Nguy cơ mất vốn tại Cienco 5 Land: Cần làm rõ khoản tiền thương quyền gần 200 tỷ đồng

Điều traThứ Sáu, 03/06/2016 10:58:00 +07:00

Cần làm rõ khoản tiền "lợi nhuận trả trước" gần 200 tỷ đồng mà Cienco 5 đã trả cho Cienco 5 Land như lời ông Võ Ngọc Châu (Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Land) nói.

Từ một doanh nghiệp cổ phần, được chuyển đổi thành doanh nghiệp dự án với ý định ban đầu để thực hiện các dự án địa ốc tại Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và các nước láng giềng, Cienco 5 Land đã trở thành tâm điểm của những tranh cãi về được - mất vốn nhà nước trong những ngày qua.

Ngay sau khi các cơ quan truyền thông cảnh báo về việc chuyển nhượng cổ phần tại Cienco 5 Land có nguy cơ mất tài sản nhà nước, nhiều bên liên quan đã lên tiếng nhưng dường như chưa có tiếng nói thực sự thuyết phục.

Trong khi đó, những lùm xùm tiếp tục bị phát lộ.

Lùm xùm thương vụ 200 tỷ đồng

Theo ông Võ Ngọc Châu (Chủ tịch HĐQT Cienco 5 Land), Cienco 5 Land ngay khi thành lập là công ty cổ phần và đặc biệt, vốn nhà nước được thoái từ rất sớm.

Ông Châu nói: “Cienco 5 là doanh nghiệp nhà nước, rồi thành lập ra Cienco 5 Land. Cienco 5 Land được Bộ GTVT giao tự huy động vốn, chứ không phải vốn nhà nước bỏ ra”.

khu-do-thi-dinh-dam-thanh-ha-cienco-5_M

 Khu vực hồ điều hòa Khu đô thị Thanh Hà B đang trong tâm điểm dư luận liên quan đến Cienco 5, Cienco 5 Land và Tập đoàn Mường Thanh. Ảnh Châu Anh

Khi được hỏi “vậy con số 49% cổ phần của Cienco 5 tại Cienco 5 Land” là thế nào?, ông Võ Ngọc Châu trả lời: “49% là trên danh nghĩa, chứ thực ra là Cienco 5 đã thoái vốn ngay từ đầu”.

“Qua nhiều lần Cienco 5 Land tăng vốn điều lệ, do Cienco 5 không góp thêm vốn nên hiện tỷ lệ cổ phần của doanh nghiệp này tại Cienco 5 Land chỉ còn lại hơn 3%”, vẫn theo ông Võ Ngọc Châu.

Điều đặc biệt, theo ông Võ Ngọc Châu, ngoài việc thoái vốn, Cienco 5 Land còn đã trả thêm cho Cienco 5 một khoản tiền tới gần 200 tỷ đồng, gọi là "lợi nhuận trả trước".

“Cienco 5 Land còn phải trả cho Cienco 5 gần 200 tỷ tiền thương quyền nữa. Tức là trả trước tiền lợi nhuận đó, mặc dù chưa hạch toán lợi nhuận mà đã trả trước”, ông Châu nói.

Theo ông Châu, đây là khoản “chi phí bất hợp lý” và hiện “bên thuế cũng đang vào làm việc về số tiền trên”.

Khi được hỏi về các diễn tiến tiếp theo, ông Võ Ngọc Châu cho biết, đang tính đến các giải pháp để kiện lại Cienco 5. “Nếu không khéo, tôi sẽ kiện để lấy lại số tiền gần 200 tỷ đó, bắt Cienco 5 trả lại cho Cienco 5 Land gần 200 tỷ đó mới đúng luật”, ông Châu nói với PV.

Trước đó, như VTC News đã thông tin, ông Dương Viết Doãn (nguyên Chủ tịch HĐQT Cienco 5) trao đổi qua điện thoại với PV nhưng chỉ nói ngắn gọn rằng đã đi khỏi Cienco 5 từ 2010 nên không nắm rõ.

Cũng trong chiều 2/6, PV đã liên hệ với ông Lê Quang Vinh (người vừa được bổ nhiệm Tổng Giám đốc Cienco 5) để làm rõ thông tin. Ông Vinh cho hay, sẽ kiểm tra và trả lời sau.

Góp vốn bằng… lợi nhuận "phỏng đoán"!

Theo tài liệu, ngày 4/12/2007, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) có quyết định phê duyệt Đề án thành lập công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng, trong đó Cienco 5 góp 24,5 tỷ đồng, chiếm 49%.

Av

 Giấy chứng nhận đầu tư dự án BT số 15/BKH-GCNĐTTN của Cienco 5 Land

Đến ngày 28/12/2007, Cienco 5 Land được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh công ty cổ phần lần đầu số 0303000973.

Gần 4 tháng sau ngày thành lập, ngày 4/3/2008, Cienco 5 có văn bản giao Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án thay mặt Cienco 5 để triển khai các bước chuẩn bị đầu tư các dự án địa ốc do Cienco 5 làm chủ đầu tư trên địa bàn tỉnh Hà Tây (cũ).

Và đến ngày 18/4/2008, Hợp đồng xây dựng – chuyển giao dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây số 02/HĐBT đã được ký giữa Sở Giao thông Vận tải Hà Tây và Cienco 5 (là nhà đầu tư); Cienco 5 Land (là doanh nghiệp dự án).

Hơp đồng BT được ký 18/4/2008 thì đến 25/4/2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án, có Giám đốc Sở GTVT Hà Nội; Tổng giám đốc Cienco 5 và đại diện Cienco 5 Land là ông Phan Văn Mạnh (Tổng giám đốc).

Theo quy định đối với dự án BT, sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, các bên sẽ tiến hành thành lập doanh nghiệp dự án để thực hiện các dự án được thỏa thuận trong hợp đồng đã ký. Cienco 5 Land đã được thay đổi đăng ký lần hai ngày 28/3/2008 cho phù hợp.

Mặc dù là nhà đầu tư dự án, chiếm 49% cổ phần tại Cienco 5 Land (24,5 tỷ đồng/50 tỷ đồng tổng vốn điều lệ) nhưng, theo ông Võ Ngọc Châu thì “49% là trên danh nghĩa”. Thông tin này, tự nhiên đã dấy lên nhiều mối nghi ngại lẫn khó hiểu.

Thêm một thông tin hữu ích và cũng khó hiểu không kém nữa đến từ ông Vũ Anh Minh (Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ GTVT): “Cienco 5 Land được thành lập năm 2007. Lúc đó, Cienco 5 làm chủ đầu tư dự án, đồng thời thành lập ra công ty cổ phần để thực hiện dự án. Khi mới thành lập, Cienco 5 góp 49% vốn điều lệ, nhưng theo các tài liệu chúng tôi được biết, đó là góp bằng lợi nhuận thu được trong tương lai", ông Minh nói trên một tờ báo ngành hôm 26/5.

Phải hiểu “lợi nhuận thu được trong tương lai” mà Cienco 5 góp vào Cienco 5 Land là gì? "Lợi nhuận thu được trong tương lai là... lợi nhuận phỏng đoán! Mà phỏng đoán thì chưa chắc đúng", một chuyên gia nói.

Hồ sơ tư liệu cho thấy, khi được thành lập theo Giấy đăng ký kinh doanh số 0303000973, Cienco 5 Land có vốn điều lệ 50 tỷ, trong đó Cienco 5 góp 24,5 tỷ chiếm 49%. Tuy nhiên, dự án lúc này mới đang trên giấy thì việc lấy “lợi nhuận thu được trong tương lai” để góp vào doanh nghiệp dự án liệu có đúng?. Điều này rất cần được làm rõ.

Hé lộ những bất thường...

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), có nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ việc trên. “Ví dụ thương quyền là gì? Là thương hiệu hay đặc quyền, khả năng đặc biệt nào đấy? Chứ lợi nhuận thì không thể gọi là thương quyền được!”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói.

Liên quan đến con số gần 200 tỷ “lợi nhuận trả trước” mà Cienco 5 Land đã chuyển cho Cienco 5, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đây có thể là chiêu lách luật, bán dự án. “Theo quy định của Bộ Xây dựng, các dự án nhà thầu được phép đưa giá trị lợi nhuận 6% vào giá trị dự án, nhưng lợi nhuận thật phải phụ thuộc vào kết quả kinh doanh”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn nói thêm.

Về việc Cienco 5 góp 49% vốn điều lệ bằng tiền “lợi nhuận thu được trong tương lai”, luật sư Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Theo quy định, vốn pháp định phải là tiền hoặc tài sản có giá trị, còn lợi nhuận tương lai là ảo".

Điều quan trong nhất, theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn là cần phải làm rõ vai trò của Cienco 5 với trách nhiệm là nhà đầu tư dự án đã được quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư số 15/BKH-GCNĐTTN và Hợp đồng BT số 02/HĐBT.

Một trong những vấn đề nổi cộm trong vụ việc này là việc Cienco5 Land “bán” dự án cho Công ty cổ phần tập đoàn Mường Thanh. Về việc này, theo luật sư Nguyễn Văn Kiệm (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), những việc làm trên của Cienco 5 Land đã vi phạm Nghị định số 108/2009/NĐ-CP của Chính phủ.

Cụ thể tại Điều 18, Điều 19 nêu rõ: “Việc chuyển nhượng (dự án) phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận; việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng dự án phải được cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư chấp thuận”.

“Mặt khác, theo quy định tại Điều 48, Luật Đầu tư, trong trường hợp Cienco 5 Land không tuân thủ các chỉ đạo trên, Cienco 5 có quyền chấm dứt hoạt động Cienco 5 Land tại dự án BT và dự án hoàn vốn”, luật sư Nguyễn Văn Kiệm nói.

Như vậy, bước đầu, câu chuyện lùm xùm tại Cienco 5 và Cienco 5 Land đã hé lộ nhiều điều bất thường.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục phản ánh.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn