Nguyên nhân test nhanh COVID-19 âm tính nhưng vẫn ho, đau họng

Covid-19Chủ Nhật, 13/03/2022 07:36:12 +07:00

Dù đã âm tính, người mắc COVID-19 vẫn có thể còn triệu chứng bệnh do các cơ quan trong cơ thể tổn thương.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chỉ có các triệu chứng trong vài ngày, phần lớn sẽ hồi phục hoàn toàn sau một đến hai tuần.

Nguyên nhân test nhanh COVID-19 âm tính nhưng vẫn ho, đau họng - 1

Sau bao lâu sẽ có kết quả âm tính?

Hầu hết mọi người có kết quả âm tính trong vòng 10 ngày kể từ khi bắt đầu có triệu chứng hoặc nhận kết quả xét nghiệm dương tính đầu tiên.

Tuy nhiên, họ vẫn có thể dương tính trong vài tuần hoặc thậm chí vài tháng sau khi nhiễm virus SARS-CoV-2. 

Tin tốt là ngay cả khi có kết quả dương tính sau một thời gian dài, khả năng cao là bạn không còn lây nhiễm cho người khác. 

Liên minh vaccine Gavi giải thích: “Xét nghiệm PCR nhằm tìm ra các phần của vật chất di truyền virus (RNA) và khuếch đại để chúng ta phát hiện ra virus. Các đoạn RNA của virus có thể tồn tại trong cơ thể rất lâu sau khi quá trình lây nhiễm kết thúc”.

Tại sao vẫn có các triệu chứng dù đã xét nghiệm âm tính?

Tiến sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, lưu ý các triệu chứng như ho và đau họng có nguy cơ kéo dài sau khi một người có kết quả xét nghiệm âm tính vì các mô cơ quan của họ vẫn bị tổn thương.

“Những triệu chứng này phản ánh cơ quan bị tổn thương (cổ họng), không phản ánh khả năng lây nhiễm”, Tiến sĩ Leong nói. 

Một số biểu hiện như thay đổi vị giác/khứu giác có thể kéo dài thêm một thời gian. Nếu vẫn còn thấy mệt mỏi sau vài tuần, người bệnh đã mắc hội chứng COVID-19 kéo dài.

Tiến sĩ Nicholas Chew cho biết, điều này cũng có nguyên nhân là phản ứng miễn dịch và viêm kéo dài của cơ thể.

Mặt khác, Giáo sư Dale Fisher, Đại học Quốc gia Singapore, chỉ ra, có trường hợp, xét nghiệm nhanh dẫn đến kết quả âm tính giả.

Khi nào người bệnh COVID-19 lây nhiễm nhất?

Đối với các biến thể trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện từ 2 tới 14 ngày sau khi phơi nhiễm. Thời gian ủ bệnh của Omicron được cho là ngắn hơn nhiều - từ 3 đến 5 ngày.

Một người có khả năng lây nhiễm cao nhất từ 1 đến 2 ngày trước khi bắt đầu các triệu chứng và trong 2 - 3 ngày sau đó.

Đây là lý do thời gian tự cách ly tối thiểu hiện tại là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng hoặc nhận được kết quả xét nghiệm dương tính.

Tiến sĩ Allison Arwady đánh giá: “Với các biến thể mới như Delta, giờ là Omicron, mọi thứ đều được đẩy nhanh hơn. Thời gian từ lúc tiếp xúc với nguồn bệnh tới khi nhiễm trở nên ngắn hơn. Các triệu chứng phát ra sớm hơn và người bệnh cũng nhanh bình bình phục hơn. Phần lớn lý do là ngày càng nhiều người đã tiêm vaccine”.

Dữ liệu cho thấy, phần lớn bệnh nhân không còn lây nhiễm sau 7 ngày kể từ khi bắt đầu có các triệu chứng hoặc kết quả xét nghiệm dương tính lần đầu, đặc biệt là khi được tiêm chủng. Đại đa số không còn lây nhiễm sau 10 ngày.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp