Người thuần hóa 'chúa tể bầu trời'

Phóng sự - Khám pháThứ Hai, 18/03/2013 10:49:00 +07:00

Chỉ trong ba năm, "vua" săn đại bàng Lã Văn Lợi đã bắt được trên 60 con đại bàng các loại.

Khi nhà nước có lệnh cấm săn bắt động vật hoang dã, ông lại chuyển sang nghề bốc thuốc cứu chữa dân lành nhưng vẫn giữ được mấy đôi chim đại bàng để nhân giống.


Chúng tôi đến xã Bắc Lãng khi còn bảng lảng sương đêm, nhìn những nhà dân nằm nép mình vào vách núi ven Quốc lộ 4B đã sáng đèn. Chúng tôi rẽ vào một nhà dân để trú cho đỡ lạnh và hỏi thăm về huyền thoại săn đại bàng Lã Văn Lợi.

Không ngờ, mọi ánh mắt lại đổ dồn vào một người đàn ông chừng 60 tuổi, dáng hơi gầy đang ngồi đó. Một thanh niên bản bảo: "Đấy, ông Lợi đấy! Ông ấy là người săn đại bàng giỏi nhất vùng này".

Ông Lợi trở thành huyền thoại săn đại bàng nhờ kỳ tích là chỉ trong vòng 3 năm mà ông bắt được trên 60 con đại bàng trưởng thành. Trong khi những thợ săn khác may mắn lắm thì bắt được dăm ba con, ở Bắc Lãng chưa có người nào vượt qua ông về số lần bắt được đại bàng.

Theo ông Lợi thì săn đại bàng cũng phải có duyên, nếu không thì có cả đời cũng chẳng bắt được đại bàng. Ngoài cái duyên ra còn phải biết cách chăm sóc đại bàng, nếu không thì đại bàng sẽ chết.


Đại bàng sập bẫy

"Tôi không săn đại bàng từ lâu rồi, những con đại bàng tôi nuôi đã sinh sản và tôi thả bớt chúng về rừng. Trước đây nuôi đại bàng cũng giống như nuôi diều hâu, chỉ tổ tốn thịt gà cho đại bàng ăn mà người thì chả được miếng nào. Mấy năm nay mới thấy nhiều người nói đại bàng có giá cao, nhưng mà tôi không muốn săn đại bàng nữa. Phần vì tuổi đã già và tôi lại đang nấu cao thực vật nên công việc bận rộn".

                             Ông Lã Văn Lợi
Lôi từ gác bếp ra những chiếc bẫy sắt hoen ghỉ và đã hỏng vì lâu ngày không sử dụng, ông Lợi bảo đấy là những chiếc bẫy cuối cùng ông giữ lại để làm kỷ niệm, để mỗi khi buồn tẻ, thấy nhớ rừng nhớ bóng dáng đại bàng ông lại lôi ra nhìn ngắm.

Theo ông Lợi thì không thiếu gì cách bẫy đại bàng, từ cách đặt bẫy sắt cuốn giẻ để kẹp chân, đến bẫy lưới, bẫy dây túm cổ đại bàng... Mỗi loại bẫy lại có một kỹ thuật bày binh bố trận khác nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung là bẫy được ngụy trang rất kín đáo, bí mật, đảm bảo đại bàng đã sa chân là bị tóm.

Với bẫy kẹp chân, thợ săn phải cuốn thêm một lớp giẻ quanh vòng sắt, bịt những chỗ răng cưa lại để khi bẫy sập không làm đại bàng bị thương. Khi trúng bẫy, chân đại bàng sẽ bị kẹp chặt khiến chúng không thể bay lên được vì chiếc bẫy đã được buộc cố định bằng một sợi xích sắt vào một gốc cây rừng.

Với bẫy lưới thì người thợ sẽ để con mồi vào giữa lưỡi gà của chiếc bẫy, phía cần bẫy được đặt một hòn đá to làm trọng lực, khi đại bàng lao xuống bắt con mồi đụng phải lưỡi gà thì ngay lập tức bẫy sập xuống, hòn đá nặng đè chặt cần bẫy, đại bàng chỉ còn biết vùng vẫy trong chiếc lưới mà không bị thương. Đây là một trong những cách bắt đại bàng thông dụng, hiệu quả nhất mà thợ săn đại bàng thường dùng.
Chiếc bẫy sau khi được ngụy trang đại bàng sẽ không thể nào phát hiện được. 

7 con đại bàng chết vì dính... cúm gia cầm

Khi chúng tôi đến nhà ông Lợi hỏi về những chú đại bàng, ông trầm giọng rồi kể về cái chết của 7 con đại bàng mà ông ra sức thuần dưỡng nuôi nấng từ khi Nhà nước có lệnh cấm vào rừng săn đại bàng.

Đó là hồi đầu năm 2012, khi dịch cúm gia cầm bùng phát, gà nhà ông bị chết rất nhiều, lúc đó thức ăn của đại bàng cũng hết, ông liền làm thịt một con gà chết do cúm cho đại bàng ăn, chỉ vài hôm sau tất cả 7 con đại bàng đất cũng dính bệnh và chết chỉ trong 1 ngày khiến gia đình ông ngẩn ngơ tiếc nuối.
Cận cảnh một con đại bàng núi. 
"Hồi đầu năm có người xui tôi bán cả bầy đại bàng đi lấy vài chục triệu nhưng tôi không bán. Chúng được tôi thuần dưỡng và sống như gà nhà. Chẳng hiểu sao lúc đó tôi lại đem cho cả bầy đại bàng ăn mấy miếng thịt gà, giờ tôi thấy hối hận và tiếc nuối. Nhưng có lẽ đó cũng là cái số, tôi chỉ có duyên săn đại bàng mà không thể nuôi được chúng.

Giờ tôi già rồi, không có ý định vào rừng săn đại bàng nữa, nhà nước cũng cấm rồi nên thôi. Khi nào thấy nhớ rừng nhớ núi, nhớ những cánh đại bàng thì tôi lại lên khu rừng của gia đình và nhìn ngắm chúng chao nghiêng... đó cũng là thú tiêu sầu thú vị", ông Lợi cho biết.

Đại bàng giết chó săn


Nói về cái thời đu mình trên những triền núi cao theo cánh chim đại bàng, ông Lợi có thể kể cả ngày không hết chuyện. Ông bảo, có nhiều chuyện vui mà nhiều người không thể tin nổi, ngay cả cánh thợ săn cũng phải ôm bụng cười rồi lắc đầu ngao ngán.

Đó là chuyện về một con đại bàng lửa đả thương cả bầy chó săn hơn chục con rồi quắp luôn một chú chó về ăn thịt trước sự bất lực của cánh thợ săn thiện xạ nhất vùng Bắc Lãng.

Câu chuyện về đại bàng lửa đả thương cả bầy chó xảy ra cách đây non chục năm. Lúc đó có hai người thợ săn ở huyện Tiên Yên, Quảng Ninh liên hợp với cánh thợ săn của xã Bắc Lãng để sang vùng Đông Triều, Quảng Ninh săn đại bàng lửa. Cánh thợ săn đem theo đủ thứ bẫy đại bàng cùng bầy chó hơn chục con vào rừng.

Con đại bàng lửa ở đây là con trống, nặng khoảng 9kg, sải cánh trên 2m. Nó có đôi móng vuốt sắc nhọn, chiếc mỏ sắc, khỏe tới mức chỉ cần một nhát mổ của nó đã khiến con mồi như chó, gà... chết ngay lập tức.

Khi cánh thợ nhìn thấy đại bàng sa xuống khu vực bẫy thì họ đã lùa đàn chó ẩn nấp trong bụi rậm xông ra. Không ngờ con đại bàng không dính bẫy mà nhử đàn chó ra xa rồi tiêu diệt từng con một.

Khi đám thợ săn chạy đến nơi thì thấy bầy chó con thì bị toác da, con bị mù mắt... Một con chó săn nặng khoảng 10kg bị đại bằng quắp đi. Cánh thợ săn nhìn theo vẫn thấy con chó kêu ăng ẳng dưới chân đại bàng.
 Trong hai loại đại bàng là đại bàng đất và đại bàng lửa thì khó săn nhất là đại bàng lửa. Loại đại bàng này sống trong những cánh rừng già cách xa khu dân cư hàng chục, hàng trăm cây số. Đại bàng lửa không bao giờ xuất hiện ở khu vực dân cư, chúng bắt rắn, rết, chim nhỏ hơn để ăn thịt. Loại chim này vốn đã hiếm càng hiếm hơn khi các đại gia thích săn loại đại bàng này để ngâm rượu, làm thuốc. Họ cho rằng, mắt của đại bàng lửa rất tinh nên việc ngâm rượu uống có tác dụng chữa bệnh suy giảm thị lực, bổ mắt. Có người còn ngâm cả con đại bàng vào bình rượu để uống dần. Chẳng biết có béo bổ gì hay không nhưng cứ là đại bàng thì giới nhà giàu tìm cách mua bằng được dù giá rất đắt.

TheoKiến thức
Bình luận
vtcnews.vn