Người Việt tự chế máy bay kể phút cất cánh thần kỳ

Thời sựThứ Tư, 06/08/2014 11:45:00 +07:00

(VTC News) - Kỹ sư 'nông dân' Bùi Hiển kể về giây phút máy bay do mình tự chế cất cánh khỏi mặt đất trong lần bay thử nghiệm đầu tiên.

(VTC News) - Kỹ sư 'nông dân' Bùi Hiển kể về giây phút máy bay do mình tự chế cất cánh khỏi mặt đất trong lần bay thử nghiệm đầu tiên.

"Lái máy bay như làm xiếc trên quả bóng"

Kỹ sư Bùi Hiển đã ví von như vậy khi nhắc đến việc lái máy bay do ông tự chế. Ông Hiển chia sẻ, so với các phương tiện lưu thông khác, máy bay có những đặc điểm riêng biệt.

Muốn cất cánh được trên cao, điều đầu tiên là máy bay phải cân bằng, nếu vì lý do nào nó bay nghiêng bên này hoặc bên kia, chao đảo lên xuống…thì lúc này đòi hỏi kỹ thuật tay nghề của người cầm lái phải vững vàng, tâm lý ổn định, chỉ cần sơ suất nhỏ là tính mạng bị đe dọa.

 Ông Bùi Hiển dùng điện thoại lên mạng internet tìm kiếm các thông tin máy bay trên thế giới, áp dụng cho 'chế độ' máy bay của mình. Ảnh: Huy Phan 

Một trong những cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời kỹ sư Bùi Hiển là ngày 15/1/2012, thời điểm chiếc máy bay lần đầu tiên nhấc lên khỏi mặt đất. Lúc này chỉ có ông, hai con trai cùng một số nhân viên có mặt.

Đến tháng 3/2012, tại khu nhà xưởng rộng hàng trăm mét vuông, cao 12m, nơi ông Hiển dùng làm kho chứa trực thăng, chế tạo và bay thử, ông chính thức công bố trước cơ quan truyền thông báo chí rằng: "Tôi muốn cho mọi người thấy người Việt Nam luôn sáng tạo trong khoa học kỹ thuật và có thể chế tạo được máy bay".

Mấy ai biết được, trước đó, ông Hiển đã trắng đêm suy nghĩ, đấu tranh tư tưởng để có thể một mình leo lên máy bay do tự tay mình chế ra để cất cánh. Chế tạo ra chiếc máy bay đã là một kỳ công, còn tự thân ông điều khiển chiếc máy bay lại là vấn đề khác.

Bởi nó ảnh hưởng đến sinh mạng con người, không phải là chuyện đùa. Mà tính mạng ở đây chính là ông. Ông dám cá cược sinh mạng của mình để khẳng định điều ông làm được.

Nghĩ lại những điều đó, cho đến bây giờ, ông Hiển không khỏi rùng mình. Tất nhiên, đối với ông, một người lính đã từng vào sinh ra tử, thì giữa sự sống và cái chết, ông cũng đã nhiều lần chứng kiến, cũng đủ tôi luyện cho ông bản lĩnh, một thần kinh thép khi đối diện với những khó khăn, thử thách. Và lần này, ông phải vượt lên chính mình.

Để đảm bảo an toàn khi bước vào buồng lái máy bay thật, ông đã tập lái trên mô hình máy vi tính với cần điều khiển bằng tay nhiều tháng liền, nhằm quen cách thức điều khiển, độ nhanh nhạy, óc phán đoán tình huống, phản ứng tay chân kết hợp nhuần nhuyễn. 

Một điều thuận lợi cho ông Hiển là từ thời còn thanh niên, ông đã trải qua hầu hết các khóa huấn luyện lái xe ô tô, xe tải, đầu kéo, container, kể cả máy ủi, máy xúc và ông có tất cả các bằng lái cho các loại xe đó. Ông cũng là giảng viên huấn luyện, giám khảo chấm thi cho các cuộc thi lái xe ô tô, xe tải... nên cũng góp phần không nhỏ trong kinh nghiệm làm "phi công".

"Mỗi lần bay, cảm giác như đang làm xiếc trên quả bóng. Vẫn lo lắng, căng thẳng nhưng khi được bay lên cao trên không trung thì cảm nhận sự bồng bềnh của gió, với niềm vui sướng khó tả", ông Hiển cười nói.

Một cán bộ quân đội khi chứng kiến kỹ sư nông dân U60 lái máy bay, bỗng buộc miệng nói: "Chỉ cần dám ngồi lên đó và cất cánh bay là thấy gan góc đầy mình rồi, cũng anh hùng lắm rồi, chưa cần biết đến thành công hay không".

Nhận định của nhà khoa học Phan Bội Trân đối với lần bay nhớ đời của "phi công" Bùi Hiển: "Một khi anh đã bay lên khỏi mặt đất 10m thì có khả năng anh bay lên 100m, cũng có thể hơn nữa, đó là chuyện bình thường". Theo đánh giá ban đầu của giới chuyên môn, chuyến bay lần đầu tiên với máy bay đồng trục về cơ bản đã thành công. 

Hoàn thành chuyến bay "lịch sử"

Chiếc trực thăng đồng trục do ông Hiển chế tạo có trọng lượng 250kg (chưa tính người lái), dài 2,95m, rộng 1,2m, cao 2,4m, hai tầng cánh, độ dài sải cánh 4,52m. Công suất của thiết bị này trên 100 mã lực, tốc độ quay tối đa 12.000 vòng/phút. Trong khi đó, chỉ cần duy trì 6.500 vòng/phút là chiếc trực thăng có thể bay ổn định. Chi phí đầu tư để chế tạo chiếc máy bay này khoảng 200 triệu đồng.

Theo tính toán kỹ thuật của ông Hiển, khi bay trên bầu trời và vượt qua các tác nhân bên ngoài môi trường, đặc biệt là gió, chiếc máy bay trực thăng có khả năng bay ở độ cao 200m, tốc độ bay 150-200km/giờ. Trung bình một giờ bay, nhiên liệu cần khoảng 15 lít xăng A92.

Đối phó với sự cố máy bay lật nhào hay vọt lên cao bất ngờ, ông cột máy bay vào 4 sợi dây, neo 4 góc rồi để một cây gậy bọc cao su gác ngang qua máy bay để làm thăng bằng đề phòng khi máy bay nghiêng mất thăng bằng và để hạn chế va chạm khi tiếp đất. Cứ thế, ông cần mẫn tập lái, rút kinh nghiệm cho những lần bay sau. Sau đó, ông tháo rời những dụng cụ bảo vệ, để máy bay tự do cất cánh mà không bị "ràng buộc".

Kỹ sư Bùi Hiển bên chiếc trực thăng có cánh đồng trục (2 cánh quạt) trước giờ bay thử nghiệm vào tháng 3/2012. Ảnh: TNO

Trước khi "bay chính thức", ông Hiển cẩn thận đội mũ bảo hiểm, thắt dây an toàn và khởi động máy. Tiếng động cơ vang rền khu xưởng, hai cánh quạt quay chầm chậm rồi xoay tít. Ông Hiển kéo cần lái, máy bay từ từ nhấc lên.

Ban đầu, máy bay bay lên hạ xuống, chao đảo, nhưng sau khi lấy lại thăng bằng, máy bay bay ổn định với độ cao trên 1m, bay xoay quanh, bay tới bay lui, thời gian dừng trên không trung khoảng 10-15 phút. Ông Hiển một lần nữa kéo cần lái, máy bay hạ xuống nhẹ nhàng.
Sau khi biết thông tin chuyến bay "lịch sử" của kỹ sư Bùi Hiển, Đoàn cán bộ Sư đoàn không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân), Bộ Chỉ huy quân sự Bình Dương và thị xã Thuận An đã đến tìm hiểu về chiếc trực thăng của ông. 

Đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy phó, tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Bình Dương, cho rằng việc ông Hiển chế tạo và cho chạy thử máy bay ở trong khu vực nhà xưởng thì không vi phạm luật.

Nhưng về góc độ quản lý nhà nước, cơ quan chức năng cũng phải xác minh, tìm hiểu rõ, đồng thời hướng dẫn cho ông Hiển thực hiện tốt các quy định về quản lý bay nếu muốn đưa ra ngoài thử nghiệm.

Có mặt trong đoàn, kỹ sư hàng không Nguyễn Minh Quân đánh giá "phương tiện bay" của ông Hiển đã đáp ứng khá tốt những vấn đề cơ bản của một khí cụ bay. Về kiểu dáng thì chiếc trực thăng có hình thức gọn gàng, đẹp mắt. Cách chuyển đổi lực từ động cơ ra cánh quạt 2 tầng, chế tạo cánh, trục ổn định hướng, bánh lái… được tính toán, chế tạo khoa học.

“So với những chiếc máy bay trực thăng ở Tây Ninh do 2 nông dân chế tạo, chiếc của ông Hiển có nhiều ưu điểm hơn, có những tính toán mang tính khoa học và thực sự thì nó đã bay được. Nếu cho điểm theo thang 10 thì tôi cho máy bay của ông Hiển 8 điểm và máy bay ở Tây Ninh 4 điểm", kỹ sư Quân nhận xét.


Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn