Tết Nguyên tiêu là gì? Nguồn gốc và ý nghĩa ngày Tết Nguyên tiêu

Đời sốngThứ Năm, 01/03/2018 14:51:00 +07:00

Tết Nguyên tiêu bắt nguồn từ Trung Quốc và qua thời gian, lễ tết này được bổ sung nhiều yếu tố của văn hóa Đông Á, vì thế nguồn gốc của nó cũng được lý giải theo nhiều hướng khác nhau.

Một số nhà nghiên cứu văn hoá cho hay, có nhiều tài liệu và nhiều câu chuyện viết về nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu, hư có thực có.

Giai thoại được truyền tai nhiều nhất liên quan đến một con thiên nga của thiên đình bay xuống hạ giới và bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng nghe tin nổi giận, sai một đội quân đến ngày Rằm tháng Giêng xuống phóng hỏa để thiêu trụi mọi thứ ở trần gian.

May thay trong số các quan ở thiên triều có một vị không đồng tình với Ngọc Hoàng, đã xuống hạ giới để bày cách cho con người thoát khỏi đại họa.

Theo lời của vị quan, đúng ngày này, nhà nào cũng treo đèn lồng màu đỏ nên Ngọc Hoàng cứ nghĩ lệnh phóng hỏa đã được thi hành. Nhờ đó, người trần gian thoát nạn. Từ đó, tại Trung Quốc cứ đến ngày này, nhà nhà đều treo đèn lồng như một cách trả ơn vị ân nhân trên thiên đình.

1_84653

 Tết Nguyên Tiêu tại Trung Quốc, nhà nhà đều treo đèn lồng như một cách trả ơn vị ân nhân trên thiên đình. (Ảnh minh hoạ)

Tích khác lại cho rằng thời Tây Hán ở Trung Quốc, từ dịp Tết Nguyên đán đến Tết Nguyên tiêu, các cung nữ đều nhớ và muốn được đoàn viên cùng gia đình. Tuy nhiên, cung cấm canh phòng khắt khe nên các cung nữ không thể nào ra ngoài được.

Trong số đó, cung nữ tên Nguyên Tiêu vì buồn rầu nên đã nhảy xuống giếng để kết liễu cuộc đời, nhưng Nguyên Tiêu được Đông Phương Sóc - viên thần thân cận của vua Hán Vũ Đế cứu sống.

Sau khi nghe tâm sự của Nguyên Tiêu, Đông Phương Sóc nghĩ kế để giúp cô thỏa lòng thương nhớ cha mẹ. Ông nghĩ ra một kế là bày ra một bàn quẻ bói, ai đến bói cũng nhận được quẻ mang ý nghĩa 16 tháng Giêng bị lửa thiêu.

Đồng thời, ông giải thích với mọi người rằng sẽ có người của triều đình xuống giáng hỏa, mọi người hãy tâu vua để tìm cách thoát nạn. Nhà vua nghe dân tình xôn xao thì hốt hoảng nên vội triệu Đông Phương Sóc đến để bàn cách đối phó.

Gặp vua, Đông Phương Sóc vờ nói: "Thần lửa rất thích ăn bánh, trong cung lại có Nguyên Tiêu khéo tay, có thể làm được bánh vừa đẹp vừa ngon nên hãy giao cho cô làm bánh''.

Đồng thời ra lệnh cho người dân trong thành treo trước cửa nhà đèn lồng đỏ để Ngọc Hoàng tưởng rằng thành đang bị cháy.

Để thưởng công làm bánh dụ thần lửa, nhà vua cho Nguyên Tiêu về đoàn tụ gia đình, đặt tên cho món bánh mà cô làm là bánh trôi và gọi ngày Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên Tiêu. Có lẽ do vậy nên một bộ phận người Trung Quốc đến ngày này vẫn có thói quen ăn bánh trôi và treo lồng đèn.

Một giải thích khác lại viết rằng vua Hán Văn lên ngôi đúng ngày Rằm tháng Giêng nên hàng năm cứ đến đêm Rằm tháng Giêng ngài lại ra ngoài chung vui với người dân. Chữ đêm (Dạ) trong cổ ngữ Trung Hoa được đọc là Tiêu, đây lại là đêm rằm đầu tiên của năm nên Hán Văn gọi ngày này là ngày Tết Nguyên tiêu.

Hay còn có tích kể Tết Nguyên tiêu được gọi là Tết Trạng nguyên vì ngày Rằm đầu tiên của năm, vua mời các trạng nguyên đến yến tiệc tại vườn thượng uyển, cùng xem hoa thưởng nguyệt. Do đó, Tết Nguyên tiêu còn là dịp để mọi người ngồi lại với nhau ăn bánh trôi, ngắm trăng làm thơ, múa lân sư rồng…

Video: Vì sao ''cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng''?

Tại Việt Nam, theo quan niệm của người Việt thì “đầu xuôi đuôi lọt”. Thời khắc đầu tiên trong năm là rất quan trọng. Vì vậy, ngày mùng Một tháng Giêng là Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Giêng là Tết Nguyên tiêu…

Cùng với đó, Phật giáo trong hơn ngàn năm du nhập vào Việt Nam đã gắn kết các phong tục văn hóa của Việt. Rằm tháng Giêng không phải là một ngoại lệ, từ một ngày lễ hội xa lạ có nguồn gốc từ Trung Hoa đã biến đổi thành một ngày Tết mang bản sắc rất riêng của người dân Việt thấm nhuần Phật pháp.

Rằm tháng Giêng là 1 trong 4 ngày rằm lớn trong năm mà người Việt đặc biệt là Phật tử thường viếng chùa lễ Phật cầu gia đạo bình an, phong điều vũ thuận, quốc thái dân an. 

Do Rằm tháng Giêng trùng hợp với lễ Thượng nguyên và Tết Nguyên tiêu trong dân gian, đồng thời ngày này là rằm đầu tiên của năm mới, thời điểm thích hợp nhất để cầu nguyện an lành cho cả năm, nên thu hút sự tham gia đông đảo của giới Phật tử và toàn thể dân chúng.

Thành ngữ “Lễ Phật quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” đã nói lên tầm quan trọng của hội Rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

Đối với hầu hết các chùa Việt, trọng tâm của hội Rằm tháng Giêng là lễ cầu quốc thái dân an, cầu nguyện an lành, khỏe mạnh, no đủ, thịnh vượng và phát triển cho bá tánh và đất nước. Vì thế, ngày càng đông người đến chùa, lễ Phật, cầu nguyện trong hội Rằm tháng Giêng là một tín hiệu tốt, thể hiện rõ nét tinh thần “Đạo pháp và Dân tộc”.

Khi chùa chiền được tự do sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, được sửa chữa trùng tu to đẹp, khang trang cùng với sự quan tâm khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc của các cấp chính quyền và nhất là ý thức tìm về những giá trị sống của tổ tiên thông qua các lễ hội văn hóa của nhân dân được đánh thức, thì việc tham dự đông đảo các lễ hội như hội Rằm tháng Giêng là điều bình thường.

Khá nhiều chùa chiền nhân dịp Tết Nguyên tiêu đã lập đàn Dược Sư, tụng kinh Dược Sư trong suốt tháng Giêng (hoặc từ mùng 8 đến Rằm tháng Giêng), khuyến khích Phật tử tham gia tụng niệm rồi phục nguyện hồi hướng công đức an lành cho Phật tử. 

QUỲNH HẢI
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn