Người thầy 'độc nhất vô nhị' của những nhà leo núi Olympia

Giáo dụcThứ Hai, 15/02/2016 06:56:00 +07:00

Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch luôn là một người thầy "độc nhất vô nhị" của những nhà leo núi Đường lên đỉnh Olympia.

(VTC News) - Thầy giáo Nguyễn Đức Thạch luôn là một người thầy "độc nhất vô nhị" của những nhà leo núi Đường lên đỉnh Olympia.

Thầy Nguyễn Đức Thạch tâm sự: “ Mùng Một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy”  vì vậy việc chúc Tết, gặp gỡ người thân, bạn bè với tôi là quan trọng nhất".

Năm nào, thầy Thạch cũng dành trọn ngày mùng ba ở "Thạch Gia Trang" cho học trò, sau hai ngày dành cho bố mẹ và gia đình.

Những ngày này, học trò tới vui chơi, những học sinh cũ có thể nhóm họp với nhau, mượn thầy mấy quyển “Nhật ký lớp” để xin một vé “về tuổi thơ” với những vui buồn của một thời nông nổi.

Những cuộc vui nhẹ nhàng như vậy đã tiếp thêm nguồn năng lượng tinh thần cho mỗi người bước vào năm mới.

Đối với thầy Thạch, dịp Tết thường được chuẩn bị một cách đơn giản, nhẹ nhàng với tinh thần "vui vẻ, ấm cúng là điều quan trọng nhất".
Thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên của nhiều học sinh đã từng đi thi Đường lên đỉnh Olympia và đi du học
Thầy Nguyễn Đức Thạch - giáo viên của nhiều học sinh đã từng đi thi Đường lên đỉnh Olympia và đi du học  

- Cái tên “Thạch Lão Gia” nghe rất đặc biệt. Vậy cái tên này bắt nguồn từ đâu, thưa thầy?

Thực ra cái tên này cũng không có gì đặc biệt. Đặt tên cho “tư dinh” của mình là Thạch Gia Trang để có một chút “khí vị cổ điển” thì tôi trở thành Thạch lão gia thôi.

- 15 năm liền gắn bó với các thí sinh dự thi “Đường lên đỉnh Olympia” chắc hẳn thầy cũng có nhiều kỷ niệm để nhớ?

Kỷ niệm đáng nhớ bao giờ cũng nằm ở hai cực và có lẽ sự thất bại sẽ ám ảnh nhiều hơn.

Năm Olympia thứ 11, tôi có ba học trò Ninh Thuận tham gia trong đó 2 em Lâm Phạm Thanh Tùng (học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi) và Lê Bảo Lộc (học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) ghi hình cùng một đợt nhưng khác quý.

Tùng là học sinh có khả năng nghe – nói tiếng Anh thuộc hàng “đỉnh”, thầy trò rất yên tâm khi cậu ấy đặt ngôi sao hy vọng ở câu hỏi tiếng Anh cuối cùng trong gói 60 điểm. Vừa nghe xong câu hỏi là cậu ấy trả lời ngay (và đấy là câu trả lời chính xác), mọi người vỗ tay rào rào cho một chiến thắng thuyết phục.

Tuy nhiên, ở 2 giây cuối cùng, cậu ấy lại thay đổi câu trả lời (vì nghĩ rằng câu hỏi có vẻ gài bẫy). Đấy là một câu hỏi khá khó, các thí sinh còn lại không đủ khả năng nghe, hiểu để cướp điểm nhưng Tùng đã tự bắn vào chân mình, đánh rơi chiến thắng và về chót trong cuộc đua.

Lúc ấy, toàn bộ cổ động viên nhà gần như “tụt huyết áp”, không thể tin nổi bàn thua ở phút 89 này. Tuy nhiên, thất bại của Tùng lại là một bài học lớn và tạo ra động lực mạnh mẽ cho Lộc. Đó là một trong những  yếu tố làm nên chiến thắng của “đồng môn Thạch Gia Trang” để lần đầu tiên cầu truyền hình về với Ninh Thuận.
Thạch Gia Trang - nơi thầy và trò cùng ôn luyện lên đỉnh Olympia.
Thạch Gia Trang - nơi thầy và trò cùng ôn luyện lên đỉnh Olympia. 

- Là một giáo viên dạy Văn nhưng nhiều học sinh cho biết thầy cũng rất giỏi Toán. Thầy giúp các học trò giải các bài toán của “Đường lên đỉnh Olympia” như thế nào?

Tôi cũng không giỏi toán. Hồi học phổ thông, điểm toán chỉ chừng 6 tới 7 phẩy thôi.

Thực tế là mấy câu Toán trong chương trình Olympia không quá khó, cái khó nằm ở áp lực thời gian. Vì vậy, thầy trò cùng dạy và học lẫn nhau.

Tôi giúp các em có tư duy tổng quát để “đọc” bài toán, không bị “ngợp” khi gặp dạng toán lạ. Sau trận đấu hàng tuần trên ti vi, thầy trò sẽ cùng ngồi lại để tìm ra cách giải nhanh nhất.

Các em có công cụ toán học mạnh hơn thầy nhiều, lại có kỹ năng sử dụng máy tính tốt. Tuy nhiên, nếu cứ giải theo kiểu “chính quy”, lập hệ phương trình rồi nhờ máy xử lý thì nhiều khi rất dễ bối rối, khó kiểm soát sai sót.

Nếu biết suy luận logic thì chỉ cần mấy phép tính số học đơn giản là có ngay đáp số chính xác rồi. Rèn luyện nhiều, các em sẽ dễ dàng tìm ra giải pháp thích hợp để giải quyết vấn đề một cách hiệu quả. Điều này không chỉ áp dụng với riêng môn toán.
Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng học trò
Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng học trò 

- Là một giáo viên dạy văn, thầy có bí quyết gì để giúp học sinh không cảm thấy mệt mỏi với môn học này?

Tâm lý chung của con người là “chơi” sẽ thoải mái hơn “học”. Tôi luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ, cởi mở cho các em dễ tương tác. Có khi, chỉ cần vài “trò chơi” nhẹ nhàng cũng giúp các em cảm nhận cái thú vị của ngôn ngữ hơn là những lời giảng kiểu hàn lâm.

 Phải làm sao để các em thấy “văn” và “đời” thật sự gần gũi với nhau bởi nếu không, các em sẽ cho rằng môn văn trong nhà trường là sự áp đặt, là môn “học bài” một cách máy móc.

Khi nào có vấn đề gì “hot” trên báo chí, tôi sẽ vào bài cho các em từ những thông tin ấy, thậm chí, đảo chương trình để dạy một bài phù hợp.

Bên cạnh đó, tôi rất thẳng tay khi xử lý những bài “chép văn”,  luôn yêu cầu các em phải viết bằng lời của mình, thể hiện đúng những gì em suy nghĩ chứ không được  vay mượn kiểu cóp nhặt.


- Người ta vẫn bảo, học văn là học làm người. Vậy đã có học sinh ngỗ nghịch nào nhờ môn Văn của thầy mà thay đổi cuộc sống?

Khi nhận một lớp mới, câu đầu tiên tôi hỏi các em là “học văn để làm gì?”. Khi nào có em trả lời được “học để làm người” thì tôi bắt đầu phân tích cho ccác em ý nghĩa của môn văn đối với cuộc sống.

Muốn “làm người” trước hết các em phải có khả năng hiểu được điều người ta nói và nói cho người ta hiểu được ý nghĩ của mình, tức là khả năng tiếp nhận và tạo lập văn bản. Sau đó, việc “đọc” mới giúp các em cảm nhận được những  giá trị nhân văn sâu sắc trong các tác phẩm.

Chức năng  giáo dục của văn học được thực hiện qua quá trình  tự giáo dục của mỗi người khi đọc tác phẩm. Vì vậy, rất khó để khẳng định rằng các em “ngoan” hơn là nhờ môn văn hay cụ thể hơn là nhờ những tác phẩm cụ thể nào đó.

Tất cả các giáo viên, dù daỵ môn nào cũng đều có thể giúp các em “ngoan” hơn trong quá trình dạy học của mình. Làm cho các em yêu thích môn học,  các em sẽ tin yêu và biết nghe lời thầy cô đang trực tiếp dạy mình hơn.

Phần mình, tôi cũng có giúp một vài học trò thay đổi được bản thân theo hướng tích cực. Một trong số đó hiện đang là phóng viên của một tờ báo lớn tại TP.HCM.

Thời học phổ thông, em đó có cả tiền án lẫn tiền sự, luôn có tên trong “sổ đen” của nhà trường. Một lần tới thăm nhà em, thấy con dao tông của Mỹ lót dưới chiếu, tôi bảo: “ Đ à,  (Đ là viết tắt cái tên của em) dao có mài mới sắc. Dao của mày rỉ sét rồi, vứt nó đi!”. Sau ít hôm, em tới nhà tôi xin học thêm, tôi lại bảo: “mày muốn học thêm thì mang tới đây một chậu cảnh, cây gì cũng được”.


Em làm theo yêu cầu của tôi và chính thức “mắc nợ” thầy một suất ở giảng đường đại học, vì ở nhà tôi chỉ những học sinh đậu đại học mới được quyền đặt một châu cây làm kỷ niệm. Từ chỗ bị “mắc nợ” em đã “trả nợ”  thành công, trở thành người tử tế.
Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng lá cờ tổ quốc lên đỉnh Phanxipan.
Thầy Nguyễn Đức Thạch cùng lá cờ tổ quốc lên đỉnh Phanxipan.  

- Ngoài  công việc của một giáo viên, thầy cũng là người đam mê phượt?

Mỗi năm, tôi dành hẳn một tháng hè để cùng con chiến mã Future rong ruổi. Sau 7 mùa phượt, tôi chỉ mới đi được 7 tỉnh biên giới phía Bắc và 3 tỉnh Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình thôi.

Các tỉnh thành khác chủ yếu là mới dạo qua. Tuy vậy, các điểm nằm trong bộ sưu tập “4 cực, 1 đỉnh, 2 ngã ba biên giới” mà dân phượt luôn hướng tới thì tôi chỉ thiếu một ngã ba biên giới Bờ Y và để dành cực Nam cho tương lai.

Hạnh phúc lớn nhất của tôi và 3 học trò “đồng phượt” là lúc chinh phục được “điểm cực Bắc thực sự” nằm dưới dòng sông Nho Quế, cách cột cờ Lũng Cú 3,3 km và cách mốc 428 huyền thoại 2,2 km đường chim bay vào ngày 19/07/2013.

Chúng tôi là nhóm phượt đầu tiên đặt chân đến chỗ này. Sau chúng tôi 2 năm, một nhóm phượt của 2 nhà báo và bạn đồng hành cũng đã được bộ đội biên phòng Lũng Cú tạo điều kiện đặt chân tới điểm cực vào tháng 3/ 2015.


- Phượt dường như chỉ thích hợp với các bạn trẻ, có sức khỏe. Vậy trong quá trình đi phượt, thầy có gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của sức khỏe hay không?

Rất may là tôi cũng được trời thương ban cho sự dẻo dai và sức đề kháng tốt, dù đã U 50.  Suốt 7 mùa phượt, tôi chưa hề phải uống một viên thuốc cảm nào, dù là lúc trèo non lội suối cả 20 km hay chạy xe máy gần 500 km trong ngày.

Riêng chuyện leo núi thì tôi chấp nhận thua người dân miền núi và bộ đội biên phòng thôi, các bạn phượt tuổi 20 nhiều lúc còn được tôi mang đồ giúp đấy.

- Phượt đem đến cho thầy những trải nghiệm như thế nào?

Trước hết, nó giúp tôi kiểm chứng lại những kiến thức sách vở. Đôi khi, tôi tìm đến một nơi không mấy ai để ý chỉ vì một câu thơ nào đó mà mình từng đọc. Sau mỗi chuyến đi, sự hiểu biết tăng lên thì nhu cầu khám phá lại có dịp phát sinh, tôi càng “nghiện phượt” hơn.

Quan điểm của tôi trước mỗi chuyến phượt là “làm sạch” đầu óc, không mặc định điều gì. Có vậy, ta mới dễ  thấy cái hay của mỗi nơi mình đến và cũng không bất ngờ nếu gặp điều không vừa ý. Trải lòng mình để hiểu lòng người, chúng ta sẽ được nhiều thứ hơn. Sự tình cờ bao giờ cũng chứa đựng những điều thú vị.
Chiếc biển số xe máy 2011 đã cùng thầy đi phượt khắp đất nước Việt Nam.
Chiếc biển số xe máy 2011 đã cùng thầy đi phượt khắp đất nước Việt Nam. 

- Trong dịp Tết nguyên đán, thầy ăn Tết cùng gia đình hay đi phượt ở các vùng đất nước?

Tất nhiên là ăn Tết cùng gia đình rồi! Vì Tết là mùa đoàn tụ mà. Tôi và bố mẹ luôn đón chờ các em cùng dâu, rể và các cháu về chơi.

- Dự định của thầy trong năm mới như thế nào?

Giáo viên có lẽ cũng giống nông dân ở chu kỳ mùa vụ. Mọi dự định của tôi cũng theo cái guồng quen thuộc thôi.

Sau 15 năm cùng chơi “Đường lên đỉnh Olympia” với học trò, tôi đã có gần đủ bộ sưu tập các đỉnh núi với rất nhiều cảm xúc, chỉ còn một “đỉnh cao cuối cùng” là  chưa có dịp chạm tới. Thầy trò chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để hoàn tất bộ sưu tập ấy.


Phạm Thịnh


Bình luận
vtcnews.vn