Nguyên nhân chính khiến Hà Nội ô nhiễm không khí ở mức nguy hại kéo dài

Sức khỏeThứ Hai, 16/12/2019 17:46:00 +07:00

Ngoài khói bụi từ nguồn thải tại chỗ như rơm rạ…thì khí thải từ các phương tiện giao thông cũng là nguyên nhân khiến Hà Nội bị ô nhiễm trầm trọng.

Khí thải máy móc, động cơ kèm thời tiết xấu

Hà Nội vừa trải qua đợt ô nhiễm không khí kéo dài, khi chỉ số chất lượng không khí liên tục duy trì ở ngưỡng tím – rất xấu (AQI >200). Có những thời điểm, theo thống kê của ứng dụng Airvisual, AQI một số khu vực tại Hà Nội vượt ngưỡng tím lên nâu – nguy hại (AQI>300).

Ứng dụng PAMair cũng đưa ra bảng đo chất lượng không khí của Hà Nội “dày đặc” màu tím với ngưỡng rất xấu.

Chất lượng không khí xấu, có xu hướng phức tạp khiến nhiều người lo ngại sức khỏe của bản thân và gia đình. Đặc biệt là nhóm người già, trẻ nhỏ và người có tiền sử mắc các bệnh về hô hấp mãn tính. 

22

 Khí thải từ các phương tiện giao thông hay hoạt động từ công trường xây dựng là nguyên nhân gây ô nhiễm tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. (Ảnh: D.L/24h)

Theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM, nguồn không khí ô nhiễm thường được sản sinh ra từ các phương tiện giao thông như: xe máy, xe bus, ô tô và các loại máy móc chạy bằng dầu ở các khu công nghiệp hay công trình xây dựng.

Những loại máy móc, động cơ này sử dụng nguyên liệu chủ yếu là xăng, dầu nên lượng khí thải ra môi trường sẽ bao gồm rất nhiều các chất có hại như: hydrocacbon, cacbon dioxide, cacbon monoxit, oxit nitơ, sulfur dioxide, và bụi mịn PM10, PM2.5.

Đây đều là những "thủ phạm" không chỉ gây ra hiệu ứng nhà kính như cacbon dioxide mà còn gây độc cho cơ thể tùy theo hàm lượng. Nhẹ thì bị nhức đầu, tăng huyết áp, run rẩy, cảm giác như bị kim chích, đổ mồ hôi, tăng nhịp tim, buồn ngủ, đờ đẫn, kém tập trung hay nôn ói… Nặng thì gây ra triệu chứng mệt mỏi, bất tỉnh, tổn thương não, ung thư và thậm chí là thiệt mạng.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ – làm việc tại khoa Khoa học môi trường và bảo vệ môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, lượng phương tiện lớn, cộng với thời tiết Hà Nội những ngày qua hanh, khô, lạnh, ít gió nên dẫn đến việc không khí bị ô nhiễm trầm trọng.

“Nếu thời tiết thuận lợi thì lượng khí thải dễ được phát tán và bay đi nhanh hơn, trả lại bầu không khí bình thường. Nhưng ngược lại, nếu thời tiết xấu, khí thải cứ lơ lửng trên không trung, không thoát đi được nên dẫn đến chỉ số AQI luôn ở mức cao”, GS Cơ nói.

Thói quen đun bếp than, đốt rơm rạ

Theo GS Hoàng Xuân Cơ, ngoài khí thải từ các phương tiện giao thông hay máy móc công trường thì một nguyên nhân khác khiến không khí Hà Nội bị ô nhiễm là miền Bắc đang ở giai đoạn mùa khô, người dân nhiều nơi ngoại thành thường có thói quen tập trung lá, rơm, rạ, rác thải thành từng đống đốt. Hành động này khiến lượng khói bụi thải ra ngoài môi trường lớn hơn bình thường.

Ông Cơ cũng cho biết, không riêng rơm, rạ, mà nhiều hộ gia đình kinh doanh hiện nay dùng nhiều than để làm nhiên liệu đốt, nấu nướng. Đây cũng là nguyên nhân lý giải tại sao chỉ số chất lượng không khí AQI lại cao đột biến và kéo dài nhiều ngày qua như vậy.

11

 Thói quen tập trung đốt rơm, rạ, lá khô của người dân cũng là nguyên nhân khiến không khí bị ô nhiễm. (Ảnh: BTT)

Theo báo cáo môi trường quốc gia về môi trường không khí, việc đốt rơm rạ ngoài trời là quá trình đốt không kiểm soát, trong đó sản phẩm chủ yếu là các chất khí bụi, CO2, CO, NOx. Khi rơm rạ cháy không hết có thể tạo ra Aldehyde và bụi mịn là những chất gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Đặc biệt, tại nước ta, đốt rơm rạ theo mùa còn gây ra hiện tượng sương mù quang hóa. Đây là dạng ô nhiễm đặc biệt do sự tương tác giữa các bức xạ cực tím của mặt trời và khí thải ô tô, xe máy, khói bụi… Điều này trực tiếp làm tăng nguy cơ hiệu ứng nhà kính, khiến Trái đất nóng lên, gây biến đổi khí hậu.

Không khí ngày càng ô nhiễm, người dân, đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, những người có tiền sử bị bệnh hô hấp mạn tính đều đứng trước nỗi lo về sức khỏe. Nguy hiểm hơn khi nhiều ngày qua chỉ số AQI luôn ở mức rất kém (màu tím, AQI>200). Ở mức này, mọi người dân nên hạn chế ra ngoài.

Đầu tháng 10 vừa qua, ông Vũ Đăng Định - người phát ngôn UBND TP Hà Nội chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm gồm: khí xả thải từ ôtô, xe máy; đun bếp than tổ ong, đốt củi; xây dựng, phá dỡ các công trình; vận chuyển vật liệu; mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Các nguyên nhân khác là: đốt rơm rạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa.

Khả Minh
Bình luận
vtcnews.vn