Người thợ xăm hình và những giấc mơ nghề giáo không trọn vẹn

Giáo dụcChủ Nhật, 18/11/2018 07:52:00 +07:00

Nếu như trước đây, quanh Tuệ là những đứa trẻ, giáo án, là những nét vẽ hồn nhiên trên tờ giấy trắng thì giờ đây là dụng cụ xăm hình.

Chàng thợ xăm Tuệ cầm cây bút chuyên dụng, tỉ mỉ phác thảo những bức hình thô lên cơ thể vị khách. Trong giới thợ xăm hình, việc vẽ thẳng lên người khách mà không cần hình in lên trước được gọi là "vẽ chay", một kỹ năng mà những người thợ lành nghề, có kinh nghiệm mới làm được. 

Chùm đèn tại căn nhà nhỏ trên phố Trần Nhân Tông ở Đồng Hới này được đặt sẵn phía trên nơi khách hàng nằm đợi bức tranh trên da được hoàn tất. Ánh sáng vừa đủ để nhìn rõ những bức tranh trên tường. Tiếng tạch tạch của máy xăm, tiếng nhạc nhẹ cất lên. Góc làm việc của anh la liệt những lọ mực đủ màu sắc, dụng cụ xăm hình.

tue1

Tuệ chăm chú xăm hình cho một vị khách. Một năm trước, quanh anh là những đứa trẻ, là giáo án, là những nét vẽ hồn nhiên trên những tờ giấy trắng. (Ảnh: NVCC)

Cách đây một năm, nơi Tuệ gắn bó có bảng đen, phấn trắng, những cây bút chì màu và những đứa trẻ - rất khác khung cảnh của phòng vẽ này. 

Trước khi quyết định đi theo nghề xăm chuyên nghiệp, anh thợ xăm Tuệ từng là thầy giáo của những học sinh cấp 1. Dù không còn đứng trên bục giảng, chàng giáo viên trẻ năm ấy vẫn nhớ như in quãng thời gian vất vả dạy hợp đồng. Anh nhớ những đứa trẻ, nhớ cả những tất bật mưu sinh trước khi quyết định từ bỏ nghề giáo.

Bỏ nghề làm thợ xăm

Tốt nghiệp CĐ Sư phạm Mỹ thuật Quảng Bình từ năm 2008, sau khi ra trường, Nguyễn Quang Tuệ (31 tuổi, trú tại Lệ Thủy, Quảng Bình) đi dạy hợp đồng các trường trong tỉnh 6 năm. Lương hợp đồng thấp, suốt quãng thời gian ấy anh phải rất tiết kiệm mới đủ tiền chi tiêu cá nhân, xăng xe đi lại. Khoảng thời gian học sinh nghỉ hè, Tuệ phải đi làm thêm thợ xăm hình và chụp ảnh vì không có lương.

Trong 6 năm dạy hợp đồng, sau khi hoàn thành công việc dạy học ở trường, anh lại vội vã lên xe buýt để kịp về Đồng Hới xăm hình cho khách.

tue2

  Có sẵn năng khiếu vẽ, thầy Tuệ tự mày mò học hỏi và thành thợ xăm chuyên nghiệp. Ảnh: (NVCC)

Tháng 3/2014, Tuệ thi đậu vào biên chế và làm việc tại trường Tiểu học Thanh Thủy (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Sau khi vào biên chế, cuộc sống của người giáo viên trẻ ổn định hơn khi không còn phải đi xa, tìm trường dạy hợp đồng.

Những tưởng anh có thể chuyên tâm theo đuổi nghiệp gõ đầu trẻ từ đây nhưng rồi chỉ sau 4 năm, anh nộp đơn xin ra khỏi ngành. Lý do: lương thực lĩnh chưa tới 4 triệu đồng mỗi tháng, thầy không thể lo toan chu đáo cho cuộc sống. 

Đam mê mỹ thuật từ nhỏ, có sẵn năng khiếu vẽ, Tuệ tự mày mò học xăm hình trong thời gian làm giáo viên. Dù tâm sự vẫn đầy tâm huyết với nghề giáo và những đứa trẻ, nhưng anh chấp nhận chọn lối rẽ khác vì cuộc sống của bản thân và gia đình. Nghỉ dạy, thầy giáo trẻ quyết định gắn bó với nghề xăm nghệ thuật. 

Những ngày đầu chọn lối rẽ mới, anh gặp phải nhiều phản đối từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp. Từ ngành nghề được xã hội cho là nghề “cao quý”, anh chuyển sang một nghề mới chưa thực sự được xã hội coi trọng.

“Mất một năm trăn trở tôi mới quyết định được chuyện nghỉ nghề giáo. Khi biết chuyện, gia đình nhất là bố mẹ tôi đã ngăn cản quyết liệt”.

tue3 3

Trong quá trình công tác, thầy Tuệ nhiều lần nhận được bằng khen và danh hiệu. (Ảnh: NVCC) 

Ông Nguyễn Hải Dương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Thủy, cho biết thầy Tuệ được nhiều đồng nghiệp quý mến trong quá trình công tác. Tuy rất tiếc khi có giáo viên phải bỏ nghề, người hiệu trưởng cảm thông với quyết định của thầy Tuệ khi gia cảnh thầy không hề khá giả.

Bố mẹ thầy Tuệ năm nay đã hơn 70 tuổi và đều phụ thuộc vào người con trai của mình.10 năm dạy học, thầy Tuệ hầu như không tích lũy được gì về vật chất.

Dạy kèm, bán mỹ phẩm online để trụ với nghề

Có khả năng về nghệ thuật, thầy Tuệ quyết đoán thay đổi con đường của mình. Nhưng nhiều người khác chỉ tìm thêm nghề tay trái để trụ lại với công việc dạy học.

Cách nơi thầy Tuệ sinh sống hơn 1.000 cây số là một trong rất nhiều trường hợp như thế ngay tại một ngôi trường tại trung tâm TP.HCM.

Cô Nguyễn Thị Hiền (27 tuổi, quê Vũng Tàu) đang là giáo viên dạy Văn tại 1 trường cấp 3 ở quận 1.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. HCM cách đây 5 năm, cô Hiền mất 1 năm chạy đôn đáo để có hộ khẩu thành phố rồi mới thi đậu viên chức. Ngữ văn không phải là môn phụ nhưng cô Hiền cũng không có học trò học thêm. Cô chọn dạy kèm học sinh cấp 1 và bán mỹ phẩm online để có thêm thu nhập.

Nhiều đồng nghiệp của cô Hiền cũng đều đang làm thêm để lo toan cuộc sống. “Phố biến nhất là gia sư, buôn bán nhỏ và vài năm gần đây là bán hàng online”, cô Hiền kể.

"Mình may mắn hơn nhiều người vì được bạn bè, người thân ủng hộ. Một vài giáo viên tôi biết khi buôn bán bên ngoài đã gặp phải lời đàm tiếu, chê bai” - cô nói thêm.

Không dư giả về tiền bạc nhưng công việc giúp cô tìm được một nửa của mình. Chồng cô Hiền cũng làm trong ngành. Dạy môn phụ, chồng cô kiêm luôn làm giám thị để có đồng ra đồng vào.

Đều là dân tỉnh, vợ chồng cô Hiền phải thuê nhà hết 4 triệu/tháng, bằng phân nửa tổng lương chính của 2 người. Vợ chồng cô vẫn chưa định có con vì nghĩ “nhà thêm em bé thì còn khổ tới mức nào.”

Dù là viên chức, mùa hè lại là khoảng thời gian không vui vẻ gì với cô Hiền như những giáo viên hợp đồng khi gia đình cô chỉ có lương cơ bản của nhà nước. Không có tiền ăn trưa, không có thu nhập dạy vượt tiết, không có học sinh dạy kèm.

Điểm chuẩn ngang nhau nhưng lương bằng một nửa

Có cùng điểm thi Đại học, nhiều bạn bè của cô Hiền giờ đã có mức lương gấp đôi, gấp ba hoặc thậm chí cao hơn nhiều con số vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng mỗi tháng của cô.

Theo báo cáo tiền lương năm 2018 của công ty nhân sự First Alliances, kế toán 2-4 năm kinh nghiệm hoặc chuyên viên thương hiệu sau 1-3 năm làm việc sẽ nhận mức lương từ 10.000.000 đồng/tháng. Chuyên viên tuyển dụng và chuyên viên quan hệ khách hàng của công ty quảng cáo đạt 1-3 năm tuổi nghề sẽ có mức thu nhập từ 8.000.000 đồng/tháng. Các con số trên được khảo sát tại các doanh nghiệp ở TP.HCM.

giaovien 4

 

 Nếu kiên trì bám nghề, cô Hiền phải công tác đủ 24 năm để có thu nhập mỗi tháng tương đương con số 10.000.000 đồng của nhân viên kế toán 2-4 năm kinh nghiệm. Giả định này dựa trên mức lương cơ sở 1.390.000 đồng hiện nay.

Dù có thu nhập thấp hơn so với những ngành nghề kể trên nhưng điểm chuẩn đầu vào của ngành sư phạm không thua kém nhiều so với khối ngành kinh tế. Cụ thể, điểm chuẩn của ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2018 dao động từ 17.5 đến 22.8 trong khi điểm chuẩn của ĐH Sư phạm TP.HCM thấp nhất là 17 điểm và cao nhất là 22.55 điểm.

Chưa lo đủ sống thì khó chú tâm công việc

Với 6 năm kinh nghiệm quản lý, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP.HCM), nhận định thu nhập của giáo viên so với các ngành nghề được ngân sách trả lương không phải là thấp vì được hưởng phụ cấp đứng lớp.

"Phải thẳng thắn thừa nhận giáo viên trẻ mới ra trường, lương hơn 4 triệu/tháng thì không thể nào sống được ở thành phố khi nếu phải thuê trọ và xoay sở nhiều vấn đề khác.”, thầy Phú nhấn mạnh.

Trong quá trình làm quản lý, thầy tâm sự đã từng chứng kiến có trường hợp giáo viên chấp nhận xin ra khỏi ngành để làm kinh doanh. Ngay tại ngôi trường thầy đang công tác, nhiều giáo viên đang bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Với thầy, đây là câu chuyện tất yếu trong bối cảnh đồng lương không đủ để giáo viên lo cho gia đình, con cái.

“Thấy anh chị em có cuộc sống chật vật, là người quản lý, tất nhiên tôi cũng thấy xót. Khi đồng lương không đủ trang trải cho gia đình, con cái, khi cái ăn, cái mặc còn chưa lo được thì làm sao chú tâm vào công việc được.”, thầy Phú khẳng định.

Cũng theo thầy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu có thể nên giảm số tiết đứng lớp mỗi tuần của giáo viên THPT từ 17 xuống còn 12 tiết để giáo viên có thêm thời gian trau dồi chuyên môn của mình và đồng thời giảm bớt áp lực công việc. “Đây cũng là một hình thức tăng lương cho giáo viên.”, thầy nói thêm.

Công việc của thầy Tuệ hiện nay là xăm hình cho khách và đào tạo những thợ xăm mới vào nghề. Công việc dần vào ổn định, tiệm xăm hình của thầy giáo trẻ năm nào ngày càng đông khách và học viên tới học nghề.

“Thu nhập của tôi hiện nay tốt hơn trước nhiều. Hiện tôi có giảng dạy những nhân viên mới, không phải những em nhỏ nữa”, thầy Tuệ cười.

Càng gần ngày nhà giáo Việt Nam, thầy Tuệ càng nhớ thêm về nghề cũ và những người học trò của mình. Sau 10 năm, lần đầu tiên thầy Tuệ không còn là nhân vật chính trong ngày 20/11.

Nhưng thầy Tuệ không có ý định quay lại nghề.

“Đó là khoảng thời gian khó quên, nhưng cũng khó khăn. Nếu hiện tại không còn là thợ xăm hình, tôi cũng sẽ không quay lại nghề giáo nữa".

>>> Đọc thêm: Nữ thủ khoa xinh đẹp ĐH Sư phạm Hà Nội: 'Nghề giáo không bao giờ rớt giá’

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn