Nguyên nhân 'gốc rễ' khiến người chăn nuôi lợn ở Việt Nam thua lỗ

Kinh tếThứ Tư, 03/05/2017 16:32:00 +07:00

Hàng loạt các hạn chế mang tính chủ quan trong quản lý và điều hành của cơ quan chức năng đã được các chuyên gia “chỉ mặt đặt tên”, được cho là những nguyên nhân khiến người chăn nuôi lợn bị thua lỗ.

Giống nhiều mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long,... mới đây nhất, thịt lợn rơi vào tình cảnh "được mùa mất giá". Giá thịt lợn rơi xuống mức thấp nhất khiến người chăn nuôi lợn thua lỗ. Các chuyên gia đánh giá đây là kết quả của hàng loạn hạn chế trong quản lý, điều hành.

“Tham bát" mà... "bỏ mâm”

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết hiện nay, chính sách đánh thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để chế biến thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập. Đây cũng chính là nguyên nhân góp phần đẩy giá thức ăn lên cao và khiến người chăn nuôi lợn cũng như gia cầm không có lãi.

Hinh anh

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết Bộ Nông nghiệp cần tính đến bài toán tổng thể, tránh để xảy ra tình trạng "tham bát, bỏ mâm".

“Cách đây không lâu, xảy ra tình trạng một số hộ trồng ngô ở Sơn La và một vài tỉnh phía Bắc không tiêu thụ được, ế ẩm. Truyền thông báo chí đề cập nhiều vấn đề này. Có ý kiến cho rằng nên hạn chế nhập khẩu ngô hoặc đánh thuế nhập khẩu thật cao để giúp tiêu thụ ngô sản xuất trong nước. Tôi cho rằng đây là điều bất hợp lý, lợi bất cập hại” - ông Lịch dẫn chứng.

Ông Lịch cho rằng: “Ngô hạt nhập khẩu hiện nay, dù đã trừ các chi phí và chịu thuế 5% thì giá bán về đến Việt Nam cũng chỉ có 4.600 đồng/kg, trong khi giá ngô sản xuất trong nước giá bán lên đến 5.200 đồng/kg. Vậy chênh lệch giá đó là do đâu? Năng suất ngô của họ cao thì giá ngô bán ra thị trường tất nhiên phải rẻ, họ cạnh tranh tốt hơn là điều tất nhiên rồi”.

Ông Lịch phân tích: “Hiện cả nước có khoảng 1,1 triệu hộ gia đình trồng ngô, nhưng lại hơn 4 triệu hộ gia đình chăn nuôi lợn và hơn 7 triệu hộ gia đình chăn nuôi gia cầm. Tỷ trọng đóng góp vào GDP ngành nông nghiệp của ngành chăn nuôi là rất lớn.

Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp GDP của ngô không đáng kể. Vậy bài toán kinh tế đặt ra là giữa 1,1 triệu hộ gia đình trồng ngô với 11 hộ chăn nuôi lợn, gia cầm, nên cân nhắc lợi ích bên nào hơn?”, ông Lịch phân tích.

Theo ông Lịch, hiện nay giá ngô nhập đầu vào là 4.600 đồng/kg, khi sản xuất ra thức ăn chăn nuôi, bán ra thị trường khoảng 9.000 đồng/kg thức ăn, người chăn nuôi đang có lãi. Nếu tăng thuế nhập khẩu ngô, đầu vào tăng sẽ đẩy giá thức ăn chăn nuôi tăng theo, người chăn nuôi chắc chắn sẽ phải chịu thua lỗ.

Thiệt hại ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung khi đó sẽ còn nặng nề hơn rất nhiều so với những lợi ích nhỏ bé thu được từ ngành trồng ngô trong nước. Nên ở đây, Bộ Nông nghiệp cần phải xét đến bài toán tổng thể, chứ không thể “tham bát, bỏ mâm”.

Video: Ông Lê Bá Lịch nêu tình trạng chồng chéo trong quản lý giữa các Cục trong Bộ NN&PTNT

Câu chuyện giữa ngô và lợn chỉ là một trong số những mối liên hệ chồng chéo giữa các lĩnh vực có liên quan theo chuỗi dây chuyền trong cùng ngành nông nghiệp với nhau.

Vì vậy, vấn đề đạt ra cho Bộ NN&PTNT là phải tính toán quy hoạch sao cho phù hợp, để giữa các ngành để không bị “giẫm chân” nhau về lợi ích.

Nông nghiệp bị động và hệ quả là tất yếu

Ông Phạm Quốc Doanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ), nguyên Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, quy hoạch ngành của nông nghiệp Việt Nam hiện nay vẫn còn thiếu và yếu.

Hinh anh

Ông Phạm Quốc Doanh nhận xét quy hoạch nông nghiệp của Việt Nam hiện vẫn đang thiếu và yếu.

“Tôi đã từng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu và chỉ đạo quy hoạch các ngành kinh tế nói chung, trong đó có nông nghiệp. Tôi phải nói thẳng, hiện quy hoạch ngành trong nông nghiệp của ta làm rất manh mún, thiếu và yếu về nhiều mặt”, ông Doanh nhận xét.

Ông Doanh nêu dẫn chứng: “Chúng ta ở trong nước vẫn thường nói với nhau rằng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam rất nhiều. Các loại nông sản như cà phê, cao su, hồ tiêu, gạo,... là những mặt hàng nông sản mà chúng ta có nhiều thế mạnh xuất khẩu cũng như lợi thế cạnh tranh. Đó là chúng ta đang 'tự an ủi' với nhau thôi. Tôi ra thị trường nước ngoài, khi hỏi cà phê, cao su, hồ tiêu... thì người ta đều không biết đó là sản phẩm của Việt Nam”.

“Tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Đó là vì thương hiệu chúng ta không có. Thương hiệu không có là do chúng ta chưa quy hoạch. Còn những cái quy hoạch thì manh mún. Hiện nay, ngay cả cà phê được cho là thế mạnh xuất khẩu của ta, thì chúng ta cũng chưa xây dựng được vùng quy hoạch về cà phê. Đó là lý do mà người tiêu dùng nước ngoài họ uống chai rượu vang thì họ có thể biết đó là rượu vang của vùng nào nước Pháp hay nước Ý, còn khi uống cà phê thì họ vẫn chẳng biết là của vùng nào Việt Nam”, ông Doanh chia sẻ.

Ông Doanh cho biết, câu chuyện lợn thịt bán được giá khiến người dân ồ ạt nuôi nên đàn lợn tăng nhanh, lại không có đầu ra, lợn thịt giảm giá cũng có nguồn gốc sâu xa là do ngành chăn nuôi chưa có quy hoạch. Từ chỗ thiếu quy hoạch cộng thêm với các “đầu nậu” gom hàng và chèn ép giá, thị trường Trung Quốc bất ổn... là những yếu tố dẫn đến cuộc “khủng hoảng thịt lợn” như vừa qua.

“Hai chục năm qua vẫn điệp khúc ấy. Tôi nói thẳng, nguyên nhân thương lái Trung Quốc không thu mua chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ thôi. Cái chính vẫn là vấn đề định hướng quy hoạch ngành nông nghiệp của ta còn yếu. Năng lực cạnh tranh kém.

Vì yếu về định hướng quy hoạch và kém về thực lực nên mới buộc phải phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc theo kiểu làm ăn may rủi thời vụ, mà không đủ năng lực để tìm kiếm, mở rộng ra ở các thị trường khác”, ông Doanh nhận xét.

Ông Doanh cho rằng, chấp nhận kinh tế thị trường thì cũng phải chấp nhập khủng hoảng nguồn cung. Cung của thị trường này chỉ vài tháng là điều chỉnh được, thất bát một vụ cũng không phải là vấn đề quá lớn. Cái chính vẫn phải là phải thay đổi ở tầm vĩ mô và dài hạn, ngành nông nghiệp phải phải khắc phục được những hạn chế của chính mình.

Những hạn chế đó là thiếu dự báo thông tin thị trường những ngành hàng cụ thể; thiếu quy hoạch về vùng lẫn ngành, cả tổng thể lẫn chi tiết; thiếu tầm nhìn định hướng dài hạn về sản xuất nông nghiệp cho cả trồng trọt lẫn chăn nuôi;... dẫn đến tình trạng người dân “mạnh ai nấy làm”, thấy người khác “ăn khoai cũng vác mai đi đào” và hệ quả là tất yếu là khiến nền nông nghiệp của Việt Nam luôn luôn bị động “cuốn theo chiều giá”, luôn chạy theo “hớt váng” thị trường mà thiếu đi yếu tố căn bản và bền vững.

Video: Trung Quốc mua lợn trở lại, khủng hoảng tạm qua

Lưu Thủy
Bình luận
vtcnews.vn