Nguồn cung bất động sản ở TP.HCM lao dốc

Bất động sảnThứ Bảy, 28/03/2020 21:16:24 +07:00
(VTC News) -

Quý I/2020, thị trường bất động sản TP.HCM chỉ có 11 dự án mới được mở bán, chỉ bằng 1/3 so với Quý IV/2019.

Theo báo cáo của Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, Quý I/2020, thị trường TP.HCM ghi nhận chỉ có 11 dự án mới được mở bán, giảm 8 dự án so với quý IV/2019 (bằng 1/3).

Tổng số căn hộ được mở bán là 4.664 căn (37% là căn có diện tích 50-70 m2), các sản phẩm có giá dưới 35 triệu đồng/m2 chiếm đến gần 43%, tiếp sau đó là nhóm sản phẩm có giá hơn 70 triệu đồng/m2 với 36,7%.

Xét toàn TP, huyện Bình Chánh là khu vực có nguồn cung căn hộ lớn nhất với khoảng 43% tổng căn hộ của thị trường.

Phân khúc shophouse có 133 sản phẩm chào bán trong quý, đa số là các căn có diện tích trên 120m2. Có 227 căn biệt thự được chào bán trong quý này tập trung ở huyện Nhà Bè, mức giá dao động từ 45-70 triệu đồng/m2.

Nguồn cung bất động sản ở TP.HCM lao dốc - 1

Quý I/2020, thị trường bất động sản TP.HCM chỉ có 11 dự án mới được mở bán, chỉ bằng 1/3 so với Quý IV/2019.

Phân khúc nhà phố có 138 căn, tập trung chủ yếu tại khu Nam và khu Đông. Phân khúc đất nền có 335 nền chủ yếu có mặt ở huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi.

Bên cạnh vấn đề pháp lý chưa được tháo gỡ, nhiều dự án vẫn trong diện thanh tra, kiểm soát, thị trường bất động sản còn đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 bùng phát mạnh từ tháng 2, khiến cho kế hoạch chào bán dự án mới của các doanh nghiệp địa ốc đều bị gián đoạn hoặc dừng lại, kéo theo nguồn cung bị giảm mạnh.

Cụ thể, hơn 300 trên tổng số 1.000 sàn giao dịch bất động sản cả nước đang đóng cửa (tính đến trung tuần tháng 3); khoảng 500 sàn hoạt động cầm chừng. Một số sàn vẫn còn hoạt động do vẫn còn hàng để bán khi có hợp đồng bán hàng đã ký kết với chủ đầu tư từ trước.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dịch Covid-19 đã tác động rõ rệt đến các doanh nghiệp bất động sản. Các sự kiện đông người như quảng bá tiếp thị, bán hàng đều bị hủy bỏ.

Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng và thị trường bất động sản cho thuê bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là tình trạng các mặt bằng cho thuê tại khối đế các tòa nhà cao tầng và nhiều mặt bằng nhà phố cho thuê bị nhiều khách thuê trả lại.

Dịch bệnh không chỉ làm tăng chi phí đầu tư, tăng chi phí vốn và lãi vay, kéo theo nguy cơ các khoản nợ bị chuyển thành nợ xấu. Chi phí quản lý doanh nghiệp vì vậy cũng bị tăng cao so với doanh thu và lợi nhuận khiêm tốn ở giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Thị trường bất động sản đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong hai năm qua, nay thêm ảnh hưởng của dịch bệnh lại rơi vào tình thế "khó chồng khó". Trước nguy cơ phá sản lớn dần, HoREA cho rằng các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực gấp đôi gấp ba để cầm cự và vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Video: Đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn