Nguyên nhân bất ngờ khiến mọi tìm kiếm MH370 đều thất bại

Thế giớiThứ Bảy, 20/04/2019 13:39:00 +07:00

Một nhóm nghiên cứu tin rằng các nhà điều tra đã bỏ lỡ một chi tiết đặc biệt quan trọng dẫn tới việc không thể tìm thấy MH370 dù thu thập được các mảnh vỡ.

Năm 2015, hy vọng tìm thấy MH370 được nhen nhóm sau khi một số mảnh vỡ được phát hiện trôi dạt vào bờ biển đảo Reunion ở Ấn Độ Dương. Các nhà điều tra lần theo manh mối này để khoanh vùng lại khu vực tìm kiếm nhưng không mang lại kết quả. 

Lý giải về sự thất bại trên, tiến sỹ Jonathan Durgadoo tới từ Trung tâm Nghiên cứu Đại dương GEOMAR Helmholt chỉ ra rằng nghiên cứu về mô hình trôi dạt của các mảnh vỡ MH370 đã không tính tới "hiệu ứng Stokes", từ đó dẫn tới những sai lệch trong việc xác định vị trí tìm kiếm. 

Nghiên cứu ban đầu được thực hiện khiến các nhà nghiên cứu tin rằng phần còn lại của MH370 năm ở khu vực tây nam Australia, phía bắc khu vực tìm kiếm ban đầu. 

Video: Tìm thấy mảnh vỡ của MH370 trên đảo Reunion 

Tuy nhiên theo ông Durgadoo, nhóm nghiên cứu đã sai lầm nghiêm trong khi không xem xét tới hiệu ứng Stokes là tập hợp các thay đổi với chuyển động của các vật thể nổi do sóng truyền qua bề mặt gây ra. 

"Việc không tính tới hiệu ứng Stokes đã dẫn tới những sai lầm lớn. Đối với bất cứ ứng dụng nào nghiên cứu độ trôi của bề mặt, hiệu ứng Stokes nên được đưa vào để cung cấp kết quả theo dõi chính xác hơn", ông này giải thích. 

Tuy nhiên, ông Durgadoo tin rằng đây không phải là lý do duy nhất khiên cuộc tìm kiếm MH370 rơi vào ngõ cụt. Theo ông này, những mảnh vỡ thu được tới thời điểm hiện tại là không đủ và cần phải có thêm những mảnh vỡ cung cấp nhiều thông tin hơn. 

"Thật không may, chúng tôi không thu thập thêm được thông tin nào", Giáo sư Arne Biastoch, trưởng nhóm nghiên cứu tại GEOMAR cho biết, nói thêm rằng phải có ít nhất 5 mảnh vỡ mới có thể khoanh vùng chính xác được khu vực có thể xảy ra tai nạn. 

Ngày 8/3/2014, chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 từ Kuala Lumpur, Malaysia cất cánh đi Bắc Kinh, Trung Quốc chở theo 239 người. 

Theo dữ liệu radar quân sự thu được, máy bay lệch khỏi tuyến đường dự kiến khoảng 2 giờ sau khi cất cánh, trong khi không có ghi chép nào về thời tiết xấu hoặc các cuộc gọi đáng lo ngại. Tín hiệu vệ tinh tự động cuối cùng được phát đi lúc 8h sáng. Tín hiệu này được tiếp nhận nhưng không có thông tin về vị trí máy bay.

Trong những ngày đầu sau khi MH370 mất tích, các nhà tìm kiếm đã sử dụng dữ liệu vệ tinh để phân tích các giao tiếp điện tử tự động giữa máy bay và phần cứng quỹ đạo. Chính quyền Australia dựa vào đó đã khoanh vùng một khu vực gọi là vòng cung thứ 7 ở Ấn Độ Dương để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. 

Khu vực này sau đó được mở rộng ra 120.000 km2, tuy nhiên không tìm được bất cứ dấu vết nào của chiếc Boeing 777-200.

Trong báo cáo công bố ngày 30/7/2018 dài 495 trang, các điều tra viên Malaysia cho biết họ vẫn chưa thể xác định nguyên nhân chính xác máy bay biến mất.

Hồi đầu tháng 3, chính phủ Malaysia tuyên bố sẽ cân nhắc mở lại chiến dịch tìm kiếm chiếc Boeing 777-200 của Malaysia Airlines nếu xuất hiện các bằng chứng mới hợp lý.

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn