Người vay tiêu dùng khốn đốn vì lãi suất "bốc đầu"

Kinh tếThứ Năm, 09/12/2010 09:19:00 +07:00

Lãi suất vay tiêu dùng tại hầu hết ngân hàng đã tăng lên trên dưới 20%/năm. Nhiều hợp đồng vay chưa hết thời hạn điều chỉnh đã bị ngân hàng áp mức lãi suất mới.

Lãi suất vay tiêu dùng tại hầu hết ngân hàng đã tăng lên trên dưới 20% một năm, thay vì mức 15 - 16% như trước đây. Nhiều hợp đồng vay chưa hết thời hạn điều chỉnh đã bị ngân hàng áp mức lãi suất mới, khách hàng rơi vào cảnh "kéo cày trả nợ".



Anh Trình Xuân Thủy, làm về lĩnh vực xây dựng, khách hàng mua xe trả góp tại Salon GM Deawoo (số 1 Lê Trọng Tấn, Hà Nội) cho biết, ngày 11/10, anh làm hồ sơ vay tiêu dùng của Ngân hàng Techcombank, chi nhánh Láng Hạ (Hà Nội) để mua ô tô trả góp với khoản vay 180 triệu đồng, thời hạn 4 năm, lãi suất ghi trên hợp đồng là 15,8% một năm. Hợp đồng vay trả gốc và lãi chia đều hàng tháng.

Tuy nhiên, ngay lần trả tiền tháng đầu tiên vào ngày 14/11, ngân hàng này đã áp mức lãi suất cho hợp đồng vay của anh Thủy lên tới 1,4% một tháng (tương đương 16,8% một năm), trong khi thời hạn điều chỉnh lãi suất trong hợp đồng là 3 tháng. “Tôi e rằng quá ba tháng, ngân hàng còn tăng lãi suất lên mạnh nữa. Nhiều người quen của tôi cho biết, vay tiêu dùng ngân hàng bây giờ lãi suất toàn trên dưới 1,8% một tháng”. Theo anh Thủy, đáng lẽ anh chỉ vay với thời hạn hai năm, nhưng với hồ sơ của anh, ngân hàng yêu cầu phải vay với thời hạn bốn năm. “Tôi thấy khách hàng bị o ép và hoàn toàn bị động trong việc vay vốn. Tôi đang có ý định rút tiền cá nhân đầu tư ở một số kênh và vay thêm từ người thân để trả hết tiền trước hạn cho ngân hàng, chứ lãi cao mà thời hạn vay kéo dài thế này thì chỉ nai lưng ra làm để nuôi ngân hàng thôi”, anh Thủy tâm sự.

Lãi suất cho vay tiêu dùng của nhiều ngân hàng tăng "bốc đầu" khiến khách khổ sở

Trường hợp chị Thanh ngụ ở Trung Văn (Hà Nội) còn “oái oăm” hơn. Chị vay 400 triệu đồng từ ngân hàng để xây nhà vào thời điểm đầu tháng 9, với lãi suất 15% một năm, thế chấp trên miếng đất hai vợ chồng mua được từ trước. Tính đến đầu tháng 12 là tròn ba tháng (thời hạn điều chỉnh lãi suất), chị bất ngờ nhận được thông báo mức lãi suất đã tăng lên 20%. Chị Thanh cho biết, chị vay theo hình thức trả gốc và lãi chia đều hàng tháng, nên hai vợ chồng đã tính toán kỹ mức vay và khả năng trả nợ hàng tháng dựa trên mức lãi suất ban đầu, đâu có ngờ mới vài tháng mà lãi suất đã tăng mạnh như thế. Với lãi vay 15% chị đã thấy quá xót xa khi hàng tháng phần lớn tiền thu nhập của hai vợ chồng nướng hết vào ngân hàng, bây giờ lãi suất tăng gấp 1/3 thì gần như là “quá tải” với gia đình chị. “Nếu biết thế thì chúng tôi thà hoãn xây nhà, ở nhà thuê còn sướng hơn. Thời buổi giá cả thực phẩm, hàng hóa đắt đỏ, lãi suất ngân hàng lại tăng thì chúng tôi phải chi tiêu chật vật lắm mới kham nổi”, chị Thanh nói.

Cũng có suy nghĩ như chị Thanh, nhiều người cho rằng, khi lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng tăng quá cao như thế này, thì tốt nhất nên “thắt lưng buộc bụng”, không nên mua đất, sửa nhà hay tậu xe, sắm sanh làm gì cho mệt. Theo tính toán của anh Long, một môi giới bất động sản, một miếng đất mua hồi đầu năm 2010, đến cuối năm bán cũng chỉ lời được không đến 20% do giá nhà đất chững lại, thế mà lãi vay ngân hàng lên tới hơn 20% thì chẳng còn lời gì, nên dân “cò đất” cũng chẳng mấy “mặn mà” với việc vay vốn nhà băng.

Công ty CP cho thuê ô tô An Hưng là đại lý ủy quyền bán và bảo hành của GM Deawoo tại Hà Nội, cũng là điểm trung gian kết nối giữa khách hàng với ngân hàng trong việc vay tiền mua xe trả góp. Theo ông Hoàng Thức, chuyên viên tư vấn khách hàng, từ trước tới nay, có khoảng 70% khách hàng mua xe tại đại lý là thuộc diện mua trả góp. Thế nên, khi lãi suất cho vay tiêu dùng tăng mạnh thời gian qua, lượng khách mua xe tại đại lý đã giảm tới phân nửa.

Trước đây lãi suất cho vay mua ô tô tại các ngân hàng chỉ khoảng 16 – 17% một năm, nhưng nay đã lên tới ít nhất là 20%, điều kiện vay cũng khó hơn vì yêu cầu chứng minh mức thu nhập hàng tháng cao hơn so với trước (thông thường các ngân hàng cho vay tiêu dùng thường yêu cầu người vay chứng minh mức tổng thu nhập hàng tháng cao hơn so với số tiền vốn và lãi trả dần mỗi tháng). Ông Thức cũng cho biết, Công ty An Hưng liên kết với rất nhiều ngân hàng để triển khai việc cho khách hàng vay mua xe, và hiện trong số đó, HD Bank là ngân hàng có mức lãi vay tiêu dùng cá nhân cao hơn cả. Theo ông Thức, có khách hàng than là ngân hàng đề nghị lãi suất vay tiêu dùng lên tới 23% một năm, cao ngang với trên thị trường tín dụng "đen".

Tuy không tiết lộ mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao nhất tại ngân hàng mình, song một lãnh đạo cấp cao nhất của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank), cho hay, trước đây mức lãi suất này là 14% - 15% một năm, nhưng hiện đã tăng lên mức thấp nhất là 18% một năm, tùy vào từng trường hợp vay của khách. “Thế nhưng những tháng cuối năm, ngân hàng vẫn hạn chế cho vay tiêu dùng, vì để bảo toàn thanh khoản cuối năm. Có một thực tế là dù lãi suất tiền gửi đã tăng rất cao thời gian gần đây, có nơi nâng lên tới 15 – 16% một năm, song lượng tiền các ngân hàng huy động được vẫn rất hạn chế, vì vậy việc cho vay cũng không thể ồ ạt được”, vị lãnh đạo này nói

Còn Giám đốc khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng An Bình, ông Đàm Thế Thái cho hay, lãi suất cho vay tiêu dùng của ngân hàng này cũng mới được điều chỉnh tăng lên một mặt bằng mới, từ 18,3% đến hơn 19% một năm. Tuy nhiên, ông Thái thừa nhận, lãi suất cụ thể có thể được điều chỉnh theo sản phẩm, thời hạn vay và xếp hạng tín dụng của từng khách hàng. Lãi suất cao nhưng lượng khách hàng vay vốn vẫn có phát sinh đều đặn, chủ yếu là vay mua nhà. Song thời điểm này, khách vay tiêu dùng đã giảm hơn trước đáng kể.

Theo Báo Đất Việt

Bình luận
vtcnews.vn