Người Việt tranh bắt Pokemon trong 'cơn sốt' toàn cầu Pokémon Go

Kinh tếThứ Tư, 06/07/2016 20:21:00 +07:00

Game di động "đầu tay" của Hãng game Nhật nổi tiếng Nintendo cùng Niantic mang tên Pokémon Go đang gây "cơn sốt" trên toàn cầu, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

 

Biểu tượng của game di động Pokémon Go do Nintendo và Niantic phát triển

Ngày 6-7, Nintendo chỉ mới phát hành Pokémon Go giới hạn tại thị trường Úc và New Zealand. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi Pokémon Go "lên sóng", máy chủ tải trò chơi này của Nintendo gặp tình trạng quá tải. Những hình ảnh của các người chơi Pokémon Go đầu tiên tràn ngập trên mạng xã hội, tạo ra một "cơn sốt" đi tìm săn Pokémon.

Pokémon Go là game trên di động, thuộc dạng game đồ họa 3 chiều (3D) kết hợp công nghệ tăng cường-thực tế (AR), do Niantic Labs hợp tác cùng Nintendo và The Pokémon Company phát triển.

Pokémon Go đã có mặt trên chợ ứng dụng Google Play và Apple App Store nhưng chỉ cho người dùng Úc và New Zealand tải về cài đặt nên gây ra giận dữ từ phía game thủ và người dùng ít kiên nhẫn tại Mỹ, cũng như "quê hương của game" Nhật Bản.

Tại VN, hàng loạt những chia sẻ về việc đi săn quái thú Pokémon rất vui tràn ngập mạng xã hội Facebook. Những hội chơi Pokémon Go nhanh chóng được thành lập, và thậm chí có game thủ thiểu não đăng lên Facebook cho biết mới bị giựt điện thoại vì mải chơi Pokémon Go.

Pokémon 20 năm tuổi

Satoshi Tajiiri tạo ra series "quái cưng" Pokémon năm 1995, do công ty The Pokémon Company sở hữu bản quyền. Trong series phim hoạt hình Pokémon, những người trẻ được gọi Pokémon Trainers (người huấn luyện Pokémon) sẽ đi bắt và huấn luyện các loại quái thú với hình dạng "đa chủng loại" như rùa lai rồng...tham gia các trận thi đấu.

Mỗi loại quái thú có năng lực khác nhau nên người huấn luyện cần vận dụng khả năng phù hợp của chúng cho từng trận đấu. Yếu tố này được tập trung khai thác trong các video game về Pokémon như Hey You, Pikaichu! cho máy chơi game Nintendo 64 bán được đến 200 triệu bản.

Năm 2016 cũng là thời điểm kỷ niệm 20 năm game Pokémon nguyên bản đầu tiên được phát hành.

Pokémon Go: đi săn quái cưng

Người chơi sau khi tải và cài đặt Pokémon Go lên smartphone cần bật chế độ định vị vệ tinh GPS để bắt đầu đi săn các loại quái thú ở bối cảnh thực tế.

Miễn phí chơi theo dạng freemium nên Pokémon có bán kèm vật phẩm ảo trong game (in-app purchase). Một trăm đồng Pokécoin có giá trị tầm 1,1 USD (tương đương gần 25.000 VNĐ). Người chơi có thể mua đồng Pokécoin bằng tiền thật, rồi dùng đồng tiền ảo đó mua các vật phẩm trong game như Poké Ball hay Incense, hoặc "trứng may mắn" (Lucky Egg).

 

Đi tìm trên bản đồ số dựa theo vị trí địa lý định vị bằng GPS trên thiết bị (ảnh bên trái) và một loại quái thú xuất hiện trên bàn làm việc qua công nghệ AR (phải) - Ảnh: Mashable

Nintendo bán riêng thiết bị đeo cổ tay Pokémon Go Plus thông báo đến người chơi qua đèn LED thông báo có một loại quái thú Pokémon đang ở gần họ.

Mỗi loại quái thú sống ở một khu vực khác nhau, nên người chơi cũng phải đi bộ thật sự để truy tìm thay vì ngồi một chỗ. Càng đi xa (thậm chí vài km) lòng vòng trong thành phố ở các vị trí trên bản đồ số, bạn có cơ hội kiếm được nhiều loại quái thú. Sở hữu càng nhiều, bạn càng lên cấp độ (level), có nhiều cơ hội chiến thắng các trận thi đấu với những người chơi khác.

Khi có quái thú đang ở gần, ứng dụng và thiết bị thông báo rung hoặc đèn nhấp nháy cảnh báo người chơi biết và bắt chúng.

 

Định vị và các loại quái thú rải rác ở nhiều khu vực - Ảnh: Mashable

Điều thú vị của Pokémon Go là ứng dụng công nghệ tăng cường-thực tế (AR / Augmented reality), tức hình ảnh của quái thú sẽ xuất hiện ngay trên khung cảnh thực bạn đang thấy, ví dụ trên bàn làm việc của bạn thay vì trên màn hình điện thoại. Yếu tố này tạo điểm độc đáo cho game nhưng cũng làm người chơi dễ bị phân tâm khi đi bộ trên phố.

 

Một loại quái thú khác ở lan can - Ảnh: HIPStore

 

Thông tin về loại quái thú như cá ngựa gồm cả cân nặng và chiều cao - Ảnh: HIPStore

 

Các loại quái thú "lai" trong game Pokémon Go - Ảnh: HIPStore
(Nguồn: Tuổi Trẻ)
Bình luận
vtcnews.vn