Nguy cơ thiếu điện cận kề, Bộ Công Thương có giải pháp gì?

Đầu TưThứ Hai, 07/09/2020 08:10:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ Công Thương cho biết, do nhiều nguồn điện lớn bị chậm tiến độ, nên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với công tác cung ứng điện trong giai đoạn 2021-2025.

Báo cáo của Bộ Công Thương giải trình trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho thấy Việt Nam sẽ thiếu điện trong giai đoạn 2021-2025. Nguyên nhân chủ yếu là do chậm tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện, ở cả miền Bắc và miền Nam.

Nguy cơ thiếu điện cận kề, Bộ Công Thương có giải pháp gì? - 1

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: MK)

Cụ thể, theo báo cáo, sự phát triển kinh tế xã hội nhất là việc duy trì tăng trưởng kinh tế trong hai thập kỷ qua khiến nhu cầu điện tại Việt Nam ngày một tăng cao, sản lượng điện đã tăng khoảng 10 lần từ năm 1990 tới năm 2019.

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, hàng loạt dự án đã được đầu tư theo quy hoạch điện VII và quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện giai đoạn 2011 - 2015 đạt 13%/ năm. Tuy nhiên đến giai đoạn 2016 - 2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm, trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (chỉ còn bình quân 5%/ năm) và nhiệt điện than (chỉ còn bình quân 10%/ năm).

Đáng nói, có 10 dự án nguồn điện lớn dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016 - 2020 theo quy hoạch điện VII điều chỉnh nhưng bị chậm tiến độ sau năm 2020 với tổng công suất xấp xỉ 7.000MW, như Sông Hậu 1 (PVN - 1.200MW), Thái Bình 2 (PVN - 1.200MW), Long Phú 1 (PVN - 1.200MW), Na Dương 2 (TKV-110MW), Cẩm Phả 3 (TKV - 440MW, chưa đầu tư), Công Thanh (600MW)... Các nguồn điện năng lượng tái tạo (chủ yếu là mặt trời) lại tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với mục tiêu quy hoạch (do tác động từ chính sách khuyến khích phát triển).

Trong khi đó, hệ thống điện lại gần như không có dự phòng trong các năm 2021-2025, nên trong trường hợp các tổ máy nhiệt điện vận hành không ổn định, hoặc không đảm bảo cung cấp than cho phát cũng sẽ ảnh hưởng việc đảm bảo cung ứng điện.

Thêm nữa, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện cũng còn tiềm ẩn rủi ro. Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã báo cáo dừng thực hiện dự án cảng trung chuyển than Đồng bằng sông Cửu Long do không thỏa thuận được địa điểm và hiện chưa có giải pháp để tiếp tục thực hiện.

Nguồn khí Đông Nam Bộ cấp cho cụm Nhiệt điện Phú Mỹ sẽ suy giảm từ sau năm 2020, tới năm 2023, 2024 dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 2 – 3 tỷ m3/ năm và lượng thiếu hụt này tăng rất nhanh tới trên 10 tỷ m3 năm 2030.

Để đảm bảo cân đối cung cầu điện từ năm 2021, Bộ Công Thương cho biết đang nghiên cứu các giải pháp vận hành để sử dụng tối đa các nguồn điện hiện có và giải pháp tăng cường phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo do có thể triển khai xây dựng nhanh.

Cụ thể, chuyển đổi nhiên liệu cho Nhiệt điện Hiệp Phước 375MW từ sử dụng FO sang sử dụng LNG. Khai thác hợp lý các nguồn điện mặt trời và điện gió. Các nguồn điện này cần được bổ sung sớm để đưa vào vận hành trong các năm từ 2021 - 2023 để bù lại phần điện năng không cung cấp được của các nhà máy nhiệt điện bị chậm tiến độ.

Tiếp tục ký kết các hợp đồng mua bán điện để nhập khẩu điện từ Lào phù hợp với Biên bản ghi nhớ đã ký giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào. Đảm bảo tổng công suất nhập khẩu từ Lào năm 2025 khoảng 3.000MW. Bên cạnh đó xem xét tăng sản lượng nhập điện qua cấp điện áp 220 kV từ Trung Quốc.

Đặc biệt, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động giám sát và điều tiết thị trường điện lực. Hình thành và vận hành thị trường điện cạnh tranh, minh bạch, công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành viên tham gia thị trường điện.

Thực hiện tái cơ cấu ngành điện phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường điện, trong đó tiếp tục thực hiện cổ phần hoá các đơn vị phát điện theo kế hoạch đã được phê duyệt, thực hiện tách bạch chi phí khâu phân phối điện và khâu kinh doanh bán lẻ điện, đồng thời thực hiện tách cơ quan vận hành thị trường điện (trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia) thành đơn vị hạch toán độc lập thuộc EVN.

Đồng thời sửa đổi cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện theo biến động các thông số đầu vào, thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn