Nguồn gốc và ý nghĩa tục xuất hành đầu năm của người Việt

Khát vọng việt nam 2019Thứ Ba, 05/02/2019 06:21:00 +07:00

Đầu năm mới, người Việt có tục xuất hành - tức là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm cái may mắn cho mình và gia đình.

Video: Ý nghĩa những phong tục ngày Tết Việt

Xuất hành là ra đi, ra khỏi cổng, đi khỏi đất làng xã mình ở, bất cứ đi đâu, đi có việc gì. Theo quan niệm dân gian, nếu xuất hành đầu năm đúng giờ tốt, hướng tốt sẽ giúp cả năm may mắn trong công việc, tiền tài. Thậm chí, đối với người đang đi tìm “một nửa”, hướng xuất hành đầu năm cũng được coi là giúp họ cầu duyên như ý.

Người Việt còn có tục trong ba ngày Tết, dù có đi đâu, đến chiều tối cũng phải về. Ý nghĩa của tục này là kiêng có đi mà không có về, giông cho cả gia đình.

Nguồn gốc tục xuất hành đầu năm

Từ xa xưa, những người nông dân đã lựa xuất hành để chiêm nghiệm thời tiết trong cả năm. Theo đó, khi mặt trời mọc, người ta sẽ đi ra khỏi nhà để xem chiều gió thổi, từ đó đoán được năm mới hên hay xui. Gió Nam chỉ đại hạn, gió Tây chỉ cướp bóc loạn lạc, gió Tây Nam chỉ bệnh dịch tả, gió Bắc chỉ được mùa vừa phải, gió Tây Bắc chỉ được mùa đỗ, đậu, gió Đông chỉ có lụt lớn...

xuat hanh dau nam 2

Người Việt rất coi trọng tục xuất hành đầu năm.

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi làm lễ bái, lúc trở về người ta có tục hái một cành cây mang về ngụ ý là lấy lộc của Trời đất Phật Thần ban cho.

Trước cửa đình cửa đền, thường có những cây đa, cây đề, cây si cổ thụ, cành lá xùm xòa, khách đi lễ mỗi người bẻ một nhánh, gọi là cành lộc. Cành lộc này mang về người ta cắm trước bàn thờ cho đến khi tàn khô. Với tin tưởng lộc hái về trong đêm giao thừa sẽ đem lại may mắn quanh năm, người Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc. Cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.

Nhiều người trong lúc xuất hành đi lễ, thay vì hái lộc cành cây, lại xin lộc tại các đình đền chùa miếu bằng các đốt một nắm hương hoặc một cây hương lớn, đứng khấn vái trước bàn thờ, rồi mang hương đó cắm tại bình hương bàn thờ Tổ tiên hoặc bàn thờ Thổ Công ở nhà.

hai loc dau nam 3

Người Việt trong buổi xuất hành đầu tiên bao giờ cũng hái lộc bởi cành lộc tượng trưng cho tốt lành may mắn.

Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt. Lấy lửa tự các nơi thờ tự mang về, tức là xin Phật Thánh phù hộ cho được phát đạt tốt lộc quanh năm.

Trong lúc mang nấm hương từ nơi thờ tự trở về, nhiều khi gặp gió, nấm hương bốc cháy, người ta tin đó là một điềm tốt báo trước sự may mắn quanh năm. Thường những người làm ăn buôn bán hay xin hương lộc tại các nơi thờ tự.

Về tục xuất hành cũng như tục hái lộc có nhiều người không đi trong đêm giao thừa, mà họ kén ngày tốt giờ tốt trong mấy ngày đầu năm và đi đúng theo hướng chỉ dẫn trong các cuốn lịch đầu năm để có thể có được một năm hoàn toàn may mắn.

Ý nghĩa tục xuất hành đầu năm

Trong quan niệm của người xưa, lúc xuất hành phải đi vào giờ Hoàng đạo, nếu hợp với tuổi của người xuất hành thì càng tốt, không khắc.

Mọi người sau khi xuất hành đều có mong muốn may mắn đầu năm, sau đó mới thực hiện các việc khác như đi trực cơ quan, đi thăm bà con họ hàng hai bên nội ngoại.

Xuất hành thăm viếng họ hàng giúp gắn kết tình cảm và mong ước mọi điều tốt đẹp sẽ đến với những người thân và gia đình mình, cùng nhau hướng đến sự tốt lành.

Phong Linh
Bình luận
vtcnews.vn