Người Việt cần cù không hiệu quả: Cắt hết 'công chức ma'

Thời sựThứ Sáu, 17/10/2014 07:38:00 +07:00

PGS.TS Tạ Lợi nói về hiệu quả lao động của người Việt, theo ông việc cần cù, chăm chỉ chưa đủ mà cần phải cắt hết 'công chức ma'.

'Bản chất cần cù không phải là lực cản mà nó là đặc tính của lao động, còn hiệu quả là bản chất của kinh tế'.

Đó là quan điểm của PGS.TS Tạ Lợi- Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân.

1 lao động Singapore năng suất hơn 15 lao động Việt Nam

- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước, khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều chọn đức tính cần cù, tỷ lệ lên tới hơn 80%.

Theo ông, thời đại công nghiệp hóa, công nghệ hóa và toàn cầu hóa hiện nay, đức tính cần cù chịu thương chịu khó tự nó có đủ làm nên sức mạnh, hay nó phải bổ sung thêm những yêu cầu khác như tri thức, sáng tạo…v.v…thì mới tồn tại được?


Theo tôi thì kết quả khảo sát trên phản ánh khá khách quan vì mấy lẽ sau:


Một là, gốc gác của nền văn hoá Việt Nam là văn hoá lúa nước nên mấy ngàn năm lịch sử văn hoá được truyền dạy đều là sự chăm chỉ và cần cù mới có cái ăn, cái mặc theo kiểu “tay làm hàm nhai, tay quai mệng trễ”.

Bản thân tôi cũng được cha mẹ răn dạy như vậy nên tôi nghĩ điều đó không có gì là sai theo cách hiểu của một ít bộ phận thanh niên theo trường phái hữu khuynh hay phê phán.

Hai là, bản chất của con người là biết lao động hơn các động vật khác nên nếu không có lao động của con người thì sẽ không có một xã hội tiến bộ như ngày nay. Vì vậy, vấn đề cần cù chịu khó lao động là hoàn toàn cần thiết trong bất kỳ xã hội nào.
Phải tăng thêm kiến thức thị trường cho người nông dân  

Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại và toàn cầu hoá như ngày nay thì hai mặt đối lập của sự vận động là hợp tác và cạnh tranh càng chứng tỏ tính khốc liệt của nó nên tôi cũng thấy khá thú vị với câu hỏi về cần thêm đức tính gì cho nhu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới.

Nhiều nhà nghiên cứu văn hoá tôi biết cũng phản bác là thực tế văn hoá làng xã Việt nam chưa phải là cần cù mà đang thiếu văn hoá kinh doanh và tác phong công nghiệp. Dưới giác độ kinh tế thì tôi chỉ xin nhấn mạnh về triết lý lao động và hiệu quả lao động.

Ca dao xưa cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng lao động cần cù mà không dám bỏ cái cũ, tạo con đường mới cũng giống như: “Con kiến mà leo cành đa, leo phải cành cụt leo ra leo vào” cần cù ngày nay không bù được sự thông minh, vì vậy, lực lượng lao động trẻ ngày nay cần có thêm sự mạnh dạn, sáng tạo hơn thế hệ trước mới có thể cạnh tranh quốc tế được.

Mặt khác, có triết lý lao động đúng nhưng cần có thêm tính kỷ luật và tác phong công nghiệp mới tạo ra sức mạnh tập thể như Nhật Bản hay Singapore. Nói về hiệu quả lao động các bạn đều thấy 1 lao động Singapore năng suất hơn 15 lao động Việt nam, kỷ luật lao động Nhật Bản tạo nên sức mạnh thần kỳ về phát triển kinh tế những năm 70 thế kỷ trước.

Cuối cùng, một biểu hiện về tinh thần làm việc vì lý tưởng cao đẹp và lòng nhiệt huyết cao luôn được đề cao. Các thế hệ trước đã làm nên lịch sử vì họ song có lý tưởng, ngày nay cần phát huy đặc tính này hơn nữa, hãy nhiệt huyết vì chính đất nước Việt nam.

Vì vậy, tôi tạm nêu ra các đức tính cần thiết cho sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ VN là thông minh, cần cù, kỷ luật và nhiệt huyết.

- Một thực tế hiện nay đang xảy ra, nông dân dù có cần cù chăm chỉ lao động nhưng hiệu quả kinh tế thu được lại quá thấp hoặc lỗ to: đua nhau trồng cao su nhưng khi thu hoạch thì bán không được, giá thành thấp; thu hoạch thanh long, dưa hấu, củ cải, khoai lang… không bán được phải cho bò ăn hoặc bỏ thối tại ruộng.

Có nghĩa chúng ta đang rơi vào tình trạng rất cần cù mà không hiệu quả, thậm chí thua lỗ nặng. Theo ông, đây có phải là minh chứng cho quan điểm “nhiệt tình + ngu dốt = tự hại mình” không và chúng ta phải làm gì để tháo gỡ nút chết này?


Riêng đối với nông dân VN tôi rất cảm thông vì họ rất cần cù, thật thà và rất ngây thơ với kinh tế thị trường. Các hiện tượng này ở các nước phát triển họ đã trải qua lâu rồi và việc đấu tranh quyền lợi giữa các tầng lớp trong xã hội đã giành cho họ có chỗ đứng tương xứng.

Vai trò quản lý Nhà nước cũng cần tạo ra cơ chế kinh doanh và hỗ trợ nông dân. Thường thì các nước phát triển có sàn giao dịch nhằm tạo điều kiện cho Cung – Cầu gặp nhau rất minh bạch, Người nông dân ra sàn đó tham khảo giá và tự biết mình nên trồng cây gì, nuôi con gì cho có lãi và tiến hành ký hợp đồng bán trước nhằm chuyển rủi ro giá cả biến động sang cho các nhà đầu cơ tại sàn.

Vì vậy, họ không bị thua thiệt khi thu hoạch. Hiện nay, vai trò quản lý Nhà nước đang bị bỏ lửng cho các thương lái chi phối sản phẩm nông sản, thậm chí cả thương lái nước ngoài như Trung Quốc sang tận nước ta tận thu, thao túng quả là đáng buồn.

Chuỗi giá trị hàng nông sản bị cắt khúc, chi phối có lợi cho khâu trung gian và gián tiếp nên cần phải thiết lập lại các thể chế kinh doanh thị trường và hỗ trợ nông dân kiến thức kinh tế thị trường mới là tháo nút thắt cổ nông dân như ở trên.

-  Ông suy nghĩ gì khi xã hội thường chỉ nhìn nhận và đánh giá cao đức tính cần cù mà không xét đến hiệu quả thực của sự cần cù ấy? Đó có phải là lực cản của sự phát triển không, thưa ông?

Theo suy nghĩ của tôi thì không phải xã hội thường chỉ nhìn nhận và đánh giá cao đức tính cần cù đâu.

Như phân tích của tôi ở trên, từ xa xưa khi xã hội phong kiến nước ta các cụ cũng đánh giá cao sự thông minh rồi, nhưng giai đoạn lịch sử sau chiến tranh thông nhất đất nước chúng ta rơi vào trạng thái trì trệ tư duy mà sau này phải đổi mới tư duy và đổi mới kinh tế để có thành tựu như ngày nay.

Bản chất cần cù không phải là lực cản mà nó là đặc tính của lao động, còn hiệu quả là bản chất của kinh tế. Nhiều người cho rằng học kinh tế là học nhiều thứ mà không rõ thứ gì là chưa thấy hết bản chất của nó. Đặc tính sinh viên trường kinh tế là đi đâu cũng tính tính, toán toán, còn đặc tính sinh viên trường kiến trúc là phải nghệ sĩ, bay bổng…

Cái gì làm nên sự khác biệt đó, chính là bản chất khi làm kinh tế là phải tính đến hiệu quả, vậy mà trong thời gian dài khi theo mô hình kế hoạch hóa tập trung chúng ta không quan tâm tới hiệu quả kinh tế. Sau khi đổi mới tư duy năm 1986 và đổi mới kinh tế từ 1992, nước ta mới thực sự đi làm kinh tế và từng bước hoàn thiện cơ chế thị trường.

Đến nay, Mỹ cũng chưa thừa nhận nước ta là kinh tế thị trường mặc dù nhiều nước thừa nhận và khi vào WTO chúng ta chấp nhận 12 năm chưa phải là kinh tế thị trường.

Do đó, bản chất nền kinh tế của ta chưa thực sự lấy hiệu quả là thước đo. Do đó, đừng kết luận oan cho đặc tính lao động cần cù là cản trở sự phát triển. Thực chất, thể chế nền kinh kế của chúng ta mới đang là cản trở.
Phải tăng thêm kiến thức thị trường cho người nông dân

Chúng ta đã nhận ra điều đó và đang từng bước khắc phục bằng các biện pháp tôi cho là khá đúng như kiên quyết cổ phần hóa, sử dụng nhiều công cụ và chính sách tiền tệ … thay cho các mệnh lệnh hành chính. Mặc dù liều lượng còn chưa đủ và kết quả chưa như mong muốn.

Cần phải cắt hết..."công chức ma"

- Tương tự như với người nông dân, đội ngũ công chức cũng bị dư luận đánh giá có tới 30% công chức cắp ô, nghĩa là những người này vẫn đảm bảo giờ giấc, ngày công làm việc đầy đủ, họ mẫn cán, cần cù một cách hình thức trong khi hiệu quả công việc thì hầu như không có. Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lên tiếng nhiều lần về công chức như thế nhưng việc cắt giảm biên chế vẫn không có chuyển biến gì.

Nghĩa là chỉ mẫn cán một cách hình thức, không có hiệu quả thực tế…hiện tượng này được coi là chăm chỉ hay lười biếng thưa ông?


Điều này tôi cho là đúng, Trung Quốc cũng đã cắt giảm hơn 160.000 “công chức ma”, VN cũng cần phải ra tay quyết liệt vì hiện nay xu thế con người đang muốn trở lại làm ở các khu vực công thay vì khu vực tư nhân là tín hiệu đáng buồn vì khu vực tư nhân Việt nam đã yếu kém đến mức người lao động chán trường.

Trong khi đó, khu vực công làm quá nhàn rỗi, ít sức ép, bổng lộc nhiều … đang thu hút họ. Những đó lại là tín hiệu cho thấy vai trò điều hành kinh tế của Nhà nước đang chệnh hướng. Một nền kinh tế thị trường thì khu vực tư phải năng động hơn, tạo ra nhiều lợi nhuận hơn, đóng góp nhiều thuế hơn thì mới đảm bảo nuôi được khu vực công và phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, nếu xét một vài vị trí thì công việc công lại quá tải nhưng cách làm chưa sáng tạo nên một người làm cho 10 người hưởng là vẫn có. Do đó, cán bộ nào rơi vào vị trí phải làm thì chăm chỉ còn phần lớn là lười biếng một cách hợp pháp.

-  Ông có ngạc nhiên khi rất nhiều người lại coi công chức mẫn cán theo kiểu hình thức ‘cắp ô” như vậy là khôn ngoan, biết sống giữa thời buổi khó khăn này?

 Đúng như vậy, như tôi đã nói công chức “cắp ô” là vị trí “lười biếng hợp pháp” không phạm gì và cũng chẳng làm ra cái gì. Còn gọi là khôn ngoan hay không thì tôi không dám kết luận.

- Từ góc độ một chuyên gia kinh tế, ông lý giải mối quan hệ giữa đức tính cần cù, chịu khó và hiệu quả thực của cái sự cần cù chịu khó ấy, như thế nào? Có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực, văn minh của thế giới được không, thưa ông?

Nếu được phép phát biểu một cách thẳng thắn thì tôi xin khẳng định mối quan hệ giữa đức tính cần cù là “điều kiện cần” và hiệu quả thực của công việc là “điều kiện đủ” để tạo nên thành công.


Tôi vẫn tâm đắc câu nói “thành do người mà bại cũng do con người”. Đừng quá tự ti coi Người Nhật, Người Hàn, Người Trung, Người Ấn thông minh hơn ta. Từ xa xưa Người Việt ta cũng thông minh để các dân tộc phải ngưỡng mộ rồi.

Chỉ có mấy mươi năm gần đây do dân tộc ta trải qua quá nhiều cuộc chiến hao tiền, tốn của sau đó lại sa đà vào cơ chế kinh tế kém hiệu quả thì các dân tộc khác mới vươn lên thôi.

Vì vậy, tôi vẫn tin vào thế hệ trẻ Việt Nam thừa sức vươn lên trong cuộc cạnh tranh toàn cầu ngày nay theo hướng văn minh hiện đại, nhưng hãy tin tưởng vào họ và cởi trói cho họ bằng cơ chế kinh tế thị trường đảm bảo công bằng, dân chủ và minh bạch thì mọi tiềm năng của con người sẽ được phát huy. Tôi luôn tin như vậy.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS!

Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn