Nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải 'cầu cứu' Chính phủ

Thị trườngThứ Bảy, 15/02/2020 20:37:00 +07:00
(VTC News) -

Liên tục phải bù lỗ để chi trả các chi phí cố định, lương cho nhân viên và áp lực tiền lãi ngân hàng, nhiều doanh nghiệp vận tải hiện co cụm, gắng cầm cự trước "đại dịch" Covid-19.

Ngày 15/2, Hiệp hội Vận tải Hà Nội tổ chức cuộc gặp mặt giữa các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, nhằm thảo luận những giải pháp cấp thiết hạn chế ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bù lỗ hàng tỷ đồng, đứng trước nguy cơ phá sản

Theo phản ánh của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19, hiện nhiều doanh nghiệp vận tải, thuộc lĩnh vực như: chuyên chở hành khách, vận chuyển hàng hóa và xe tour du lịch đang rơi vào tình cảnh vô vùng khó khăn. Nguyên nhân là do lượng khách hàng giảm mạnh hơn 50%, đồng thời nhu cầu vận chuyển hàng hóa sụt giảm liên tục.

Nhiều doanh nghiệp phải co cụm lại, cố gắng cầm cự hoạt động kinh doanh. Họ liên tục phải bù lỗ để chi trả các chi phí cố định, lương cho nhân viên và áp lực tiền lãi ngân hàng.

Nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải 'cầu cứu' Chính phủ  - 1

Nhiều đơn vị vận chuyển hành khách cắt giảm một nửa tần suất hoạt động do lượng khách hàng giảm. (Ảnh: Minh Tuấn)

Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi tuyến Hà Nội- Lào Cai của công ty thời gian qua giảm hơn 50%. Các xe chạy đường dài từ 200 - 300 km, không đủ chi phí nhiên liệu, lương cho nhân công. Vậy nên hãng xe Sao Việt của công ty đã phải tạm dừng hoạt động 10 lượt tại bến Mỹ Đình và các bến xe khác trên địa bàn Hà Nội.

Hiện nay, do quá ít khách, chúng tôi đang phải cắt giảm 50% tần suất hoạt động. 50% còn lại cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Là đơn vị khai thác vận tải tuyến cố định, chúng tôi buộc phải bù lỗ hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng, để duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu đi lại của số ít khách hàng”, ông Bằng chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Bằng, hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tâm lý chung của người dân là hạn chế đi lại. Mặc dù nhà xe tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng dịch của Bộ Y tế và phát khẩu trang, trang bị dung dịch nước rửa tay miễn phí khi khách lên xe, nhưng gần 2 tuần nay nhiều xe của công ty khi xuất bến Mỹ Đình vẫn vắng khách.

Trong khi đó, nhiều đơn vị vận tải hàng hóa Bắc – Nam liên tục cắt giảm gần một nửa lưu lượng xe tải trọng lớn hàng tháng. Các doanh nghiệp tiếp tục bỏ tiền bù lỗ để hoạt động và phải chi trả lãi suất ngân hàng hàng tháng.

Nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải 'cầu cứu' Chính phủ  - 2

Ông Nguyễn Thái Học (bên trái) và ông Nguyễn Văn Bằng chia sẻ những khó khăn đối với đơn vị vận tải do ảnh hưởng Covid-19. (Ảnh: Minh Tuấn)

Ông Nguyễn Thái Học, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển và dịch vụ quốc tế Thiên Sơn cho biết, trước đây hàng tháng mỗi xe của công ty vận chuyển hàng nông sản tuyến Bắc – Nam khoảng 5 chuyến. Nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, số chuyến giảm xuống còn một nửa. Nguyên nhân là tâm lí khách hàng lo sợ Covid-19, khiến việc buôn bán, kinh doanh thương mại kém đi. Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu như thanh long, xoài, mít thường xuyên bị tắc nghẽn tại cửa khẩu Trung Quốc, khiến lượng đơn vận chuyển giảm mạnh.

"Tính trung bình mỗi đầu xe giảm chuyến gây thiệt hại gần 30 triệu mỗi tháng. Với đội xe hơn 100 chiếc, hiện tại chúng tôi đang phải bù lỗ hơn 3 tỷ đồng. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, chúng tôi sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và có nguy cơ dừng hoạt động",  ông Học chia sẻ.

Tình hình dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp vận tải khách du lịch. Một mặt, lượng khách du lịch quốc tế và nội địa giảm mạnh trong thời gian qua. Mặt  khác, các đoàn khách du lịch truyền thống trên địa bàn hầu như đã hủy hết lịch đi tour tham quan, dã ngoại đầu năm cho cán bộ, nhân viên. Điều này khiến cho các hãng xe du lịch lao đao.

Chị Nguyễn Thu Ngần, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh quốc tế DNT chia sẻ: "Như các năm trước, lợi nhuận trong quý I của công ty luôn ở mức cao nhất, đạt tầm 100%. Từ đầu năm 2020 này, do ảnh hưởng từ Covid-19, công ty chỉ đạt doanh số dưới 10%. Với mức lợi nhuận  này, chúng tôi khó có thể duy trì hoạt động và đứng bên bờ vực phá sản".

Theo dự báo của cơ quan chức năng, tình hình dịch Covid-19 có thể còn tiếp tục kéo dài, do đó hoạt động du lịch cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhất tới cuối quý II năm nay. Vậy nên, các doanh nghiệp vận tải ngành du lịch như công ty chị Ngần sẽ đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi vừa phải trả lãi suất ngân hàng, vừa bù lỗ trả lương cho người lao động và nhiều chi phí khác.

Kiến nghị nhóm giải pháp cứu ngành vận tải

Chia sẻ những khó khăn với doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.Hà Nội cho biết, vừa qua Hiệp hội đã có đơn kiến nghị gửi Quốc hội, Chính phủ và các bộ các giải pháp hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vận tải 'cầu cứu' Chính phủ  - 3

Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP.Hà Nội Bùi Danh Liên nêu ra nhóm giải pháp giúp doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi Covid-19. (Ảnh: Minh Tuấn)

Đơn kiến nghị các giải pháp giải cứu ngành vận tải của Hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội đã được gửi cho Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng (GTVT, Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Văn hóa Thể thao & Du lịch), Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam

Theo đó, Hiệp hội đề xuất nhóm giải pháp để Nhà nước hỗ trợ ngành vận tải vượt qua khó khăn trước mắt.  Cụ thể, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải, hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn.

Đồng thời, xem xét việc giảm phí BOT từ 3 - 5% đối với các phương tiện chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chỏ khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải.

Hiệp hội vận tải cũng đề nghị Nhà nước có chính sách ổn định giá xăng dầu tạm thời đến hết quý II năm 2020. Khuyến khích các doanh nghiệp chế biến xăng dầu nâng cao sản lượng xăng E5.

Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ GTVT cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí lao động cho các doanh nghiệp.

Tại buổi thảo luận, ông Bùi Danh Liên tiếp tục khẳng định: “Hiệp hội kiến nghị Quốc hội và Chính phủ sử dụng một phần gói kích cầu dự kiến 2.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các đơn vị vận tải thực hiện các chủ trương của Chính phủ nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế bền vững”.

Minh Tuấn
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp