Người Việt đầu tiên sang Liên Xô học về vũ khí (P2)

Thời sựThứ Sáu, 09/12/2011 01:28:00 +07:00

Mùa hè năm 1957, ông Lê Văn Chiểu về nước và áp dụng những kiến thức quý báu học được tại Liên Xô để chế tạo các loại vũ khí lợi hại.

Mùa hè năm 1957, ông Lê Văn Chiểu về nước và áp dụng những kiến thức quý báu học được tại Liên Xô để chế tạo các loại vũ khí lợi hại, phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta.

 

Chế tạo mìn định hướng

 

Năm 1962, trên chiến trường Mỹ-ngụy dùng mìn Cờ-lây-mo để phục kích quân ta. Đó là loại mìn vỏ nhẹ, dùng thuốc nổ để phóng mảnh về phía trước. Ông Chiểu nghe nói Liên Xô cũng có mìn định hướng, nhưng lại chưa có trong danh mục vũ khí viện trợ. Năm 1963, với cương vị trưởng phòng Nghiên cứu vũ khí (thuộc Cục Nghiên cứu kỹ thuật - Bộ Quốc phòng), ông và các cộng sự bắt tay nghiên cứu loại mìn này.

Ngày 17-4-1966, Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội xem trình diễn phóng tên lửa A12.  
 

Ông Chiểu tìm thấy trong nội dung một báo cáo khoa học đăng trong tạp chí Vật lý ứng dụng của Liên Xô mô tả toán học hiện tượng nổ của một tấm phẳng thuốc nổ ghép sát với một tấm vật liệu rắn, đã giúp cách tính tốc độ văng của tấm vật liệu ấy và những yếu tố ảnh hưởng đến tốc độ văng ấy: Tốc độ nổ và kích thước khối thuốc, khối lượng tâm vật rắn.

Một điều đáng nói là tạp chí đã in sai công thức tính mà không đính chính. Ông Chiểu cùng các đồng nghiệp đã tính toán, chứng minh, xác định được lỗi in sai công thức trong phần tóm tắt tổng kết công trình. Trong sách “Vật lý nổ” cũng có hướng dẫn tính tốc độ văng các vật phẩm nổ từ mặt thuốc nổ, theo hướng vuông góc với mặt này…

 

Ngày 17-4-1966, Bác Hồ cùng một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và quân đội xem trình diễn phóng tên lửa A12.

Từ các cơ sở ấy, ông Chiểu đã xây dựng được lý luận tính toán thiết kế mìn phóng mảnh định hướng. Sau đó đã làm các mẫu thử với nhiều hình dạng, kể cả dùng bánh thuốc TNT 200g có sẵn gọt mặt 100 × 200 hình máng chữ V và dán mảnh vào đó. Các cuộc thử nghiệm ở bãi thử công binh tại Đáp Cầu cho kết quả tốt.

 

Nhằm đưa nhanh kết quả phục vụ cho chiến trường miền Nam, vì nhận thấy mìn định hướng cấu tạo rất đơn giản, có thể làm được tại chỗ nên ông Chiểu và đồng nghiệp trong Phòng Nghiên cứu vũ khí đã viết tài liệu hướng dẫn thiết kế và chế tạo, in rô-nê-ô gửi lên Bộ Quốc phòng qua đường liên lạc.

 

Hơn một năm sau khi tài liệu được gửi đi, có tin về những trường hợp gài mìn diệt một lần hàng loạt tên địch ở chiến trường miền Nam. Anh em khấp khởi mừng thầm, mong đó là kết quả của việc phổ biến tài liệu mìn định hướng. Trong một lần xem chiếu bóng ngoài bãi, ông Chiểu thấy nhà báo Uyn-phrết Bớc-sét (người Ô-xtrây-li-a) cầm quả mìn trước bụng, giới thiệu là vũ khí “sát thủ” của “Việt cộng”. Ông nhận ra đó chính là mẫu mìn mà ông và đồng nghiệp đã thiết kế.

 

Mãi sau này, qua các tài liệu, ông mới được biết rằng, nhận được “Hướng dẫn thiết kế và chế tạo mìn phóng mảnh định hướng” do ông và các đồng nghiệp gửi vào, anh em trong Nam đã làm thử 8 quả mìn định hướng cỡ 300mm nặng 11kg. Thấy uy lực của loại mìn này, quân ta đã sản xuất hàng loạt và phát triển mìn ra một số loại hình thù như hình tròn, hình chữ nhật với các kích cỡ khác nhau.

Mìn định hướng trở thành vũ khí rất lợi hại, giúp quân ta đánh trực thăng, chống càn quét, đánh ca-nô trên sông, đánh xe tăng, mở cửa đột phá qua rào dây thép gai nhiều lớp của địch một cách gọn ghẽ…

 

Tên lửa A12 thiêu đốt sân bay Đà Nẵng

 

Năm 1965, Mỹ ngày càng leo thang chiến tranh, có ưu thế trên chiến trường nhờ hỏa lực mạnh. Từ yêu cầu chiến trường lúc đó, quân ta cần có vũ khí gọn nhẹ nhưng uy lực mạnh, bắn đồng loạt từ xa, tiêu diệt trên diện rộng, tầm bắn chính xác. Lúc bấy giờ, ta đã được Liên Xô viện trợ tên lửa BM 14-17, giàn phóng 17 ống dày 2,6mm, cỡ nòng 140mm, đặt trên ô tô, toàn bộ nặng khoảng 2,5 tấn.

Thiếu tướng Lê Văn Chiểu và vợ tại nhà riêng tại Hà Nội, tháng 5- 2011. 


Thế mà giàn phóng này chỉ bắn từng phát liên tiếp, không thể bắn đồng thời một loạt. Đạn nặng khoảng 40kg, có mấu hãm giữ trên bệ với lực 200kg. Giàn phóng ấy tuy hiện đại nhưng rất cồng kềnh, nặng nề, bất tiện cho tác chiến. Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh đặt vấn đề xem có cách nào để cải tiến cho dễ cơ động hơn không. Nhiệm vụ ấy được giao cho Cục Nghiên cứu kỹ thuật (Bộ Quốc phòng).

 

Quá trình nghiên cứu được tiến hành trong năm 1965. Lúc đó, ông Lê Văn Chiểu vẫn đang là Trưởng phòng Nghiên cứu vũ khí (thuộc Cục Nghiên cứu kỹ thuật), là chủ nhiệm đề tài. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định mẫu thực nghiệm như sau: Bệ phóng gồm ống phóng bắt vào bệ gỗ. Ống phóng làm bằng tôn thép mỏng cuộn lại, dài 1140mm, ghép mép và hàn có đánh 4 đường sống dọc lồi vào bên trong, tiếp tuyến với mặt hình trụ của đạn. Tấm gỗ của bệ làm bằng ván dày 2cm bản rộng 25cm, dài 120cm.

Tiện lợi ở chỗ, bệ tên lửa làm bằng gỗ này không cần vận tải vào Nam mà có thể dễ dàng làm tại chỗ dựa theo bản thiết kế. Toàn bộ bệ chỉ nặng khoảng 10,5kg.

Khi thử nghiệm, bệ phóng được kê đầu trên túi đất, chèn thêm các túi đất lên trên và quanh tấm gỗ để cố định bệ. Góc bắn được lấy 45 độ, điểm hỏa bằng 6 quả pin con thỏ 1,5 vôn. Thử nghiệm cho thấy luồng phụt không làm hư hại bệ phóng, có thể dùng lại được.

Tầm bắn của giàn tên lửa mới này khoảng 8km, so với tầm bắn của BM 14-17 là 10km. Tuy nhiên, độ chính xác của giàn tên lửa mới lại khá cao. Giàn phóng ứng dụng có 12 ống, bắn đồng loạt. Theo biên chế mẫu, mỗi tiểu đội sẽ được tổ chức thành hai cụm, mỗi cụm 6 khẩu. Vũ khí mới này được mang tên là A12. Ống phóng tên lửa A12 rất gọn nhẹ, sức người vác được.

 

Trong một lần thử nghiệm, khi đứng dưới hào bật công tắc, không thấy giàn phóng có động tĩnh gì, ông Chiểu liền nhảy lên kiểm tra lại điện. Khi ông đang lúi húi ở chỗ công tắc, chỉ cách bệ phóng chừng 3m thì bất ngờ viên đạn phóng đi. Anh em hốt hoảng tưởng chuyện không hay đã xảy ra, nhưng rất may là ông không hề hấn gì. Tai nạn bất ngờ ấy lại chứng minh cự ly an toàn cho pháo thủ của giàn phóng.

 

Sau đó, A12 được quyết định sử dụng để tấn công sân bay Đà Nẵng, cứ điểm trọng yếu của Mỹ-ngụy. Đêm 26 rạng sáng ngày 27-2-1967, ta đã triển khai các giàn tên lửa A12 ở khu vực gần sân bay. Rạng sáng ngày 27-2-1967, mệnh lệnh từ Sở chỉ huy phát ra.

Tên lửa lao vút đi thành hàng trăm vệt lửa sáng lòa, chụp xuống sân bay Đà Nẵng. Bộ đội ta phấn khích gọi đó là: B52 của ta đánh rải thảm sân bay Đà Nẵng. Sáng hôm sau, các hãng tin của nước ngoài đồng loạt đưa tin về “trận đánh lớn của pháo binh Việt cộng gây thiệt hại nặng nề cho căn cứ quân sự Đà Nẵng”… Tổng kết trận đánh, quân ta đã phá hủy 94 máy bay, 200 xe quân sự, tiêu diệt và làm bị thương hơn 1000 tên Mỹ-ngụy.

 

Trận tập kích bằng tên lửa A12 được đánh giá là trận đánh lớn nhất của chiến trường miền Nam thời điểm đó. Chiến thắng là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong tương quan hỏa lực của hai bên trên chiến trường, để lại nỗi kinh hoàng, lo lắng trong giới quân sự Mỹ và Sài Gòn lúc đó.

 

Hai Giải thưởng Hồ Chí Minh, một Giải thưởng Nhà nước

 

Năm 1966, khi đang say mê với công việc nghiên cứu vũ khí, ông bất ngờ được cấp trên giao cho nhiệm vụ mới: Nghiên cứu lập phương án xây dựng cơ sở đào tạo kỹ sư quân sự trong nước. Có đôi chút buồn vì phải rời công việc đã dành nhiều tâm huyết và đang cùng anh em guồng nhịp nghiên cứu, nhưng mệnh lệnh đã được đưa ra, hơn nữa, cũng là sự lựa chọn của cấp trên, ông nhanh chóng chuyển sang công tác mới.

Ngày 28-10-1966, Phân hiệu II Đại học Bách khoa (tên gọi của Đại học Kỹ thuật Quân sự lúc đó) đã được thành lập. Ông Lê Văn Chiểu được bổ nhiệm là Phó hiệu trưởng, phụ trách công tác huấn luyện và nghiên cứu. Đại học Kỹ thuật Quân sự ra đời là một bước quan trọng, bền vững cho sự phát triển của ngành khoa học kỹ thuật quân sự của Việt Nam.

 

Trong khoảng 14 năm (1966- 1979), ông Lê Văn Chiểu đã nỗ lực góp phần xây dựng nền móng vững chắc của Đại học Kỹ thuật Quân sự (nay là Học viện Kỹ thuật Quân sự).

 

Về sau, ông còn trải qua một loạt các chức vụ như Phó tư lệnh Đặc khu Quảng Ninh (1979-1981), Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật (1981- 1988) và Phó chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (1988- 1995). Ông được phong quân hàm Thiếu tướng năm 1984. Sau nhiều năm cống hiến cho quân đội, năm 1995, ông về nghỉ hưu.

 

Với những đóng góp to lớn của mình cho sự phát triển của ngành khoa học kỹ thuật quốc phòng, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu đã được nhận hai Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 ngày 18-8-1997 vì đã tham gia nghiên cứu, chế tạo ra hai vũ khí nổi tiếng, đó là súng không giật SKZ (nằm trong giải thưởng cho nhóm tác giả chế tạo ra “Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp như súng không giật SKZ và SS trong thời gian 1945-1954”) và tên lửa A12 (nằm trong giải thưởng cho nhóm tác giả chế tạo ra “Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Mỹ: Như A12, DKB nối tầng, các loại vũ khí phá chướng ngại FR, thủy lôi APS trong thời gian 1960-1972”).

Càng tự hào hơn vì trong số những người được giải thưởng cùng ông năm ấy, có nhiều người là học trò của ông, từng được ông hướng dẫn từ những bài vỡ lòng về chế tạo vũ khí.

 

Năm 2002, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ vì đã tham gia nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các loại mìn, lựu đạn, thủ pháo và thiết bị điều khiển nổ có tính năng đặc biệt trong kháng chiến, với cương vị là cán bộ chủ trì và tham gia chính.

 

Sau những năm bôn ba công tác, Thiếu tướng Lê Văn Chiểu về an hưởng tuổi già tại ngôi nhà riêng nhỏ xinh ở con phố Đào Tấn (Hà Nội). Với tuổi 85, tóc bạc trắng, chân bước không còn vững, nhưng khi nhắc lại thuở xưa, lòng ông lại tràn dâng cảm xúc. Ông Chiểu có 2 người con trai, trong đó có một anh tiếp bước cha theo “binh nghiệp”.

Ôn lại chuyện xưa, đâu đó trong ông cũng có sự bùi ngùi, tiếc nuối và cả sự nhiệt huyết với những ý định nghiên cứu vũ khí còn dang dở. Nhưng nếu cho chọn lại, có thể ông vẫn đi lại con đường đã trải qua. Con đường ấy nhiều thử thách, luôn là con đường khai phá, nhưng cũng nhiều vinh quang, tự hào vì đã đóng góp được thật nhiều cho khoa học quân sự, cho đất nước, cho nhân dân.

 

Theo Hồ Quang Phương (Quân đội Nhân dân)

Bình luận