Nguyễn Thanh Huyền: Vẽ ước mơ từ những miếng vải vụn

Tổng hợpThứ Bảy, 04/12/2010 03:00:00 +07:00

Người ta đã biết đến ý tưởng làm tranh ghép từ mảnh gốm, từ hoa lá, cây cỏ khô hay những mảnh kim loại. Nhưng, biến những mảnh vải vụn thành một bức tranh...

Người ta đã biết đến ý tưởng làm tranh ghép từ mảnh gốm, từ hoa lá, cây cỏ khô hay những mảnh kim loại. Nhưng, biến những mảnh vải vụn thành một bức tranh sinh động, độc đáo thì có lẽ chỉ Nguyễn Thu Huyền mới dám nghĩ, dám làm và dám xây dựng thành một thương hiệu của riêng mình.

"Văn-vẽ" song toàn

Có năng khiếu vẽ, lại là một sinh viên xuất sắc chuyên ngành thiết kế thời trang nhưng ít ai biết, từ nhỏ, cô gái Nguyễn Thu Huyền đã nuôi mơ ước trở thành một phóng viên, được đi đến mọi ngóc ngách cuộc sống để khám phá và trải nghiệm. Mơ ước đó càng được củng cố khi những năm học cấp 3, điểm tổng kết môn Văn của Huyền luôn dẫn đầu lớp. Trước kỳ thi Đại học, cô làm hai bộ hồ sơ đăng ký dự thi trường Học viện báo chí - tuyên truyền và trường Đại học Mở Hà Nội. Nhưng cuối cùng, lo lắng cho sức khỏe của con gái không đủ để theo đuổi nghề báo, mẹ đã động viên Huyền đi theo con đường mỹ thuật.

 

Và sự lựa chọn đó không hề sai lầm. Dáng người nhỏ nhắn, ít nói nhưng cô sinh viên người Hà Nội này đang ẵm trong tay một bảng thành tích khiến ai cũng nể phục. Hiện Thu Huyền là sinh viên năm cuối khoa Thiết kế Thời trang của Viện Đại học Mở Hà Nội, đồng thời là Bí thư Chi đoàn, Phó Bí thư Đoàn khoa. Năm học nào Huyền cũng là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường với 7 kỳ học đều đứng đầu lớp, tham gia sôi nổi vào các hoạt động đoàn trường. Sản phẩm thiết kế thời trang của Huyền được lọt vào vòng chung kết cuộc thi Sinh viên với thiết kế thời trang 2009. Cô từng đạt Giải Nhất nghiên cứu khoa học của Khoa cho đề tài "Những mảnh vụn không bị lãng quên". Huyền cũng đạt Giải Khuyến Khích nghiên cứu khoa học của Bộ GD- ĐT và nhận được một suất học bổng.

Theo Huyền, để học giỏi ngành thiết kế thời trang cần phải chăm tìm kiếm tài liệu để bổ trợ cho kho kiến thức phong phú. Song song đó, phải thường xuyên rèn luyện vẽ bởi dù có năng khiếu đến mấy mà không chịu khó mài giũa thì khả năng cũng sẽ mất dần. Với những thành tích "hoành tráng" của mình, cô sinh viên Nguyễn Thu Huyền cũng đã được kết nạp vào Đảng và vinh dự được nhận danh hiệu 1 trong 1000 Đảng viên tiêu biểu của thủ đô Hà Nội.

 

Để "những mảnh vụn không bị lãng quên"

Tranh ghép vải là một môn nghệ thuật truyền thống của người dân Nga, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Kỹ thuật ghép vải đa dạng và sự liên kết màu sắc, họa tiết đẹp đã tạo nên những bức tranh phong cảnh, tình yêu và những bức tranh trừu tượng rất đặc sắc. Hiện nay, tranh ghép vải vẫn còn khá mới lạ với người Việt Nam.

Với khả năng mỹ thuật và tạo hình tốt, Thu Huyền hoàn toàn có thể chọn lựa cho mình những con đường "hào nhoáng hơn" như trở thành một nhà tạo mốt, nhưng Huyền lại đến với tranh ghép vải – một lĩnh vực còn khá lạ lẫm, đòi hỏi tự mày mò, nghiên cứu và thử nghiệm. Sau khi bảo vệ thành công đề tài khoa học "Những mảnh vụn không bị lãng quên"- nghiên cứu về tính ứng dụng của vải vụn trong cuộc sống và nghệ thuật, Huyền đã suy nghĩ và quyết định sẽ "hiện thực hóa" những ý tưởng của mình.

Ban đầu chỉ là những tấm bưu thiếp độc đáo để Huyền tặng bạn bè. Sang năm thứ 2 đại học, chỉ với 300.000 đồng là vốn đầu tư khởi điểm, cô bắt đầu cuộc hành trình vẽ ước mơ của mình chỉ với những miếng vải vụn. Số tiền ít ỏi đó được dùng để mua khung, bìa, keo dán còn nguyên liệu chính là vải thì cô phải xách bao tải đến từng cửa hàng may để… xin.

 

Rồi một mình Huyền lọ mọ làm tất cả các khâu, từ lên ý tưởng, vẽ mẫu, mua-xin vải vụn, cắt-dán- ghép, đến chào bán, vận chuyển, thanh toán… Huyền cho biết, với tranh ghép vải, nét vẽ càng đẹp thì tranh càng có hồn. "Chọn vải cũng quan trọng không kém, đôi khi còn phải tước vải thành sợi để ghép. Tranh của mình chỉ dùng vải và chỉ có vải làm đường nét khuôn mặt, không có một nét bút nào trong đó", Huyền bộc bạch. "Nếu là tranh cho trẻ nhỏ thì cần màu sắc tươi sáng, hình ảnh vui nhộn, dễ thương. Tranh cho lứa tuổi đang yêu thì cần mơ mộng, lãng mạn, hạnh phúc. Riêng tranh trừu tượng thì cần phải có óc tưởng tượng phong phú…", cô cho biết thêm. Keo dán dùng ghép vải cũng phải dùng loại keo sữa để hình dán được chắc và khi khô không để lại vết bẩn.

Nói thì đơn giản nhưng khi làm thì mọi việc không hề dễ dàng. Có lúc, hoàn tất ý tưởng, bản vẽ thì nguyên liệu lại không khớp, các loại vải, màu sắc thiếu hài hòa, Huyền đành phải tháo tung làm lại từ đầu.

Ngoài những bức tranh chủ đề đồng quê, mô phỏng theo tranh Đông Hồ, Hàng Trống... hướng tới đối tượng là Việt kiều, người nước ngoài, Huyền còn nhận được khá nhiều yêu cầu làm tranh các nhân vật hoạt hình và truyện tranh của em bé. Các bạn trẻ lại thích những hình ảnh lãng mạn, dễ thương để trang trí phòng riêng hoặc tặng bạn bè. "Đẹp và độc" chính là yếu tố giúp tranh vải chiếm được cảm tình của nhiều người.

 

"Mình mong muốn mỗi bức tranh sẽ đều là món quà ý nghĩa cho người mua và người nhận. Vì ngoài tranh Đông Hồ, tất cả các thể loại tranh khác sẽ chỉ được thực hiện một lần không làm lại lần thứ hai. Ngoài những tranh bán sẵn, mình còn nhận làm tranh theo yêu cầu. Những bức tranh đó đã giúp người mẹ thể hiện tình yêu với đứa con bé bỏng hay giúp người bạn trai bày tỏ tình cảm sâu kín của mình tới một cô gái xinh đẹp… Sau khi hoàn thành một tác phẩm, mình thấy rất hạnh phúc bởi ở mỗi bức tranh luôn lưu giữ một kỷ niệm"- Huyền cười chia sẻ.

Trong số những tác phẩm của Huyền, bức tranh "Vẻ đẹp Việt Nam" mô tả hình ảnh phụ nữ 54 dân tộc Việt Nam, khổ 2m60x1m50 có thể coi là một "kiệt tác". Tác phẩm được Huyền gửi tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam năm 2009 là thành quả của một quá trình làm việc kiên trì trong suốt 6 tháng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp giới trẻ hiểu thêm về giá trị của trang phục truyền thống và góp phần đưa du khách nước ngoài hiểu về nét đẹp của phụ nữ Việt Nam.

 

Sống chung với… vải

Trong căn phòng chỉ rộng gần 10 m2, ngổn ngang vải vóc đủ màu sắc, chất liệu và những bức tranh- sản phẩm sáng tạo kỳ công của Thu Huyền. Nhìn từ xa, tranh vải giống như những bức tranh sơn dầu với tươi tắn, sống động nhưng lại gần mới phát hiện đường nét trong tranh đều được tỷ mẩn ghép từ những sợi vải.

Huyền cho biết, một tác phẩm "ngốn" khá nhiều thời gian và đòi hỏi sự kiên trì, cẩn thận. Khó nhất là dùng vải voan để tạo dáng khuôn mặt ở các trạng thái khác nhau và tỉ mỉ nhất là khi tước xơ vải để làm cánh đồng lúa, cỏ lau hay sóng biển. Nếu là tranh khổ A4 thì mất khoảng nửa ngày đến một ngày, loại tranh A2, A3 mất vài ngày. Cầu kỳ như tranh về các mỹ nhân Trung Quốc có khi Huyền phải miệt mài làm đến cả tuần. Chất liệu vải dễ nhăn nhúm và co giãn, nên nhiều khi phải rất khéo léo mới uốn lượn thành hình.

Để làm sản phẩm với quy mô lớn hơn, bên cạnh việc tận dụng vải thừa ở tiệm may, Huyền còn đến chợ vải Ninh Hiệp để tìm mua cho được những mảnh vải ưng ý. Đơn hàng trung bình 20 bức/tháng từ một phòng tranh trong TPHCM khiến Huyền xoay không xuể và phải thuê thêm người để có thể hoàn thành được hợp đồng. Để việc kinh doanh có hiệu quả, Huyền lập website www.tranhghepvai.com giới thiệu các mẫu sản phẩm và nhận đơn đặt hàng qua mạng. Những đơn hàng "ùn ùn" kéo đến cả từ Hải Phòng, TPHCM, Úc, Nga... khiến Huyền ngoài thời gian học ra hầu như lúc nào cũng sống chung với… vải.

 

Cô chủ nhỏ cho biết, hiện tại, rẻ nhất là tranh thiếu nhi và tranh cho tuổi teen mức giá khoảng 300 nghìn/bức. Còn tranh khổ lớn với những đề tài phức tạp hơn thì xê dịch từ 700-4 triệu/ bức. Vậy là, không chỉ tạo ra thu nhập dư dả cho bản thân, Thu Huyền còn tạo công việc làm thêm cho 6 bạn trẻ là sinh viên các trường Mỹ thuật tại Hà Nội.

Những ngày nghỉ, nhìn cô con gái lụi cụi bên đống vải vóc, đầu tóc mặt mũi lấm tấm bụi vải, bố mẹ Huyền không khỏi lo lắng. Thế nhưng, thành quả học tập và lao động của cô đã khiến phụ huynh vững lòng và tin tưởng vào con đường con gái mình đã chọn. Khi được hỏi về những dự định, Thu Huyền vui vẻ nói: "Sắp tới, mình muốn mở một triển lãm tranh ghép vải, giới thiệu những bức tranh độc đáo mang vẻ đẹp văn hóa Việt Nam đến với công chúng một cách gần gũi hơn. Còn trong tương lai, mình sẽ mở một cửa hàng thời trang theo đúng ngành học của mình song song với một tiệm tranh ghép từ vải vụn, hai cửa hàng sẽ hỗ trợ cho nhau".

Qua những bức tranh độc đáo, giản dị và đầy sáng tạo từ vải vụn, cô nghệ sĩ tương lai muốn gửi đến mọi người một thông điệp: tất cả mọi thứ đều có giá trị, dù đó là những thứ tưởng như đã bị lãng quên trong cuộc sống.

Y Bình

Bình luận
vtcnews.vn