tranh của Phong lại có chiều sâu, tưởng như, người đọc có thể đứng ở trên nhìn xuống dõi theo nhân vật… Để có được những góc quay độc đáo, phải có kiến thức phối cảnh, luật xa gần, và chịu khó tưởng tượng. Có lẽ vì thế mà Phong mắc bệnh nghề nghiệp hay quan sát.

Một đặc điểm nữa định hình phong cách của Phong chính là cách khắc họa tuổi tác nhân vật rất chuẩn xác. Trong truyện tranh Nhật Bản, rất khó phân biệt giữa một nam sinh cấp 3 và nam sinh đại học. Nhưng Orange của Thành Phong lại làm được điều đó. Hắn bảo, có được như vậy là nhờ thời đi học Mỹ thuật, được đi thực tập nhiều, ở mấy tháng liền tại nhà dân. Đó cũng là thời gian hắn luyện khả năng ký hoạ chân dung và học cách quan sát thần thái, cảm xúc của con người… những kiến thức này rất tốt cho vẽ truyện tranh nên hắn đã cố gắng lĩnh hội hết.

Vẽ nhiều truyện tranh, hắn càng vỡ ra bao điều. Ngày đầu, vì thích thể hiện suy nghĩ của mình ra giấy nên chỉ cắm đầu vẽ. Càng ngày lại thấy nội dung truyện cũng quan trọng không kém và cần sự đầu tư. Còn bây giờ, hắn ngộ ra nội dung truyện mới là yếu tố quyết định giá trị của quyển sách. Nét vẽ đẹp có thể bắt mắt, thu hút người xem nhưng để níu chân thì lại phải có nội dung hấp dẫn và thật sự đặc sắc.

Nét vẽ của Thành Phong vừa mang phong cách Việt vừa hiện đại, thể hiện được tính riêng của cá nhân, nhất là phần ngoại cảnh và động tác của nhân vật. Nhiều người vẫn tưởng cái “linh hồn Việt” trong truyện của Phong là do nét vẽ nhưng thật ra, cái làm nên bản sắc trong tác phẩm của hắn lại nằm chính ở những chi tiết, tiểu tiết thể hiện cuộc sống, khung cảnh, con người Việt Nam. Nhiều người khó tính thì chê nét vẽ của Phong còn thô và hơi… bẩn. Nhưng nhóm khác lại bảo vệ rằng đó là do Thành Phong vẽ truyện theo “chất” của dân mỹ thuật nên việc bóng đổ là không thể thiếu được.Và có lẽ chính vì cái sự " bẩn " đó đã tạo cho hắn một phong cách nổi bật giữa rừng phong cách na ná nhau hiện nay.

 

 

“Tôi hôm nay chán tôi ngày hôm qua”

Lý giải nguyên do truyện tranh Việt chưa phát triển, Thành Phong chia sẻ: “Ở nước ta vẫn mặc định truyện tranh chỉ dành cho thiếu nhi và đến độ tuổi nào đó người ta sẽ không đọc nữa. Vì không được đánh giá cao nên việc đầu tư cũng không nhiều. Các nhà xuất bản dường như vẫn còn dửng dưng, không có chính sách đầu tư cho truyện tranh. Ví dụ khi  muốn làm truyện tranh, tôi có đến đề cập sự phối hợp của nhà xuất bản thì chỉ nhận được sự thờ ơ. Họ chỉ khoái những bộ truyện đã hoàn thành, mang đến, ưng thì xuất bản còn không thì thôi. Nhưng chính điều đó sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn đối với những người làm truyện tranh, bởi để làm được một bộ truyện nhiều khi cần vài ba năm trời là chuyện bình thường, nếu người ta không được đầu tư thì không biết sống bằng gì để vẽ”.

Có lẽ, chính tâm lý “ăn sẵn” của các NXB, không dám mạo hiểm và cậy đã mua bản quyền những bộ truyện của nước ngoài đã khiến cho những người như Phong gặp không ít khó khăn trên con đường đeo đuổi đam mê của mình, cũng như vực dậy cả một nền truyện tranh Việt Nam vốn già cỗi và rất khó chiều.

“Chúng tôi chịu áp lực rất lớn từ dư luận. Khi đưa ra một tác phẩm nào đó luôn bị kêu ca là sao mà giống truyện Nhật Bản thế? Họ không hiểu rằng ngay từ khi bắt đầu đã muốn tạo ra một tác phẩm mới lạ không chịu bất kỳ ảnh huởng nào là chuyện không tưởng. Ngay cả Nhật Bản, ban đầu cũng chịu ảnh hưởng của Âu Mỹ. Để tạo ra một phong cách đặc thù, chúng ta - cũng như họ - sẽ phải mất từ 10 năm trở lên”- hắn nói. Thị trường truyện tranh Việt Nam đã quá quen với những tác phẩm đồ sộ của nước ngoài và cực kỳ khắt khe với những sản phẩm trong nước. “Một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, để thổi sức sống mới vào nền truyện tranh Việt, Thành Phong cần sự tin tưởng của độc giả, cần những người đồng sự cùng chung đam mê với nghệ thuật vẽ truyện tranh và xem đó là một nghề nghiêm túc, chuyên nghiệp.

Đọc truyện của Phong thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng hình bóng của hắn - dường như được khắc họa một cách vô thức. Có lẽ chính điều đó góp phần tạo nên cái riêng khó trộn lẫn trong từng trang truyện của hắn. Tuy nhiên, đó cũng mới chỉ là những nhân vật phụ - mà như hắn nói “chẳng ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới”. Trong lòng hắn cũng đã mơ tưởng đến một bộ truyện viết riêng về mình. Đó sẽ là một quyển nhật ký bằng tranh, thật sinh động và đặc sắc. Vào một ngày không xa nào đó…

Và để chờ đến lúc đó, hàng ngày hắn vẫn vẽ, có ngày được dăm trang, đến hạn nộp tác phẩm thì “cày” suốt ngày đêm. Đi đâu, hắn cũng lỉnh kỉnh mang theo cái túi du lịch con con. Trong túi luôn có một cuốn sổ nhỏ và cây bút. Bắt gặp một cảnh sinh hoạt, hay một gương mặt nào toát lên thần thái, gây xúc động - hay như hắn nói là “nổi hết da gà” - thì lại đưa giấy bút ra vẽ. Thời gian này, gã trai có khuôn mặt hao hao họa sĩ Thành Chương đang tất bật chuẩn bị ra mắt bộ truyện Orange được ấp ủ thực hiện trong suốt 5 năm qua.

Hắn sinh tháng 10, thuộc cung Thiên Bình - cung của những người sống nội tâm, có thiên hướng nghệ thuật và thích… tự tử. Tất nhiên, hắn chẳng bao giờ bi quan đến mức thế. Cuộc sống này vẫn có nhiều điều hắn chưa hưởng thụ hết. Vì thế mà thỉnh thoảng, người ta lại thấy hắn gác bút, vác balô đi du lịch phượt. No nê thu vào tầm mắt những vang động đất trời, thanh sắc cuộc sống. Ở nhà lâu là hắn cuồng chân. Hắn không thích cuộc sống đều đều. Cũng như khi vẽ truyện, cũng là một nhân vật xuyên suốt mấy chục trang nhưng đoạn nào cũng những nét vẽ, góc quay giống nhau thì hắn chán. Hắn bảo, lúc đó tự mình chán rồi chứ không cần đợi đến bạn đọc nữa. Hắn cứ thấy cảm giác “mình hôm nay chán mình hôm qua” để rồi lại ngồi vào bàn hí hoáy…

Thanh Hương

Bình luận
vtcnews.vn