Nguy hiểm rình rập ở tuyến xe buýt nhanh nghìn tỷ giữa Thủ đô

Thời sựThứ Hai, 04/04/2016 07:45:00 +07:00

Tuyến xe buýt nhanh nghìn tỷ được khởi công từ năm 2013 nhưng đến nay đang bị bỏ hoang và xuống cấp mặc dù chưa đưa vào sử dụng.

(VTC News) - Tuyến xe buýt nhanh nghìn tỷ được khởi công từ năm 2013, mặc dù chưa đưa vào sử dụng nhưng đến nay đã xuống cấp trầm trọng và đang tồn tại nhiều nguy hiểm rình rập người tham gia giao thông.

Dự án xe buýt nhanh Hà Nội (BRT) được đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ khi khởi công, dự án được kỳ vọng cải thiện hệ thống giao thông thủ đô, góp giảm thiểu ùn tắc trong giao thông. Theo dự kiến, dự án xe buýt nhanh sẽ đi vào hoạt động trong quý 2/2015. Tuy nhiên dự án đã chậm tiến độ hơn 1 năm.

Sự chậm trễ này đã gây ảnh hướng đến chất lượng công trình, tốn thêm chi phí sửa chữa, thay mới các trang thiết hư hỏng hay bị xuống cấp.

Việc chậm tiến độ so với kế hoạch các chủ đầu tư dự kiến sẽ chạy thử tuyến buýt đầu tiên vào quý 3 và vận hành chính thức vào 31/12 /2016.

Theo ghi nhận của PV VTC News, đến nay, dự án đã thi công xong trạm trung chuyển Bến xe Kim Mã; trạm đầu, trạm cuối bến xe Yên Nghĩa; hoàn thành 4 cầu vượt tiếp cận nhà chờ; cơ bản xong các hạng mục chính 21/21 nhà chờ; xây dựng và lắp đặt xong thiết bị khu depot trong bến xe Yên Nghĩa…


Hàng loạt nhà chờ xe buýt bị bỏ hoang,xuống cấp ở Hà Nội
Chưa đưa vào sử dụng nhưng hàng loạt nhà chờ xe buýt ở Hà Nội bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng

Nhà chờ xập xệ, hoen gỉ bị bỏ hoang

Giữa thành phố Hà Nội tráng lệ, hiện đại lại xuất hiện 21 nhà chờ xe buýt bụi bặm, xung quanh đất đá ngổn ngang, cỏ mọc um tùm, bên trong phòng điều hành đã bị hư hỏng nhếch nhác. Người đi đường xả rác thải đầy bên ngoài không khác gì nơi bỏ hoang. Thậm chí các thanh cột chống đã có những con ốc vít hoen gỉ, mái nhà chờ rách tả tơi, méo mó, xập xệ khiến bộ mặt đô thị trở nên xấu xí.

Anh Bùi Tuấn Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc khi nghịch lý nhà chờ bỏ hoang còn người dân phải đội nắng đội mưa chờ xe buýt: "Dự án chậm quá mức khiến những người đi xe buýt như chúng tôi bức xúc. Trong khi mỗi lần chờ xe buýt chúng tôi phải đội mưa, đội nắng hít bụi ngoài đường thì những nhà chờ xe buýt đầu tư cả đống tiền lại bỏ hoang lãng phí".


Tuy đã lắp biển cảnh báo chiều cao nhưng do không được rào chắn cẩn thận nên phần mái  nhà chờ đang bị hư hỏng nghiêm trọng. Nguyên nhân chính dẫn đến hư hỏng, do phần mái nhô ra đường bị các phương tiện qua lại va quệt gây méo mó một phần của nhà chờ xe buýt.

Cô Nguyễn Ánh Tuyết (trú tại Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội) một người thường xuyên điều khiển phương tiện giao thông đi qua gần đó lo sợ: “Những cơ sở trang thiết bị xập xệ, xuống cấp, luôn tiềm ẩn tai nạn cho những người tham gia giao thông, chẳng may đi qua lúc trời mưa to gió lớn nó sập xuống thì nguy”.

Bụi phủ kín, đất đá ngổn ngang, nhà chờ xe buýt nhếch nhác, xập xệ trên các tuyến phố Hà Nội
Bụi phủ kín, đất đá ngổn ngang, nhà chờ xe buýt nhếch nhác, xập xệ trên các tuyến phố Hà Nội 

Hiểm hoạ tai nạn giao thông rình rập

Hơn 3 km mặt đường nhựa trên toàn tuyến không đảm bảo yêu cầu đã được lột bỏ và thay thế bằng bê tông nhưng dự án đã bộc lộ một số bất cập trong thiết kế.

Từ lúc đường bê tông mới được xây lên đã có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra tại đây, do giữa đường nhựa cũ và đường bê tông mới xuất hiện nhiều gờ nhô cao, kéo dài vài trăm mét, có những đoạn bị hư hỏng, tạo thành ổ gà giữa đường.

Cụ thể, nhiều đoạn đường bê tông mới ở đoạn nhà chờ trên phố Lê Văn Lương cao hơn 4 – 5cm so với mặt đường nhựa, tạo thành gờ và rãnh sâu kéo dài, rất nguy hiểm cho người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông.

Đường bê tông xây xong đã tạo nên các khe rãnh mấp mô trên đường
Đường bê tông xây xong đã tạo nên các khe rãnh mấp mô trên đường 

Theo người dân, những đoạn đường đổ bê tông cao hơn đường nhựa rất nguy hiểm, đã nhiều lần người điều khiển xe máy do đi vào gờ của các khe rãnh nên bị chệch bánh gây tai nạn.

Chị Triệu Hà Ly sinh sống trên đường Lê Văn Lương kể lại: "Cũng trên con đường mới xây ấy vào lúc trời sẩm tối, một cô gái đang điều khiển xe máy xi nhan rẽ sang đường, khi đến giữa đường phải tránh chiếc ôtô đi tới nên xe của cô này đã thụt vào khe rãnh, vì tay yếu không còn giữ nổi thăng bằng khiến xe chệch bánh ngã sõng soài ra đường, rất may vụ tai nạn chỉ làm cô gái bị xước nhẹ ở chân tay. Các khe rãnh và đoạn đường gồ ghề ấy là do con đường bê tông mới thay để phục vụ tuyến xe buýt nhanh xây cao hơn đường nhựa cũ tạo nên".


Tuyến buýt nhanh chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14,7km sẽ mất khoảng 30 phút, thay vì mất hơn một giờ như xe buýt thường hiện nay.

Chiều rộng mặt đường dành riêng cho loại hình này là khoảng 3,75m. Có 21 nhà chờ xe buýt nằm trên dải phân cách giữa đường. Có làn đường riêng dành cho xe buýt nhanh trên các tuyến phố.

Vận tốc di chuyển khoảng 22 – 25 km/h, có 4 cửa ra vào, các xe đều có hệ thống GPS kết nối Trung tâm để giải quyết sự cố phát sinh. Khả năng vận chuyển có thể vượt khoảng 200% so với dự kiến 90 hành khách của mỗi xe. Tại nút giao thông có hệ thống tích hợp với đèn tín hiệu để ưu tiên xe buýt nhanh qua nút.


Tùng Lâm

Bình luận
vtcnews.vn