Người Việt Nam đã hiểu đúng về 'văn hóa giao thông' chưa?

Góc của nàngThứ Hai, 28/09/2015 05:26:00 +07:00

Ở một đất nước nhỏ bé đông dân cư, mà lại có nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau như ở Việt Nam thì giao thông là một điều hết sức quan trọng

Ở một đất nước nhỏ bé đông dân cư, mà lại có nhiều loại phương tiện giao thông khác nhau như ở Việt Nam thì giao thông là một điều hết sức quan trọng đối với tất cả mọi người dân.

Giao thông ở Việt Nam cũng được coi như một thứ văn hóa và dĩ nhiên những người tham gia giao thông là những người tạo nên nền văn hóa đó. Nhưng, nền văn hóa đó liệu có đúng với hai từ văn hóa vốn đã rất đẹp và văn minh? 

Những lúc tắc đường, người ta bấm còi một cách vô tội vạ dù chẳng thể giúp đi nhanh hơn. (Ảnh minh họa).
Những lúc tắc đường, người ta bấm còi một cách vô tội vạ dù chẳng thể giúp đi nhanh hơn. (Ảnh minh họa). 

Sử dụng còi không suy nghĩ

Chiếc còi xe được sinh ra với tác dụng là để người điều khiển xe báo hiệu cho các phương tiện khác về việc khẩn cấp muốn được nhường đường hay vượt lên mà không bị cản trở. Nhưng, đấy là lý thuyết còn thực tế (ở các nước khác thì tôi không biết) ở Việt Nam thì lý thuyết luôn khác xa với thực tiễn.

Người ta bấm còi khi đang dừng đèn đỏ; người ta bấm còi khi không có chuyện gì xảy ra chỉ là người ta thích thì bấm; người ta bấm còi để "khoe" còi tôi to, còi tôi có nhịp điệu hay; người ta bấm còi để cho phương tiện phía trước mình đi nhanh dù biết rõ đường đang tắc cứng chẳng nhúc nhích nổi…

Sự thật chẳng ai thích tiếng còi xe cả, chiếc còi xe sinh ra cũng chỉ là để dùng cho các trường hợp khẩn cấp, nên hạn chế vì đó là một phần gây ô nhiễm tiếng ồn - nhất là ở những thành phố lớn có nhiều phương tiện đi lại như Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh.

Sự thật cho thấy rằng, ở hai thành phố lớn nhất cả nước này, tôi xin phép dùng từ "vấn nạn dùng còi" xảy ra hết sức nghiêm trọng.

Vấn nạn này không phải đến từ tất cả mọi người, mà chỉ đến từ một số người vô ý thức. Hãy thử lấy một ví dụ về sự khó chịu của tiếng còi khi nó được sử dụng không đúng mục đích. Khi bạn đang dừng đèn đỏ, còn 6 giây nữa mới chuyển sang đèn xanh để đi nhưng chiếc ô tô đằng sau đã bấm còi inh ỏi ý muốn nói "này đi đi, còn vài giây nữa thôi!".

Bạn lúc đó vừa cuống vừa khó chịu, kiểu như muốn chấp hành cũng không xong và bạn đành phóng đi cho đỡ phải nghe tiếng còi.

Chắc khi đưa ra ví dụ này, hẳn nhiều người cũng phải giật mình vì nghĩ lại chính bản thân nhiều lần cũng như vậy. Bạn ạ, chiếc còi không có tội tình gì cả nhưng người sử dụng còi mà không suy nghĩ thì mới là người có tội. 

Vỉa hè từ bao giờ đã trở thành lòng đường khi người dân vô tư chạy mỗi khi giao thông bị ùn tắc? (Ảnh minh họa).
Vỉa hè từ bao giờ đã trở thành lòng đường khi người dân vô tư chạy mỗi khi giao thông bị ùn tắc? (Ảnh minh họa). 

Xi nhan một đằng, rẽ một nẻo

Cũng giống như còi, chiếc đèn xi nhan được làm ra để giúp cho người chủ phương tiện xin nhường khi sang đường. Xi nhan bên phải thì nghĩa là rẽ phải, bên trái thì nghĩa là rẽ trái, tôi nói ra điều này có vẻ hơi thừa vì nó quá đơn giản và dễ hiểu kể cả cho một đứa trẻ cấp một cũng có thể biết điều đó. Nhưng bạn có tin, đã có nhiều vụ va chạm xảy ra vì đèn xi nhan không được sử dụng đúng cách chưa?

Tôi xin trả lời luôn là có và hơn thế là có nhiều, chủ ý trong đầu bạn là rẽ trái nhưng cái tay bạn lại gạt đèn xi nhan là bên phải, người phía sau nhìn thấy tín hiệu đèn của bạn là rẽ phải, họ lái xe sang trái để bạn thuận tiện cho việc rẽ thì đột nhiên bạn rẽ sang hướng họ đang đi để tránh bạn, và thế là...

Đôi khi, việc sử dụng đèn xi nhan sai là do bạn thiếu tập trung trong khi đi xe, do nhầm lẫn hoặc đã xin đường xong nhưng lại chưa tắt đi. Một lần nữa, cái đèn xi nhan cũng giống như cái còi, nó không có tội mà chính sự chủ quan, thiếu tập trung khi tham gia giao thông của bạn đẩy chính bạn và người khác lâm vào nguy hiểm. 

Đừng kêu ca về việc "tại sao các đơn vị thi công suốt ngày sửa vỉa hè?"

Vỉa hè là nơi dành cho người đi bộ, nói đơn giản là những người không sử dụng phương tiện giao thông. Nhưng, thật buồn cười với người nước ngoài và thật bình thường với người Việt Nam khi các phương tiện giao thông đi trên vỉa hè như đi dưới lòng đường và thậm chí một số người đi sai luật như vậy còn nói với người đang đi bộ là "Đi gọn vào!".

Cái chuyện nực cười kiểu bình thường là đi xe trên vỉa hè này diễn ra rất thường xuyên và hoạt động mạnh nhất vào những lúc tắc đường mà chuyện tắc đường thì hôm nào chẳng có ở Việt Nam. Lâu thành quen, ở đoạn đường nào tắc mà không thấy người ta phi xe lên vỉa hè thì quả là khó tin!

Thiết kế vỉa hè dành cho người đi bộ khác hoàn toàn so với thiết kế của đường nhựa dành cho người tham gia giao thông đường bộ. Nó cũng giống như việc cái nôi là dành cho em bé nằm chứ không dành cho mẹ của bé vậy. Cái gì sinh ra cũng có tác dụng, mặt hạn chế của nó cả, vỉa hè thì cũng chỉ chịu được sức nặng của người đi bộ mà thôi.

Ngày nào cũng như ngày nào, xe đạp, xe máy cứ đi lên vỉa hè thì bảo sao gạch lát vỉa hè không bật tung ra. Mà bật tung ra thì dĩ nhiên phải thay lại, không thì người dân lại kêu ca là vỉa hè thiếu tính thẩm mĩ. Vậy nên, trước khi bạn trách móc người khác thì nên xem lại mình có làm sai hay không và hãy sửa chữa nó trước đã, bạn nhé.

Sang đường theo kiểu "bản thân thích thế"

Vạch kẻ đường, cầu vượt cho người đi bộ sinh ra là để phục vụ cho người sang đường, giúp mọi người khi lưu thông được an toàn nhất. Nhưng một số người sang đường hình như lại không cần điều đó. Trời nắng, đi lên cầu vượt nắng quá thế là đi luôn phía dưới cầu vừa có cái che cho mình đỡ nắng vừa đỡ phải bước lên cầu thang, vạch kẻ đường tít ở trên mà lại ngại đi lên tận đấy nên thôi sang luôn chẳng cần vạch kẻ gì hết.

Những việc làm trên chắc hẳn nhiều người luôn mắc phải, bạn kêu ca vì kiểu sang đường ở Việt Nam nguy hiểm nhưng khi các hạ tầng giao thông sinh ra để giúp bạn tránh khỏi nguy hiểm đó thì bạn lại không cần hoặc sử dụng nó theo một cách khác. 

Đầu trần, chạy ngược chiều thoải mái miễn nhanh là được liệu có an toàn khi ta tham gia giao thông? (Ảnh minh họa).
Đầu trần, chạy ngược chiều thoải mái miễn nhanh là được liệu có an toàn khi ta tham gia giao thông? (Ảnh minh họa). 

Còn một kiểu sang đường nữa mà tôi muốn nói ở đây, đó là kiểu sang đường nửa vời và "fast and furious" (quá nhanh, quá nguy hiểm) kiểu Việt Nam. Kiểu nửa vời, là kiểu đang đi sang đường bình thường thấy phương tiện khác đang tiến tới bước xuống một bước thấy nó vẫn chưa tới gần lắm lại bước lên một bước làm cho người điều khiển phương tiện không biết thế nào mà lần, lại sinh ra luống cuống và họ vô tình phải chọn cách đâm thẳng…

Còn kiểu "fast and furious" Việt Nam là kiểu trái lại hoàn toàn với kiểu nửa vời, chạy một phát từ đường bên này qua đường bên kia. Đúng là rất nhanh, nhưng cũng rất nguy hiểm, kiểu này thường chỉ xảy ra khi đường vắng thì người ta mới có gan làm vậy. Nhanh thường không đi liền với an toàn - nhất là trong giao thông. 

Trên đây chỉ là một vài thói quen đi đường nổi bật của người Việt Nam, nhưng nó cũng nói lên phần nào thực trạng tham gia giao thông hiện nay. Khi dắt xe ra khỏi nhà bạn hãy luôn nhớ: đường là của chung, luật là dành cho tất cả chúng ta, vì vậy hãy thực hiện chúng thật tốt.

Hãy tạo nên một văn hóa tham gia giao thông như những gì bạn đã đọc đã nghe hằng ngày chứ đừng nghe rồi gật gù hiểu mà không thực hành rồi khiến nó biến thành một nền giao thông hoang dã. Một vụ tai nạn sẽ không xảy ra nếu bạn có ý thức chấp hành và nhiều vụ tai nạn sẽ không xảy ra nếu nhiều ngưỡi cũng chấp hành giống như bạn.

"An toàn là bạn, tai nạn là thù" - hãy cùng mọi người đẩy lùi kẻ thù, bạn nhé!

Phương Dung

Bình luận
vtcnews.vn