Nguồn gốc tên lửa bắn hạ cường kích Su-25 được truy tìm thế nào?

Thế giớiThứ Ba, 06/02/2018 07:52:00 +07:00

Nguồn gốc của tên lửa phòng không cá nhân mà các phần tử khủng bố sử dụng để bắn hạ cường kích Su-25 của quân đội Nga ngày 3/2 đang được tích cực tìm kiếm dựa vào manh mối ở hiện trường.

Nhóm đặc nhiệm Syria được điều đến hiện trường khu vực các phần tử khủng bố phóng tên lửa phòng không cá nhân bắn hạ cường kích Su-25 tại tỉnh Idlib, Syria nhằm thu thập các chứng cứ, Phó chủ tịch Ủy ban Duma Quốc gia Viktor Vodolatsky nói với RIA Novosti.

“Nếu có bất cứ mảnh của tên lửa phòng không cá nhân nào được tìm thấy, dựa trên mã số và nguồn gốc thì trong thời gian ngắn nhất chúng tôi sẽ biết tên lửa này đến từ đâu, được chế tạo bởi nhà máy nào và làm thế nào nó tới được nơi đó”, ông Vodolatsky cho biết.

Lực lượng đặc nhiệm Syria chịu trách nhiệm thu thập chứng cứ từ hiện trường được bảo vệ từ trên không, ông Vodolatsky cho biết thêm.

5a765b0bfc7e932b7d8b4568

 Phiến quân và tên lửa phòng không vác vai tại Syria. (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia quân sự của tờ Sự thật Komsomol, đại tá Viktor Baranets nêu ra một số giả thiết về nguồn gốc của tên lửa phòng không cá nhân mà lực lượng khủng bố sử dụng để bắn hạ cường kích Su-25 trong chương trình Radio Sputnik.

“Đây có thể là những tên lửa phòng không cá nhân mà lực lượng khủng bố chiếm được từ kho vũ khí của quân đội Syria hoặc Iraq, bởi trong thời Liên Xô, các loại tên lửa phòng không cá nhân này được chuyển tới một số quốc gia Trung Đông”, ông Baranets giải thích.

Tuy nhiên, ông cho biết thêm ngoài các loại tên lửa phòng không cá nhân Liên Xô, lực lượng khủng bố còn có khả năng sở hữu một số loại tên lửa phòng không khác, ví dụ tên lửa Stinger của Mỹ. Loại tên lửa này cùng loại với tên lửa Igla và Strela của Nga và được đưa tới Idlib khoảng 1 tháng trước.

Su-25 Syria

 Phần tử khủng bố bên cạnh xác cường kích Su-25 bị bắn hạ ngày 3/2 tại Syria.

Ông Baranets cũng cho biết, lực lượng tình báo Syria có được những bằng chứng không thể chối cãi được về việc Mỹ chuyển giao tên lửa phòng không Stinger cho lực lượng người Kurd tại Syria cũng như nhóm vũ trang “Quân đội Syria Tự do”.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc vội vã khẳng định Mỹ không chuyển tên lửa phòng không cá nhân cho các lực lượng do nước này bảo trợ tại Syria ngay sau khi vụ việc xảy ra.

Việc truy tìm nguồn gốc xuất xứ của tên lửa bắn hạ cường kích Su-25 không phải là chuyện dễ dàng, ông Baranets nhận định, bởi ngày nay, mafia buôn vũ khí thực hiện công việc đảm bảo cho vũ khí không có bất cứ dấu vết nào cả: "Tất nhiên, ta sẽ biết đó là Stinger hay Blowpipe, nhưng không cần phải có con số cụ thể vì tình báo nước ngoài quá rõ chiêu trò này".

Nguyễn Tiến
Bình luận
vtcnews.vn