Người Triều Tiên tiêu tiền khác xưa thế nào?

Thế giớiThứ Hai, 28/08/2017 14:40:00 +07:00

Những thay đổi cơ cấu kinh tế của Triều Tiên vài năm trở lại đây đã kéo theo những thay đổi trong văn hóa tiêu dùng của người dân quốc gia bí ẩn này.

Giống như nhiều người Triều Tiên khác, Song Un-pyon đeo huy hiệu chân dung chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung và Kim Jong-il ở ve áo trái, nhưng bên ve áo phải của cô là chiếc trâm cài áo lấp lánh. Có thể nói, chỉ cần nhìn vào Song, người ta sẽ thấy được Triều Tiên đã thay đổi như thế nào kể từ khi chủ tịch Kim Jong-un bắt đầu lãnh đạo đất nước này.

Văn hóa tiêu dùng của Triều Tiên đang có những thay đổi thay đổi lớn và dễ nhận ra, từ 120 loại kem của thương hiệu “Sân vận động 1/5” cho đến việc thanh toán thẻ dần trở nên phổ biến. Mặc dù đồng USD và nhân dân tệ vẫn khá phổ biến tại Triều Tiên, song việc sử dụng thẻ ngân hàng hoặc đồng won Triều Tiên đang trở nên phổ biến, chứng tỏ sức mua và tính ổn định của đồng tiền này đang tăng.

NKCC - 01

Song Un-pyon đeo huy hiệu chân dung chủ tịch Triều Tiên Kim Il-sung và Kim Jong-il ở ve áo trái và một chiếc trâm cài áo lấp lánh bên ve áo phải. (Ảnh: AP)

Dù tiếp tục duy trì khẩu hiệu “Quân đội là trên hết” với việc quyết định chi gần 25% trong 30 tỉ USD GDP của Triều Tiên cho quân sự, song chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un còn đưa ra khẩu hiệu “Phát triển song song”. Hiểu một cách đơn giản, hiện nay Triều Tiên đang ưu tiên phát triển lĩnh vực quốc phòng và lĩnh vực hàng tiêu dùng.

Trong Kế hoạch 5 năm vừa được chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thông qua vào cuối tháng 5/2017, có chỉ thị các nhà máy phải ưu tiên sản xuất nhiều hơn những sản phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày cũng như phải nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

NKCC - 02

Nhân viên tại quầy thanh toán trong cửa hàng bách hóa Potonggang, Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Đồng thời kế hoạch 5 năm mới này còn cho phép các nhà quản lý được quyền chủ động hơn trong việc quyết định mặt hàng nào sẽ được sản xuất, mức lương trả cho công nhân viên và xây dựng đối tác làm ăn. Chính nhờ điều này, trong vài năm gần đây, hàng hóa tiêu dùng tại Triều Tiên trở nên đa dạng về mẫu mã và chủng loại hơn nhiều so với cách đây 2 thập kỷ.

Trong một số cửa hàng đặt biệt, người ta có thể bắt gặp một chiếc điện thoại thông minh thương hiệu “Bình Nhưỡng” với giá khoảng 200 USD. Nhà máy bia Taedonggang có trụ sở tại Bình Nhưỡng cho ra mắt đến 8 dòng bia khác nhau, trong đó có bia đen, bia vàng và một loại bia có mùi chocolate.

Video: Có gì bên trong lễ hội bia tươi đầu tiên ở Triều Tiên?

Mặc dù lệnh cấm vận chống Triều Tiên được thắt chặt, song nhiều mặt hàng nhập khẩu vẫn có mặt tại đây. Người ta có thể dễ dàng mua được một lon cafe Pokka của Nhật với giá 0,8 USD. Những mặt hàng xa xỉ như một chiếc Mercedes-Benz Viano mức giá lên đến 63.000 USD và đòi hỏi người mua phải có một vài quan hệ, song chúng vẫn có mặt tại Triều Tiên.

Trên những con đường ở các thành phố khác nhau, người ta vẫn có thể bắt gặp những người phụ nữ cao tuổi bán trái cây, rau củ và các loại thức ăn khác. Tại thành phố, các khu chợ và cửa hàng bách hóa tấp nập người ra vào, với đủ loại hàng hóa như nước giải khát, khoai tây chiên, súp đóng hộp và thuốc lá của Triều Tiên.

NKCC - 03 3

Nhân viên tại quầy thanh toán trong cửa hàng bách hóa Potonggang, Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP)

Chất lượng phục vụ tại các cửa hàng của Triều Tiên cũng đang được nâng cao. Song Un-pyon cho biết, “Lúc đầu chúng tôi mở cửa lúc 10 giờ sáng và đóng cửa lúc 6 giờ tối. Nhưng năm 2015, nguyên soái đáng kính Kim Jong-un của chúng tôi yêu cầu phục vụ từ 10 giờ sáng đến 8 giờ tối để mọi người có thể mua sắm vào buổi tối, khi nhiều công nhân thường đến cửa hàng vào buổi tối sau khi làm việc”.

Hính thức khuyến mại mua 2 tặng 1 cũng dần trở nên phổ biến tại nhiều cửa hàng, thậm chí nhiều mặt hàng còn được giảm giá. Những áp phích quảng cáo các loại thuốc mới hoặc nước tăng lực cũng xuất hiện ở nhiều cửa hàng. Khách mua hàng có thể đăng ký thẻ thành viên để tích điểm và được hưởng mức chiết khấu cao hơn.

NKCC - 05 4

Nhân viên xếp hàng hóa lên các kệ trong cửa hàng bách hóa Potonggang, Bình Nhưỡng. (Ảnh: AP) 

“Đang có sự gia tăng cạnh tranh giữa các công ty nội địa ở Triều Tiên nhằm thu hút khách hàng và xây dựng các thương hiệu uy tín”, Michael Spavor, doanh nhân người Canada thường xuyên có mặt tại Triều Tiên nhận định.

Lệnh cấm vận mới nhất của Liên Hợp Quốc khiến nguồn thu ngoại tệ của Triều Tiên giảm mạnh. Còn Trung Quốc một mặt hạn chế nhập khẩu những mặt hàng chính của Triều Tiên, nhưng mặt khác tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng sang đất nước này.

NKCC - 04 5

Nhân viên cửa hàng bách hóa Potonggang, Bình Nhưỡng đi tới khu vực cầu thang cuốn. (Ảnh: AP)

Theo AP, những tác động của lệnh cấm vận và sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc khiến nền kinh tế Triều Tiên trở thành một bong bóng kinh tế. Cũng theo AP, giá khí đốt đã tăng lên hơn 200% trong chưa đầy 6 tháng trở lại đây, và giá các mặt hàng khác dường như cũng đang có chiều hướng tăng.

Quy luật thị trường đem đến những hình thức cạnh tranh mới, điều này đối lập lại với tính chất của nền kinh tế quốc doanh tập trung trước đây tại Triều Tiên. Nền kinh tế của Triều Tiên đang có xu hướng vận động sang kinh tế thị trường, AP nhận định.

Nguyễn Tiến (Nguồn: AP)
Bình luận
vtcnews.vn