Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, chuyên gia cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán

Tư liệuThứ Sáu, 26/06/2020 06:01:55 +07:00
(VTC News) -

Chuyên gia thuỷ văn Trung Quốc Wang Weiluo cảnh báo cư dân ở vùng hạ lưu sông Dương Tử nên chuẩn bị sơ tán trước nguy cơ đập Tam Hiệp bị vỡ.

Trả lời phỏng vấn Radio France Internationale, nhà thủy văn học của Trung Quốc Wang Weiluo đã đặt câu hỏi về sự an toàn của đập Tam Hiệp khổng lồ, cảnh báo rằng nó có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.

Ông Wang có quan điểm trái ngược với tuyên bố trấn an của truyền thông nhà nước, ông Wang cho rằng, đập Tam Hiệp không ổn định như nhiều người đã tin tưởng và chỉ ra nhiều bất cập về tình trạng của đập Tam Hiệp hiện nay.

Ông Wang cho rằng, vấn đề nghiêm trọng hiện nay là các vết nứt và và chất lượng bê tông không đạt tiêu chuẩn được phát hiện trong quá trình xây dựng. Ông cảnh báo sự cố vỡ đập sẽ gây ra hậu quả thảm khốc cho các cá nhân cư trú ở hạ lưu sông Dương Tử và họ nên chuẩn bị sơ tán càng sớm càng tốt.

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, chuyên gia cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán - 1

Chuyên gia thuỷ văn Trung Quốc Wang Weiluo cảnh báo nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp. (Ảnh: Reuters)

Theo chuyên gia thủy văn Trung Quốc, việc thiết kế, xây dựng và kiểm tra chất lượng của con đập chưa được thực hiện một cách độc lập, cũng như có các đánh giá khách quan. Ngoài ra, công trình này đã được hoàn thành với tốc độ quá nhanh.

Các trận mưa, lũ đang càn quét dữ dội ở miền Nam Trung Quốc, gây ngập cục bộ tại 24 tỉnh thành ở nước này. Mưa, lũ và sạt lở khu vực bắt đầu vào ngày 1/6 đã phá nhấn chìm hơn 7.300 ngôi nhà, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 8 triệu người. Theo giới chức địa phương, thiệt hại kinh tế trước mắt ước tính là 2,9 tỷ USD.

Trận lũ đang diễn ra ở miền Nam Trung Quốc được đánh giá là dữ dội nhất trong 80 năm qua, buộc nhiều tỉnh thành phải kích hoạt báo động đỏ. Đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang đang chịu sức ép rất lớn.

Các trận mưa không ngừng cũng đã làm dấy lên lo ngại của công chúng Trung Quốc về nguy cơ bị vỡ của dự án thủy điện lớn nhất thế giới - đập Tam Hiệp. 

Chuyên gia thủy văn Trung Quốc cho hay, trong cuộc họp báo hôm 10/6, chính Thứ trưởng Tài nguyên nước Trung Quốc Ye Jianchun cũng thừa nhận mực nước trên ít nhất 148 con sông ở Trung Quốc đã dâng cao trên mức cảnh báo, chứng tỏ rằng khả năng kiểm soát lũ của đập Tam Hiệp chỉ có giới hạn.

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, chuyên gia cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán - 2

Đập Tam Hiệp là công trình thủy điện lớn nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Chuyên gia Wang Weiluo cũng chỉ trích chính phủ và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã từ chối thừa nhận mối nguy hiểm tiềm tàng của đập Tam Hiệp.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu đã nhanh chóng gạt bỏ những lo ngại của ông Wang. Trong bài báo xuất bản hôm 22/6, trích dẫn ý kiến của nhà nghiên cứu Quách Tấn thuộc Viện nghiên cứu địa chấn Trung Quốc khẳng định đập Tam Hiệp có thể chứa lượng nước vào lớn hơn nhiều so với lượng nước hiện nay.

Theo lập luận của ông, mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp hiện mới chỉ chạm tới 147 m, cao hơn mức cảnh báo lũ tới 2 m. Ông Quách cho rằng được thiết kế để đáp ứng mực nước lên tới 175 m hoặc lượng nước nào 70.000 m3/giây. Do đó, với mực nước 147 m và lượng nước vào 26.500 m3/giây, đập vẫn an toàn.

Cũng theo ông Quách, đập Tam Hiệp được trang bị một “hệ thống theo dõi sức khỏe” đa kênh. Hệ thống này sẽ báo động khi có điều bất thường như đập bị biến dạng và việc báo động sẽ diễn ra rất lâu trước khi đập có sự thay đổi có thể nhìn thấy.

Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp, chuyên gia cảnh báo người dân chuẩn bị sơ tán - 3

Đập Tam Hiệp được Bắc Kinh ca ngợi là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. (Ảnh: Shanghaiist)

Đập Tam Hiệp được Bắc Kinh ca ngợi là một trong những thành tựu kỹ thuật vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Con đập này nằm chắn ngang sông Dương Tử ở Tam Đẩu Bình (Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc).

Tổ hợp bao gồm một đập dài hơn 2.300m, cao 185m và một hồ chứa nước khổng lồ được thiết kế để tạo ra điện năng và kiểm soát lũ. 

Đập Tam Hiệp được khởi công từ năm 1994 và vận hành toàn phần từ tháng 7/2012. Đến nay, công trình vẫn giữ kỷ lục đập thủy điện lớn nhất thế giới với 34 tổ máy phát điện, cho phép đạt công suất tới 22.500 MW, với sản lượng điện năm 2018 đạt 100 tỷ kWh.

Từ năm 2011 đến nay, Trung Quốc đã chi hơn 600 tỷ Nhân dân tệ để giải quyết các tác động lâu dài của con đập khổng lồ này đến môi trường và cư dân lân cận. Tuy vậy, nhiều vấn đề vẫn còn tồn tại và chính phủ cam kết sẽ chi thêm tiền để đảm bảo hiệu quả của dự án.

Kông Anh(Nguồn: Taiwannews, Shanghaiist)
Bình luận
vtcnews.vn