NGƯỜI VỀ TỪ TÂM BÃO

Tổng hợpThứ Hai, 02/08/2010 02:46:00 +07:00

Ngay từ đầu mùa bão, tất cả phóng viên, biên tập, quay phim ở kênh VTC14 đã rậm rịch chuẩn bị và luôn trong tư thế sẵn sàng xông vào những nơi có bão lũ.

Ngay từ đầu mùa bão, tất cả phóng viên, biên tập, quay phim ở kênh VTC14 đã rậm rịch chuẩn bị và luôn trong tư thế sẵn sàng xông vào những nơi có bão lũ, thiên tai. Và bão Conson- Cơn bão Số 1 chính là “MỤC TIÊU” đầu tiên trên mặt trận chống bão năm nay của họ. Hãy lắng nghe câu chuyện của BTV Lưu Phước - người về từ tâm bão Đồ Sơn- Hải Phòng.

 

 

Chiều 15/07…

 

Vừa ăn trưa xong, tôi nhận được lệnh đi Đồ Sơn. Tôi đã chuẩn bị tâm lý đi công tác bất cứ lúc nào, nhưng việc phải về Hải Phòng lần này cũng khá đột ngột. Ngày 16/07, bão vẫn còn ở xa, chưa xác định sẽ vào Quảng Ninh, Hải Phòng hay Thanh Hóa. Tại thời điểm đó, lãnh đạo cũng đã cử phóng viên theo các mũi Thanh Hóa, Yên Bái, Quảng Ninh... Những tưởng cũng như các mũi khác, đến lúc lên đường, tôi mới được sếp chỉ thị sẽ thực hiện một điểm cầu truyền hình từ Đồ Sơn - Hải Phòng. Vì thế, nhóm chúng tôi có thêm 2 kỹ thuật viên đi cùng, máy móc cũng đầy đủ hơn các nhóm khác. Sáng 16/07, tôi lên đường về Hải Phòng, cũng không kịp chuẩn bị quần áo hay đồ dùng cá nhân gì nữa.

 

Ngày 16/07…

 

Xuống đến nơi, tôi thấy biểu hiện của bão vẫn chưa nhiều, mọi sinh hoạt của người dân vẫn diễn ra bình thường. Mấy anh em tranh thủ thời gian đi chuẩn bị thêm một số dụng cụ, mua sắm áo mưa, áo bơi, dây thừng… và gặp gỡ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão quận Đồ Sơn để cập nhật thông tin, tình hình cơn bão và công tác chuẩn bị của địa phương.

 

Tối 16/07…

 

Đúng 11h đêm, chúng tôi mới về đến khách sạn. Bão đã được dự kiến trưa hoặc chiều hôm sau mới đổ bộ vào nước ta và tâm bão sẽ là Đồ Sơn - Hải Phòng. Tôi và quay phim ngồi bàn kế hoạch xem ngày mai đến đâu, quay gì. Trời về đêm, bắt đầu nhiều gió nhưng hai anh em vẫn tranh thủ xuống đường, đi khảo sát hiện trường, tìm bối cảnh ghi hình, những nơi có thể bị tốc mái nhà, vỡ cửa kính hay những chỗ cây cối có thể bật gốc... Chỉ có một máy quay nên chúng tôi xác định quay cảnh nào là phải “ngon lành” cảnh đó. Hơn 12h đêm, hai anh em mới mò được về phòng.

 

 

Sáng 17/07…

 

Gần 6h sáng trở dậy, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của bão, gió và sóng biển nhè nhẹ. Hai anh em lại vác máy đi quanh Đồ Sơn để ghi hình công tác chuẩn bị đón bão của người dân. Ven biển ngày thứ 7, các hàng quán vẫn tranh thủ kinh doanh. Có một điều hơi quái lạ là đáng lẽ vào mùa bão thì khách du lịch phải tránh đi biển nhưng ở Đồ Sơn thì khác, thậm chí lượng người đến tăng lên rất nhiều trong những ngày này. Người ta chủ động đặt tour đến đây để được ngắm bão, khám phá cơn bão. Nhiều người vẫn ra bãi biển chơi bóng chuyền, bóng đá, tắm biển…

 

Chiều 17/07…

 

Sang buổi chiều, bắt đầu có biểu hiện của bão, tôi nhận được lệnh phải thực hiện phóng sự cho hai bản tin lúc 17h00 và 18h00. Tôi và quay phim lại vác máy đi làm tin quanh Đồ Sơn. Trời bắt đầu mưa và gió lớn. Cây bên đường bật gốc, bảng hiệu hàng quán bị gió đập chỏng trơ, nhà cửa tốc mái tôn... Đến đoạn gần bờ biển, hai anh em quyết định xuống xe. Quay phim còn có máy quay nặng “giữ chân” còn tôi “thấp bé nhẹ cân” nên phải bám vào thành ô tô để tránh gió quật.

 

Đúng 17h00, trời nổi dông, bão hiện hữu một cách rõ rệt. Đứng cách bờ biển hơn 10m, lần đầu tiên, tôi được nhìn trực diện những con sóng chồm lên bờ kè, bắn cao tới hơn chục mét, tạo ra những hình thù kỳ dị như những con quái vật biển hung dữ. Gió lớn và triều cường lên cao khiến những từng đợt sóng vươn qua con đường mòn ven biển, đập vào vách núi. Thiên nhiên hung dữ nhưng con người vẫn hiếu kỳ kéo nhau rất đông ra tận nơi chỉ để chứng kiến khoảnh khắc hùng vĩ. Họ thích thú ngắm nhìn và chụp ảnh làm kỷ niệm. Chính quyền địa phương phải đến tận nơi, dùng biện pháp cưỡng chế để đảm bảo sự an toàn cho mọi người.

 

Chúng tôi chuẩn bị máy móc, thiết bị kỹ thuật để lên hình trực tiếp cho đầu cầu Đồ Sơn. Nước đã dâng lên gần đầu gối, mưa hắt vào người lạnh buốt. Tôi và quay phim mặc áo mưa cho người và cho máy cẩn thận. Vừa quay lại vừa lau mắt kính. Theo đúng chỉ đạo của sếp, “mang không khí bão về VTC14”, chúng tôi truyền về những hình ảnh trong cơn bão: cây cối nghiêng ngả, đổ gục, sóng cao, đường ngập… Không cần nói nhiều, chỉ để hình ảnh lên tiếng. Bản tin vừa kết thúc, chúng tôi lại tức tốc chuẩn bị cho bản tin tiếp theo lên sóng vào 18h00.

 

 

Tối 17/07…

 

Theo dự định ban đầu là chỉ làm 2 bản tin, nhưng đến lúc này, chúng tôi nhận được lệnh giữ nguyên máy móc để chuẩn bị lên hình bản tin 19h40 phút. Đúng lúc đó thì mất điện, trời tối đen, xung quanh mênh mông là nước. Lái xe đành quay đèn ô tô để chiếu sáng. Một số người dân quanh đó nhìn thấy nhóm phóng viên đang tác nghiệp, cũng dùng đèn pin soi vào để chúng tôi có đủ ánh sáng lên hình. Thành ra những hình ảnh lúc này lại rất… đẹp và nên thơ. Sóng đằng sau dâng cao và lấp lánh ánh đèn chiếu vào, chẳng khác gì đang được chứng kiến màn nhạc nước.

 

Xong bản tin 19h40, tôi thở phào nhẹ nhõm sau 3 tiếng đồng hồ ngâm chân dưới nước. Lúc này biển và gió đã lặng, tôi yên chí bão đã qua. Đang thu dọn máy móc để về khách sạn thì tôi nhận được thông tin bão chưa tan mà lúc này Đồ Sơn đang ở giữa mắt bão và phải tức tốc làm thêm phóng sự cho bản tin 23h00. Cũng may tôi sinh ra và lớn lên ở Đồ Sơn nên thông thuộc mọi đường đi lối lại, biết được chỗ nào ngập, chỗ nào sẽ phải chịu nhiều thiệt hại nhất của cơn bão. 

 

Lọ mọ cả đêm đi quay suốt hai tiếng đồng hồ, chúng tôi về khách sạn để dựng thô và gửi bài. Trời vẫn mưa to, mất điện nhưng biết chúng tôi đang cần đường mạng, chủ khách sạn vẫn chạy máy nổ để nhóm có thể gửi bài về kênh kịp thời. Kết thúc một ngày vất vả nhưng hiệu quả, mấy anh em ngồi tiếp tục lên kế hoạch cho ngày hôm sau. Nửa đêm nằm ngủ lại tỉnh dậy ngó qua cửa sổ xem diễn biến thời tiết thế nào.

 

Sáng 18/07…

 

Sáng sớm, chúng tôi có lịch đi họp ở UBND TP Hải Phòng, tổng kết những thiệt hại sau cơn bão số 1. Tranh thủ vừa đi trên đường, quay phim Đại Dương ghi lại những hình ảnh hậu mưa bão. Trời quang mây tạnh, mọi sinh hoạt của người dân trở về bình thường, hàng quán lại kinh doanh, khách du lịch lại ra biển… Trên đường đi, chúng tôi nhận được thông tin cầu Bính bị thiệt hại nặng nề. Cả nhóm lập tức đi thẳng ra hiện trường. Vụ việc cầu Bính bị tàu đâm được xem là hậu quả nặng nề nhất của Hải Phòng sau Cơn bão số 1. Tôi và quay phim đi bộ từ bên này sang bên kia cầu, ghi lại nhiều hình ảnh chi tiết, gửi về cho kịp bản tin trưa trong ngày. Để đảm bảo tính thời sự, sau khi ghi hình xong, tôi tranh thủ ngồi trên xe dựng thô và tạt vào một ngôi nhà bên đường xin gửi nhờ đường mạng. Dù không hề quen thân nhưng sau khi biết chúng tôi là phóng viên đi tác nghiệp, lại biết tôi cũng là người Đồ Sơn, chủ nhà đã nhiệt tình dẫn cả nhóm vào phòng có internet, đồng thời, tắt các đường mạng khác trong nhà để tập trung đường truyền cho nhóm phóng viên gửi bài. Ra về, tôi thấy vui vui, tự dưng nghĩ đến cái tình của người dân đã bao bọc bộ đội trong thời chiến tranh lửa đạn. 

 

 

Chiều 18/07…

 

Trên đường quay về, tôi nhìn ra bờ biển, lại thấy cảnh tấp nập ngày thường, cứ như thể chưa hề có cơn bão nào qua đây… Chuyến đi chỉ hơn 2 ngày nhưng mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm tác nghiệp và những cảm xúc khó tả.

 

Lần đầu tiên về quê mà không ghé qua nhà. Mẹ gọi điện nhưng trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, tôi không thể trả lời. Lần thứ hai mẹ gọi, cũng chỉ kịp hỏi “Nhà ta có làm sao không mẹ?” và kịp nghe “Không sao cả” rồi cúp máy. Hôm trời bão, khách sạn không nấu cơm, mấy cậu bạn lại mua mì tôm ra “cứu trợ”. Được cái, anh em trong nhóm làm việc hăng, tinh thần phấn chấn, mọi việc lại diễn ra khá suôn sẻ nên quên cả đói, cả mệt…

 

Đây là lần đầu tiên kênh VTC14 có một cầu truyền hình từ hiện trường như thế. Lại là lần đầu tác nghiệp trong vùng bão nên tôi không tránh khỏi bỡ ngỡ, dù đã chuẩn bị kỹ. Mỗi lúc lúng túng, tôi lại gọi điện về kênh và được sự chỉ dẫn, hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo nên các phóng sự hầu như đã hoàn thành khá tốt. Nếu lần sau đối mặt với bão, chắc chắn tôi sẽ làm tốt hơn nữa. Tôi đã trải nghiệm cảm giác tác nghiệp “thần tốc” là như thế nào. Tổng thời gian vừa đi quay, về viết text, dựng phóng sự chỉ gói gọn trong 2 tiếng. Cứ quay xong là lên xe cóp file ra, vừa quay, vừa viết lời bình, dựng thô và đến khách sạn là gửi được luôn về kênh. Vì chỉ có một máy quay nên bắt buộc chúng tôi phải di chuyển liên tục để có nhiều hình ảnh, phong phú. Vấn đề kỹ thuật cũng rất quan trọng, nhất là khi đi làm chương trình bão lũ, vì rất dễ mất điện, hỏng hóc máy móc, mà các cảnh quay thì không thể có lại lần hai. Do đó, hai kỹ thuật viên luôn theo dõi sát sao, nhằm đảm bảo chất lượng máy quay và đường truyền để kịp thời gửi thông tin về kênh nhanh chóng. Cũng may cho nhóm phóng viên chúng tôi là bão đổ bộ ban ngày nên có thể ghi lại được những hình ảnh rõ nét của cơn bão.

 

Trong lúc từng nhóm phóng viên cắm chốt ở các địa phương thì ở kênh, mọi người cũng tất bật lên sóng, bình quân 1-2 tiếng/bản tin trực tiếp. Hầu như mọi người đều trưc suốt đếm, không ai ngủ, vừa liên hệ, cập nhật thông tin, vừa kiểm tra đường truyền từ các tỉnh về. Ngay góc màn hình tivi luôn có một cửa sổ truyền hình trực tiếp những hình ảnh chân thực diễn biến cơn bão số 1 ở Hải Phòng. Những thông tin chúng tôi gửi về chỉ là tư liệu, các BTV ở nhà sẽ gia công, cắt gọt, trau chuốt trước khi phát sóng. Hậu phương và tiến tuyến đã phối hợp với nhau chặt chẽ, và nếu không có các đồng nghiệp thì tôi đã không thể vượt qua thử thách đầu tiên khá suôn sẻ như thế.

Bình luận
vtcnews.vn