Nguyễn Hải Long – “Em muốn trở thành một BBoy giỏi nhất

Tổng hợpThứ Sáu, 13/05/2011 02:49:00 +07:00

Khi tôi hỏi, “Ước mơ sau này của em là gì?”, em nhìn tôi cười rất tươi rồi nói “ước mơ của em là trở thành một Bboy giỏi nhất thế giới”…

Khi tôi hỏi, “Ước mơ sau này của em là gì?”, em nhìn tôi cười rất tươi rồi nói “ước mơ của em là trở thành một Bboy giỏi nhất thế giới”… Và, em đã cháy hết mình như ngọn lửa nhỏ trên sân khấu trong màn biểu diễn ấn tượng đầy cá tính của nhóm Big Toe Crew.

 

 

Khi con dám ước mơ…

Lần đầu tiên tôi gặp Long khi cậu bé vừa thi đỗ trong lần tuyển thành viên của Big Toe Crew với số điểm cao nhất, vượt xa những anh chị đã từng tập đến 4, 5 năm trời. Gương mặt trong veo, nụ cười hồn nhiên ngây thơ, cùng đôi mắt diễn tả đầy cảm xúc của cậu bé 11 tuổi này đã để lại nhiều ấn tượng cho tôi ngay sau lần đầu gặp gỡ.

Hải Long hiện là thành viên nhỏ tuổi nhất của nhóm Big Toe. Người ngoài nhóm đánh giá em là một triển vọng mới. Còn các “lão làng” trong nhóm gật gù, nhiều khả năng “chú rồng nhỏ” này còn làm nên kỳ tích hơn cả “rùa con” Hoàng Kỳ Anh ấy chứ! Với Long, Hip-hop giờ đây giống như chuyện ăn cơm và uống nước hàng ngày.

 Cuối năm 2009, Long đi theo một bà chị họ đến phòng tập của nhóm Big Toe để mục sở thị các anh chị tập nhảy. Cũng như những đứa trẻ khác, Long tò mò, thích thú và bị lôi cuốn bởi âm nhạc và những bước nhảy sôi động. Không cưỡng lại được, em chạy về đề nghị bố mẹ cho phép đăng ký tham gia lớp học Hip-hop. Đương nhiên bố mẹ phản đối. Lý do ban đầu cũng như hàng ngàn ông bố bà mẹ khác: “Học còn chưa xong, thời gian đâu mà nhảy mới nhót… Mà cái thứ nhảy không ra nhảy, múa không ra múa, cứ giật cục, lăn lộn như thế thì hay hớm gì…”

Hầu hết họ đều có ác cảm với việc nhìn con em mình nhún nhảy, lắc lư, có khi còn chổng phộc, trồng cây chuối nữa… chả giống ai, dù là trên đường phố hay trên sân khấu. Long lại vốn bẩm sinh đã là một đứa trẻ yếu ớt, nhỏ bé nên bố mẹ càng không muốn em tập Hip-hop là thứ đòi hỏi phải vận động nhiều lại có phần nguy hiểm, gẫy tay, bong gân, trật khớp dễ như bỡn.

Lý do của bố mẹ chính đáng, lại được sự hưởng ứng của ông anh trai nên Long hoàn toàn bị cô lập với ý kiến của riêng mình.

Bé nhất nhà nên chả mấy khi muốn mà không được. Giờ đây bị cả nhà phản đối cậu út cứ ngẩn ngơ trông đến tội. Chị Hà mẹ cậu bé tâm sự.

 “Đi học thì thôi, chứ hễ cứ về nhà là bám lấy mẹ tỉ tê, thuyết phục. Lúc đầu chị còn đánh trống lảng, nói chuyện khác, nhưng cứ được vài câu là Long lại trở về đề tài Hip-hop. “Ngoáy tai” mẹ thấy vẫn chưa ăn thua, cậu dở chiêu “đe dọa”: “Mẹ không cho con đi tập Hip-hop con sẽ bỏ học”. Thấy con kiên quyết, không muốn làm căng vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý học hành của con, vợ chồng chị Hà đành nhún nhường. Ừ thì, cho đi học vài buổi cho biết, lại chả chán ngay thôi!

 Long được bố mẹ đồng ý cho đi tập với điều kiện: “Phải đảm bảo việc học cho tốt, đừng để cô giáo có bất cứ ý kiến nào. Nếu không việc tập sẽ dừng ngay”. Long đồng ý cái rụp, “Vâng, con xin hứa”!

Ngay từ những ngày đầu đi tập, Long đã nhanh chóng chứng tỏ năng khiếu breakdance của mình với khả năng tiếp thu nhanh đến ngỡ ngàng. Chỉ sau vài tháng, nhờ tập luyện chăm chỉ cộng với khả năng thiên bẩm, Long đã lọt vào mắt xanh của những đàn anh Hip-hop khó tính nhất. Cậu nhanh chóng trở thành thành viên chính thức thế hệ thứ hai của nhóm Big Toe Crew. Nhóm nhảy Hip-hop đầu tiên và cũng là sớm nhất ở VN. Big Toe luôn được biết đến như là anh cả trong làng breakdance Việt.

 

 

Hãy nuôi dưỡng ước mơ của con

Nếu như lúc đầu bố mẹ kịch liệt phản đối vì nghĩ rằng đó là sở thích nhất thời trẻ con, thì sau này, sự tiến bộ trông thấy của Long đã khiến bố mẹ trở thành những fan đặc biệt và là những người đã cùng em nuôi dưỡng ước mơ từ bước nhảy yếu ớt vụng về đầu tiên.

Long tâm sự, sau giờ học ở trường bố hoặc mẹ lại đưa em đến phòng tập, rồi mang cặp sách về. Tan học, em lại gọi điện cho bố mẹ đến đón. Cứ như vậy dù ngày nắng hay mưa, em vẫn đi tập đều đặn. Đam mê là thế, nhưng cũng không tránh được những lúc thấy nản. Có hôm thấy con đòi bỏ về giữa buổi tập, mướt mải mồ hôi, chính anh chị lại thay nhau động viên: “Con nói đó là ước mơ của con mà mới chỉ có thế đã bỏ cuộc sao?”. Ngày hôm sau đã lại thấy Long sắm nắm tranh thủ tập từ ở nhà.

Hip-hop trông thì đơn giản là thế nhưng nó khó ở chỗ rất linh hoạt và gần như phải vận động tất cả các bộ phận trên cơ thể, nhất là đầu, tay và chân. Ngoài ra người nhảy có thể biến tấu trên các nền nhạc disco. Khác với nhiều điệu nhảy khác, Hip-hop đòi hỏi một sự khổ luyện về thể lực và sự dẻo dai mềm mại của cơ thể. Để có thể tạm nhảy được những bài cơ bản, học viên phải theo học 24 buổi (khoảng 3 tháng). Lớp học mà Long tham gia lúc đầu cũng có khoảng 20 học viên nhưng sau đó số lượng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Rất nhiều học viên không chịu đựng được “gian khổ”. Họ nghĩ rằng chỉ vài buổi là có thể nhảy được nhưng trên thực tế Hip hop đòi hỏi một niềm đam mê và sự kiên trì. Các dancer ngay từ những ngày đầu tiên phải học cách điều khiển cơ thể để sau này có thể làm chủ được động tác. Họ cần một sự tập trung cao độ và khả năng phân tách từng phần của cơ thể.

Chứng kiến một buổi tập của Long, tôi mới thấy rằng để làm một Hip hop dancer đúng nghĩa hoàn toàn không đơn giản. Ngay cả khi được yêu cầu chỉ nhảy thử một bản độ 2 phút, Long cũng đề nghị để em khởi động một lát đã, không là trật khớp ngay. Và những gì tôi nhìn thấy từ những bước nhảy của Long đủ để hiểu rằng em đã phải đổ không ít mồ hôi, nước mắt thậm chí cả máu nếu gặp phải chấn thương.

Tính ra cho đến nay, Long mới học Hip-hop được khoảng một năm, dù kinh nghiệm thi đấu hầu như chưa có nhưng cậu bé tham gia nhiệt tình hầu hết các giải đấu của Big Toe như giải Floor Killer từ 1 đến 5, và luôn là thành viên nhỏ tuổi nhất. Dù chưa được giải, nhưng Long đã gây được sự chú ý của rất nhiều những Bboy chuyên nghiệp khác.

Kỉ niệm đáng nhớ nhất với Long và mẹ có lẽ là lần em được ghi danh trong đội hình đi biểu diễn cho chương trình đại lễ 1.000 năm Thăng Long ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Khi ấy, bố mẹ cũng thấy ngại vì để tập luyện cho buổi biểu diễn ấy, em phải nghỉ học đến gần hai tháng trời. Nhưng đã trót ủng hộ cho đam mê của con rồi nên đành chịu khó “tiếp tay” và hộ tống con đến cùng. Mẹ Hà là người đã theo sát Long từ những ngày luyện tập cho đến tận hôm biểu diễn chính thức chỉ để thỉnh thoảng lại lấy khăn lau mồ hôi cho cậu. Nhìn thấy nụ cười của con lẫn trong những bước nhảy lã chã mồ hôi; những tiếng vỗ tay cổ vũ vang dội của khán giả; những ánh mắt ngưỡng mộ của các anh chị, cô chú, bạn bè, chị đã nghĩ nhiều lắm. Vừa thương lại vừa phục.

 

 

“Don’t stop Breakdance” – Đừng bao giờ dừng nhảy…

Đó là lời của một Bboy rất nổi tiếng trên thế giới. Câu nói này cũng chính là điều mà BBoy Long con luôn luôn tâm niệm. Với một đứa trẻ, biết ước mơ đã là điều đáng khích lệ, nhưng đáng quý hơn nữa là dám sống vì ước mơ đó, và biến ước mơ thành hiện thực. Tôi tin, cậu bé 11 tuổi này cũng sẽ làm được điều đó khi em đã và đang tạo ra một “từ trường” để hút tất cả những gì xung quanh em vào quỹ đạo của riêng mình.

Mẹ Hà đã bắt đầu thích tìm hiểu về Hip-hop, về những người chơi Hip-hop. Chị xem Big Toe như gia đình của chị. Những thành viên của Big toe như những người thân của chị. Chị nói, càng gần tụi nó càng thấy tụi nó đam mê vô cùng. Có cậu Bboy tên Công mỗi tháng phải chạy thận đến mấy lần nhưng chả bỏ buổi biểu diễn nào của Big Toe cả. Tôi buột miệng thắc mắc, sao đam mê thế nhỉ? Chị Hà cười, tụi nó bảo: “Đã chơi Hip-hop là nghiện như ma túy, không đi nhảy thì “vật” làm sao chịu được”.

Long vui vẻ, hoạt bát bao nhiêu thì ông anh trai lại trầm tính, ít nói sống khép kín bấy nhiêu. Ấy vậy mà dạo này không hiểu cậu em làm cách nào mà ông anh cũng thấy thích thú với Hip- hop. Cứ nhìn thấy em lắc lư theo nhạc là anh cũng không thể ngồi yên. “Tháng sau, anh của em cũng đăng kí vào Big Toe school để bắt đầu tập đấy...”, cậu bé nháy mắt hóm hỉnh.

 

 

… kể cả khi không may xảy ra

 Lần này khi tôi đến thăm em cũng là lúc em vừa bị một tai nạn khi tập động tác Air flare (động tác Đá ngựa bay). Đây là một động tác rất khó trong Breakdance. Air flare mới được du nhập vào Việt Nam 5, 6 năm nay. Những BBoy đã có kinh nghiệm lâu năm và có một style rất tốt rồi mới dám tập động tác này. Nhưng vì hứng thú quá em đã xin được tập. Hậu quả là em bị gãy tay ở cấp độ 3. Tai nạn này khiến em phải ngừng tập ít nhất một năm.

Trông em khác hẳn những lần tôi gặp trước. Em xanh hơn và có vẻ buồn. Khi tôi hỏi em đau nhiều không. Em nói “Em đau nhưng vẫn chịu được. Đau tay không đau bằng việc phải nghỉ tập chị ạ”. Tôi cố cười để an ủi em nhưng cũng cảm thấy xót xa. Một năm, với ai đó không phải quá dài. Nhưng với em tôi biết sẽ không dễ dàng gì, bởi em sẽ phải tạm xếp ước mơ của mình lại trong lúc ngọn lửa đam mê vừa mới bùng lên trong em. Một năm tới sẽ nhớ đến quay quắt khi em không thể cùng nhóm đi thi đấu.

Em nói với tôi: “Trong thời gian tay đau em sẽ đi học thêm DJ để có được những cảm nhận tốt hơn về âm nhạc trong Hip-hop. Như vậy, đến lúc có thể tập lại em sẽ học nhanh hơn. Em sẽ không từ bỏ Breakdance đâu chị ạ…”. Mẹ Hà nhìn em rồi nhìn tôi cười như thấu hiểu tất cả. Nhờ Hip-hop, nhờ ước mơ cháy bỏng của em mà từ lâu rồi vợ chồng chị đã học được cách biết lắng nghe con, hiểu con từ ánh mắt, nét mặt chứ chẳng phải đợi nó thốt ra lời.

Nhìn em bình yên bên cạnh gia đình mình, tôi không biết rồi sau này em có trở thành một BBoy giỏi nhất thế giới hay một Hoàng Kỳ Anh thứ hai của Big Toe hay không. Nhưng có một điều tôi vẫn tin rằng, lịch sử và tương lai của thế giới này đều đã và sẽ thuộc về những người biết ước mơ và dám thực hiện những giấc mơ của mình. Và Bboy nhỏ tuổi Nguyễn Hải Long của tôi sẽ là một trong số đó.

Phong Linh - Ảnh: Dương Triều

Bình luận
vtcnews.vn