Nguyên Phó Chủ tịch nước: Giáo dục nghề và đại học đang lãng phí tiền của

Giáo dụcThứ Hai, 28/04/2014 08:06:00 +07:00

(VTC News) - Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng nếu chi phí thấp sẽ không thể đào tạo đại học chất lượng cao.

(VTC News) - Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng nếu chi phí thấp sẽ không thể đào tạo đại học chất lượng cao.

Bàn về vấn đề cơ cấu lại hệ thống giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó Chủ tịch nước cho biết: "Giáo dục nói chung của chúng ta, đặc biệt là giáo dục nghề và đại học đang không gắn với việc phát triển kinh tế xã hội cho nên hiệu quả kém, lãng phí về mặt thời gian, tiền của”.
Điều này, bà Bình cũng hoàn toàn đồng ý với quan điểm của GS Trần Phương: "Chúng ta đang làm lãng phí thời gian, tiền của thanh niên".
Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng không thể đào tạo đại học chất lượng cao với chi phí thấp (Ảnh: Phạm Thịnh) 
Theo quan điểm của bà Nguyễn Thị Bình, mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam cần phải làm rõ. Từ đó sẽ có những điều chỉnh về nguồn nhân lực. “Tôi hỏi một số đồng chí thì được trả lời là đang bàn. Năm 2020 đến nơi rồi mà bây giờ còn đang bàn! Cho nên những vấn đề này cần phải rõ thì mới có thể xem thử chúng ta cần nguồn nhân lực thế nào”, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ.

Nguyên Phó Chủ tịch nước cho rằng để giải quyết được câu chuyện về nguồn nhân lực cần phải có sự tham gia của rất nhiều bộ ngành một cách quyết liệt. “Mọi vấn đề đều chưa rõ thì bảo giáo dục đại học có kế hoạch thì rất khó. Tôi nghĩ giải quyết vấn đề này có lẽ phải là Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Lao động Thương bình và Xã hội. Chúng ta phải trả lời những câu hỏi đó rồi mới bàn tiếp”.

Bà Bình cũng cho rằng từ cấp THCS đã phải thực hiện tốt việc phân luồng. Vấn đề phân luồng sau THCS không còn là mới, khi bà Bình còn là Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vấn đề này đã từng được đưa ra nhưng vẫn chưa làm được. Theo bà Bình, lý do chúng ta công bố yêu cầu nguồn nhân lực không rõ ràng.
Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng việc phân luồng chưa hiệu quả là do chưa có công bố nguồn nhân lực một cách rõ ràng 
“Nếu người ta biết yêu cầu công nhân cần như thế nào thì không thi vào đại học mà đi vào con đường nghề nghiệp, nhưng ta không nêu ra nên ai cũng có mong muốn mình có trình độ cao để cuộc sống tốt hơn", bà Bình thể hiện quan điểm.

Thực tế, ai cũng muốn đi từ THPT lên tới đại học, nhưng cần làm rõ vấn đề, nếu người đó thấy rằng đi học lên cao sẽ khó hơn, có thể đi theo con đường học nghề là điều tác động trực tiếp vào thanh niên.

Về cơ cấu đại học, cao đẳng, theo nguyên Phó Chủ tịch nước, càng trở nên quan trọng hơn nếu đặt vị trí ở từng loại trường, mục tiêu rõ ràng, từ đó xác định chương trình đào tạo như thế nào, không thể chỉ định khung chung mà phải đi vào xác định vị trí của từng loại hình trường.

Bà Bình cho rằng vấn đề chi phí đào tạo đại học cũng cần phải xem lại, bởi đây là một vấn đề lớn, nếu đào tạo trong khi chi phí thấp thì không thể có chất lượng cao – vấn đề giải quyết trước mắt.

Bà Bình ví dụ: "Trường Đại học Tân Tạo chi phí học bổng cho mỗi sinh viên là 3.000 USD, tương đương 60 triệu đồng, các trường khác chỉ 10 triệu đồng thì không thể có chất lượng".

Bên cạnh đó trong quy chế trường đại học phải làm rõ phi lợi nhuận và lợi nhuận, vấn đề này có liên quan trực tiếp tới các trường đại học.

Bà Nguyễn Thị Bình cho rằng: “Muốn giải quyết đại học cho tốt thì không những ở hệ thống mà còn là vị trí của từng loại hình, và phải coi lại chi phí đào tạo như vậy đã hợp lý chưa”.

Clip Bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ tại đây:


Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn